Giải Tiếng việt lớp 4 VNEN: Bài 33A: Lạc quan, yêu đời
Giải Tiếng việt lớp 4 VNEN: Bài 33A: Lạc quan, yêu đời có lời giải và đáp án đầy đủ các phần Sách VNEN Tiếng việt 4 tập 2 trang 155 giúp các em học sinh ôn tập toàn bộ nội dung chương trình Tiếng việt lớp 4. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.
>> Bài trước: Giải Tiếng việt lớp 4 VNEN: Bài 32C: Nghệ sĩ múa của rừng xanh
Bài 33A Lạc quan yêu đời
A. Hoạt động cơ bản Bài 33A Tiếng việt lớp 4 VNEN
Câu 1. Quan sát các bức ảnh sau và nói về những điều em thấy trong ảnh?
Đáp án
Quan sát từ trái sang phải em thấy:
· Ảnh 1: Bác Hồ đến chơi với các bạn thiếu nhi.
· Ảnh 2: Bác đeo khăn quàng đỏ cho một bạn đội viên.
· Ảnh 3: Bác Hồ đến thăm Nhi đồng.
Câu 2
Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài thơ sau:
Ngắm trăng
Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ.
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
(Hồ Chí Minh - Nam Trân dịch)
Câu 3. Thay nhau đọc từ ngữ, lời giải nghĩa và chú thích:
- Hững hờ: không để ý đến.
- Chú thích: Tháng 8 - 1942, trên đường sang Trung Quốc, Bác Hồ bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ hơn một năm trời. Bài thơ trên được bác sáng tác trong tù.
Câu 4
Cùng luyện đọc.
Mỗi em đọc một lần bài thơ.
Câu 5. Thảo luận, trả lời câu hỏi
(1) Bác Hồ ngắm trăng trong hoàn cảnh nào?
(2) Hình ảnh nào cho thấy tình cảm gắn bó giữa Bác Hồ với trăng?
(3) Bài thơ nói lên điều gì về Bác Hồ?
Đáp án
(1) Bác Hồ ngắm trăng trong hoàn cảnh Bác đang bị giam trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, không có rượu cũng không có hoa.
(2) Những hình ảnh cho thấy tình cảm gắn bó giữa Bác và trăng là:
· Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
· Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
=> Những hình ảnh ấy biến Bác và trăng trở thành hai người bạn tri âm tri kỉ, thân thiết và gắn bó với nhau.
(3) Bài thơ cho em thấy được con người của Bác. Bác không chỉ là một người nghệ sĩ yêu thiên nhiên mà còn là một người chiến sĩ dũng cảm, tự do. Dù có bị giam cầm trong nhà tù với xiềng xích thì Người vẫn không hề bị mất đi ý chí của mình.
Câu 6
Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài thơ sau:
Không đề
Đường non khách tới hoa đầy
Rừng sâu quân đến, tung bay chim ngàn
Việc quân việc nước đã bàn,
Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau.
(Hồ Chí Minh - Xuân Thủy dịch)
Câu 7
Thay nhau đọc từ ngữ, lời giải nghĩa và chú thích:
- Không đề: không có tên bài (thường đây là những bài thơ thể hiện cảm xúc chợt đến, rất đa dạng, khó đặt tên cho thật đúng).
- Bương: ống đựng làm bằng thân cây bương (một loài cây giống cây tre, thân to, thẳng, mỏng).
- Ngàn: rừng
- Chú thích: Bài thơ trên được Bác Hồ sáng tác ở chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954.
Câu 8
Cùng luyện đọc
Mỗi em đọc 1 lần bài thơ.
Câu 9. Thảo luận, trả lời câu hỏi:
(1) Những từ ngữ nào cho biết Bác sáng tác bài thơ ở chiến khu Việt Bắc?
(2) Những hình ảnh nào nói lên lòng yêu đời và phong phú ung dung của Bác Hồ? Nói tiếp để hoàn chỉnh câu:
· Hình ảnh khách đến thăm nhà Bác trong cảnh........
· Bàn xong việc quân việc nước, Bác.........…
Đáp án
(1) Những từ ngữ cho biết Bác sáng tác bài thơ ở chiến khu Việt Bắc là: rừng sâu quân đến, tung bay chim ngàn, việc quân, việc nước.
(2) Những hình ảnh nào nói lên lòng yêu đời và phong phú ung dung của Bác Hồ:
· Hình ảnh khách đến thăm Bác trong cảnh có nhiều hoa do Bác trồng.
· Bàn xong việc quân, việc nước, Bác xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau.
Câu 10
a) Học thuộc lòng một trong hai bài thơ trên.
b) Thi đọc thuộc lòng bài thơ trước lớp.
B. Hoạt động thực hành Bài 33A Tiếng việt lớp 4 VNEN
Câu 1. Trong mỗi câu sau, từ lạc quan được dùng với nghĩa a hay b?
Câu/ nghĩa | Luôn tin tưởng ở tương lai tốt đẹp | Có triển vọng tốt đẹp |
Tình hình đội tuyển rất lạc quan | ||
Chú ấy sống rất lạc quan | ||
Lạc quan là liều thuốc bổ |
Đáp án
Câu/ nghĩa | Luôn tin tưởng ở tương lai tốt đẹp | Có triển vọng tốt đẹp |
Tình hình đội tuyển rất lạc quan | x | |
Chú ấy sống rất lạc quan | x | |
Lạc quan là liều thuốc bổ | x |
Câu 2. Thảo luận, trả lời câu hỏi
Mỗi câu tục ngữ sau khuyên người ta điều gì?
a. Sông có khúc, người có lúc
b. Kiến tha lâu ngày cũng đầy tổ
Đáp án
a. Sông có khúc, người có lúc
=> Trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng gặp may mắn và suôn sẻ, có những lúc chúng ta sẽ gặp khó khăn. Nhưng đừng nản chí, chúng ta cứ cố gắng vượt qua nó thì tương lai sẽ lại tốt đẹp như xưa.
b. Kiến tha lâu ngày cũng đầy tổ
=> Chúng ta chắt chiu, tích góp lâu dần sẽ thành cái lớn. Vì vậy, chúng ta phải biết kiên trì, nhẫn nại thì ắt sẽ thành công.
Câu 3. Chơi trò chơi: "Thi tìm nhanh từ" (chọn a hoặc b)
Những từ láy trong đó các tiếng đều bắt đầu tr.
M: tròn trịa
Những từ láy trong đó các tiếng đều bắt đầu bằng ch.
M: chông chềnh
Những từ láy trong các tiếng đều có vận iêu.
M: liêu xiêu
Những từ láy trong đó các tiếng đều có vần iu.
M: líu ríu
Đáp án
· Những từ láy trong đó các tiếng đều bắt đầu tr: Tròn trĩnh, trơn tru, trắng trẻo
· Những từ láy trong đó các tiếng đều bắt đầu bằng ch: chúm chím, chằng chịt, chi chít
· Những từ láy trong các tiếng đều có vận iêu: chiều chiều, liều liệu
· Những từ láy trong đó các tiếng đều có vần iu: líu ríu, đìu hiu.
C. Hoạt động ứng dụng Bài 33A Tiếng việt lớp 4 VNEN
Cùng người thân sưu tầm (tìm đọc hoặc nghe kể) một câu chuyện về tinh thần lạc quan, yêu đời
Gợi ý
Chuyện của Bác Hồ
Tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống là nguồn sức mạnh, nguồn động lực có thể giúp mỗi chúng ta vượt qua được những khó khăn, thử thách và vươn tới thành công. Tinh thần lạc quan của Bác Hồ trong những ngày bị giam ở nhà tù Tưởng Giới Thạch là một ví dụ như thế:
Tháng 8 năm 1942, trên đường đi công tác từ Cao Bằng sang Trung Quốc, Bác Hồ đã bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt giam và bị giải qua mấy chục nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Chính trong thời gian bị tù đày này Bác Hồ đã viết tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật kí trong tù) với hơn một trăm bài thơ. Đọc tập thơ này, chúng ta thấy rất rõ tinh thần lạc quan, yêu đời của Bác Hồ kính yêu.
Cuộc sống trong tù rất gian khổ. Bác đã ghi lại nỗi gian khổ đó trong nhiều bài thơ như: Cơm tù, Cái cùm, Giải đi sớm. Ghẻ lở, Bốn tháng rồi... Qua các bài thơ này ta thấy Bác đã bị xích xiềng, bị bệnh tật, bị đói khát thế nhưng từ trong mỗi một dòng thơ ta không hề thấy một lời kêu van, khổ sở nào của Bác. Tất cả những khốn khó ấy đều được Bác đón nhận với một tâm thế vô cùng bình thản:
Bốn tháng cơm không no
Bốn tháng đêm thiếu ngủ
Bốn tháng áo không thay
Bốn tháng không giặt giũ
Cho nên:
Răng rụng mất một chiếc
Tóc bạc thỏm mấy phần
Gầy đen như quỷ đói
Ghẻ lở mọc đầy thân
Tuy nhiên, giữa chốn địa ngục ở trần gian ấy, Bác vần giữ vững được tinh thần lạc quan, yêu đời, tin tưởng đó thể hiện ở thái độ ung dung ngắm trăng:
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
Ở tư thế hào hứng đón nhận cảnh bình minh:
Phương đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn quét sạch không
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng
Bác suy nghĩ về hoàn cảnh bị giam cầm của mình và thấy:
Ví không có cảnh đông tàn
Làm sao có cảnh huy hoàng ngày xuân?
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm hăng
Bác coi gian khó, tù đày cũng như mùa đông lạnh giá. Mùa đông lạnh giá rồi cũng sẽ qua đi và mùa xuân rực rỡ tươi đẹp sẽ tới. Những ngày tối tăm tù ngục rồi cũng sẽ qua đi. Sẽ có ngày Bác lại được tự do đấu tranh cho cách mạng dân tộc và nhất định Người sẽ cùng cả đất nước Việt Nam đi tới thắng lợi như đi tới một mùa xuân mới.
Đó chính là lòng lạc quan, yêu đời, tin tưởng ở thắng lợi của Bác Hồ. Thực tế thắng lợi lớn lao của nhân dân Việt Nam đã chứng tỏ tinh thần lạc quan, tin tưởng của Người là có cơ sở thật vững chắc. Mỗi chúng ta đều cần phải học tập tinh thần lạc quan, yêu đời của Bác để tiến lên.
Chi tiết: Kể chuyện lớp 4: Kể lại câu chuyện đã được nghe hoặc đọc về tinh thần lạc quan, yêu đời
>> Bài tiếp theo: Giải Tiếng việt lớp 4 VNEN: Bài 33B: Ai là người lạc quan, yêu đời?
Ngoài giải bài tập Tiếng Việt 4 VNEN Bài 33A: Lạc quan, yêu đời VnDoc còn giúp các bạn Giải vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 và bài tập Tiếng việt 4 tương ứng. Các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm đề thi học kì 2 lớp 4 các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Khoa, Sử, Địa theo chuẩn thông tư 22 của Bộ Giáo Dục.