Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 12: Thành ngữ
Giải bài tập Ngữ văn bài 12: Thành ngữ
Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 12: Thành ngữ được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 7 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình. Mời các bạn tải và tham khảo
Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 11: Các yếu tố tự sự, miêu tả trong văn biểu cảm
Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 11: Từ đồng âm
Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 11: Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
Thành ngữ
I. Kiến thức cơ bản
- Thành ngữ là loại cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh.
- Nghĩa của thành ngữ có thể bắt nguồn trực tiếp từ nghĩa đen của các từ tạo nên nó nhưng thông thường qua một số phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, so sánh...
- Chức năng ngữ pháp: Thành ngữ có thể làm chủ ngữ, vị ngữ trong câu hay làm phụ ngữ trong cụm danh từ, cụm động từ...
- Đặc điểm: Thành ngữ ngắn gọn, hàm súc, có tính hình tượng, tính biểu cảm cao.
II. Hướng dẫn tìm hiểu câu hỏi phần bài học
1. Thế nào là thành ngữ?
Câu 1.
- Nhận xét về cụm từ “lên thác xuống ghềnh”.
Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay
+ Về cấu tạo: Gồm có 4 từ – có nghĩa trái ngược nhau (lên – xuống).
+ Ta không thể thay thế bất cứ từ nào trong cụm từ này và cũng không thể chêm xen một từ khác vào, cũng không thể thay đổi vị trí của các từ trong cụm từ.
=> Bởi vì cụm từ đã có cấu tạo cố định, các từ tạo nên chúng đã liên kết thành một khối hoàn chỉnh, nếu ta thay đổi nó sẽ trở nên cọc cạch, mất đi sự hoàn chỉnh.
- Kết luận về cụm từ.
+ Cụm từ lên thác xuống ghềnh có cấu tạo cố định.
+ Biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh.
Câu 2.
- Tìm hiểu ý nghĩa của cụm từ “lên thác xuống ghềnh”
+ Nghĩa đen: - lên - xuống: Chỉ hành động di chuyển ngược chiều nhau
- Thác – ghềnh: Sự khó khăn, nguy hiểm.
+ Nghĩa bóng: Là vượt qua những nơi có nhiều gian nan hiểm nguy.
- Ý nghĩa của thành ngữ “Nhanh như chớp” – Nghĩa là rất nhanh ta chưa kịp nhìn thấy thì đã biến mất rồi và đi rất xa.
Nói nhanh như chớp → hàm ý so sánh sự việc và hành động diễn ra nhanh chóng, mau lẹ quá mức.
2. Sử dụng thành ngữ
Câu 1.
- Xác định vai trò của thành ngữ
+ Bảy nổi ba chìm → làm vai trò vị ngữ của câu.
+ Tắt lửa tối đèn → làm bổ ngữ cho động từ phòng.
- Cái hay của hai câu thành ngữ trên
+ Ngắn gọn, hàm súc tiết kiệm được lời.
+ Tính hình tượng cao vì cho ta nhiều ấn tượng sinh động.
III. Hướng dẫn luyện tập
Câu 1. Tìm và giải thích các thành ngữ trong các câu sau đây
a) Đến ngày lễ Tiên Vương, các lang mang sơn hào hải vị, nem công chả phượng tới, chẳng thiếu thứ gì.
(Bánh chưng, bánh giầy)
- Thành ngữ của câu trên: Sơn hào hải vị, nem công chả phượng.
- Nghĩa của thành ngữ:
+ Món ăn quý hiếm trên núi, vị ngon quý hiếm ở biển
+ Những thức ăn quý hiếm ở mọi nơi được lựa chọn.
b) – Thành ngữ được sử dụng trong đoạn văn của truyện cổ tích (Thạch Sanh)
+ Tứ cố vô thân.
+ Khỏe như voi.
- Nghĩa của thành ngữ
+ Tứ: bốn; cố: quay đầu nhìn lại; vô: không; thân: người thân, bà con họ hàng; đơn độc, không họ hàng thân thích, không nơi nương tựa.
+ Voi: con vật rất to, rất khỏe => Người có sức khỏe phi thường.
Chốc đà mười mấy năm trời
Còn ra khi đã da mồi tóc sương
(Truyện Kiều)
+ Thành ngữ trong câu thơ trên: Da mồi tóc sương
+ Nghĩa của thành ngữ
- Da đồi mồi có nổi những chấm đen, xạm, nhất là ở hai bàn tay và mặt; tóc sương là tóc bạc trắng.
=> Con người thay đổi nhan sắc hình dáng, trở nên tàn tạ già nua.
Câu 2. Kể vắn tắt các truyền thuyết và ngụ ngôn tương ứng để thấy rõ lai lịch của các thành ngữ “Con Rồng cháu Tiên”, “Ếch ngồi đáy giếng”, “Thầy bói xem voi”.
- Yêu cầu phải tóm tắt được những sự việc chính yếu nhất
- Cuối mỗi bài phải dẫn được cấu thành ngữ có liên quan.
Con Rồng cháu Tiên (tóm tắt)
Ngày xưa ở Lạc Việt có một vị thần nòi rồng gọi là Lạc Long Quân, sống ở dưới nước, thỉnh thoảng lên cạn trừ bọn yêu quái và dạy dân trồng trọt. Ở vùng núi cao bấy giờ có nàng Âu Cơ tuyệt trần nghe tiếng miền đất Lạc Thần đã tìm đến thăm. Âu Cơ, Lạc Long Quân gặp nhau trở thành vợ chồng.
Âu Cơ có mang, sinh ra cái bọc trăm trứng nở ra 100 người con khôi ngô mạnh khỏe. Vì không quen sống ở cạn nên Lạc Long Quân đem 50 con xuống biển - Âu Cơ đem 50 con lên núi, dặn nhau không bao giờ quên lời hẹn. Người con trưởng theo Âu Cơ lên làm vua lấy hiệu Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, mười mấy đời truyền nối không thay đổi.
Bởi sự tích này mà người Việt Nam khi nhắc đến nguồn gốc của mình thường xưng là con Rồng cháu Tiên.
Ếch ngồi đáy giếng (tóm tắt)
Có một con ếch sống lâu ngày trong một cái giếng, xung quanh chỉ có nhái, cua, ốc, chúng rất sợ tiếng kêu của ếch. Ếch tưởng mình oai như vị chúa tể và trời bé bằng cái vung.
Năm trời mưa to đưa ếch ra ngoài, quen thói cũ ếch đi lại nghênh ngang đã bị một con trâu đi ngang dẫm bẹp.
Qua câu chuyện, nhân dân ta nhằm phê phán những kẻ hiểu biết hạn hẹp mà lại huênh hoang gọi là: “Ếch ngồi đáy giếng”.
Thầy bói xem voi (tóm tắt)
Chuyện kể về năm ông thầy bói cùng nhau xem voi, nhưng mỗi người chỉ sờ được một bộ phận của voi rồi cùng nhau tranh cãi. Người bảo voi như con đỉa, người bảo voi như cái đòn càn, người bảo như cái quạt thóc, người bảo voi như cột đình, người bảo voi như cái chổi sề,... không ai chịu ai, các thầy xông vào đánh nhau chảy máu.
Từ câu chuyện này mà trong dân gian xuất hiện cấu thành ngữ: “Thầy bói xem voi” phê phán những người nhận thức phiến diện thiếu tổng thể.
Câu 3. Điện thêm yếu tố để thành ngữ được trọn vẹn.
- Lời ăn tiếng nói - No cơm ấm áo
- Một nắng hai sương - Bách chiến bách thắng
- Ngày lành tháng tốt - Sinh cơ lập nghiệp
Câu 4. Sưu tầm một số thành ngữ chưa được giới thiệu trong sách giáo khoa và giải nghĩa các thành ngữ ấy.
- Nhà tranh cách đất: Nhà có mái bằng tranh, tường làm bằng đất => Cảnh nghèo xơ xác.
- Thuần phong mỹ tục: Phong tục, tập quán, lối sống tốt đẹp, mang bản sắc riêng của một dân tộc.
- Vũng như bàn thạch: Bàn thạch tức là bàn bằng đá.
=> Rất vững vàng, không gì lay chuyển được.
- Gan vàng da sắt: Biểu thị phẩm chất cao quý của con người trung thành kiên định không gì lay chuyển.
- Chó cắn áo rách: Đã nghèo khổ lại còn gặp thêm tai nạn
- Ruột nóng như cào: Rất sốt ruột, bồn chồn không yên lòng.
- Ruột để ngoài da: Đểnh đoảng hay quên, vô tâm, vô tình.
- Nhắm mắt làm ngơ: Cố tình lảng tránh, làm ra vẻ không hay biết gì về sự việc đang diễn ra.
- Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ: Biểu thị việc làm vừa phải, phù hợp với khả năng và sức lực của mình.
- Mèo mù vớ cá rán: Sự may mắn bất ngờ ngoài khả năng.
Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan
Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 12: Cảnh khuya – Rằm tháng giêng
Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 12: Cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học
Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 12: Bài viết số 3 – Văn biểu cảm