Giải Tiếng Việt lớp 4 VNEN Bài 22C: Từ ngữ về cái đẹp
Giải Tiếng việt lớp 4 VNEN: Bài 22C: Từ ngữ về cái đẹp có lời giải và đáp án đầy đủ các phần Sách VNEN Tiếng việt 4 tập 2 trang 47 giúp các em học sinh ôn tập toàn bộ nội dung chương trình Tiếng việt lớp 4. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.
Bài 22C: Từ ngữ về cái đẹp
A. Hoạt động cơ bản Bài 22C Tiếng việt lớp 4 VNEN
Câu 1. Quan sát các tấm ảnh dưới đây. Nói về vẻ đẹp của mỗi sự vật
Đáp án:
Ví dụ mẫu:
- Những bông hoa sen hồng đẹp tinh khiết
- Chú mèo có bộ lông vàng óng ánh thật dễ thương
- Đôi thiên nga có bộ lông trắng tinh đang múa lượn trên mặt nước
- Mặt trời như hòn lửa từ từ khuất sau ngọn núi
- Dòng thác như dải lụa trắng đổ từ trên cao xuống
Câu 2. Xếp vào ô thích hợp trong bảng dưới đây các từ thể hiện vẻ đẹp của người, con vật và cảnh vật. Viết kết quả vào vở hoặc Phiếu học tập.
a) Các từ thể hiện vẻ đẹp của con người | M: đẹp, xinh xắn, tươi tắn... |
a) Các từ thể hiện vẻ đẹp của con vật | M: đẹp, xinh xắn... |
a) Các từ thể hiện vẻ đẹp của cảnh vật | M: đẹp, tươi đẹp, huy hoàng... |
Đáp án:
a) Các từ thể hiện vẻ đẹp của con người | xinh đẹp, đẹp, xinh xắn, xinh tươi, diễm lệ, rực rỡ, lộng lẫy |
a) Các từ thể hiện vẻ đẹp của con vật | đẹp, xinh xắn, rực rỡ |
a) Các từ thể hiện vẻ đẹp của cảnh vật | đẹp, tươi đẹp, huy hoàng, xinh đẹp, hùng vĩ, lộng lẫy, diễm lệ, xinh xắn, kỳ vĩ, rực rỡ, tráng lệ |
Câu 3. Đặt câu với một từ tìm được ở hoạt động 2
Đáp án
- Bạn Hoa có chiếc cặp hình búp bê rất đẹp
- Huyền là cô bé có dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn
- Chiếc váy công chúa đính kim tuyến đẹp lộng lẫy
Câu 4. Điền thành ngữ thích hợp vào chỗ chấm để hoàn thành các câu sau:
- ....., Huệ mỉm cười chào mọi người
- Ai cũng khen chị Ba ..........
- Viết cẩu thả thì chắc chắn ..…
Đáp án
- Mặt tươi như hoa, Huệ mỉm cười chào mọi người
- Ai cũng khen chị Ba đẹp người đẹp nết
- Viết cẩu thả thì chắc chắn chữ xấu như gà bới
B. Hoạt động thực hành Bài 22C Tiếng việt lớp 4 VNEN
Câu 1. Nhận xét về cách tả các bộ phận của cây.
Dưới đây là hai đoạn văn tả lá, thân và gốc một số loài cây. Theo em, cách tả của tác giả trong mỗi đoạn có gì đáng chú ý?
a) Tả lá cây:
Lá bàng
Có những cây mùa nào cũng đẹp như cây bàng. Mùa xuân, lá bàng mới nảy trong như những ngọn lửa xanh. Sang hè, lá lên thật dày, ánh sáng xuyên qua chỉ còn là màu ngọc bích. Khi lá bàng ngả sang màu lục, ấy là mùa thu. Sang đến những ngày cuối đông, mùa của lá rụng, nó lại có vẻ đẹp riêng. Những lá bàng mùa đông đỏ như đồng ấy, tôi có thể nhìn cả ngày không chán. Năm nào tôi cũng chọn lấy mấy lá thật đẹp về phủ một lớp dầu mỏng, bày lên bàn viết. Bạn có biết nó gợi lên chất liệu gì không? Chất sơn mài.
