Bộ đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 3 năm học 2016 - 2017
Bộ đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 3
Bộ đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 3 năm học 2016 - 2017 được VnDoc sưu tầm, tổng hợp các bộ đề ôn tập có đáp án và bảng ma trận đề thi học kì 1 theo TT 22 kèm theo giúp các em học sinh ôn tập, nắm chắc kiến thức cơ bản đặt nền móng vững chắc cho các lớp về sau, đồng thời cũng là tài liệu để các thầy cô giáo tham khảo ra đề kiểm tra học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 3. Sau đây mời thầy cô cùng các em cùng tham khảo, tải về xem bản đầy đủ.
Đề thi học kì 1 lớp 3 môn Toán, Tiếng Việt trường tiểu học Bắc Hải, TP. Hồ Chí Minh năm 2016 - 2017
Đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 3 trường tiểu học Vĩnh Bình năm 2016 - 2017
Đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 3 số 1
A. Kiểm tra đọc
1. ĐỌC THẦM:
Đà Lạt
Đà Lạt là một trong những nơi nghỉ mát nổi tiếng vào bậc nhất ở nước ta. Đà Lạt phảng phất tiết trời của mùa thu với sắc trời xanh biếc và không gian khoáng đãng, mênh mông, quanh năm không biết đến mặt trời chói chang mùa hè. Đà Lạt giống như một vườn lớn với thông xanh và hoa trái xứ lạnh. Những vườn lê, táo ... trĩu quả, những vườn su hào, xà lách, cải bắp mơn mởn nối liền với thảm cỏ xanh trải nghiêng dưới chân núi đến những rừng thông hoa lá màu xanh mượt mà bất tận.
Giữa thành phố có hồ Xuân Hương, mặt nước phẳng như gương phản chiếu sắc trời êm dịu. Hồ Than Thở nước trong xanh, êm ả, có hàng thông bao quanh reo nhạc sớm chiều. Rừng mát rượi bóng thông, cỏ xanh mềm dưới chân như thảm trải. Ra xa phía nam thành phố thì gặp suối Cam Li. Thác xối ào ào tung bọt trắng xóa.
Tập đọc lớp 3 - 1980
Em đọc thầm bài "Đà Lạt" để trả lời các câu hỏi sau: (khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất của câu 1, câu 2)
Câu 1: Khí hậu ở Đà Lạt như thế nào?
a. mát mẻ, khoáng đãng
b. nắng chói chang
c. lạnh lẽo, rét buốt
Câu 2: Từ ngữ chỉ đặc điểm của trái cây ở Đà Lạt là:
a. mơn mởn
b. trĩu quả
c. mát rượi
Câu 3:
a/ Em hãy tìm 2 từ chỉ sự vật quê hương:
............................................. ................................................
b/ Em hãy đặt câu với từ vừa tìm được:
......................................................................................................
Câu 4: Em hãy điền dấu phẩy vào chỗ thích hợp trong câu sau.
Đà Lạt có rất nhiều các loài hoa như hoa hồng hoa lan hoa mimosa.
Câu 5: Em hãy tìm vả ghi lại bộ phận trả lời cho câu hỏi thế nào trong câu:
"Mặt nước hồ Xuân Hương phẳng như gương phản chiếu sắc trời êm dịu."
...............................................................................................................
B. Kiểm tra viết
I. CHÍNH TẢ (nghe – viết): Thời gian 15 phút.
Bài "Cửa Tùng" (Sách Tiếng Việt 3/tập 1, trang 109), học sinh viết tựa bài, đoạn "Từ cầu Hiền Lương ... ba sắc màu nước biển."
II. TẬP LÀM VĂN: (25 phút)
Đề bài: Em hãy một đoạn văn ngắn (từ 5 – 7 câu) kể về tổ em.
>> Đề thi mới nhất: Bộ đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 3 năm học 2017 - 2018
Đề thi học kì 1 môn Tiếng việt lớp 3 số 2
I. KIỂM TRA ĐỌC: 10 điểm
1. Đọc to: 6 điểm
* Học sinh bốc thăm đọc to một đoạn văn khoảng 60 chữ của 1 trong các bài tập đọc sau và trả lời một câu hỏi về nội dung đoạn đọc do giáo viên nêu.
