Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội về câu nói: Nếu tôi không đốt lửa; Nếu anh không đốt lửa; Nếu chúng ta không đốt lửa; thì làm sao Bóng tối sẽ trở thành Ánh sáng!

Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về câu nói: Nếu tôi không đốt lửa; Nếu anh không đốt lửa; Nếu chúng ta không đốt lửa; thì làm sao Bóng tối sẽ trở thành Ánh sáng! dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Nghị luận về câu nói: Nếu tôi không đốt lửa; Nếu anh không đốt lửa; Nếu chúng ta không đốt lửa; thì làm sao Bóng tối sẽ trở thành Ánh sáng! mẫu 1

Đã ai từng một lần đọc những lời thơ đấy giục giã của nhà thơ Nazim Hikmet "Nếu tôi không đốt lửa; Nếu anh không đốt lửa; Nếu chúng ta không đốt lửa; thì làm sao Bóng tối sẽ trở thành Ánh sáng!". Bóng tối sẽ tan đi và ánh sáng sẽ ngập tràn nếu anh hành động, tôi hành động và chúng ta cùng hành động.

Trong cái ánh sáng rạng ngời xua tan bóng tối ấy có ánh sáng của tôi, của anh và của tất cả chúng ta. Và hôm nay, nhà thơ Tố Hữu đã mượn tiếng ru dịu êm của mẹ qua bài thơ "Tiếng ru" của mình, một lần nữa gợi cho chúng ta hiểu thêm về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, xã hội, giữa một con người với mọi người. Một ngôi sao không làm nên bầu trời đêm rực sáng. Một bông lúa chín chẳng làm nên mùa vàng bội thu. Một con người nhỏ bé đáng kể gì trong cõi nhân gian rộng lớn. Đất thấp thế nhưng nhờ có đất mà núi mới cao. Sông nhỏ thế thôi nhưng nhờ sông mà biển mới mênh mông đến vậy.

Một cá nhân bé nhỏ sẽ không là gì cả so với một cộng đồng to lớn. Nhưng ngược lại, những gì lớn lao, vĩ đại lại được tạo nên từ những điều hết sức nhỏ bé mà thôi. Sống trên đời, ai cũng mong muốn mình được thể hiện và khẳng định bản thân, phần cá nhân của mình. Đó là mong ước tự nhiên và chính đáng. Phần riêng ấy được thể hiện ở những khát khao, hoài bão của bản thân là niềm mong mỏi mình phải có vị trí nào đó trong mắt mọi người. Phần cá nhân bé nhỏ của mỗi người ấy cần được thể hiện, được khẳng định, được tôn trọng và ghi nhận. Chính "cái tôi" ấy tạo nên giá trị và bản sắc của mỗi cá nhân trong cộng đồng, làm cá nhân đó không bị hòa tan, không lẫn vào người khác. Tôi yêu những vạt nắng trải dài trên cánh đồng bát ngát, yêu những triền đê xanh thơm mùi cỏ non. Còn bạn, bạn yêu những ánh đèn màu rực rỡ của thành phố hoa lệ về đêm, yêu những tòa nhà chọc trời nguy nga, tráng lệ. Tôi và bạn có những tình yêu khác nhau, quan điểm sống khác nhau, và chính sự khác nhau ấy đã làm nên "cái tôi" riêng của mỗi cá nhân chúng ta. Phần tôi ấy được thể hiện bằng nhiều cách: bằng sự yêu thương, bằng những nỗ lực, phấn đấu học tập, lao động hay chỉ đơn giản là những sở thích riêng của chúng ta mà thôi.

