Giải Tiếng việt lớp 4 VNEN Bài 2C: Đáng yêu hay đáng ghét

Giải Tiếng việt lớp 4 VNEN: Bài 2C: Đáng yêu hay đáng ghét có lời giải và đáp án đầy đủ các phần Sách VNEN Tiếng việt 4 trang 24 giúp các em học sinh ôn tập toàn bộ nội dung chương trình học Tiếng việt lớp 4. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.

A. Hoạt động cơ bản Bài 2C Tiếng việt lớp 4 VNEN

Câu 1. Chơi trò chơi: "Ai - thế nào?"

Hai nhóm cùng chơi: Một bạn ở nhóm này gọi tên một nhân vật trong truyện đã học hoặc trong phim ảnh, một bạn ở nhóm kia nói ngay từ chỉ đặc điểm của nhân vật đó rồi đổi lượt. Nhóm nào bị dừng lại hoặc nói sai sẽ bị thua cuộc.

M: Mẹ con bà góa - tốt bụng

Đáp án và hướng dẫn giải

Ví dụ:

  • Bà lão ăn xin - đáng thương
  • Mẹ con Cám - mưu mô, độc ác
  • Tấm - hiền lành, tốt bụng
  • Bọn nhện - đáng khinh bỉ
  • Sóc - nhân hậu
  • Dế Mèn - nghĩa hiệp
  • Sẻ - ích kỉ, tham lam
  • Chích - tốt bụng, rộng lượng...

Câu 2. Tìm hiểu cách tả ngoại hình nhân vật trong bài văn kể chuyện.

(1) Đọc đoạn văn sau:

Chị Nhà Trò đã bé nhỏ lại gầy yếu quá, người bự những phấn, như mới lột. Chị mặc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng, hai cánh mỏng như cánh bướm non, lại ngắn chùn chùn. Hình như cánh yếu quá, chưa quen mở, mà cho dù có khỏe cũng chẳng bay được xa. Tôi đến gần, chị Nhà Trò vẫn khóc. (Theo Tô Hoài)

(2) Viết vắn tắt vào vở đặc điểm ngoại hình của chị Nhà Trò:

- Sức vóc: ...

- Cánh: ...

- Trang phục: ...

(3) Ngoại hình của nhân vật chị Nhà Trò nói lên điều gì về tính cách và thân phận của nhân vật này?

(4) Vì sao khi kể chuyện cần chú ý tả ngoại hình?

Đáp án và hướng dẫn giải

(2) Đặc điểm ngoại hình của chị Nhà Trò:

- Sức vóc: bé nhỏ, gầy yếu

- Cánh: mỏng như cánh bướm non, ngắn chùn chùn.

- Trang phục: áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng

(3) Ngoại hình cho biết chị Nhà Trò có tính cách yếu đuối, nhu nhược và thân phận thấp hèn, đáng thương, tội nghiệp.

(4) Khi kể chuyện cần chú ý tả ngoại hình vì những đặc điểm ngoại hình góp phần nói lên tính cách hoặc thân phận của nhân vật và làm cho câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn.

B. Hoạt động thực hành Bài 2C Tiếng việt lớp 4 VNEN

Câu 1. Nhận xét về tính cách nhân vật qua miêu tả ngoại hình.

(1) Đọc đoạn văn miêu tả đặc điểm ngoại hình của một chú bé liên lạc cho bộ đội trong kháng chiến:

Tôi nhìn em. Một em bé gầy, tóc húi ngắn, hai túi của chiếc áo cánh nâu trễ xuống đến tận đùi như đã từng phải đựng nhiều thứ quá nặng. Quần của em ngắn chỉ tới gần đầu gối để lộ đôi bắp chân nhỏ luôn luôn động đậy. Tôi đặc biệt chú ý đến đôi mắt của em, đôi mắt sáng và xếch lên khiến người ta có ngay cảm giác là một em bé vừa thông minh vừa gan dạ.

(Theo Vũ Cao)

(2) Theo em, tác giả đã chú ý miêu tả những chi tiết nào? (Tìm và viết lại các từ ngừ chỉ đặc điểm, tính cách của nhân vật chú bé liên lạc.)

(3) Các chi tiết ấy nói lên điều gì về chú bé?

(4) Viết kết quả vào phiếu hoặc bảng nhóm:

Giải Tiếng việt lớp 4 VNEN: Bài 2C

Đáp án và hướng dẫn giải

(2) Theo em, tác giả đã chú ý miêu tả những chi tiết: gầy, tóc ngắn, hai túi áo trễ xuống tận đùi, quần ngắn gần đầu gối, đôi chân luôn động đậy, đôi mắt sáng và xếch; thông minh, gan dạ.

(3) Các chi tiết ấy cho biết chú bé xuất thân từ một gia đình nghèo, sống vất vả, lam lũ. Chú rất hiếu động, nhanh nhẹn, thông minh và gan dạ.

(4)

Giải Tiếng việt lớp 4 VNEN: Bài 2C

Câu 2. Kể lại câu chuyện Nàng tiên Ốc, chú ý kết hợp tả ngoại hình các nhân vật.

(a) Gợi ý:

- Truyện có những nhân vật nào?

- Khi kể chuyện, có thể tả ngoại hình nhân vật nào?

- Theo em, bà lão mặc áo màu gì? Vẻ mặt bà thế nào khi thấy sân nhà sạch sẽ, khi nhìn thấy nàng tiên?

- Em hình dung nàng tiên mặc váy áo màu gì? Gương mặt thế nào?

(b) Dựa vào gợi ý nêu trên và tranh minh họa, hãy kể lại câu chuyện, chú ý kết hợp tả ngoại hình nhân vật. (Có thể tập trung kể lại đoạn 3).

Đáp án và hướng dẫn giải

Kể lại câu chuyện Nàng tiên ốc:

Ngày xửa ngày xưa, ở làng nọ có bà lão nghèo khổ quanh năm sống bằng nghề mò cua bắt ốc. Bộ váy áo nâu sòng của bà đã cũ lắm rồi, vá chằng vá đụp nhiều miếng, chẳng đủ giữ ấm cho bà trong những ngày giá lạnh.

Một hôm, bà lão bắt được một con ốc khác hẳn ốc thường, màu vỏ của nó xanh biếc trông rất đẹp. Thấy lạ, bà không bán mà thả vào chum nước để nuôi. Trưa hôm sau, về đến nhà, bà ngạc nhiên khi thấy sân vườn, nhà cửa đã được quét dọn sạch sẽ; mâm cơm đã được bày biện tinh tươm. Lợn trong chuồng ăn no, nằm lim dim ngủ. Ngoài vườn, mấy luống rau sạch cỏ và xanh mơn mởn vì vừa được tưới nước. Đêm hôm ấy, bà lão trằn trọc không ngủ. Bà tự nhủ sẽ tìm bằng được người đã giúp mình.

Tiếng gà gáy rộn trong thôn. Bà lão trở dậy, buộc cái giỏ ngang lưng, đội nón lên đầu rồi tất tả ra đồng kiếm con cua, con tép. Non trưa, bà lặng lẽ trở về, nấp kín sau bụi chuối ngoài vườn, rình xem thế nào. Bỗng nhiên, từ trong chum nước, một nàng tiên xiêm áo thướt tha nhẹ nhàng bước ra rồi đi vào bếp. Bà lão vội lấy chiếc vỏ ốc, đập vỡ tan để nàng tiên không còn chỗ chui vào nữa. Nghe tiếng động, nàng tiên ốc giật mình quay lại. Bà lão mừng rỡ nắm lấy tay nàng:

- Ồ! Thì ra con đã giúp bà lão nghèo khổ này đấy ư? Bà cảm ơn con!

Nàng tiên ốc lúng túng đáp lời:

- Dạ! Thưa bà, con xin đền đáp ơn cứu mạng của bà!

Bà lão móm mém cười:

- Thôi nào, ơn nghĩa có đáng kể gì! Từ nay, con hãy ở đây với bà. Bà cháu ta sớm tối có nhau, con có bằng lòng không?

Nàng tiên ốc bẽn lẽn gật đầu, đôi mắt sáng long lanh, đôi má ửng hồng trông tuyệt đẹp. Thế là từ đó, họ chung sống dưới mái tranh nghèo, hết lòng thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Tuổi già của bà cụ trôi qua trong những ngày vui vẻ và êm ấm.

Câu 3. Tìm hiểu tác dụng của dấu hai chấm.

(1) Đọc các câu văn, câu thơ sau:

a. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Nguyện vọng đó chi phối mọi ý nghĩ và hành động trong suốt cuộc đời của Người.

(Theo Trường Chinh)

b. Tôi xòe cả hai càng ra, bảo Nhà Trò:

- Em đừng sợ. Hãy trở về cùng với tôi đây.

(Tô Hoài)

c. Đoạn thơ:

Bà thương không muôn bán
Bèn thả vào trong chum.
Rồi bà lại đi làm
Đến khi về thấy lạ:

Đàn lợn đã được ăn
Sân nhà sao sạch quá
Cơm nước nấu tinh tươm
Vườn rau tươi sạch cỏ.

(Phan Thị Thanh Nhàn)

(2) Nêu tác dụng của dấu hai chấm:

- Ở mục a và mục b, dấu hai chấm báo hiệu điều gì?

- Ở mục a, dấu hai chấm được dùng phối hợp với dấu câu nào?

- Ở mục b, dấu hai chấm được dùng phối hợp với dấu câu nào?

- Ở mục c, dấu hai chấm báo hiệu điều gì?

- Tìm trong bài Dế Mèn bênh vực kẻ yếu các ví dụ là những đoạn có dấu hai chấm báo hiệu bộ phận đứng sau là lời nói của một nhân vật.

Đáp án và hướng dẫn giải

Tác dụng của dấu hai chấm:

- Ở mục a và b, dấu hai chấm báo hiệu lời nói trực tiếp của một nhân vật.

  • Dấu hai chấm dẫn lời nói trực tiếp của Bác Hồ.
  • Dấu hai chấm dẫn lời nói trong đoạn hội thoại của Dế Mèn và Nhà Trò.

- Mục a, dấu hai chấm phối hợp với dấu hai chấm và dấu ngoặc kép. Mục b, dấu hai chấm phối hợp với dấu hai chấm và dấu gạch đầu dòng cho câu sau.

- Mục c, dấu hai chấm báo hiệu lời giải thích cho bộ phận đứng trước.

Ví dụ là những đoạn có dấu hai chấm báo hiệu bộ phận đứng sau là lời nói của một nhân vật trong bài Bênh vực kẻ yếu là:

  • Nức nở mãi, chị mới kế:
  • Tôi xòe cả hai càng ra, bảo Nhà Trò:
  • Tôi cất tiếng hỏi lớn:
  • Tôi thét:

Câu 4. Trong mỗi câu sau, dấu hai chấm có tác dụng gì?

a. Có lần, con của Đác-uyn đă hỏi cha:

- Cha đã là nhà bác học rồi sao còn phải ngày đêm nghiên cứu làm gì cho mệt?

Đác-uyn ôn tồn đáp: “Bác học không có nghĩa là ngừng học.”.

(Theo Hà Vi)

b. Dưới tầm cánh chú chuồn chuồn bây giờ là lũy tre xanh rì rào trong gió, là bờ ao với những khóm khoai nước rung rinh. Rồi những cảnh tuyệt đẹp của đất nước hiện ra: cánh đồng với những đàn trâu thung thăng gặm cỏ; dòng sông với những đoàn thuyền ngược xuôi.

(Theo Nguyễn Thế Hội)

Đáp án và hướng dẫn giải

a. Có lần, con của Đác-uyn đã hỏi cha:

=> Dấu hai chấm thứ nhất báo hiệu lời nói của người con hỏi cha.

Đác-uyn ôn tồn đáp:

=> Dấu hai chấm thứ hai dẫn lời nói trực tiếp của người cha.

b. Rồi những cảnh tuyệt đẹp của đất nước hiện ra:

=> Dấu hai chấm có tác dụng giải thích cho bộ phận đứng trước.

Câu 5. Viết một đoạn văn theo truyện Nàng tiễn Ốc, trong đó có ít nhất hai lần dùng dấu hai chấm:

- Một lần, dấu hai chấm dùng để giải thích.

- Một lần, dấu hai chấm dùng để dẫn lời nhân vật.

Đáp án và hướng dẫn giải

Ví dụ mẫu:

Sau khi đi làm về, cụ già thấy cảnh tượng trong nhà rất lạ: sân nhà được quét sạch, đàn lợn trong chuồng đang ngon giấc sau khi ăn no, cơm nước đã dọn sẵn trên mâm và vườn rau đã sạch cỏ sau khi được tưới tắm. Bà nấp bên hiên nhà và rình xem ai đã giúp bà như thế. Từ trong chum nước, một nàng tiên đẹp tuyệt trần hiện ra. Bà vội rón rén đến bên chum, lấy vỏ ốc ra đập vỡ rồi ân cần bảo: “Nếu thương lão thì xin hãy sống cùng nhau, thương yêu như mẹ con!” Nàng tiên dịu dàng: “Con xin vâng lời mẹ ạ”. Thế là từ đấy hai mẹ con sống trong niềm hạnh phúc ngập tràn.

Đoạn văn trên ta thấy:

  • Cụ già thấy cảnh tượng trong nhà rất lạ: ...

=> Dấu hai chấm dùng để giải thích.

  • Bà vội rón rén đến bên chum, lấy vỏ ốc ra đập vỡ rồi ân cần bảo: ...

=> Dấu hai chấm dùng để dẫn lời nhân vật.

C. Hoạt động thực hành Bài 2C Tiếng việt lớp 4 VNEN

Quan sát và tả một người bạn hoặc một người hàng xóm

Đáp án và hướng dẫn giải

Ví dụ mẫu:

Em có rất nhiều bạn bè, nhưng trong đó em chơi thân nhất với bạn Lan. Lan vừa là bạn hàng xóm, vừa là bạn học cùng với em từ lớp một đến nay. Bạn ấy có vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt xinh xắn. Bạn sở hữu khuôn mặt tròn trĩnh, làn da trắng hồng kết hợp với bộ tóc xoăn tự nhiên rất xinh xắn. Bạn cười rất tươi cùng đôi mắt sáng nên trông hiền lành. Trong lớp, ai cũng quý Lan bởi bạn hay giúp đỡ và hòa nhã với mọi người.

>> HS tham khảo các bài văn hay tại đây: Tả người hàng xóm mà em yêu quý lớp 5

-------------------------------------------------------------------

Ngoài giải bài tập Tiếng Việt 4 VNEN, VnDoc còn giúp các bạn Giải vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 và bài tập tương ứng. Các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm đề thi học kì 1 lớp 4 đề thi học kì 2 lớp 4 các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Khoa, Sử, Địa theo chuẩn thông tư 22 của bộ Giáo Dục. Những đề thi này được VnDoc.com sưu tầm và chọn lọc từ các trường tiểu học trên cả nước nhằm mang lại cho học sinh lớp 4 những đề ôn thi học kì chất lượng nhất. Mời các em cùng quý phụ huynh tải miễn phí đề thi về và ôn luyện.

Tài liệu tham khảo:

Đánh giá bài viết
45 11.806
Sắp xếp theo

    Giải Tiếng Việt lớp 4 VNEN

    Xem thêm