Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà

Những bài văn mẫu hay lớp 11

Văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Phân tích bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà

Trong nền văn học Việt Nam, có một thi nhân đặc biệt, chiếm vị trí cũng đặc biệt trên thi đàn. Đó là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Đặc biệt bởi tài sử dụng ngôn ngữ của ông mà có người đã khâm phục như một nhà ảo thuật ngôn ngữ. Đặc biệt bởi vì ông là “chiếc gạch nối giữa thơ cũ và thơ mới” (Hoài Thanh). Sinh thời, ông viết nhiều tác phẩm hay, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bài thơ “Thề non nước”.

Bài thơ có gì đặc biệt lại cùng tác giả rạng danh trên thi đàn Việt Nam đến như vậy?

Ta hãy xem:

Nước non nặng một lời thề

Nước đi, đi mãi không về cùng non.

Hình ảnh một cuộc chia ly hiện ra buồn bã qua một câu thơ như một lời thở dài nặng trĩu. “Nước non” gợi lên hình ảnh về một bức tranh sơn thủy, có núi sông. “Nước non” ở câu trên đi cạnh nhau như một đôi bạn quấn quýt, và trọng tâm của câu đặt vào chữ “nặng” càng làm rõ cái sắt đá của lời thề. Tưởng chừng như không gì chia cách được nước non. Ấy thế mà:

Nước đi, đi mãi không về cùng non.

“Nước, non” bị tách ra hai đầu câu thơ, như cùng tồn tại ở hai cực, tách biệt và xa cách làm sao. Nước đi như một tất yếu khách quan của qui luật vận động. Còn non đứng lại, chỉ biết chờ mong. Từ “đi” được lấy và được ngăn cách, tạo cảm giác về một sự day dứt khắc khoải khôn nguôi. Non khắc khoải điều gì?

Nhớ lời nguyện nước thề non

Nước đi chưa lại non còn đứng không.

Lời “nguyện nước thề non” thiết tha là thế, sâu nặng là thế, ấy mà non - nước vẫn cách chia. Một lần nữa, non - nước lại đứng ở hai vế câu đối lập:

Nước đi chưa lại non còn đứng không.

Vẫn gợi hình ảnh hai thế giới tách biệt, vẫn gợi sự chia li cách trở. Thế nên:

Non cao những ngóng cùng trông

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày

Sương mai một nắm hao gầy

Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương

Trời tây ngả bóng tà dương

Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.

Hình ảnh của non hiện ra ở đây cụ thể hơn, như một người con gái. Những “dòng lệ sương mai, tóc mây, vẻ ngọc nét vàng” đầy ước lệ chẳng đã nói lên điều đó sao? Người con gái nhưng buồn. Một lần nữa cái phong vị chia ly lại thấm đều trên từng câu chữ, lại khắc đậm thêm trong ta một nỗi u tình sâu kín. Nhạc thơ hầu hết là thanh bằng, tạo âm điệu trầm buồn da diết. Tứ thơ chất chứa nỗi cô đơn:

Sương mai một nắm hao gầy

Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.

Điều gì cũng chỉ có một! Một mái tóc mây, một dáng vẻ hao gầy, một mình non đứng cô đơn. Thế nhưng, nỗi sầu thì cứ tuôn ra đầy vơi, nỗi buồn như muốn trào ra từng lời nói, câu thơ ẩn ngầm một sự đối lập xót xa.

Tất cả chỉ vì nước đã ra đi, đi xa lắm. Nhưng nước thì làm sao không chảy cho được, cũng như người trai sao yên vị một chỗ cho đành. Nước đi theo lẽ tự nhiên như người trai phải ra đi vì đất nước. Nhưng sao người con gái lại thảm sầu đến thế! Phải chăng thời buổi nhiễu nhương đã bức lìa câu thề non - nước, tách rời hai thực thể vốn dĩ phải gần nhau. Lời thơ hiển hiện mà ý từ cứ ẩn ngầm. Ta bắt gặp trong khung cảnh một câu chuyện tình quen thuộc bóng dáng một xã hội loạn li mà tác giả không đề cập tới. Tuy thế, ý tứ và hình ảnh cứ như bật dậy khỏi trang giấy, đây vào lòng người đọc một cách sống động lạ thường.