Ở mỗi thời kì, ta đều thấy sự xuất hiện của những cá nhân vĩ đại, xuất sắc. Bằng tài năng của mình, họ đã đóng góp rất nhiều cho cộng đồng, xã hội. Họ có thể là những nhà khoa học, bằng những phát minh của minh đem lại sự phát triển cho đời sống của nhân loại như Đác-uvn, Marie Curie… Họ có thể là những nhà cách mạng, bằng sự nghiệp chính trị của mình mà đem lại hòa bình cho cả một dân tộc, một đất nước như Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta. Nhưng dù cá nhân có hoàn thiện, có lớn lao vĩ đại đến đâu đi chăng nữa nhưng cũng sẽ không là gì so với sức mạnh của cả một dân tộc. Cá nhân ấy khác nào một hạt cát với một sa mạc một giọt nước với một đại dương rộng lớn, một thân cây giữa bạt ngàn rừng xanh… Mất đi một hạt cát sa mạc vẫn cứ mênh mông; mất đi một giọt nước thì đại dương vẫn cứ bao la, mất đi một bông hoa thì mùa xuân vẫn cứ muôn phần rực rỡ… Một vĩ nhân, một anh hùng làm sao làm nên sự nghiệp lớn nếu không có sự kề vai góp sức của mọi người. Một cá nhân bé nhỏ làm sao tạo được sự nghiệp lớn lao khi chỉ làm một mình mình. Ta phải biết rằng cùng với ta, bên cạnh ta còn có sự chung tay góp sức cùng ta làm nên việc lớn. Nhìn lại lịch sử chiến đấu hào hùng của dân tộc, ta thấy rằng sở dĩ ta có thể dệt nên những trang sử vẻ vang, ta có thể anh dũng chiến đấu giành thắng lợi, đem lại hòa bình, tự do cho dân tộc được vì sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân. Chính những cá nhân nhỏ bé, riêng lẻ đã tạo nên một sức mạnh tập thể vô cùng lớn lao, có thể quét sạch quân thù. Hay hình tượng người anh hùng Thánh Gióng, nhờ có cơm áo của bà con làng xóm mà Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ, xông pha trận mạc đánh tan giặc Ân. Hình tượng ấy đã được truyền thuyết hóa, thực chất đó chính là tinh thần đoàn kết của nhân dân đồng lòng chống giặc.

Qua đó, ta thấy sự khiêm tốn nhìn nhận, đánh giá vai trò của mỗi cá nhân trong cộng đồng quan trọng biết bao. Biết là thế nhưng chúng ta cũng đừng vì mỗi cá nhân vô cùng nhỏ bé mà quên đi sự đóng góp của bản thân để tạo nên cộng đồng, chúng ta đừng chỉ biết hưởng thụ những đóng góp của người khác mà làm mờ nhạt đi vai trò của mình, làm mình trở thành gánh nặng cho người khác, cho cộng đồng, xã hội. Bởi lẽ tất cả mọi thứ lớn lao đều được hình thành từ những gì bé nhỏ nhất. Một hạt cát bé nhỏ thật nhưng nếu không có những hạt cát kia thì làm gì sa mạc mênh mông đến vậy. Một giọt nước không là gì nhưng biển làm sao bao la khi không còn những giọt nước ấy. Vì vậy, ta có thể thấy cá nhân là một nhân tố quan trọng, là cơ sở để hình thành nên cộng đồng tập thể. Để những cá nhân có thể đóng góp sức mình vào phần chung to lớn, chúng ta không được quyền quên đi những đóng góp của họ. Vì biết đâu nỗi buồn bị lãng quên sẽ làm giảm đi nhiệt huyết trao tặng của họ, dù cho những đóng góp kia cho đi không phải mục đích là được nhận về. Như những người lính tuổi còn rất trẻ đã cho đi tuổi xuân, cho đi xương máu của mình vì một cái chung to lớn. Hay những người mẹ Việt Nam anh hùng đã đóng góp từng củ khoai, bát gạo cho các chiến sĩ, đóng góp cả những đứa con ưu tú của mình để rồi âm thầm khóc nghẹn trong lặng lẽ khi hay tin các anh hi sinh, các anh không về. Các mẹ đã hi sinh hạnh phúc riêng của mình vì cộng đồng, vì tập thể to lớn kia. Những con người ấy họ đã cho đi mà có nề hà chi. Họ hi sinh cái phần cá nhân bé nhỏ của mình đâu phải vì huy chương, vì chiến công. Họ ra đi mà không cần đền đáp lại. Nhưng những lòng biết, những niềm cảm thông chia sẻ của chúng ta sẽ làm họ vui hơn rất nhiều, sẽ giúp họ cảm thấy ấm áp mà nhiệt tình hơn trong trao tặng. Chúng ta cũng không nên đóng góp sức mình mà lại đòi hỏi một sự công nhận thật tương xứng với công lao mà mình bỏ ra. Vì đó thực chất chỉ là một cuộc trao đổi chứ không phải cho đi vì cộng đồng. Vì vậy, chúng ta phải có quan niệm: mình vì mọi người, mọi người mình. Chúng ta cho đi thì ta sẽ được nhận về. Dù có lớn hay không thì sự nhận về ấy vẫn luôn có ý nghĩa.

