Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích bài thơ “Mời trầu” của Hồ Xuân Hương

Những bài văn mẫu hay lớp 11

Văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ “Mời trầu” của Hồ Xuân Hương gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Phân tích bài thơ “Mời trầu” của Hồ Xuân Hương

Người ta thường nói: văn là người. Chân lý ấy được minh họa đầy đủ và sâu sắc ở nhà thơ Hồ Xuân Hương. Đây là một cá tính độc đáo, một phong cách đặc biệt khác thường. Con người này làm thơ để ném ra cá tính ấy, phong cách ấy như một thách thúc đối với trật tự đẳng cấp nghìn đời mà kẻ ăn trên ngồi trốc là những “hiền nhân quân tử”, những vua và chúa, còn những người bị đặt dưới cùng là những người đàn bà thuộc tầng lớp bình dân. Không, đối với Hồ Xuân Hương không có trật tự trên dưới nào hết, ai cũng như ai, dù là nam hay nữ, dù là những người tai to mặt lớn mũ áo xêng xang hay những bố cu mẹ đĩ, đều có quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc, được người đời coi trọng nhờ đạo đức và tài năng của mình.

Tất nhiên cá tính ấy không phải ngẫu nhiên mà có. Đấy là tiếng vang dội của cả một cao trào nông dân khởi nghĩa thế kỷ XVII, XVIII trên lĩnh vực ý thức thẩm mỹ thời đại.

Những điều kiện lịch sử thời Hồ Xuân Hương không cho phép đất nước chuyển sang một thời kỳ mới. Vậy là tính cách thì lớn nhưng khuôn khổ xã hội thì vẫn chật hẹp. Không khuất phục, không đầu hàng, Hồ Xuân Hương tuyên chiến với một thứ khuôn phép, chuẩn mực cửa xã hội đẳng cấp phong kiến đã trở thành trái tự nhiên, phi đạo lý, bằng những vần thơ ngang ngược, oái oăm, bằng cái tôi ngông nghênh kiêu ngạo của mình: “Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ - Lại đây cho chị dạy làm thơ - “Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo - Kia đền Thái thú đứng treo leo - Ví đây đối phận làm trai được - Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”.v.v…

Tuy nhiên, nếu Hồ Xuân Hương là tiếng nói đanh thép, dõng dạc của phong trào quần chúng hùng mạnh, quyết liệt nhất thì đồng thời cũng là sự thể hiện nỗi ấm ách, bực bội không giải toả được của lịch sử một dân tộc tuy khủng hoảng sâu sắc nhưng chưa tìm ra lối thoát.

Mời trầuCái ấm ách lịch sử ấy, ở bậc kỳ nữ này, lại bắt gặp, như là một định mệnh, cái ấm ách bực bội của một số phận cá nhân. Có người đàn bà nào tài hoa đến thế, giàu sức sống đến thế, khát khao tự do và tình yêu chân thật đến thế lại bị đày ải vào một cuộc đời éo le, bất hạnh đến thế: con vợ lẽ, hai lần lấy lẽ, hai lần goá chồng. Ta hiểu vì sao, đọc thơ Hồ Xuân Hương, thấy một tâm trạng đầy mâu thuẫn phức tạp: một tiếng cười ngang tàng thoải mái kéo theo những giọt nước mắt và tiếng thở dài…, một bản lĩnh dám một mình chọi lại với cả một xã hội đầy thành kiến hủ bại thâm căn cố đế, thậm chí thách thức với cả vũ trụ càn khôn. (Nín đi kẻo thẹn với non sông)… lại đồng thời là một tâm sự cô đơn, chông chênh, chơi vơi, lênh đênh, có những lúc muốn nhắm mắt xuôi tay (Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến -Dong lèo thây kẻ rắp xuôi dòng…) một tấm lòng son tươi rói trẻ trung, đầy ắp xuân tình, xuân sắc, lại đi liền với biết bao cay đắng tủi hờn của cuộc đời đàn bà đầy những ngang trái, dang dở, bẽ bàng…

Tất cả tâm trạng đẩy mâu thuẫn ấy nhiều khi được dồn nén lại trong khuôn khổ một bài thơ tứ tuyệt. Mời trầu là một trong những bài thơ như thế.

Mời trầu cũng như nhiều bài thơ khác của Hồ Xuân Hương thuộc thể tuyệt cú cổ điển. Đấy là một thể Đường luật thi, một thứ văn chương bác học. Nhưng đọc Mời trầu không ai có ý nghĩ đây là bài thơ Đường du nhập từ Trung Quốc vào qua những nhà trí thức Hán học. Có một cái gì thật là nôm na dân dã ở lời thơ hết sức bình dị và ở giọng điệu mộc mạc đến suồng sã:

Này của Xuân Hương đã quệt rồi.

Có thể diễn xuôi ra như thế này: Này nói cho mà biết, miếng trầu của Xuân Hương chỉ xoàng xĩnh thế thôi, nhưng là của Xuân Hương, chính tay Xuân Hương quệt vôi têm ra đó. Nó xoàng xĩnh thế thôi nhưng gói ghém trong đó cả cái tình của Xuân Hương đấy.

Người ta nói Xuân Hương đã bình dân hoá, dân gian hoá thơ Đường là như thế.

Bản thân tục mời trầu cũng là một nghi lễ rất dân gian và hình ảnh quả cau nho nhỏ thì rất đỗi quen thuộc trong ca dao dân ca. Thơ Xuân Hương, về phương diện này, dường như xuất phát từ một nguồn mạch với những “quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân…”, hay “mời anh xơi miếng trầu này - Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù nồng…” của những câu hát dân gian.

Ta gọi thế là chất dân gian, một vẻ đẹp riêng của thơ Xuân Hương.

Chất trẻ trung, tươi tắn lại là một vẻ đẹp khác của bài thơ: hãy để ý đến màu sắc trong bài thơ. Thơ Đường thường thiên về tính trừu tượng khái quát, ít khi miêu tả chi tiết cụ thể. Do đó thơ Đường cũng ít dùng đến những màu sắc cụ thể đập mạnh vào cảm giác người đọc. Thơ Đường thiên về trí tuệ nên thường chỉ gợi liên tưởng chứ ít miêu tả trực tiếp. Vì thế cảnh sắc trong thơ Đường cũng trừu tượng. Đọc thơ Đường ta thường bắt gặp những thu sắc thu phong, những xuân sắc, xuân sơn, một thứ màu sắc bàng bạc trong không gian, trên tạo vật, thế thôi.

Xuân Hương đem chất sống cụ thể vào thơ Đường. Tất cả màu sắc đều tươi rói, nhiều khi như hét lên, giẫy nẩy lên trên trang giấy: cửa son đỏ loét, hòn đá xanh rì, cầu trắng phau phau, nước trong leo lẻo, một trái trăng thu chín mõm mòm, nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom…

Tất nhiên những màu sắc như thế không phải chỉ là màu sắc tự nhiên mà còn là tấm lòng của tác giả. Ở bài Mời trầu, có một cái gì trẻ trung tươi tắn trong hoà sắc ba màu: xanh, trắng, đỏ.

Cần lưu ý: màu xanh là màu tươi của lá trầu, màu trắng là màu trắng tinh của vôi trên lá xanh, còn màu đỏ là màu đỏ thắm tạo nên bởi hai chất liệu trắng và xanh hoà quyện vào nhau. Kể ra, tự nhiên cũng có lắm cái kì diệu, xanh trắng mà lại tạo thành đỏ. Trong quan hệ nam nữ cái kì diệu ấy chỉ có thể là cái tình, cái duyên, là tấm lòng chân thật với nhau mà thôi:

Có phải duyên nhau thì thấm lại

Câu thơ cũng đở thắm như tấm lòng nhà thơ vậy.

Nhưng thơ Xuân Hương là thế: không bao giờ muốn che giấu đi một cá linh ngang tàng: ở địa vị người đàn bà trong xã hội cũ, lại là chuyện mời trầu người ta, lẽ ra thì phải mềm mỏng, dịu dàng và phải bèn lẽn một chút, Xuân Hương không thế, cái tôi dỏng dạc xưng tên:

Này của Xuân Hương đã quệt rồi.

Trong thời phong kiến, ý thức cá nhân chưa phát triển, cái tôi cá nhân, bản thân nó không được xem là một giá trị đáng coi trọng. Hồi ấy, trong phép xã giao, thái độ của người có lễ giáo là phải biết giấu cái tôi của mình đi, hoặc phải hạ nó xuống đến mức thấp nhất (chẳng hạn: kẻ ngu này trộm nghĩ…), là người đàn bà, phép tắc ấy lại càng phải coi trọng hơn nữa.

Vậy mà nhà thơ nữ của chúng ta lại dõng dạc: Này của Xuân Hương. Rõ ràng là một sự thách thức táo bạo trước dư luận xã hội. Đã thế lại còn đóng dấu ấn cá nhân vào miếng trầu đưa cho người một cách rất ít mềm mỏng: Này của Xuân Hương đã quệt rồi. Quệt cũng như têm thôi (têm trầu), nhưng quệt tỏ ra suồng sã hơn, bướng bỉnh và ngang ngược hơn, không muốn khiêm tốn một chút nào. Có phải duyên nhau thì thắm lại. Nhau tuy có giọng thân mật đấy nhưng hoàn toàn bình đẳng. Đến câu tiếp theo không còn là giọng mời chào nữa, mà là một lời mắng hẳn hoi. Mời ăn trầu mà cứ như mắng người ta, dù là mắng yêu đi nữa, thì cũng chỉ có ở Xuân Hương thôi: “đừng xanh như lá bạc như vôi!”

“Đừng xanh như lá bạc như vôi”. Đúng thế, mời mà như mắng người ta.

Tuy nhiên lời thơ ngẫm cho kĩ, không chỉ thể hiện cá tính ngang tàng của Xuân Hương…. Biết bao trải nghiệm cay đắng trong đời tình ái của mình và của nhiều phụ nữ trong xã hội cũ đã gửi vào trong lời thơ ấy. Ở cái thời phong kiến trọng nam khinh nữ, cái thời mà trai thì tha hồ mà năm thê bảy thiếp, nhưng gái chính chuyên chỉ có một chồng ấy, tìm ra được tình yêu chân thật thuỷ chung ở bọn đàn ông thật khó vậy thay.

Xuân Hương biết vậy, nên tiếp liền theo lời mời trầu là một ý răn đe: có yêu thì yêu cho chân thật để tính chuyện lâu dài, đừng giở cái trò cợt bướm trêu hoa, giữa đường quất ngựa truy phong như cái thằng Sở Khanh tráo trở kia thì không xong đâu.

Nhưng éo le thay là cái chuyện tình. Bản lĩnh đặc biệt của Hồ Xuân Hương khiến nữ sĩ có thể làm chủ được trong mọi tình huống. Có tài, có đức, có trí, có dũng thì còn sợ gì nữa. Trong mọi mối quan hệ của đời sống, dường như Hồ Xuân Hương không chịu khuất phục một ai, cho dù là vua chúa, là anh hùng, là quan văn, quan võ, là các bậc hiển nhân quân tử hay những đấng thần phật thiêng liêng…. Nhưng tình yêu bản thân nó là một sự lệ thuộc. Tình yêu là sự tự nguyện lệ thuộc vào một đối tượng nào đó và cảm thấy hạnh phúc trong chính sự lệ thuộc ấy. Nhưng mọi bi kịch của tình yêu cũng đều bất nguồn từ đấy.

Trong quan hệ lệ thuộc một cách tự nguyện này, người phụ nữ thường phải chịu thiệt thòi. Tình trạng ấy ở trong xã hội phong kiến, dĩ nhiên lại càng dễ hiểu lắm.

Nhưng biết làm sao được, khi mà người đàn bà có một trái tim sôi nổi, khát khao yêu và được yêu như nữ sĩ họ Hồ.

Cho nên đọc kỹ, lắng kỹ từng câu thơ Mòi trầu mà xem, có phải đằng sau cái đanh đá, đáo để, vẫn còn một tấm lòng khát khao tha thiết và một giọng khiêm tốn nhún nhường (Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi - Nàỵ của Xuân Hương đã quệt rồi) và không phải không có một cái gì như là xót xa cay đắng mà nhà thơ không hoàn toàn che giấu nổi (có phải duyên nhau thì thắm lại — Đừng xanh như lá bạc như vôi).

Con người ấy trong lĩnh vực tình yêu và hạnh phúc đã không thể làm chủ được số phận của mình. Ấy là một tấm lòng son nổi lên giữa dòng đời đen bạc.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ “Mời trầu” của Hồ Xuân Hương. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Bài tiếp theo: Phân tích bài thơ “Mồng hai Tết viếng cô Ký” của Tú Xương

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Học tốt Ngữ Văn lớp 11

    Xem thêm