Có vẻ như bức tranh “Thề non nước” sẽ nhuốm một màu sắc bi quan u tối, nếu như không có những câu thơ:

Non cao tuổi vẫn chưa già

Non thời nhớ nước, nước mà quên non

Dù cho sông cạn đá mòn

Còn non, còn nước hãy còn thề xưa.

Non cao đã biết hay chưa

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.

Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi.

Nếu như ở đoạn thơ trên, sự ra đi “nước” là một qui luật tự nhiên thì ở đoạn này, viễn cảnh về sự trở lại của “nước” cũng tuân theo một qui luật tự nhiên bất di bất dịch. Có thể nó đoạn thơ này là lời an ủi thiết tha, chân thành của “nước” dành cho “non”.

Dù cho sông cạn đá mòn

Còn non, còn nước hãy còn thề xưa.

Lời thề vàng đá ngày nao vẫn còn đó, sâu nặng trong mỗi người. Cho nên đáp lại sự chung thủy đợi chờ của non là sự sắt son của nước.

Non cao đã biết hay chưa

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn

Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi.

Cặp từ “non, nước” được liên tiếp lặp lại ở những vị trí khác nhau, ngày càng gần lại, ban đầu còn cách biệt câu trên câu dưới, còn song đôi nhưng chưa gặp gỡ thì sau đã đi liền nhau như tái hợp, sum vầy. Ta thấy từ trong mỗi câu thơ lóe lên những tia hi vọng tươi sáng, hợp thành một niềm tin chắc chắn vào một ngày sum họp gần kề. Tản Đà đã rất hữu ý khi sắp xếp từng câu chữ.

Đoạn thơ như một lời an ủi nhiệm màu thổi vào lòng non ngọn lửa hồng ấm áp của niềm tin và sự lạc quan. Nước non tuy xa cách, nước tuy đi khuất nhưng có một ngày quay về với non:

Nước đi ra bể lại đi về nguồn.

Như một người con trai đạt thành sự nghiệp qui cố hương với tấm lòng thanh thản tươi vui.

Tầng nghĩa thức ba của cặp từ “non - nước” hiện ra ngay ở đây hàm ý về tấm lòng Tản Đà đối với non nước, quê hương. Nếu như ở một đoạn thơ đầu, ông bộc lộ nỗi buồn chán cho cảnh đất nước qua giọng thơ sầu não thì ở đoạn này, một nhịp thơ khoan thai mà âm điệu vui vẻ lại vẽ nên một Tản Đà khác hẳn, một Tản Đà ngập tràn hi vọng một ngày mai tươi sáng, một tương lai tốt đẹp cho nước nhà.

Nước kia dù hãy còn đi

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui

Nghìn năm giao ước kết đôi.

Non non nước nước không nguôi lời thề.

Màu xanh tươi tắn và khỏe khoắn của ngàn dâu tượng trưng cho một khởi đầu tốt đẹp sau những thay đổi tang thương. Từng lời từng chữ cứ quyện vào nhau, đan kết lại trong một nỗi hân hoan dào dạt. Ta như thấy được nét mặt vui mừng của người chinh phụ khi đón chồng về, như cảm nhận được niềm vui ngân lên trong những thanh âm trong trẻo của hai câu thơ cuối.

Bức tranh “Thề nước non” mang một hình ảnh cụ thể của một bức tranh sơn thủy nhưng lại mang nét trừu tượng của một bức tranh phức tạp. Cái hay của bài thơ là ở ngôn ngữ nghệ thuật ngôn ngữ điêu luyện của Tản Đà, cũng là ở tấm lòng ưu ái của ông với đất nước.

Bài thơ mang một giá trị cao là vì thế. Nó là một trong vài dấu son cuối cùng của thơ cổ, chuyển tiếp sang thời kì thơ mới hiện đại.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Bài tiếp theo: Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Học tốt Ngữ Văn lớp 11

    Xem thêm