Cậu bé thông minh (SGK TV 3 tập 1 trang 4)
Người lính dũng cảm (SGK TV 3 tập 1 trang 38)
Đất quý, đất yêu (SGK TV 3 tập 1 trang 84)
Người con của Tây Nguyên (SGK TV 3 tập 1 trang 103)
Người liên lạc nhỏ (SGK TV 3 tập 1 trang 112)
Hũ bạc của người cha (SGK TV 3 tập 1 trang 121)
Mồ Côi xử kiện (SGK TV 3 tập 1 trang 139)
2. Đọc thầm: 4 điểm
* Đọc thầm bài văn sau:
Cửa Tùng
Thuyền chúng tôi xuôi dòng Bến Hải- con sông in đậm dấu ấn lịch sử một thời chống Mĩ cứu nước. Đôi bờ thôn xóm mướt màu xanh lũy tre làng và những rặng phi lao rì rào gió thổi.
Từ cầu Hiền Lương, thuyền xuôi khoảng sáu cây số nữa là đã gặp biển cả mênh mông. Nơi dòng Bến Hải gặp sóng biển khơi ấy chính là Cửa Tùng. Bãi cát ở đây từng được ngợi ca là "Bà Chúa của các bãi tắm". Diệu kì thay, trong một ngày, Cửa Tùng có ba sắc màu nước biển. Bình minh, mặt trời như chiếc thau đồng đỏ ối chiếu xuống mặt biển, nước biển nhuộm màu hồng nhạt. Trưa, nước biển xanh lơ và khi chiều tà thì đổi sang màu xanh lục.
Người xưa đã ví bờ biển Cửa Tùng giống như một chiếc lược đồi mồi cài vào mái tóc bạch kim của sóng biển.
* Khoanh tròn vào chữ cái đặt trước ý trả lời đúng cho từng câu hỏi dưới đây:
Câu 1. Cửa Tùng thuộc dòng Bến Hải (Quảng Trị) thuộc miền nào của nước ta?
A. Miền Nam
B. Miền Bắc
C. Miền Trung
Câu 2. Trong một ngày, Cửa Tùng có ba sắc màu nước biển vào lúc:
A. Bình minh, hoàng hôn.
B. Buổi sáng, buổi trưa, buổi tối.
C. Bình minh, buổi trưa, chiều tà.
Câu 3. Người xưa đã ví bờ biển Cửa Tùng như ....?
A. Một chiếc lược đồi mồi rất đẹp.
B. Một chiếc lược đồi mồi cài vào mái tóc bạch kim của sóng biển.
C. Bà Chúa của các bãi tắm.
Câu 4. Trong câu: "Bình minh, mặt trời như chiếc thau đồng đỏ ối chiếu xuống mặt biển, nước biển nhuộm màu hồng nhạt.", những sự vật được so sánh với nhau là:
A. Bình minh với mặt trời
B. Mặt trời với chiếc thau đồng đỏ ối
C. Mặt trời với mặt biển
II. KIỂM TRA VIẾT: 10 điểm
1. Chính tả (5 điểm). GV đọc cho học sinh viết
Tiếng ru
Con ong làm mật, yêu hoa
Con cá bơi, yêu nước; con chim ca yêu trời
Con người muốn sống, con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.
Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng
Một người đâu phải nhân gian?
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!
2. Tập làm văn (5 điểm)
- Đề: Em hãy viết một bức thư ngắn thăm hỏi người thân.
+ Dòng đầu thư: Nơi gửi, ngày...tháng...năm...
+ Lời xưng hô với người nhận thư (ông, bà, chú, bác...)
+ Nội dung thư (4 - 5 dòng): Thăm hỏi, báo tin cho người nhận thư. Lời chúc và hứa hẹn...
+ Cuối thư: Lời chào, chữ kí và tên.
Đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 3 số 3
I/ Đọc thầm và làm bài tập (4 điểm)
Đọc thầm bài: "Hũ bạc của người cha" và làm bài tập sau:
Hũ bạc của người cha
1. Ngày xưa, có một nông dân người Chăm rất siêng năng. Về già, ông để dành được một hũ bạc. Tuy vậy, ông rất buồn vì cậu con trai lười biếng.
Một hôm, ông bảo con:
- Cha muốn trước khi nhắm mắt thấy con kiếm nổi bát cơm. Con hãy đi làm và mang tiền về đây!