(Đoàn Giỏi)
- Tác giả tả sự thay đổi màu sắc hay kích cỡ của lá bàng?
- Tác giả tả sự thay đổi của lá bàng theo trình tự nào (từng năm hay từng mùa trong năm)?
Viết vào vở nhận xét của em: Điều đáng chú ý trong cách tả lá bàng của nhà văn Đoàn Giỏi: …
b) Tả thân cây và gốc cây:
Cây sồi già
Bên vệ đường, sừng sững một cây sồi. Đó là một cây sồi lớn, hai người ôm không xuể, có những cành có lẽ đã gãy từ lâu, vỏ cây nứt nẻ đầy vết sẹo. Với những cánh tay to xù xì không cân đối, với những ngón tay quều quào xòe rộng, nó như một con quái vật già nua cau có và khinh khỉnh đứng giữa đám bạch dương tươi cười.
Bấy giờ đã đầu tháng sáu. Mới sau có một tháng, cây sồi già đã thay đổi hẳn, tỏa rộng thành vòm lá xum xuê xanh tốt thẫm màu, đang say sưa ngây ngất, khẽ đung đưa trong nắng chiều. Không còn thấy những ngón tay co quắp, những vết sẹo và vẻ ngờ vực, buồn rầu trước kia. Xuyên qua lớp vỏ cứng già hàng thế kỉ, những khóm lá non xanh tươi đã đâm thẳng ra ngoài. Thật khó lòng tin được chính cây sồi già cằn cỗi kia đã sinh ra chùm lá non xanh mơn mởn ấy.
(Theo Lép Tôn-xtôi)
- Tác giả tả sự thay đổi của cây sồi theo trình tự nào (từng năm hay từng mùa trong năm)?
- Hình ảnh so sánh, nhân hóa nào được sử dụng làm cho hình ảnh cây sồi già hiện lên rất sinh động.
- Viết vào vở nhận xét của em: Điều đáng chú ý trong cách tả cây sồi của Lép Tôn-xtôi: …
Đáp án:
a)
- Tác giả tả sự thay đổi màu sắc của lá bàng.
- Tác giả tả sự thay đổi của lá bàng theo trình tự từng mùa trong năm.
→ Điều đáng chú ý trong cách tả lá bàng của nhà văn Đoàn Giỏi: Tác giả đã tả chi tiết và sinh động sự thay đổi màu sắc của lá bàng theo 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.
b)
- Tác giả tả sự thay đổi của cây sồi theo trình tự từng mùa trong năm
- Hình ảnh so sánh, nhân hóa nào được sử dụng làm cho hình ảnh cây sồi già hiện lên sinh động là:
- Hình ảnh so sánh: nó như một con quái vật.
- Hình ảnh nhân hóa: những cánh tay to xù xì, những ngón tay quều quào, già nua cau có và khinh khỉnh, đang say sưa ngây ngất, không còn những ngón tay co quắp, những vết sẹo và vẻ ngờ vực, buồn rầu, cây sồi già cằn cỗi đã sinh ra chùm lá non.
→ Điều đáng chú ý trong cách tả cây sồi của Lép Tôn-xtôi: Tác giả tả cây sồi già thay đổi theo thời gian. Từ xấu xí, khinh khỉnh, cây sồi đã sinh ra chùm lá non mơn mởn trên chiếc thân già cằn cỗi. Với nghệ thuật so sánh và nhân hóa, tác giả cho ta chiêm ngưỡng được bước thời gian đã đi qua thân cây sồi già.
Câu 2. Viết một đoạn văn tả lá, thân hoặc gốc của cái cây mà em yêu thích.
Ví dụ mẫu:
Tả thân cây bàng
Cây bàng đại lão ở sân trường được trồng lúc nào em không biết. Em chỉ biết rằng, từ khi em bước vào lớp một, em đã thấy nó đứng sừng sững ở một góc sân trường. Là cây lâu năm, nên thân bàng khá to, vừa tay một bạn nhỏ ôm chặt. Vỏ thân cây có chỗ lồi lõm, đen mốc, sần sùi, có chỗ rạng nứt, li ti như váng của cháo gạo để khô, tưởng chừng đưa ngón tay vào là cạy được vỏ cây ra. Nhưng không, vỏ cây bàng có chỗ nứt nẻ như thế nhưng dính chắc như keo dán. Năm tháng qua đi, thân bàng nâng đỡ mấy tầng lá, như một chiếc ô khổng lồ che mát sân trường. Trên thân cây, cành bàng phân nhánh, ra lá xanh mướt màu thạch bích. Thân cây là cầu nối tiếp cho lá, hoa nhận được chất bổ của đất từ rễ cây để nuôi cây thêm lớn. Rồi chim muông bay đến. Chúng đậu trên cành hót véo von.
Tả thân cây mai
Thân cây mai không quá to, chỉ chừng cổ tay ở đoạn to nhất. Lên gần đến ngọn chỉ cỡ hai ngón tay. Ấy thế mà cây vẫn dẻo dai, vươn mình lên chống lại với cái rét, cái giá cuối đông đầu xuân để trổ biết bao nhiêu là chồi mới. Từng chồi mai nhỏ như giá đỗ, mập mạp, xanh xanh. Đáng yêu như trăm nghìn ngọn nến con đang diễn đồng ca trên thân mai. Rồi dăm ngày sau, theo cái gọi âu yếm của chị nắng xuân, chồi non bung mình thành những chiếc lá mới. Lá mai non nhỏ như một đốt ngón tay, màu hồng hồng xanh xanh. Mặt lá bóng bóng hắt lên từng quầng sáng nhạt như ô cửa kính vậy. Chờ chút nữa, lá to dần lên chừng ba ngón tay, chuyển màu xanh sẫm. Ấy là cây đã chuyển mình thành công để chào năm mới.
C. Hoạt động ứng dụng Bài 22C Tiếng việt lớp 4 VNEN
Quan sát loại hoa hoặc quả mà em yêu thích
Ví dụ:
Quan sát quả bưởi da xanh
- Quả bưởi da xanh có dạng hình tròn, to bằng chiếc mũ bảo hiểm.
- Vỏ quả bưởi giống như tên gọi của nó vậy, có màu xanh lá, da bưởi khá nhẵn mịn không giống như các loại bưởi khác.
- Bên trong lớp vỏ là lớp thịt quả bưởi, nó có màu trắng, được sử dụng để phơi khô làm thuốc hoặc để làm chè bưởi.
- Trong cùng là múi bưởi, một quả có nhiều múi gắn liền với nhau tạo thành một hình tròn.
- Mỗi múi bưởi gồm có vỏ của múi bưởi, tép bưởi và rất ít những hạt nhỏ li ti.
- Bưởi thơm, ăn rất ngọt và thanh mát....
>> Xem thêm Top 22 đoạn văn tả loài hoa hoặc một thứ quả
--------------------------------------------------------
Ngoài giải bài tập Tiếng Việt 4 VNEN bài 22C: Từ ngữ về cái đẹp, VnDoc còn giúp các bạn Giải vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 và bài tập SGK Tiếng việt 4 tương ứng. Các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm đề thi học kì 1 lớp 4 và đề thi học kì 2 lớp 4 các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Khoa, Sử, Địa theo chuẩn thông tư 22 của bộ Giáo Dục. Những đề thi này được VnDoc.com sưu tầm và chọn lọc từ các trường tiểu học trên cả nước nhằm mang lại cho học sinh lớp 4 những đề ôn thi học kì chất lượng nhất. Mời các em cùng quý phụ huynh tải miễn phí đề thi về và ôn luyện.