Những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội và phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài Những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội và phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Chủ nghĩa xã hội khoa học để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội và phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
1. Những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội Việt Nam
Vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, tổng kết thực tiễn quá trình cách mạng Việt Nam, nhất là qua hơn 30 năm đổi mới, nhận thức của Đảng và nhân dân dân ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng rỏ. Đại hội IV (1976), nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường phát triển của cách mạng nước ta mới dừng ở mức độ định hướng: Trên cơ sở phương hướng đúng, hãy hành động thực tế cho câu trả lời. Đến Đại hội VII, nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa đã sáng tỏ hơn, không chỉ dừng ở nhận thức định hướng, định tính mà từng bước đạt tới trình độ đình hình, định lượng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), đã xác định mô hình chủ nghĩa xã hội ở nước ta với sáu đặc trưng. Đến Đại hội XI, trên cơ sở tổng kết 25 năm đổi mới, nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã có bước phát triển mới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã phát triển mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam với tám đặc trưng, trong đó có đặc trưng về mục tiêu, bản chất, nội dung của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, đó là:
Một là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hai là: Do nhân dân làm chủ.
Ba là: Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp.
Bốn là: Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Năm là: Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Sáu là: Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.
Bảy là: Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Tám là: Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
2. Phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
Trên cơ sở xác định rõ mục tiêu, đặc trưng của chủ nghĩa xã hôi, những nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta, đã xác định tám phương hướng cơ bản đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cần nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng và trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức xây dựng đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) xác định 7 phương hướng cơ bản phản ánh con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội XI, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011) xác định 8 phương hướng, phản ánh con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đó là:
Một là, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất.
Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản đó, Đảng yêu cầu phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;... Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí.
Thực hiện tám phương hướng và giải quyết thành công những mối quan hệ lớn chính là đưa cách mạng nước ta theo đúng con đường phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta.
Tổng kết 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (2016) từ bài học kinh nghiệm của 30 năm đổi mới, trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam, đã xác định mục tiêu từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức “ Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”1. Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, toàn Đảng, toàn dân ta cần nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng và trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quán triệt và thực hiện tốt 12 nhiệm vụ cơ bản sau đây:
Phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế, năng lực quản lý của Nhà nước và năng lực quản trị doanh nghiệp.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Quản lý tốt sự phát triển xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách với người có công; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm, thu nhập; xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh, an toàn.
Khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng.
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội và tội phạm.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, sức chiến đấu, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lý luận, công tác kiểm tra, giám sát và công tác dân vận của Đảng; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Tiếp tục quán triệt và xử lý tốt các quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;...
Đại hội XII cũng xác định 9 mối quan hệ lớn cần nhận thức và giải quyết: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội và phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay về cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011) xác định 8 phương hướng, phản ánh con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội và phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.