Thuyết minh về Núi Ngự Bình - Huế
Thuyết minh về Núi Ngự Bình - Huế - Ngữ văn lớp 8
Thuyết minh về Núi Ngự Bình - Huế là tài liệu văn lớp 8 dưới đây được VnDoc sưu tầm và tổng hợp các bài tham khảo hay giúp các bạn học sinh hoàn thành tốt bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các bạn tham khảo bài văn mẫu Thuyết minh về Núi Ngự Bình - Huế hay dưới đây.
Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 21: Viết bài tập làm văn số 5 - Văn thuyết minh
Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 19: Thuyết minh về một phương pháp
Nội dung trong bài
Đề bài: Em hãy Thuyết minh về núi Ngự Bình – Huế
Bài tham khảo Thuyết minh về núi Ngự Bình
Như thể có mây thì có gió, có sông thì có núi, nước và non là mối duyên lành mà trời đất đã se cho mảnh đất kinh kì. Cùng với dòng Hương Giang, núi Ngự Bình là một món quà quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho xứ Huê thơ mộng.
Ngự Bình chẳng khác nào một giả sơn. Ông cha ta thật khéo léo khi đưa một thực thể tự nhiên vào một quần thể kiến trúc, dựng nên bức bình phong uy nghi làm tiền án trên trục chính của kinh thành Huế. Vị trí của núi Ngự tuân theo nguyên tắc địa lý phong thủy và thuyết âm dương ngũ hành.
Nhìn từ xa, núi Ngự hao hao chim đại bàng vỗ cánh nên tên cũ là Bình Sơn (hay Bằng Sơn). Khi vua Giang Long lên ngôi, chọn Phú Xuân làm kinh đô nên ngọn núi Bình Sơn được đổi thành núi Ngự Bình, gọi nôm na là núi Ngự.
Gọi là núi nhưng thực ra đây chỉ là một ngọn đồi hình thang, cao 105 mét, ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn Hến và Cồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế - Việt Nam) 4 km về phía Nam. Ở hai bên là hai ngọn núi đất Hữu Bật Sơn và Tả Phù sơn. Nhìn núi Ngự cùng với hai ngọn Hữu Bật – Tả Phù như con chim phượng hoàng đang dang rộng đôi cánh cho chở cho đê thành. Núi Ngự Bình có hình dạng phía trước và phía sau không giống nhau mà thơ ca Việt Nam đã mô tả:
“Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong”
Cách Ngự Bình vài ki-lô-mét là đồi Vọng Cảnh – một trong những danh thắng khác của xứ Huế. Đồi Vọng Cảnh soi bóng duyên dáng bên bờ Hương Giang. Kế bên là núi Bân, nơi mà hơn hai trăm năm trước Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lập đàn tế trời, lên ngôi hoàng đế, đem quân đánh đuổi quân Mãn Thanh sang xâm lược nước ta. Từ chân núi đến đỉnh núi Ngự rợp một màu xanh tốt của rừng thông mà trước đây vua Nguyễn đã cho trồng. Núi Ngự mang một phần linh hồn của xứ Huế. Tuy các triều đại đã sụp đổ, nhưng rừng thông tươi mát vẫn tồn tại với thời gian. Mỗi độ giêng hai, khi sương ban mai còn phủ mờ nhạt cả đỉnh Ngự Bình thì những cây thông xanh tươi đang tỉnh giấc và quyến rũ thêm trong làn sương sớm. Nếu được nghe bản nhạc thiên nhiên do rừng thông chơi, chắc hẳn những bộn bề lo toan của cuộc sống sẽ không còn nữa. Thay vào đó là sự thoải mái và thanh thản trong tâm hồn.
Đứng trên đỉnh núi Ngự, phóng mắt về xa, ta có thể thấy màu xanh ngút ngàn trải dài của các huyện Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang. Trên đỉnh núi, cũng có thể thấy được làng mạc, ruộng đồng, thấy màu trắng của cửa Thuận, màu xanh của biển Đông và cả màu tím thẫm của dãy Trường Sơn. Tạo hóa thật hữu tình khi vẽ trên nét vút của núi Ngự là sự mềm mại của Hương Giang. Sông Hương như dải lụa mềm cuốn quanh chân Ngự Bình, làm bạn tri ân.
Núi Ngự không cao cũng không cheo leo nhưng nó mang cái dáng vẻ của người trầm tư, mặc tưởng. Cái đẹp của nơi đây không đơn giản là cái đẹp bên ngoài mà nó mang cái vẻ đẹp bình dị, gần gũi với người dân xứ Huế. Đối với người dân nơi đây, núi Ngự như một chiếc đàn, một ngôi lầu cao vút và theo đó là những cấp bậc nhân tạo mà người ta có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Huế. Chẳng phải tự nhiên mà thi sĩ Bùi Giáng đã ít nhất một lần rung động cảm tác:
“Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”
Nếu du khách đến Huế mà không ghé thăm núi Ngự Bình thì quả là đáng tiếc. Du khách đến đây vào thời điểm bình minh hoặc hoàng hôn nắng nhẹ mới cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ của một ngọn núi, một dòng sông, một góc trời xứ Huế. Chắc hẳn chẳng có cái không rung động trước vẻ đẹp hữu tình ấy.
Núi Ngự là món qùa mà trời đất đã ban tặng cho mảnh đất kinh kì. Vì vậy, mỗi người đến nơi đây và những du khách thập phương phải giữ gìn, bảo vệ món quà quý giá ấy.
Chẳng phải tự nhiên mà người ta gọi xứ Huế là miền Hương Ngự. Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là món quà vô giá thứ hai mà tạo hóa hữu tình đã ban tặng cho xứ Huế. Không biết ngọn núi rắn chắc ấy đã cứa vào lòng biết bao mối tình nhân gian? Núi Ngự không chỉ đẹp bởi vẻ đẹp thực thể bên ngoài, nó còn đẹp bởi vẻ đẹp quấn quýt, thiết tha. Nếu có thể, chúng ta hãy giới thiệu cho những du khách nước ngoài đến thăm ngọn núi có vẻ đẹp thơ mộng này. Nếu bạn chưa một lần đặt chân đến núi Ngự, thì hãy đến nơi đây, bạn nhé!
Mời các bạn tham khảo bài thuyết minh trong chương trình SGK lớp 8
Ngữ văn lớp 8: Thuyết minh về Ngã ba Đồng Lộc