Kho tàng văn học Việt Nam đã ghi dấu của nhiều thể loại văn học khác nhau; trong đó văn học dân gian chiếm một phần không nhỏ góp phần làm nên sự phong phú đó. Một trong số câu tục ngữ thuộc thể loại văn học dân gian mang đến cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc nhất đó chính là: Có chí thì nên. Chí ở đây chỉ những người sống có lí tưởng, có mục tiêu, biết vươn lên, kiên trì, nỗ lực trong cuộc sống để hiện thực hóa ước mơ, lí tưởng đó cho dù có gặp phải muôn vàn khó khăn. Còn “nên” ở câu tục ngữ này chỉ sự thành công của con người. Câu tục ngữ nhắn nhủ đến mọi người: có cố gắng, có nỗ lực mới có được thành công. Ý chí chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công của con người. Không có ý chí, ta sẽ không vượt qua được khó khăn, thử thách, không có ý chí, ta sẽ dễ dàng bỏ cuộc, khi đã buông xuôi thì thành công sẽ không bao giờ đến. Bên cạnh đó, chí còn giúp con người suy nghĩ đúng đắn và tích cực hơn, từ đó giúp ta hành động theo những điều hay lẽ phải, tạo ra được những giá trị tốt đẹp để cống hiến cho cuộc đời. Người sống có ý chí là những người kiên cường, đứng lên và vượt qua được thử thách, biết được bản thân mình muốn gì, sống có ước mơ, biết đặt ra mục tiêu và cố gắng phấn đấu vì mục tiêu đó, kiên trì, nhẫn nại với công việc mình đang làm, thắng không kiêu, thua không nản. Là một người học sinh chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần phải có ý thức vươn lên, rèn luyện cho bản thân mình một ý chí mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thử thách. Bên cạnh đó, ta cũng cần thẳng thắn phê phán những người dễ nản chí, không có chí trong cuộc sống, dễ dàng bỏ cuộc, sống không có ước mơ, lí tưởng, nghị lực,… Cuộc sống luôn tuần hoàn và phát triển đi lên, ta hãy luôn nỗ lực để có được những điều tốt đẹp nhất giúp người, giúp đời.