Phân tích: Chuyện người con gái Nam Xương là một áng văn xuôi cổ tuy có yếu tố hoang đường, nhưng có giá trị tố cáo và chứa chan tinh thần nhân đạo
Phân tích: Chuyện người con gái Nam Xương là một áng văn xuôi cổ tuy có yếu tố hoang đường
Phân tích: Chuyện người con gái Nam Xương là một áng văn xuôi cổ tuy có yếu tố hoang đường, nhưng có giá trị tố cáo và chứa chan tinh thần nhân đạo là tài liệu ôn tập Ngữ văn 9 cũng như ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn hay, giúp các bạn hiểu thêm về tác giả, tác phẩm cũng như nhân vật Vũ Nương, tính cách, cuộc đời nàng, những ràng buộc phong kiến xã hội... Từ đó thêm cảm nhận, cũng như ý tưởng mới khi phân tích tác phẩm.
Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ
Phân tích tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ
Nguyễn Dữ là nhà văn lỗi lạc của đất nước ta trong thế kỷ XVI, vốn là học trò giỏi của Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài thơ, ông còn để lại tập văn xuôi viết bằng chữ Hán, gồm có 20 truyện ghi chép những mẩu chuyên hoang đường lưu truyền trong dân gian, cuối mỗi truyện thường có lời bình của tác giả. Đằng sau mỗi câu chuyện thần kỳ, Truyền kì mạn lục chứa đựng nội dung phê phán những hiện thực xã hội đương thời được nhìn dưới con mắt nhân đạo của tác giả.
Chuyện người con gái Nam Xương trích trong Truyền kì mạn lục ghi lại cuộc đời thảm thương của Vũ Nương, quê ở Nam Xương thuộc tỉnh Nam Hà ngày nay.
1. Vũ Nương là một người đàn bà nhan sắc và đức hạnh “có tư dung tốt đẹp", tính tình “thùy mị nết na". Trương Sinh xin mẹ trăm lạng vàng cưới nàng về, sum họp gia thất. Thời buổi chiến tranh loạn lạc, chồng phải đi lính đánh giặc Chiêm, Vũ Nương ở nhà lo bề gia thất. Phụng dưỡng mẹ già, nuôi dạy con trẻ, đạo dâu con, nghĩa vợ chồng, tình mẹ con, nàng giữ trọn vẹn, chu tất. Khi mẹ chồng già yếu qua đời, một mình nàng lo việc tang ma, phận dâu con giữ tròn đạo hiếu. Có thể nói Vũ Nương là một người đàn bà có phẩm chất tốt đẹp, đáng được trân trọng, ngợi ca. Ước mơ của nàng rất bình dị. Tiễn chồng ra trận, nàng không hề mơ tưởng “đeo ấn phong hầu", chỉ mong ngày đoàn tụ, chồng trở về “được hai chữ bình yên".
2. Cũng như số đông người phụ nữ ngày xưa, cuộc đời của Vũ Nương là những trang buồn đầy nước mắt. Năm tháng trôi qua, giặc tan, Trương Sinh trở về, con thơ vừa học nói. Tưởng rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ. Nhưng rồi chuyện “cái bóng” từ miệng đứa con thơ đã làm cho Trương Sinh ngờ vực, “đinh ninh vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được". Vốn tính hay ghen, lại gia trưởng, vũ phu, ít được học hành, Trương Sinh đã đối xử với vợ hết sức tàn nhẫn. Giấu biệt lời con nói, Trương Sinh đã “mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi”. Vợ phân trần, không tin; hàng xóm khuyên can cũng chẳng ăn thua gì cả! Chính chồng và con - những người thương yêu nhất của Vũ Nương đã xô đẩy nàng đến bên bờ vực thẳm. Thời chiến tranh loạn lạc, nàng đã trải qua những năm tháng cô đơn, giờ đây đứng trước nỗi oan, nàng chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng... Vũ Nương chỉ có một con đường để bảo toàn danh tiết: Nhảy xuống sông Hoàng Giang tự tử để làm sáng ngời “ngọc Mị Nương”, toả hương "cỏ Ngu mĩ”.
Vũ Nương tuy không phải “làm mồi cho tôm cá”, được các nàng tiên trong thủy cung của Linh Phi cứu thoát. Thế nhưng, hạnh phúc của nàng ở trần thế bị tan vỡ, “trâm gãy bình rơi”. Nàng tuy được hầu hạ Linh Phi, nhưng quyền làm mẹ, làm vợ của nàng vĩnh viễn không còn nữa. Đó là nỗi đau đớn lớn nhất của một người phụ nữ. Gần ngàn năm đã trôi qua, miếu vợ chàng Trương vẫn còn đó, đêm ngày “nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương” (Lê Thánh Tông), nhưng lời nguyền về cái chết của Vũ Nương vẫn còn để lại nhiều ám ảnh, nỗi xót thương trong lòng người. Nguyễn Dữ đã ghi lại câu chuyện cảm động thương tâm này với tất cả tấm lòng nhân đạo. Cái chết đau thương của Vũ Nương còn có giá trị tố cáo hiện thực sâu sắc. Nó lên án chiến tranh phong kiến đã làm cho lứa đôi phải ly biệt, người vợ trẻ sống vất vả, cô đơn; lên án lễ giáo phong kiến khắt khe với tệ gia trưởng độc đoán, gây nên bi kịch gia đình, làm tan vỡ hạnh phúc. Vì lẽ đó mà Chuyện người con gái Nam Xương có giá trị nhân bản sâu sắc.
3. Phần hai của truyện đầy ắp những tình tiết hoang đường: Phan Lang nằm mộng rồi có người đem biếu con rùa xanh; Phan Lang chạy giặc, bị chết đuối, được Linh Phi cứu sống đặng trả ơn; Phan Lang gặp người làng là Vũ Nương trong bữa tiệc nơi cung nước; Vũ Nương gởi đôi hoa vàng về cho chồng. Trương Sinh lập đàn trên bến Hoàng Giang, đợi gặp vợ, nhưng chỉ thấy bóng Vũ Nương với năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng rực rỡ đáy sông, lúc ẩn lúc hiện v.v...