Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích bài thơ Ngày xuân dặn các con của Nguyễn Khuyến

Văn mẫu lớp 7: Phân tích bài thơ Ngày xuân dặn các con của Nguyễn Khuyến dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 7 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 7 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Em hãy phân tích bài thơ Ngày xuân dặn các con

Nguyễn Khuyến để lại nhiều thơ chữ Hán và chữ Nôm. Riêng về mảng thơ viết về gia đình đã có hàng chục bài; bài nào cũng ân tình, ân cần và tha thiết. Chùm thơ “Ngày xuân dạy các con” gồm có hai bài theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật Giọng thơ nhẹ nhàng, ấm áp bao tình thương. Bài thơ dịch của Vũ Mộng Hùng được đánh giá là bài thơ dịch hay nhất.

Nguyễn Khuyến dặn các con giữ lấy nghiệp nhà: nghiệp nho gia, thanh bạch và cần kiệm. Đó là nội dung bài thơ “Ngày xuân dạy các con” này.

Câu phá đề nói năm mới vừa sang, mùa xuân đã về. Xuân về nên có nhiều xuân cảm. Câu thừa đề nói rõ nguồn xuân cảm ấy:

‘Tuy nghèo ta vẫn mến nhà ta”

Nhiều tài liệu cho biết: thân sinh Nguyễn Khuyến là một ông đồ nghèo. Vợ Nguyễn Khuyến là một phụ nữ đảm đang “hay lam hay làm, thắt lưng bó qua, xắn váy quai cồng, tất tả chân đăm đá chân chiêu…”. Nhà nghèo, bà từng bán thêm chiếc yếm để chạy đủ tiền cho chồng đi thi; khi chồng đã đỗ ông Nghè, vinh quy, thì vợ đang cấy mướn ở một đồng xa, mới chạy tắt đồng về. Thuở thiếu thời, Nguyễn Khuyến có lúc phải vừa đánh dậm vừa đi học. Sau hơn mười năm làm quan, Nguyễn Khuyến trở về làng cũ sống cuộc đời thanh bạch trong “Năm gian nhà cỏ thấp le te”, nơi vườn Bùi thuộc vùng đồng chiêm nước trũng huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Nguyễn Khuyến dặn các con giữ lấy gia phong nếp nhà: “Tuy nghèo ta vẫn mến nhà ta”. Năm chữ Hán “ngô tự ái ngô lư” thể hiện một cách kín đáo, thâm trầm niềm tự hào về nghiệp nhà nho gia thanh bạch.

Hai câu 3, 4 trong phần thực, người cha nói rõ với các con về cái sự nghèo của nhà mình. Chẳng có ruộng tứ bề, vàng bạc đầy kho, mà sau khi đi làm quan xa, lui về “vườn Bùi chốn cũ” gia sản chỉ có “không đầy chín sào đất” và “một bó sách” của gia tiên để lại. Thật là thanh bạch đáng kính. Vũ Mộng Hùng đã dịch rất hay hai câu thơ đăng đối hài hòa:

“Chín sào tư thổ là nơi ở,

Một bố tàn thư ấy nghiệp nhà”

Mới đọc qua phần luận tưởng như tả cảnh. Thời tiết không thuận, trời u ám “khói dày” lại “mưa ít”. Núi để làm bạn thì núi trở thành xa tắp trong những ngày đầu xuân. Cúc là bạn cũ thì cúc cũng chỉ nở lơ thơ cạnh tường. Thoáng một chút cô đơn. Hình ảnh người cha có tâm hồn thanh cao, trong sáng, có phong thái ung dung hiện lên sau vần thơ:

“Trước cửa khói dày, non khuất bóng,

Bên tường mưa ít, cúc thưa hoa”

Phần luận mang tính hàm nghĩa nhất là hai thi liệu “sơn sắc” (sắc núi) và “cúc hoa” (hoa cúc). Nó đem đến liên tưởng về Đào Tiềm (365 – 427), một danh sĩ cao khiết ở đời Tấn; người mà nhà thơ Nguyễn Khuyến hay nhắc đến: “Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào” (Thu vịnh), “Thơ Đào ngâm vịnh đưa câu rượu”(Vịnh mùa hè),… Sắc núi và hoa cúc trong thơ Nguyễn Khuyến gợi nhớ đến những vần thơ của Đào Tiềm:

“Thái cúc đông li hạ,

Du nhiên kiến Nam sơn”

(Hái cúc dưới giậu đông,

Thư thái ngắm núi Nam)

(“Ẩm tửu”)

Nguyễn Khuyến đã noi gương Đào Tiềm để giữ vững khí tiết và nếp sống thanh bần của một nhà nho giữa thời loạn lạc. Các con cũng nên noi gương cha để giữ lấy nghiệp nhà. Đó là tính hàm nghĩa của phần luận bài thơ “Ngày xuân dạy các con”.

Muốn nối chí cha thì các con phải biết chuyên cần, chăm chỉ đèn sách, nghiên bút, phải biết sống cuộc đời giản dị, cần kiệm. Nhẹ nhàng mà thấm thía, cảm động:

“Các con nối chí cha nên biết:

Nghiên bút đừng quên lúa, đậu, cà”

“Đừng quên lúa, đậu, cà” là đừng quên nghề nông, phải biết gắn bó với quê hương ruộng đồng, chan hòa với chốn quê… Trong bài số 2 “Ngày xuân dạy các con”, Nguyễn Khuyến phàn nàn giữa thời loạn lạc cha đã già yếu “thế mà các con hãy còn say sưa đàn hát mãi”:

“Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng,

Sao con đàn hát vẫn say sưa”

(Tác giả tự dịch)

Như ta đã biết, con cả của Nguyễn Khuyến là Nguyễn Hoan biết nối chí cha, giữ nghiệp nhà, thi đỗ Phó bảng. Con thành đạt sao bố mẹ không vui? Bài thơ “Ngày xuân dạy các con” là một bài thơ rất hay; hay vì lời đạm mà tình sâu, đó là tình cha – con sâu nặng: hết lòng chăm sóc dạy bảo và thương yêu các con.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Phân tích bài thơ Ngày xuân dặn các con của Nguyễn Khuyến cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7 và biết cách soạn bài lớp 7 các bài Tác giả - tác phẩm ngữ văn 7 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm