Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Cảm nhận của em về thơ khi đọc “Mấy ý nghĩ về thơ” của Nguyễn Đình Thi

Văn mẫu: Cảm nhận của em về thơ khi đọc “Mấy ý nghĩ về thơ” của Nguyễn Đình Thi được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 12 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 12 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Cảm nhận của em về tác phẩm "Mấy ý nghĩ về thơ” mẫu 1

Phần đầu bài tiểu luận, Nguyễn Đình Thi đã nhắc lại một số định nghĩa về thơ, một số quan niệm về thơ từng được lưu truyền như: thơ là những lời đẹp, thơ là ở những đề tài đẹp, thơ in sâu vào trí nhớ, đầu mối của thơ là ở bên trong tâm hồn con người,…

Tác giả vừa nhắc lại định nghĩa về thơ vừa tranh biện. Nhắc lại câu thơ Nguyễn Du tả Tú Bà, thơ Hồ Xuân Hương “nô na…” để trên cơ sở đó, tác giả bác bỏ ý kiến cho rằng “thơ là những lời đẹp”.

Cho rằng thơ là những đề tài đẹp, Nguyễn Đình Thi đưa ra bài thơ của Bô-đơ-le nhà thơ Pháp tả cái xác chó chết đầy giòi bọ, nêu lên cái ba lô, cái khẩu súng, bóng dây thép gai hung ác của đồn giặc trong thơ kháng chiến để phản bác lại. Bảo rằng thơ “in sâu vào trí nhớ”, tác giả nêu câu hỏi tại sao, những công thức toán học không phải là thơ mà ta lại rất nhớ.

Phần tiếp theo, Nguyễn Đình Thi đưa ra một vài ý nghĩ về thơ: làm thơ để thể hiện một trạng thái tâm lý đang rung chuyển khác thường; làm thơ là đang sống khi tâm hồn đang rung động. Bài thơ làm sống ngay lên một tình cảm, một nỗi niềm trong lòng người đọc; bài thơ là sợi dây chuyền tình cảm cho người đọc. Thơ là tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sống. Thơ phải có tư tưởng, có ý thức, nhưng tư tưởng của thơ nằm ngay trong cảm xúc, tình tự, v.v…

Chung quy lại: thơ là tiếng nói của tâm hồn, là tư tưởng, tình cảm của con người. Tác giả nói hơi dài và văn hoa về những điều trên đây. Có lúc người đọc cảm thấy lối diễn đạt hơi cầu kỳ rắc rối. Trong bài tựa Cùng bạn đọc (tác phẩm Thơ Sóng Hồng), Sóng Hồng viết một cách giản dị mà sâu sắc về bản chất của thơ, mà trong chúng ta nhiều người đã được đọc. Mọi chân lý đều giản dị. Cần phải nói một cách giản dị mới dễ đi vào lòng người. Sau đó, tác giả nói về một số đặc trưng của thơ: hình ảnh trong thơ, câu chữ trong thơ, nhạc của thơ, đường đi của thơ, tính hàm súc của thơ.

mấy ý nghĩa về thơ

Hình ảnh thơ không phải là hình ảnh cầu kỳ, trái lại, phải là hình ảnh thực nảy lên trong tâm hồn. Người làm thơ lượm những tia lửa ấy (tia lửa sự sống trong tâm hồn) rồi “kết nên một bó sáng, nó là hình ảnh thơ”. “Thơ là nơi tư tưởng, tình tự quấn quýt với hình ảnh như hồn với xác để tạo ra cái biết toàn thể, biết bằng cả tâm hồn, không phải chỉ biết bằng ý niệm, bằng ý thức”.

“Thực trong thơ là tìm được những hình ảnh sống, những hình ảnh có sức lôi cuốn và thuyết phục người đọc”; khi “mỗi giọt nắng, mỗi chiếc lá tự nhiên mà vào trong lòng, để rồi động sâu đến tư tưởng và tình cảm. Trong việc làm thơ bấy giờ, hình ảnh tự nhiên hiện lên trước nhất”. “Những hình ảnh còn tươi nguyên mà nhà thơ tìm thấy, bao giờ cũng mới mẻ, đột ngột lạ lùng”. “Hình ảnh của thơ vừa làm ta ngạc nhiên, vừa đã quen với chúng ta tự bao giờ”. Chữ và tiếng trong thơ phải hình tượng, hàm súc, biểu cảm và đa nghĩa.

Nói về tính hình tượng, hàm súc, biểu cảm, đa nghĩa của ngôn ngữ thơ, tác giả viết: “Chữ và tiếng trong thơ; phải còn có một giá trị khác, ngoài giá trị ý niệm”. Điều kì diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài các nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi lên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra xung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh nhất của thơ là ở sức gợi ấy.

Thi tại ngôn ngoại, thơ đa nghĩa và hàm súc là vẻ đẹp của thơ: Nguyễn Đình Thi đã dùng hình ảnh ngọn nến để nói lên đặc trưng ấy của thơ. “Mỗi chữ như một ngọn nến đang cháy, những ngọn nến ấy xếp lên nhau thành một vùng sáng chung. Ánh sáng không những ở đầu ngọn nến, nó ở tất cả xung quanh những ngọn nến. Ý thơ không những trong những chữ, nó vây bọc xung quanh”.

Thơ mang tính biểu cảm, nên “đường đi của thơ là con đường đưa thẳng vào tình cảm, không quanh co, qua những chặng, những trung gian, những cột cây số”. Ngôn ngữ thơ hàm súc, “thơ là tổng hợp, kết tinh”; thơ “luôn luôn đòi hỏi sự toàn bích”.

Thơ tự do và thơ không vần

Nguyễn Đình Thi cho biết những luật lệ của thơ, từ âm điệu, đến vần, đều là những vũ khí rất mạnh trong tay người làm thơ. Nếu thiếu vũ khí ấy “trận đánh gay go thêm nhiều, nhưng người làm thơ vẫn có thể thắng”. (Phải là thiên tài mới có thể thắng!). Tác giả cho rằng: “Không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không vần. Chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ không thơ”. Phải để cho nhà thơ “tìm tòi, thử thách”, “một thời đại mới của nghệ thuật thường bao giờ cũng tạo ra một hình thức thơ mới”.

Bên cạnh những ý tưởng đúng đắn về chất lượng thơ, sự đổi mới thơ, ta còn băn khoăn về điều tác giả nói như đinh đóng cột: “Không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không có vần”. Đọc thơ Việt hiện nay, ta càng thấy ý kiến ấy không thuyết phục.

Thơ phải sáng tạo nhưng không thể buông thả, bừa bãi. Những bài thơ tục tĩu hoặc nói lãng nhăng tầm phào mà ta thường thấy trên báo chí hiện nay đã làm cho “thơ phản thơ”, làm cho độc giả quay lưng lại với thơ! Hành trình của thơ Việt còn cần rất nhiều những nhà thơ tài năng, lỗi lạc.

Nguyễn Đình Thi đã sáng tạo ca khúc, viết kịch, viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết, viết lý luận, phê bình và làm thơ. Thơ là thành tựu xuất sắc của ông.

Bài “Mấy ý nghĩ về thơ” ra đời cách chúng ta đã 60 năm. Người đọc hôm nay dễ dàng nhận thấy những điều mà tác giả bàn về thơ không mới. Tác giả đã có một cách viết tài hoa, cảm xúc dào dạt. Cầu kỳ và lan man, sa đà là phần hạn chế, nhất là khi tác giả nói về bản chất của thơ, ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ, tính biểu cảm, tính hàm súc, đa nghĩa của thơ. Một số so sánh của tác giả nêu lên có lúc làm cho lí lẽ thêm rối.

Thơ Việt từ năm 1945 đến nay đã có nhiều thành tựu và đang trên đà đổi mới. Lý luận về thơ cũng không dừng lại cái hôm qua đã có, đã bàn luận. Khiếu thẩm mỹ của độc giả ngày nay không còn đơn giản nữa; các nhà làm thơ, các nhà lí luận phê bình thơ cần biết rõ sự thật ấy. “Mấy ý nghĩ về thơ” của Nguyễn Đình Thi như một tiếng nói tâm tình, chúng ta đón đọc với tình cảm trân trọng.