"Ta là con chim hót; Ta là một cành hoa; Ta nhập vào hòa ca; Một nốt trầm xao xuyến…” (Thanh Hải)

Nhà thơ Thanh Hải cũng đã từng suy nghĩ về triết lí này trong cuộc đời sáng tác văn chương của ông. Ông muốn làm một chú chim để dâng cho đời tiếng hót, muốn làm một bông hoa điểm tô thêm sắc hương cho cuộc sống, một nốt nhạc trầm để lại cho người nghe những dư âm xao xuyến. Và ông gọi đó là "Mùa xuân nho nhỏ" của mình. Khát khao của ông, ước muốn của ông nhỏ bé thật nhưng nó đáng quý biết bao. Vậy đây, cuộc sống của chúng ta là thế. Ông chỉ muốn được là góc nhỏ của mùa xuân vì ông biết rằng mùa xuân lớn kia, mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước. Từ mùa xuân bé nhỏ ấy, ta mới thấy ước muốn đóng góp lúc nào nó cũng đáng quý, dù đóng góp nhỏ bé hay lớn lao thì nó cũng có ý nghĩa vô cùng. Ta và tôi, cá nhân và cộng đồng… tất cả đã tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa những điều bé nhỏ và những thứ lớn lao trong cuộc sống. Đó chính là triết lí sống vô cùng đúng đắn mà con người đúc kết được từ những thực tế cuộc sống. Tiếng ru giản dị, mượt mà, êm đềm nhưng ẩn chứa trong nó là bài học lớn lao. Và tiếng ru đấy vẫn luôn đồng hành trong hành trang cuộc đời của chúng ta, từ thuở bé cho đến khi trưởng thành, giúp ta nhận thức được mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong cuộc sống, dạy ta biết đóng góp, biết cho đi tạo nên những bông hoa, những bài ca, những mùa xuân rực rỡ cho đời, người và cho cả chính chúng ta.

2. Nghị luận về câu nói: Nếu tôi không đốt lửa; Nếu anh không đốt lửa; Nếu chúng ta không đốt lửa; thì làm sao Bóng tối sẽ trở thành Ánh sáng! mẫu 2

Lưu Quang Vũ ra đi cách đây tròn 20 năm, ngày 29-8-1988. Hai mươi năm qua, theo dòng chảy thời gian, nền kịch nghệ nước nhà cũng có những thành tựu, nhưng nhìn lại một cách khách quan và điềm tĩnh, Vũ mất đã để lại một khoảng trống chưa thể bù đắp nổi cho sân khấu, nhất là không khí cực kỳ nóng bỏng và thăng hoa.

Có rất nhiều lý do chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng sân khấu xuống cấp, khán giả dửng dưng với kịch trường. Chúng tôi thiển nghĩ, trước hết và sau cùng vẫn là khâu đầu tiên – kịch bản văn học. Đội ngũ tác giả chưa bao giờ đông đảo như hiện nay, nhưng tác phẩm thực sự hay vẫn là của hiếm. Khá nhiều cây bút đều “cảm thấy” mình có tài, nhưng những trang bản thảo vẫn nhạt nhẽo, vẫn tồn tại một thứ ngôn ngữ sân khấu “nhàm chán và cũ kỹ”.

Trong khi đó, hiện thực đời sống có lẽ chưa bao giờ sinh động, nhiều kịch tính như hiện nay. Sự quan tâm và đầu tư cũng chưa bao giờ dồi dào thấu đáo như bây giờ. Cũng chưa bao giờ không khí xã hội cởi mở rộng đường sáng tạo cho nghệ sĩ như vậy? Thiếu lửa! Người viết thiếu lửa, người diễn thiếu lửa, nên người xem không thể có nhiệt tâm đến nhà hát. Nói vấn đề này bởi nhớ tới nhà viết kịch đã rời xa chúng ta 20 năm trước. Điều gì đã làm nên “hiện tượng Lưu Quang Vũ” náo động cả kịch trường và xã hội những năm 80 ấy? Đó chính là ngọn lửa luôn rừng rực trong trái tim cháy bỏng ở nhà biên kịch tài năng này.

Trước khi đến với sân khấu, Lưu Quang Vũ đã là nhà thơ. Nhưng Vũ thường đọc những câu thơ tuyệt mỹ của các thi sĩ khác. Trong đó, không ít lần Vũ nhắc đến câu thơ đầy chất lửa của thi sĩ cách mạng người Thổ Nhĩ Kỳ, Nadim Hitmet:

Nếu Tôi không đốt lửa

Nếu Anh không đốt lửa

Nếu Chúng ta không đốt lửa

Thì làm sao

Bóng tối

Có thể trở thành

ÁNH SÁNG!

Có thể võ đoán chăng, nhưng tôi đồ rằng, chính những vần thơ của Hitmet đã nhen trong trái tim nhà biên kịch trẻ tuổi ấy ngọn lửa, để từ năm 1980 và cháy đỏ suốt 10 năm liên tục, Vũ cho ra đời hơn 50 tác phẩm kịch, mà tác phẩm nào cũng ẩn chứa một “hỏa diệm sơn” nho nhỏ. Nho nhỏ thôi nhưng cũng đủ thiêu đốt bao trái tim người xem, khiến họ không thể dửng dưng, không thể thờ ơ trước ngôn ngữ cháy bỏng trên sân khấu đang đề cập những điều mọi người quan tâm, xã hội phải quan tâm.

Ngọn lửa cao cả của trách nhiệm công dân chân chính trước hiện tình đất nước, dân tộc. Ngọn lửa của tình yêu vô hạn với con người, với cuộc sống. Ngọn lửa của những khát khao nồng cháy bảo vệ chân lý và lẽ phải. Ngọn lửa phẫn nộ phả rát mặt cái ác và bất lương… Đầu những năm 1980, kịch phẩm “Tôi và Chúng ta” được đưa lên sàn diễn một cách dè dặt đầy âu lo. Vở kịch phê phán quyết liệt cơ chế quan liêu bao cấp đã trói buộc sự sáng tạo, dập vùi bao ước mơ. Nhưng Giám đốc Hoàng Việt, nhân vật trung tâm của vở diễn thì không chịu bó tay.

Ngọn lửa thiêu đốt lòng anh là ý nghĩa về cuộc sống: Cuộc sống mạnh hơn tất cả, một cuộc sống hướng tới sự hài hòa giữa một người và mọi người, giữa “tôi” và “chúng ta”. Nhưng Thanh, cô gái thanh niên xung phong năm xưa, nay là công nhân của Hoàng Việt lại thẳng thắn: Đi từ thế giới của cái “tôi” sang thế giới của “chúng ta”, nhưng cái chúng ta ấy phải được làm bằng mỗi cái tôi cụ thể, bằng sự tôn trọng hạnh phúc và phẩm cách của từng người. Nếu không, sẽ không làm được gì trong cái thế giới chúng ta chung chung.

Giám đốc Hoàng Việt đã táo bạo đưa xí nghiệp vào công cuộc đổi mới, hiệu quả kinh tế là hàng đầu, con người được “cởi trói” những ràng buộc. Nhưng vì “cấp tiến” nên vi phạm những nguyên tắc hiện hành, mặc dù đó là những nguyên tắc quản lý đã lỗi thời, anh đã phải ra trước pháp luật. Đó không là “bi kịch”.

Nhân vật Bộ trưởng nói với Hoàng Việt và công nhân xí nghiệp: cả nước đang đứng trước một bước ngoặt lớn, hoặc tiến lên phía trước hoặc cứ ôm chân ôm tay nhau để cùng chịu lao xuống vực thẳm… Chúng ta xây dựng ngày mai bằng những con người của hôm nay… Đây thực sự là một cuộc chiến đấu, nhưng những gì thuộc về quy luật sẽ thắng”!

Tác phẩm kịch là tiếng nói của cộng đồng, là nguyện vọng của toàn xã hội, như một hồi kèn khởi động cho cả đất nước bước vào thời kỳ đổi mới mạnh mẽ, do Đảng ta khởi xướng và chỉ đạo. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước tới xem, rất ủng hộ.

Chính vì thế “Tôi và Chúng ta” diễn ở đâu, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào thời điểm năm 1985, cũng được công chúng hò reo hưởng ứng. Nếu không có dự cảm lớn lao, trái tim nhiệt huyết và sự dũng cảm của trí tuệ, không thể có một kịch bản tuyệt vời như thế. Còn vở “Lời thề thứ 9” là một trong ba tác phẩm của Lưu Quang Vũ nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, tháng 9 năm 2000. Kịch bản viết vào tháng 7-1988, nói về bốn chiến sĩ nơi biên cương, đã tranh thủ ba ngày thưởng phép để về một vùng quê với mục đích trừng trị những tên cường hào mới ở địa phương, giải thoát cho người thân của đồng đội.

Sự “manh động” bồng bột đã bị những người nắm quyền ở làng quê ấy giam giữ. Vị quan chức hàng tỉnh cho hành động ấy chứng tỏ bộ đội bây giờ là “hỏng”, không còn “đi dân nhớ, ở dân thương” như hồi nào. Nhân vật Đỉnh, nguyên là Trung đoàn trưởng, một cựu chiến binh đã nói thẳng với vị lãnh đạo tỉnh, trước kia là thủ trưởng của mình: Bộ đội của dân, anh bảo bộ đội hỏng, có nghĩa tại dân hỏng. Nhưng dân có hỏng không, bộ đội có hỏng không? Không đâu anh ạ. Tôi e lâu nay anh không chỉ xa người lính, mà còn xa cả dân nữa… Những người lính đang bị vây trong kia, mới hôm qua thôi họ còn chiến đấu rất anh dũng, và mai đây khi Tổ quốc cần, họ sẽ lại chiến đấu quên mình…

Những việc không hay xảy ra, lỗi ở người lính chỉ một phần, phần lỗi chính ở các anh. Ai chức vụ càng cao trách nhiệm càng lớn… Tôi may mắn được xem vở diễn này cùng với tác giả trong đêm tổng duyệt của Đoàn kịch Quân đội, trong khu văn công Mai Dịch, đêm mùa thu năm 1988.

Khi vở diễn khép màn, Lưu Quang Vũ lặng người đi. Chúng tôi nắm tay nhau rất chặt. Tôi biết trái tim người lính năm xưa trong Vũ đang thổn thức. Ôi, lời thề “Trung với nước, hiếu với dân” sao thiêng liêng đến thế.

Lưu Quang Vũ còn rất thành công ở những kịch bản khai thác từ cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, như “Nàng Sita”, “Ông Vua hóa hổ”… Trong đó đặc sắc hơn cả là kịch phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Vở kịch thấm đẫm triết lý nhân sinh sâu sắc. Hãy sống thực là mình, cả phần xác lẫn phần hồn. Với bao hạnh phúc ngọt ngào cùng những khổ đau vật vã, nhưng hãy là chính mình trên cõi thế gian này. Hãy cho tôi là Người, thật sự là Con Người như tạo hóa ban tặng. Đó là khát vọng sống. Khát vọng nhân sinh!

Ba kịch phẩm “Tôi và Chúng ta”, “Lời thề thứ 9”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được giải thưởng cao quý, tiêu biểu cho phong cách sáng tác văn học kịch của cây bút đang dồi dào sinh lực.

Sự mẫn cảm chính trị, nhạy bén với thời cuộc, hàm lượng trí tuệ, trí thông minh thiên bẩm, sự lao động nghệ thuật miệt mài, và nhất là sự dũng cảm của một trái tim cháy lửa đã làm nên một tài năng trác tuyệt, một ngôi sao sáng chói trên bầu trời sân khấu đương đại mang tên Lưu Quang Vũ.

Nếu anh không đốt lửa… thì làm sao bóng tối có thể trở thành ÁNH SÁNG!

Nghị luận về câu nói: Nếu tôi không đốt lửa; Nếu anh không đốt lửa; Nếu chúng ta không đốt lửa; thì làm sao Bóng tối sẽ trở thành Ánh sáng

3. Nghị luận về câu nói: Nếu tôi không đốt lửa; Nếu anh không đốt lửa; Nếu chúng ta không đốt lửa; thì làm sao Bóng tối sẽ trở thành Ánh sáng! mẫu 3

