Giải Tiếng việt lớp 4 VNEN Bài 15B: Con tìm về với mẹ

Giải Tiếng việt lớp 4 VNEN: Bài 15B: Con tìm về với mẹ có lời giải và đáp án đầy đủ các phần Sách VNEN Tiếng việt 4 trang 163 giúp các em học sinh ôn tập toàn bộ nội dung chương trình học Tiếng việt lớp 4. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.

A. Hoạt động cơ bản Bài 15B Tiếng việt lớp 4 VNEN

Câu 1. Quan sát và nói về nội dung bức tranh sau:

Bài 15B: Con tìm về với mẹ

Đáp án và hướng dẫn giải:
Bức tranh vẽ về một em bé đang ngồi trong lòng mẹ. Có vẻ như em và mẹ đang nói về ước muốn tương lai của em bé là được trở thành một chàng trai trẻ cưỡi trên lưng ngựa để đi khắp nơi từ đồng bằng đến miền núi để tận hưởng và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất nước.

Câu 2. Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài:

Tuổi Ngựa

(Trích)

- Mẹ ơi, con tuổi gì?
- Tuổi con là tuổi Ngựa
Ngựa không yên một chỗ
Tuổi con là tuổi đi...

- Mẹ ơi, con sẽ phi
Qua bao nhiêu ngọn gió
Gió xanh miền trung du
Gió hồng vùng đất đỏ
Gió đen hút đại ngàn
Mấp mô triền núi đá...
Con mang về cho mẹ
Ngọn gió của trăm miền...


Ngựa con sẽ đi khắp
Trên những cánh đồng hoa
Lóa màu trắng hoa mơ
Trang giấy nguyên chưa viết
Con làm sao ôm hết
Mùi hoa huệ ngạt ngào
Gió và nắng xôn xao
Khắp đồng hoa cúc dại.

Tuổi con là tuổi Ngựa
Nhưng mẹ ơi, đừng buồn
Dẫu cách núi cách rừng
Dẫu cách sông cách biển
Con tìm về với mẹ
Ngựa con vẫn nhớ đường.

(Xuân Quỳnh)

Câu 3. Giải nghĩa:

- Tuổi Ngựa: sinh năm Ngựa (năm Ngọ, theo âm lịch)

- Đại ngàn: rừng lớn, có nhiều cây to lâu đời.

Câu 4. Cùng luyện đọc.

Câu 5. Thảo luận, trả lời câu hỏi:

1) Bạn nhỏ tuổi gì? Mẹ bảo tuổi ấy tính nết thế nào?

2) “Ngựa con" theo ngọn gió rong chơi những đâu?

3) Điều gì hấp dẫn “ngựa con” trên những cánh đồng hoa?

4) Trong khổ thơ cuối, “ngựa con” đã nhắn nhủ mẹ điều gì?

Đáp án và hướng dẫn giải:

1) Bạn nhỏ tuổi con ngựa. Mẹ bảo tuổi con ngựa có tính không chịu ngồi yên một chỗ mà chỉ thích đi.

2) "Ngựa con" theo ngọn gió rong chơi ở: miền trung du, vùng đất đỏ, triền núi đá mấp mô...

3) Điều hấp dẫn "ngựa con" trên những cánh đồng hoa là: lóa màu trắng hoa mơ, mùi hoa huệ ngào ngạt, gió và nắng xôn xao của đồng hoa cúc dại.

4) Trong khổ thơ cuối "ngựa con" đã nhắn nhủ mẹ: Mẹ ơi đừng buồn, dù con có đi đâu thì con vẫn sẽ luôn luôn nhớ đường tìm về với mẹ.

Câu 6.

Hai bạn lần lượt đọc 4 khổ thơ (nhiều lượt) để học thuộc lòng bài thơ.

B. Hoạt động thực hành Bài 15B Tiếng việt lớp 4 VNEN

Câu 1. Chuẩn bị kể chuyện đã nghe, đã đọc

Quan sát các bức tranh sau và trả lời câu hỏi:

Bài 15B Tiếng việt lớp 4 VNEN

a) Mỗi bức tranh gợi cho bạn nhớ đến những câu chuyện nào?

b) Bạn đã đọc truyện nào trong các truyện trên? Bạn còn đọc truyện nào ngoài các truyện trên?

Đáp án và hướng dẫn giải:

a) Mỗi bức tranh gợi nhớ đến những câu chuyện:

  • Tranh 1: Chú lính chì dũng cảm
  • Tranh 2: Chú Đất Nung;
  • Tranh 3: Dế Mèn phiêu lưu kí;
  • Tranh 4: Tôm càng và Cá con;
  • Tranh 5: Võ sĩ Bọ Ngựa;
  • Tranh 6: Búp bê của ai?

b) Tất cả những câu truyện trên, em đều đã được đọc và được nghe. Ngoài ra, em còn đọc thêm một số chuyện khác như truyện Tấm Cám, truyện Cây tre trăm đốt, truyện Sọ Dừa, chuyện Thạch Sanh....

Câu 2. Luyện tập kể chuyện đã nghe, đã đọc.

Mỗi bạn lần lượt kể một câu chuyện mà mình đã đọc hoặc đã nghe có nhân vật là đồ chơi của trẻ em hay con vật gần gũi với trẻ em. Nêu ý nghĩa câu chuyện?

Đáp án và hướng dẫn giải:

Kể chuyện:

Búp bê của ai?

Nga là cô bé ham chơi và chóng chán. Dạo hè, Nga đòi bằng được mẹ mua cho một con búp bê khá đẹp. Nhưng chơi được ít lâu Nga đã bỏ mặc búp bê trên nóc tủ cùng với các đồ chơi khác cho bụi bám.

Trời trở rét, búp bê chỉ có độc nhất một chiếc quần lót. Bộ váy của búp bê đã bị Nga nghịch lột ra, vứt đi đâu không rõ. Một đêm, lạnh quá, búp bê khóc thút thít. Chị Lật Đật tròn xoay đang ngủ, tỉnh dậy hỏi:

- Sao em khóc?

- Em không có áo quần. Em rét lắm. Còn chị, may mà mũ áo gắn liền với người nên chị Nga không tháo ra được.

- Cô ấy tệ thật - Chị Lật Đật chép miệng - Cô ta bắt bọn mình làm trò vui, nhưng chẳng bao giờ chú ý tới chúng mình.

Búp bê nức nở:

- Em không muốn sống với chị ấy nữa. Em đi đây.

Nói đoạn, búp bê tụt xuống khỏi tủ, tìm cách leo lên tường, chui qua lỗ thông hơi trên cửa ra vào, nhảy ra phố. Chị Lật Đật gọi lại thế nào cũng không được. Chị gọi Nga. Nhưng Nga vẫn ngủ vùi trong chăn. Chị Lật tiếc rằng mình tròn xoay, không có chân. Nếu có, chị cũng sẽ bỏ đi nốt.

Sáng hôm sau, bảy giờ hơn, Nga mới thức dậy. Nhìn về phía tủ thấy trống trơn. Nga kêu rầm lên: “Ai lấy búp bê của con rồi?” Mẹ bảo Nga hãy chịu khó tìm búp bê ở góc tủ, trong gầm giường. Nga miễn cưỡng làm theo. Nhưng còn tìm đâu ra búp bê nữa!

Đêm hôm trước, thoát được ra ngoài búp bê sung sướng quá, chạy một mạch sang phố bên. Nhưng đêm tối, trời lạnh, không thể đi tiếp được, búp bê phải tìm đến một gốc cây to, chui vào đống lá khô ai đã quét vun lại để trốn rét. Sáng hôm sau, có một cô bé đi ngang qua nom thấy búp bê trong đống lá, reo lên:

- Ôi con búp bê xinh quá, ai vứt đi thế này, hoài của.

Hỏi mấy nhà xung quanh không có ai nhận, cô bé ôm búp bê về, lau rửa cẩn thận. Cô bảo:

- Búp bê sao không có áo? Tội nghiệp, chị sẽ may váy áo cho em.

Thế rồi, ngay tối đó, cô bé hí hoáy cắt may cho búp bê một bộ váy áo rất đẹp. Rồi cô ôm cả búp bê đi ngủ. Trong vòng tay âu yếm của cô, dưới chăn len ấm áp, búp bê vô cùng sung sướng. Nó thỏ thẻ bên tai cô bé đang mơ màng trong giấc ngủ:

- Chị ơi. Em muốn ở với chị suốt đời.

→ Nội dung của câu chuyện là: Tâm trạng của búp bê khi bị cô chủ bỏ rơi và sự vui sướng của búp bê khi được cô chủ mới nâng niu, quí trọng.

Câu 4. Nhận xét về cấu tạo bài văn miêu tả Chiếc xe đạp của chú Tư

a) Em đọc văn bản sau:

Chiếc xe đạp của chú tư

Trong làng tôi, hầu như ai cũng biết chú Tư Chia, không chỉ vì chú là chủ trại xuồng, mà còn vì chiếc xe đạp của chú.

Ở xóm vườn, có một chiếc xe đã là trội hơn người khác rồi, chiếc xe của chú lại là chiếc xe đẹp nhất, không có chiếc xe nào sánh bằng. Xe màu vàng, hai cái vành láng bóng, khi chú ngừng đạp, chiếc xe cứ ro ro thật êm tai. Ngay giữa tay cầm, chú gắn hai con bướm bằng thiếc với hai cánh vàng lấm tấm đỏ. Có khi chú cắm cả một cành hoa. Bao giờ dừng xe, chú cũng rút cái giẻ dưới yên lên, lau, phủi sạch sẽ rồi mới bước vào nhà, vào tiệm.

Chú âu yếm gọi chiếc xe của mình là con ngựa sắt.

- Coi thì coi, đừng đụng vào con ngựa sắt của ta nghe bây.

Ấy là chú dặn sắp nhỏ đứng vây quanh chiếc xe của chú.

- Ngựa chú biết hí không chú?

- Nghe ngựa hí chưa? Chú đưa tay bóp cái chuông kính coong:

- Nó đá được không chú?

Chú đưa chân đá ngược ra sau.

- Nó đá đó.

Đám con nít cười rộ, còn chú thì hãnh diện với chiếc xe của mình.

theo Nguyễn Quang Sáng

b) Tìm phần mở bài, thân bài, kết bài và viết vào bảng nhóm:

  • Mở bài: từ .... đến ....
  • Thân bài: từ .... đến ....
  • Kết bài: từ .... đến ....

c) Trả lời các câu hỏi sau. Viết câu trả lời vào bảng nhóm

- Ở phần thân bài, chiếc xe đạp được tả theo trình tự như thế nào?

Trình tự tả

Chi tiết miêu tả

.....

.....

.....

.....

- Tác giả quan sát chiếc xe đạp bằng những giác quan nào?

Giác quan

Chi tiết miêu tả

.....

.....

......

.....

- Tìm lời kể chuyện xen lẫn lời miêu tả trong bài. lời kể nói lên điều gì về tình cảm của chú Tư với chiếc xe?

Đáp án và hướng dẫn giải:

b) Tìm phần mở bài, thân bài, kết bài và viết vào bảng nhóm:

  • Mở bài: từ đầu đến chiếc xe đạp của chú
  • Thân bài: từ ở xóm vườn đến Nó đá đó
  • Kết bài: từ Đám con nít cười rộ đến hết.

c) Trả lời câu hỏi:

- Ở phần thân bài, chiếc xe đạp được tả theo trình tự:

Trình tự tả

Chi tiết miêu tả

Tả bao quát

trội hơn người khác, đẹp nhất, không có xe nào sánh bằng

Đặc điểm nổi bật

màu vàng, hai vành láng bóng, kêu ro ro, gắn bướm giữa tay cầm, có khi cắm hoa

Nêu bật tình cảm của người tả

Lau phủi sạch sẽ, gọi âu yếm là ngựa sắt, sợ mọi người đụng đến

- Tác giả quan sát chiếc xe đạp bằng những giác quan:

Giác quan

Chi tiết miêu tả

mắt

màu vàng, vành láng bóng, hai con bướm cánh vàng lấm tấm đỏ.

tai

ro ro êm tai, hí “kính coong”.

- Lời kể chuyện xen lẫn lời miêu tả trong bài văn là: "Ngay giữa tay cầm, chú gắn hai con bướm bằng thiếc ... con ngựa sắt của tao nghe bây".

→ Câu văn này thể hiện sự yêu quý và hãnh diện của chú Tư đối với chiếc xe đạp.

Câu 5. Lập dàn ý cho bài văn tả chiếc áo em mặc đến lớp hôm nay

Em viết vào vở dàn ý bài văn:

1. Mở bài: Giới thiệu chiếc áo

2. Thân bài:

  • Tả bao quát chiếc áo
  • Tả một số bộ phận nổi bật

3. Kết bài: Tình cảm của em với chiếc áo

Đáp án và hướng dẫn giải:

a. Mở bài: Giới thiệu chiếc áo:

  • Chiếc áo len cao cổ.
  • Quà sinh nhật chị gái tặng.

b. Thân bài:

- Tả bao quát chiếc áo:

  • Chiếc áo có dáng vóc ôm bó người
  • Làm bằng những sợi len màu đỏ mận
  • Mặc chiếc áo mùa đông rất ấm lại ngọn gàng

- Tả một số bộ phận nổi bật:

  • Cổ áo dài, em có thể che kín cả cổ để giữ ấm vào mùa đông
  • Mặt trước của áo có hình của một đám mây và rải rác những hạt mưa màu trắng nhìn rất nổi
  • Hai bên tay áo có đính một cố hạt đá lấp lánh

c. Kết bài: Tình cảm của em với chiếc áo:

  • Em rất thích chiếc áo.
  • Mỗi lần mặc nó ai cũng khen em xinh.
  • Em sẽ giữ gìn cẩn thận, không để áo bị sờn, rách.

Bài làm:

Sáng hôm nay, trời trở rét bất ngờ. Cuối cùng, em cũng được mặc chiếc áo hoddie mình yêu thích nhất để đến lớp.

Áo được làm từ chất liệu nỉ da cá, bên trong chần bông, nên siêu dày và ấm áp. Toàn bộ áo có màu xanh dương nhạt, trông rất đáng yêu. Ở trước ngực là dòng chữ Winter màu trắng in hoa nổi bật. Cạnh dòng chữ ấy còn có những bông tuyết trắng xinh xắn nữa. Áo có một chiếc mũ khá to, có dây rút để điều chỉnh phần miệng mũ ôm sát vào đầu cho ấm áp. Cổ tay và vạt áo được may bo chun, giúp áo tuy rộng nhưng không bị gió lùa vào trong. Nhờ vậy, em có thể mặc áo trắng ở bên trong mà không hề bị chật chội và khó chịu.

Mặc chiếc áo xinh xắn đến trường, em cảm thấy rất ấm áp và vui vẻ.

>> Xem thêm các mẫu khác tại:

------------------------------------------------------------------------

Ngoài giải bài tập Tiếng Việt 4 VNEN, VnDoc còn giúp các bạn Giải vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 và bài tập tương ứng. Các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm đề thi học kì 1 lớp 4 đề thi học kì 2 lớp 4 các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Khoa, Sử, Địa theo chuẩn thông tư 22 của bộ Giáo Dục. Những đề thi này được VnDoc.com sưu tầm và chọn lọc từ các trường tiểu học trên cả nước nhằm mang lại cho học sinh lớp 4 những đề ôn thi học kì chất lượng nhất. Mời các em cùng quý phụ huynh tải miễn phí đề thi về và ôn luyện.

Đánh giá bài viết
8 7.050
Sắp xếp theo

    Giải Tiếng Việt lớp 4 VNEN

    Xem thêm