Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Suy ngẫm về “vinh” và “nhục” trong cuộc đời

Những bài văn mẫu hay lớp 11

Văn mẫu lớp 11: Suy ngẫm về “vinh” và “nhục” trong cuộc đời được VnDoc.com sưu tầm và giới thiệu giúp các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây nhé.

Suy ngẫm về “vinh” và “nhục” trong cuộc đời

Trong cuộc sống đã mấy ai thoát khỏi lợi và danh “Lợi, danh là cái nợ đời” (Cổ ngữ). Phải kiếm sống, phải dấn thân, phải đua tranh,... mới có lợi, có danh.

Cũng vì lợi và danh mà ít nhiều người phải trải qua vinh và nhục. Vinh và nhục là hai khái niệm đối lập nhau, gắn liền với số phận của mỗi người trong xã hội trong cuộc sống.

Vinh nghĩa là được xã hội, được cộng đồng đánh giá cao và rất kính trọng. Vinh thường nằm trong trường ngôn ngữ, như: vinh dự, vinh hạnh, vinh hiển, vinh hoa, vinh quang. Có nhiều thành ngữ, tục ngữ mang hàm nghĩa “vinh ” được nói tới, như: vinh hoa phú quý, vinh quy bái tổ, bá vinh hoa, tham mồi phú quý, chết vinh còn hơn sống nhục,...

Trái nghĩa với vinh là nhục... Nhục nghĩa là xấu hổ đến mức khó chịu đựng nổi, vì cảm thấy mình bị khinh bỉ hoặc đáng khinh bỉ, danh dự bị xúc phạm nặng nề. Nhục thường đi liền với nhục nhã, ô nhục, sỉ nhục,...

Suy ngẫm về “vinh” và “nhục” trong cuộc đời

Làm ăn giỏi giang, gặp thời mà trở nên giàu có, góp phần làm phát triển kinh tế của quê hương đất nước, được xã hội ngợi ca, thế là vinh. Đi học, đi thi mà đỗ đạt cao, giành được giải cao, thế là vinh, làm cho bố mẹ, bạn bè, thầy cô giáo được vinh hạnh, được thơm lây. Làm công tác khoa học có phát minh, sáng chế, ra trận mà lập được chiến công lớn, được tặng thưởng Huân chương cao quý, được phong tặng anh hùng thế là vinh, là vẻ vang.

Vinh dự, vinh hoa, vinh quang... đều do tài năng, đức độ lỗi lạc mà có. Vượt Vũ Môn, chiếm vàng, được vinh quy bái tổ,... là do tài học, do thông minh mà vẻ vang. Các chiến công như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên,... gắn liền với tên tuổi các vị anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung, Võ Nguyên Giáp,... được sử sách khắc ghi, được dân tộc lưu truyền, mãi mãi là niềm vinh quang chói lọi bất hủ.

Hiểu thế nào là vinh còn phải suy ngẫm thế nào là nhục. Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858), nhà thơ lỗi lạc, vị đại quan của triều Nguyễn, có tài kinh bang tế thế, có lúc đỗ Thủ khoa, có lúc làm Tổng đốc, làm Đại tướng, làm Dinh điền sứ di dân khai hoang lập ấp,... công danh lừng lẫy một thời. Nhưng có lúc lại bị giáng cấp làm lính thứ. Công danh ba chìm bảy nổi, nếm trải đủ mùi mặn ngọt, đắng cay. Với bản lĩnh kẻ sĩ quân tử, ông đã nói: "Lúc làm Đại tướng, ta không lấy thế làm vinh, thì khi làm lính thú, ta cũng không lấy thế làm nhục”. Ông có vần thơ được nhiều người truyền tụng:

"Ra trường danh lợi, vinh liền nhục,

Vào cuộc trần ai, khóc trước cười".

Nghèo đói thì trở thành khổ nhục. Vì đói rét, vì mang công mắc nợ: "Van nợ có khi tràn nước mắt! Kiếm ăn từng bữa mướt mồ hôi!”. Học dốt, thi hỏng là nhục. Vi phạm trường quy, mang tài liệu, điện thoại di động vào phòng thi,... rồi bị đuổi, bị đình chỉ thi là nhục, làm ô danh mẹ cha, thầy cô giáo.

Nhục đi liền với vinh nên mới có câu tục ngữ: "Lên voi, xuống chó”. Sống là phải biết giữ mình, luôn luôn tự rèn luyện. Làm quan, làm cán bộ, làm ông nọ bà kia mà trở thành sâu mọt hại nước hại dân, sống buông thả tha hoá thì có vinh chăng. Làm Chủ tịch tỉnh là vinh, nhưng quan hệ với gái điếm, ăn chơi trác táng, bị vạch mặt, bị cách chức, bị dư luận phỉ nhổ là nhục, nhục nhã ê chề! Đảng bị tai tiếng, gia đình vợ con bị ô nhục! Làm cán bộ, leo lên đến chức Phó bí thư tỉnh uỷ mà xài và khoe bằng rởm Tiến sĩ (học trong sáu tháng), bị báo chí vạch mặt là nhục, là kẻ vô liêm sỉ, đáng khinh. Có vị Chủ tịch, có vị Bí thư bị tố giác là được tặng "phong bì”, được tặng quà vài trăm triệu đồng, hàng tỉ đồng,... thế là nhem nhuốc, ô nhục. Buồn cười là những kẻ ấy, những tên ấy, vô cùng nhem nhuốc, tham ô nhưng lại lên lớp mọi người về việc học tập đạo đức Hồ Chí Minh. Kẻ đạo đức giả đáng khinh bỉ, ghê tởm là vậy!

Vinh và nhục luôn luôn biến đổi, biến hoá. Chỉ có lịch sử, dân tộc và thời gian là xác định rõ vinh, nhục. Dưới thời Pháp thuộc, những kẻ làm tay sai cho giặc, được gắn "mề đay”, được gắn "Bắc đẩu bội tinh” thì coi đó là vinh, vinh hiển, ngựa xe võng lọng nghênh ngang! Sau Cách mạng tháng Tám, những kẻ đó bị quốc dân đồng bào coi khinh.

Cái nhục lớn nhất của một dân tộc là phải làm ngựa trâu cho ngoại bang. Dân tộc Việt Nam từng trải qua một nghìn năm Bắc thuộc, từng bị thực dân Pháp thống trị 80 năm trời, nên mới thấm thía cái nhục mất nước, cái giá "Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Sống ở đời, ai đã thoát khỏi vinh, nhục? Phải rèn trí, đức tài, phải tu thân để được sống hạnh phúc trong vinh hoa, vinh quang, để khỏi sa vào vòng ô nhục.

Câu "Chết vinh còn hơn sống nhục” là bài học vô cùng to lớn, sâu sắc. Bàn về vinh và nhục, tôi lại nhớ đến hai câu thơ của cụ Thượng Trứ:

"Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông”.

Danh mà tiên sinh nói đến là danh thơm, là tài danh, là vinh danh. Chỉ có bển bỉ học tập, rèn luyện tài trí, thế hệ trẻ mới có danh, tài danh, mới trở thành người có ích cho gia đình và đất nước.

---------------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Suy ngẫm về “vinh” và “nhục” trong cuộc đời. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Để giúp bạn đọc có thể giải đáp được những thắc mắc và trả lời được những câu hỏi khó trong quá trình học tập. VnDoc.com mời bạn đọc đặt câu hỏi tại mục hỏi đáp học tập của VnDoc nhé.

Bài tiếp theo: Suy nghĩ về tham nhũng

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

    Xem thêm