Con đường đi đến thành công sẽ rộng mở hơn nếu mỗi chúng ta dám cháy hết với những đam mê, hoài bão của mình. Điều này được đúc kết từ chân lí sống của Nazim Hikmet: ”Nếu tôi không cháy lên, nếu anh không cháy lên, nếu chúng ta không cháy lên thì làm sao bóng tối có thể trở thành ánh sáng”. Đó là một triết lí sống cao đẹp đầy ý nghĩa. ”Cháy lên” là sự phát sán , bùng cháy, lan tỏa hơi ấmt rong không gian. Nhà thơ đã mượn hình ảnh ”cháy lên” để nói về sự bứt phá, nghị lực vươn lên và cũng có thể hiểu là sự dấn thân, dám đương đầu của con ng trước muôn vàn khó khăn, trắc trở. Bóng tối là biểu trưng cho cái xấu, cái ác, nó đi ngược lại với những điều tốt đẹp trong cuộc sống như lòng nhân hậu vị tha, dũng cảm. Qua đó Nazim muốn nhắn gửi tới người đọc thông điệp: nếu chúng ta không dám hành động, không dám dấn thân, đứng lên thì bóng đêm sẽ mãi ngự trị, ánh sáng không thể xuất hiện cũng như những điều tốt đẹp ấy không thể tồn tại trên đời! Vì cuộc đời không phải là thảm trải đầy hoa hồng nên chúng ta luôn phải vươn mình để khẳng định bản thân và để trưởng thành hơn. Xung quanh ta có biết bao người kiên trì theo đuổi ước mơ của mình. Họ là những con người dám sống hết mình, không ngừng nỗ lực và dám đối mặt với thất bại để đạt được mục tiêu của mình. Đâu đó cũng có những người dám đứng lên bênh vực chính nghĩa, dám đấu tranh vì một tương lai tươi sáng hơn. Chúng ta không thể không nhắc đến những con người bằng tài năng, sức lực cùng với khối óc đầy đam mê và nhiệt huyết đang ngày đêm âm thầm cống hiến cho xã hội, đất nước. Có thể kể đến Wilma Rudolph, một cô bé có đôi chân gần như bị liệt nhưng vẫn cố gắng tập luyện để theo đuổi ước mơ điền kinh của mình. Sau nhiều năm khổ luyện, cô bé ngày nào đã trở thành Nữ vận động viên xuất sắc nhất năm 1960. Hay nghệ sĩ Violon Perlman thường phải chống nạng để biểu diễn do căn bệnh bại liệt. Ấy vậy mà khúc nhạc của ông đã lay động hàng triệu trái tim hơn cả thế khúc nhạc ấy được tấu lên bởi một ý chí dũng cảm, vượt lên khó khăn để theo đuổi hoài bão. Đó là minh chứng sáng cho tinh thần chiến thắng nghịch cảnh, không ngừng ”cháy lên” và đem ánh sáng cho đời.”Cháy lên” sẽ giúp con người sống có chí hướng, bản lĩnh vững vàng để bước qua mọi thử thách. Nó giúp con người biết quý trọng từnggiây phút trong cuộc đời, biết đem ngọn lửa của mình thắp sáng cho bầu trời nhân loại. Thế nhưng rất đáng buồn hiện nay, bên cạnh những người sống xả thân, sống nghị lực vẫn còn nhiều người chọn cách sống ích kỉ, phó mặc cho số phận. Chẳng hạn như trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ngày nay, một bộ phận không nhỏ trong xã hội không dám lên tiếng thậm chí tìm mọi cách che đậy để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mình. Có những con người chỉ vài lần thất bại song chán nản chìm đắm vào biển tuyệt vọng để rồi ngã gục trước giông tố cuộc đời. Những biểu hiện đó thật đáng phê phán. Điều cốt yếu của mọi sự ”cháy lên” là tạo bước ngoặt trong nhận thức nhưng vẫn chưa đủ mà cần phải có kế hoạch rõ ràng và hành động ngay vì sống là không chờ đợi. Sự cháy lên ấy cũng cần xuất phát từ khả năng thực tế của con người. Câu nói đã để lại bài học sâu sắc: trước thử thách khốc liệt của cuộc đời hãy tìm cho mình nguồn động lực để thắp sáng tương lai. Hãy mạnh dạn phá vỡ giới hạn bản thân trên hành trình theo đuổi ước mơ và cống hiến cho xã hội. Xã hội luôn cần những cá nhân biết tỏa sáng và đem ánh sáng của mình giúp cho đời.” Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi”. Lời khuyên của Nazim Hikmet đã khích lệ chúng ta cần có lí tưởng sống cao đẹp và cháy mãnh liệt hơn nữa để đứng vững trước thăng trầm cuộc đời.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Nghị luận xã hội về câu nói: Nếu tôi không đốt lửa; Nếu anh không đốt lửa; Nếu chúng ta không đốt lửa; thì làm sao Bóng tối sẽ trở thành Ánh sáng! cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 12 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 và biết cách soạn bài lớp 12 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12 để có thêm tài liệu học tập nhé

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm