Giải Tiếng việt lớp 4 VNEN Bài 13B: Kiên trì và nhẫn nại
Giải Tiếng việt lớp 4 VNEN: Bài 13B: Kiên trì và nhẫn nại có lời giải và đáp án đầy đủ các phần Sách VNEN Tiếng việt 4 trang 139 giúp các em học sinh ôn tập toàn bộ nội dung chương trình học Tiếng việt lớp 4. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.
Bài 13B: Kiên trì và nhẫn nại
A. Hoạt động cơ bản Bài 13B Tiếng việt lớp 4 VNEN
Câu 1.
Đọc các câu dưới đây và chia chúng thành hai nhóm:
a. Chữ như gà bới.
b. Chữ viết như rồng múa phượng bay.
c. Chữ đều tăm tắp.
d. Chữ viết ngay hàng thẳng lối.
e. Chữ nát như tương.
Các câu khen chữ viết đẹp | Các câu chê chữ viết xấu |
... | ... |
Các câu khen chữ viết đẹp | Các câu chê chữ viết xấu |
b. Chữ viết như rồng múa phượng bay. c. Chữ đều tăm tắp. d. Chữ viết ngay hàng thẳng lối. | a. Chữ như gà bới. e. Chữ nát như tương. |
Câu 2.
Văn hay chữ tốt
1. Thuở đi học, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn dù hay vẫn bị thầy cho điểm kém.
Một hôm, có bà cụ hàng xóm sang khẩn khoản:
- Gia đình già có một việc oan uổng muốn kêu quan, nhờ cậu viết giúp cho lá đơn, có được không?
Cao Bá Quát vui vẻ trả lời:
- Tưởng việc gì khó, chứ việc ấy cháu xin sẵn lòng.
2. Lá đơn viết lí lẽ rõ ràng, Cao Bá Quát yên trí quan sẽ xét nỗi oan cho bà cụ. Nào ngờ, chữ ông xấu quá, quan đọc không được nên thét lính đuổi bà ra khỏi huyện đường. Về nhà, bà kể lại câu chuyện khiến Cao Bá Quát vô cùng ân hận. Ông biết dù văn hay đến đâu mà chữ không ra chữ cũng chẳng ích gì. Từ đó, ông dốc hết sức luyện viết chữ sao cho đẹp.
3. Sáng sáng, ông cầm que vạch lên cột nhà luyện chữ cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang vở mới chịu đi ngủ. Chữ viết đã tiến bộ, ông lại mượn những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu để luyện nhiều kiểu chữ khác nhau.
Kiên trì luyện tập suốt mấy năm, chữ ông mỗi ngày một đẹp. Ông nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt.
(Theo Truyện đọc 1, 1995)
Câu 3.
Giải nghĩa:
- Khẩn khoản: tha thiết, nài nỉ người khác chấp nhận yêu cầu của mình.
- Huyện đường: nơi làm việc của quan huyện trước đây.
- Ân hận: băn khoăn, day dứt và tự trách mình về việc không hay xảy ra.
Câu 4.
Cùng luyện đọc.
Câu 5.
Trao đổi để trả lời các câu hỏi sau:
a. Câu nào trong bài giải thích nguyên nhân Cao Bá Quát thường bị điểm kém?
b. Sự việc gì xảy ra làm Cao Bá Quát phải vô cùng ân hận?
c. Tìm trong bài những chi tiết cho thấy Cao Bá Quát quyết chí luyện viết chữ.
d. Kết quả của sự cố gắng đó như thế nào?
a. Câu trong bài giải thích nguyên nhân Cao Bá Quát thường bị điểm kém là: Thuở đi học, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn dù hay vẫn bị thầy cho điểm kém.
b. Sự việc xẩy xa đã làm Cao Bá Quát phải ân hận là: Lá đơn của Cao Bá Quát vì chữ quá xấu, quan không đọc được nên thét lính đuổi bà cụ về, khiến bà cụ không giải được nổi oan.
c. Những chi tiết cho thấy Cao Bá Quát quyết chí luyện viết chữ: Sáng sáng ông cầm que vạch lên cột nhà luyện chữ cho cứng cáp. Mỗi tối, viết xong mười trang vở mới đi ngủ; mượn những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu; luyện viết liên tục suốt mấy năm trời.
d. Kết quả của sự cố gắng là: Ông nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt.
Câu 6.
Hỏi - đáp:
- Bạn tự đánh giá chữ viết của mình đẹp hay chưa đẹp?
- Bạn đã (đang hoặc sẽ) làm gì để luyện viết chữ cho đẹp hơn?
- Theo bạn, kết quả thế nào (hoặc sẽ thế nào)?
- Hiện tại, chữ viết của em đang ở mức trung bình chưa quá đẹp nhưng cũng đảm bảo ở mức dễ nhìn.
- Để luyện viết chữ đẹp hơn, mỗi ngày em dành khoảng 1 tiếng đồng hồ đề luyện viết chữ.
- Em hi vọng sau khi em chịu khó luyện viết hằng ngày thì chữ em sẽ càng ngày càng tiến bộ hơn, đẹp hơn.
Câu 7.
Tìm hiểu về câu hỏi và dấu chấm hỏi:
a. Ghi lại các câu hỏi trong bài tập đọc Người tìm đường lên các vì sao.
b. Các câu hỏi ấy là của ai và để hỏi ai?
c. Những dấu hiệu nào giúp em nhận ra đó là câu hỏi
a. Những câu hỏi trong bài tập đọc Người tìm đường lên các vì sao là:
- Vì sao quả bóng không có cánh mà vẫn bay được?
- Cậu làm thế nào mà mua được nhiều sách và dụng cụ thí nghiệm như thế?
b. Câu hỏi đấy của ai và hỏi ai:
Câu hỏi | Của ai | Hỏi ai |
Vì sao quả bóng không có cánh mà vẫn bay được? | Xi-ôn-cốp- xki | Tự hỏi mình |
Cậu làm thế nào mà mua được nhiều sách và dụng cụ thí nghiệm như thế? | Người bạn | Xi-ôn-cốp-xki |
c. Dấu hiệu giúp em nhận ra điều đó là:
- Vì sao quả bóng không có cánh mà vẫn bay được?
→ Dấu hiệu từ để hỏi "vì sao" và dấu chấm hỏi cuối câu "?"
- Cậu làm thế nào mà mua được nhiều sách và dụng cụ thí nghiệm như thế?
→ Dấu hiệu từ để hỏi "làm thế nào" và dấu chấm hỏi cuối câu "?".
B. Hoạt động thực hành Bài 13B Tiếng việt lớp 4 VNEN
Câu 1.
Tìm câu hỏi trong bài Thưa chuyện với mẹ và viết vào bảng (theo mẫu):
Thứ tự | Câu hỏi | Câu hỏi của ai | Để hỏi ai? | Từ nghi vấn |
1 | Con vừa bảo gì | Câu hỏi của mẹ | Để hỏi Cương | gì |
......... | ......... | ......... | .......... | .......... |
Thứ tự | Câu hỏi | Câu hỏi của ai? | Để hỏi ai? | Từ nghi vấn |
1 | Bài: Thưa chuyện với mẹ
| Câu hỏi của mẹ Câu hỏi của mẹ Câu hỏi của mẹ | Để hỏi Cương Để hỏi Cương Để hỏi Cương | gì thế không |
2 | Bài: Hai bàn tay
| Câu hỏi của Bác Hồ Câu hỏi của Bác Hồ Câu hỏi của Bác Hồ Câu hỏi của bác Lê Câu hỏi của Bác Hồ | Hỏi bác Lê Hỏi bác Lê Hỏi bác Lê Hỏi Bác Hồ Hỏi bác Lê | Có...không có....không có.....không Đâu chứ |
Câu 2.
a. Đọc lại truyện Văn hay chữ tốt và tìm đoạn mở bài, thân bài, kết bài của truyện.
b. Mở bài và kết bài của truyện được viết theo cách nào? Hãy viết mở bài và kết bài theo cách khác cho truyện.
a. Mở bài, thân bài và kết bài trong truyện Văn hay chữ tốt là:
- Mở bài: Thuở đi học, Cao Bá Quát..... thầy cho điểm kém
- Thân bài: Một hôm, bà cụ hàng xóm..... nhiều kiểu chữ khác nhau
- Kết bài: Kiên trì luyện tập....... người văn hay chữ tốt
b. Mở bài của truyện là mở bài trực tiếp, kết bài là kết bài không mở rộng
Viết lại kết bài và mở bài:
Mở bài:
Nhà văn học Tây Hán nước ta – Dương Hùng nói rằng: “Chữ cũng là tâm người viết. Tâm vẽ ra hình mà có thể phân biệt được người chính hay tà”. Điều này chứng tỏ chữ viết có vai trò vô cùng quan trọng. Dù tài giỏi, cao siêu nhưng chữ viết không đạt cũng chẳng làm nên được việc lớn. Chắc hẳn, bạn sẽ không tin, vậy hãy để câu chuyện "Văn hay chữ tốt" chứng tỏ điều này.
- Kết bài: Con người sinh ra không phải ai cũng đã có được những nét chữ đẹp, đó là cả một quá trình khổ luyện mà nên. Cũng như Cao Bá Quát, ông đã không ngừng cố gắng để rồi ông được đền đáp xứng đáng. Ông nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt và là tấm gương cho người đời noi theo.
Luyện tập làm văn tuần 13: Em hãy kể chuyện về một tấm gương rèn luyện thân thể
Bài làm:
Trong lời kêu gọi toàn dân tập luyện thể dục thể thao, câu cuối cùng Bác viết: "Tự tôi ngày nào cũng tập". Hầu như trong hồi ký của các đồng chí cách mạng lão thành, hoặc những cán bộ may mắn được sống cùng Người, không ít thì nhiều đều có nói đến việc Bác Hồ tập thể dục rèn luyện thân thể. Việc tập luyện của Bác không chiếm nhiều thời gian trong ngày nhưng thành một nếp sống gây ấn tượng sâu sắc đến mọi người chung quanh.
Bác tập luyện rất đều đặn dù trời nóng cũng như ngày lạnh. Ngày nào Bác cũng dậy rất sớm và đánh thức mọi người cùng tập thể dục. Tập xong thì tắm suối, lạnh mấy cũng tắm, rồi đi làm việc. Bác Hồ duy trì nếp tập thể dục và ngày càng làm nội dung tập luyện thêm phong phú. Không chỉ là những động tác của bài tập thể dục thông thường mà còn là tập tạ, nhảy dây thun, dây vải, khí công, quyền thuật, đi bộ, chạy, nhảy... và được Người vận dụng cho phù hợp từng hoàn cảnh cụ thể. Bơi là môn thể thao rất được Bác ưa thích. Trong hồi ký "Sống bên Bác", đồng chí Ngọc Châu có kể: "Những lúc bơi lội, chúng tôi thường bơi quanh Bác để giúp Người khi qua dòng nước lạnh. Nhờ tập luyện đều như vậy nên mỗi khi đi công tác, Bác vẫn cùng chúng tôi bơi qua một cách dễ dàng".
Những năm 1957 - 1958, Bác rất thích tập Thái cực quyền. Những đêm trăng, Bác cùng những anh em cảnh vệ thường tập trên sân thượng của Bắc bộ phủ. Sống cùng các chiến sĩ, Bác thường tìm hiểu và tập luyện những bài quyền mới. Bác tập bài mới rất say sưa và chú ý đến từng thế tấn, thế đỡ gạt... Mỗi động tác đều vận gân cốt và tập trung tinh thần, vì vậy Bác đi quyền rất sinh động. Bác cũng rất sốt sắng truyền lại cho các đồng chí của mình những bài quyền mà Bác biết. Những năm sau này khi trở về thủ đô, tuổi Bác thêm cao và sức khỏe không được như trước, Bác đã giảm dần môn chạy bộ nhưng sáng nào Bác cũng tập quyền và đi bộ trong vườn Phủ Chủ tịch.
Khi ngoài 70 tuổi, Bác Hồ vẫn kiên quyết duy trì sức khỏe. Bác bỏ hút thuốc và giữ vững chế độ tập luyện và sinh hoạt hàng ngày. Theo đề nghị của Bác, các đồng chí cảnh vệ mua cho Bác 20 quả bóng quần vợt và cất trong ngăn kéo. Bác đặt một sọt giấy vụn cách bàn làm việc chừng 5m, mỗi khi viết mỏi tay, Bác dừng lại và đứng dậy lấy bóng ném vào sọt, ném tay trái rồi đổi qua tay phải. Bác cho biết tập như vậy để rèn luyện sự điều khiển của thần kinh và tính chính xác của đôi tay. Hôm nào ném trúng vào sọt nhiều, Bác thấy vui. Còn hôm nào bóng ra ngoài nhiều, Bác có vẻ không vui. Có lần bác sĩ trông nom sức khỏe của Bác muốn làm Bác vui lòng nên lén đem sọt giấy lại gần, Bác phát hiện thấy không đồng ý và tự tay mình đem lại chỗ cũ...
Cho đến ngày nay, tấm gương rèn luyện thân thể của Bác đã khiến hàng triệu người Việt Nam qua bao thế hệ xúc động và phấn đấu noi theo.
----------------------------------------------------------
Ngoài giải bài tập Toán 4 VNEN, VnDoc còn giúp các bạn Giải vở bài tập Tiếng Việt lớp 4 và bài tập tương ứng. Các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm đề thi học kì 1 lớp 4 và đề thi học kì 2 lớp 4 các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Khoa, Sử, Địa theo chuẩn thông tư 22 của bộ Giáo Dục. Những đề thi này được VnDoc.com sưu tầm và chọn lọc từ các trường tiểu học trên cả nước nhằm mang lại cho học sinh lớp 4 những đề ôn thi học kì chất lượng nhất. Mời các em cùng quý phụ huynh tải miễn phí đề thi về và ôn luyện.