2. Bà mẹ sợ con vất vả, liền dúi cho một ít tiền. Anh này cầm tiền đi chơi mấy hôm, khi chỉ còn vài đồng mới trở về đưa cho cha. Người cha vứt ngay nắm tiền xuống ao. Thấy con vẫn thản nhiên, ông nghiêm giọng:
- Đây không phải tiền con làm ra.
3. Người con lại ra đi. Bà mẹ chỉ dám cho ít tiền ăn đường. Ăn hết tiền, anh ta đành tìm vào một làng xin xay thóc thuê. Xay một thúng thóc được trả công hai bát gạo, anh chỉ dám ăn một bát. Suốt ba tháng, dành dụm được chín mươi bát gạo, anh bán lấy tiền.
4. Hôm đó, ông lão đang ngồi sưởi lửa thì con đem tiền về. Ông liền ném luôn mấy đồng vào bếp lửa. Người con vội thọc tay vào lửa lấy ra. Ông lão cười chảy nước mắt:
- Bây giờ cha tin tiền đó chính tay con làm ra. Có làm lụng vất vả, người ta mới biết quý đồng tiền.
5. Ông đào hũ bạc lên, đưa cho con và bảo:
- Nếu con lười biếng, dù cha cho một trăm hũ bạc cũng không đủ. Hũ bạc tiêu không bao giờ hết chính là hai bàn tay con.
TRUYỆN CỔ TÍCH CHĂM
Em hãy khoanh tròn vào ý đặt trước câu trả lời đúng nhất câu 1, 2, 3 và 5, 6, 7:
Câu 1: Ông lão người Chăm buồn vì chuyện gì? (0,5 điểm)
A. Ông lão buồn vì gia đình nghèo túng thiếu.
B. Ông lão buồn vì anh con trai lười biếng.
C. Ông lão buồn vì bà mẹ sợ con vất vả.
Câu 2: Ông lão muốn con trai trở thành người như thế nào? (0,5 điểm)
A. Ông lão muốn con trai mình trở thành người giàu có.
B. Ông lão muốn con trai mình phải cực khổ, vất vả.
C. Ông lão muốn con trai mình trở thành người siêng năng, chăm chỉ, tự mình kiếm nổi bát cơm.
Câu 3: Người cha trong bài là người dân tộc nào? (0,5 điểm)
A. Kinh
B. Chăm
C. Tày
Câu 4: Tìm trong truyện và ghi lại câu nói lên ý nghĩa của truyện (0,5 điểm)
..............................................................................................................................
Câu 5: (0,5 điểm): Trong các câu dưới đây, câu nào được viết theo mẫu Ai làm gì?
A. Người con vội thọc tay vào lửa lấy ra.
B. Bây giờ cha tin tiền đó chính tay con làm ra.
C. Ông rất buồn vì cậu con trai lười.
Câu 6: (0,5 điểm): Từ buồn trong câu: "Ông rất buồn vì cậu con trai lười biếng." là từ:
A. Chỉ đặc điểm
B. So sánh
C. Chỉ trạng thái
Câu 7: (0,5 điểm) Câu: "Ông đào hũ bạc lên." Là câu được viết theo mẫu câu nào?
A. Ai làm gì?
B. Ai là gì?
C. Ai thế nào?
Câu 8: (0,5 điểm) Tìm và ghi lại từ chỉ hoạt động trong câu sau: "Người con lại ra đi."
II/ Chính tả - Tập làm văn: (10 điểm)
1/ Chính tả: (5 điểm)
Giáo viên đọc chậm cho học sinh (nghe - viết) bài "Nhớ Việt Bắc" (SGK trang 115, TV3 tập 1) "từ đầu đến thủy chung", thời gian khoảng 15 phút.
2/ Tập làm văn: (5 điểm)
Đề bài:
Hãy viết một bức thư có nội dung thăm hỏi, báo tin tình hình học tập của em với một người mà em quý mến, dựa theo gợi ý dưới đây:
- Dòng đầu thư: Nơi viết, ngày... tháng... năm...
- Lời xưng hô vời người nhận thư
- Nội dung thư (5 - 7 câu): thăm hỏi (về sức khỏe, cuộc sống hằng ngày của người nhận thư...), báo tin (về tình hình học tập, sức khỏe của em...), lời chúc và hứa hẹn...
- Cuối thư: lời chào, kí tên