2. Cảm nhận của em về tác phẩm "Mấy ý nghĩ về thơ” mẫu 2

Nguyễn Đình Thi (1924-2003) tại Luông Pha Băng (Lào) quê gốc ở Hà Nội, Việt Nam. Thủa nhỏ, ông sống cùng gia đình tại Lào đến năm 1931 mới trở lại Việt Nam cùng gia đình. Năm 1941, ông tham gia hoạt động cách mạng và giữ nhiều trọng trách quan trọng trong Hội Văn học – Nghệ thuật sau này là Hội nhà văn Việt Nam. Nhắc đến Nguyễn Đình Thi là nhắc đến một người nghệ sĩ đa tài, một nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học lỗi lạc. Ở lĩnh vực nào ông cũng để lại những đóng góp đáng nghi nhận cho hậu thể. Trong số đó phải kể đếnn tiểu luận “Mấy ý nghĩ về thơ” là một trong những tác phẩm để đời của Nguyễn Đình Thi.

Tiểu luận “Mấy ý nghĩ về thơ” của Nguyễn Đình Thi được viết ngày 12-9-1949 tại Hội nghị tranh luận văn nghệ diễn ra ở Việt Bắc. Tác phẩm sau này được đưa vào tập “Mấy vấn đề về văn học” của ông. Trong bài tiểu luận, ông muốn hướng tới một định nghĩa khác về thơ, gợi mở một chân trời sáng tạo mới cho nhà thơ Việt Nam vào những năm cuối của thập niên 40, thế kỉ XX. Đây là bài phát biểu về quan niệm thơ ca thực sự có giá trị mà đến bây giờ người ta vẫn nhắc đến khi đề cập đến vấn đề cách tân thơ ca.

Ngay từ phần đầu bài tiểu luận, Nguyễn Đình Thi đã nhắc lại một số định nghĩa về thơ, một số quan điểm về thơ đã từng được lưu truyền như: thơ là những lời, thơ là những đề tài đẹp, thơ in sâu và trí nhớ, đầu mối của thơ là ở bên trong tâm hồn con người…Tác giả vừa nhắc lại ý nghĩa của thơ vừa đưa ra tranh biện. Ông đã dẫn chứng ra hai câu thơ Nguyễn Du tả tú bà như:

Thoắt trông lờn lợt mầu da

Ăn chi to béo đẫy đà làm sao!

Qua đoạn miêu tả tú bà trong Truyện Kiều cho thấy không phải lúc nào thơ cũng này những lời hay, ý đẹp. Những câu từ trau chuốt mà nó còn có cả những câu chữ tầm thường trong cuộc sống hàng ngày. “Nôm na mách qué” đã trở thành những lời thơ được truyền tụng muôn đời.

Và thơ cũng không phải lúc nào cũng chứa các đề tài “đẹp” như phong hoa tuyết nguyệt của các cụ trong thi ca xưa. Mà nó còn là những đề tài hết sức chân thực của đời sống như trong bài thơ của Bô đơ le – nhà thơ người Pháp đã mô tả cái xác của con chó chết đầy giòi bọ. Và ở trong thời kỳ kháng chiến như ở nước ta một cái xe đạp, một khẩu súng cho đến cái ba lô trên vai người chiến sĩ…cũng trở thành đề tài cho các nhà thơ. Nhà thơ ngày này không tìm đến cái viển vông bên ngoài mà hướng tới cuộc sống thực của con người.

Nếu bảo rằng thơ dễ “in sâu vào trí nhớ” thì tác giả nêu câu hỏi tại sao những công thức toán học không phải là thơ mà ta vẫn nhớ rất lâu.

Phần tiếp theo tác giả đưa ra một vài ý nghĩ về thơ đó là: “làm thơ thể hiện một trạng thái tâm lí đang rung chuyển khác thường, làm thơ là đang sống khi tâm hồn đang rung động. Bài thơ làm sống ngay lên một tình cảm, một nỗi niềm trong lòng người đọc. Bài thơ được xem là sợi dây truyền tình cảm cho người đọc…” Thơ được xem là tiếng nói của tâm hồn, là tư tưởng và tình cảm của con người.

Sau đó tác giả đi sâu vào phân tích đặc trưng hình ảnh trong thơ, câu chữ trong thơ, nhạc của thơ, đường đi của thơ và tính hàm xúc của thơ. Hình ảnh trong thơ không phải là hình ảnh cầu kỳ mà là hình ảnh thực nảy lên trong tâm hồn. Người làm thơ lượm những tia lửa ấy rồi “kết nên một bó sáng, nó là hình ảnh thơ”. Vấn đề là ở chỗ: hình ảnh thơ là “hình ảnh sống”, nó đến theo kiểu “bắt chợt”, nó có khả năng “truyền cảm”, nó mang tính “tự nhiên”, “tươi nguyên”, “mới mẻ”, "đột ngột", “lạ lùng”, thoát ra khỏi “thói quen”, “sự rập khuôn”. Hình ảnh thơ phải làm ta ngạc nhiên vừa cảm thấy như đã quen thuộc tự bao giờ.

“Chữ” và “tiếng” được thể hiện trong thơ cần phải mang hình tượng, hàm súc, biểu cảm và đa nghĩa. Điều kì diệu của mỗi bài thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ ngoài nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật còn giúp mở rộng ra xung quanh lan tỏa cảm xúc như một vùng ánh sáng động đậy. Và sức mạnh của thơ chính là nằm ở sự gợi tả đó. “Thi tại ngôn ngoại, thơ đã nghĩa và hàm súc”. Khi nhắc đến sự đa nghĩa của thơ, Nguyễn Đình Thi đã sử dụng hình ảnh ngon nến: “Mỗi chữ như một ngọn nến đang cháy, những ngọn nến ấy xếp lên nhau thành một vùng sáng chung. Ánh sáng không những ở đầu ngọn nến, nó ở tất cả xung quanh những ngọn nến”. Ý thơ cũng không nằm trong những câu chữ mà nó vây bọc xung quanh toàn bộ tác phẩm.

Nói đến thơ không thể không nhắc đến vần điệu. Nguyễn Đình Thi cho rằng những luật lệ của thơ, từ âm điệu, đến vần đều là vũ khí rất mạnh trong tay người làm thơ. Nếu thiếu vũ khi ấy thì “trận đánh gay go thêm nhiều, những người làm thơ vẫn có thể thắng”. Tác giả cũng khẳng định “không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần hay thơ không vần. Chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ”. Do đó nhà thơ phải tìm tòi, thử thách để tìm ra một hình thức thơ mới. Thơ cần sự sáng tạo nhưng không thể buông thả, bừa bãi. Những bài thơ tục tĩu, lăng nhăng tầm phào chỉ làm cho độc giả quay lưng lại với thơ.

Những quan điểm về thơ của Nguyễn Đình Thi được xem là rất đúng đắn, tiến bộ, sát thực với tình hình thơ ca đương thời. Và cho đến ngày nay nó vẫn còn nguyên giá trị khiến cho lớp hậu bối cần phải soi xét trông vào.

Tiểu luận “Mấy ý nghĩ về thơ” có hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, sắc sảo. Tác giả sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận so sánh, phân tích, giải thích cũng như bác bỏ. Cách suy luận cực kỳ logic, cách lấy dẫn chứng độc đáo và tinh tế giúp soi sáng cho luận điểm. Ngôn ngữ có sự chọn lọc vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo. Tác phẩm mặc dù đã ra đời cách đây 60 năm nhưng cho đến nay người đọc vẫn dễ dàng nhận thấy những điều mà tác giả đặt ra không hề cũ. Nó có ý nghĩa sâu sắc cho đến hiện thực sáng tác văn học ngày nay.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Cảm nhận của em về thơ khi đọc “Mấy ý nghĩ về thơ” của Nguyễn Đình Thi. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 12 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 và biết cách soạn bài lớp 12 và các Tác giả - Tác phẩm Ngữ Văn 12 trong sách Văn tập 1 và tập 2, mời các bạn tham khảo thêm một số bài tiêu biểu:

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12 để có thêm tài liệu học tập nhé

Chia sẻ, đánh giá bài viết
13
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm