Hãy bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng được nêu trong bài viết sau: Chia chiếc bánh của mình cho ai?
Bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng: Chia chiếc bánh của mình cho ai
- 1. Bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng được nêu trong bài viết Chia chiếc bánh của mình cho ai - Mẫu 1
- 2. Bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng được nêu trong bài viết Chia chiếc bánh của mình cho ai - Mẫu 2
- 3. Bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng được nêu trong bài viết Chia chiếc bánh của mình cho ai - Mẫu 3
- 4. Bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng được nêu trong bài viết Chia chiếc bánh của mình cho ai mẫu 4
- 5. Bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng được nêu trong bài viết Chia chiếc bánh của mình cho ai mẫu 5
Văn mẫu lớp 12: Hãy bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng được nêu trong bài viết sau: Chia chiếc bánh của mình cho ai? dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
1. Bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng được nêu trong bài viết Chia chiếc bánh của mình cho ai - Mẫu 1
Người ta thường nói: “Thời gian là vàng là bạc”. Vậy nên, ai trong chúng ta cũng mong muốn sử dụng quỹ thời gian quý giá nhất của mình để làm những điều ý nghĩa. Mỗi người có một cách “tiêu xài” thời gian riêng. Có người dành thời gian để kiếm thật nhiều tiền, thực hiện đam mê hoặc chăm sóc gia đình. Và chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Ân đã có một lựa chọn táo bạo. Anh quyết định dành hết “chiếc bánh thời gian” để ở bên chăm sóc, quan tâm những người bệnh ung thư giai đoạn cuối. Điều này đã khiến cộng đồng sửng sốt và câu hỏi về “chiếc bánh thời gian” lại một lần nữa làm chúng ta suy ngẫm.
Nguyễn Hữu Ân sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo Quảng Trị. Tình cảnh thiếu thốn, nhà lại đông con nên Ân phải đi làm công quả ở một chùa ở Bảo Lộc - Lâm Đồng. Về sau, Ân phải vừa học vừa làm để chăm sóc mẹ bị ung thư. Sống trong hoàn cảnh éo le như vậy, Ân đã thấm thía nỗi đau của những người cùng chung cảnh ngộ. Anh sẵn sàng đứng ra giúp đỡ những bệnh nhân ung thư. Điều này đã mang lại niềm tin, hy vọng cho người bệnh và khiến cuộc sống của chính anh thêm ý nghĩa. Không chỉ vậy, nó còn truyền cảm hứng cho những người xung quanh, khiến chúng ta tin vào sự hiện diện của lòng tốt tự nhiên, chân thành.
Câu chuyện của chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Ân đem đến cho chúng ta những suy ngẫm sâu sắc về tình yêu thương, sự cống hiến. Hồ Chủ tịch đã từng dạy rằng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Quả thực, chính đạo đức và nhân cách tốt là nền móng để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Khi ta biết cách cho đi đồng nghĩa với việc ta biết quan tâm, san sẻ, thấu hiểu cho niềm vui và nỗi buồn của mọi người. Mỗi lần ta cho đi là một lần hạt mầm yêu thương được nảy nở. Con người trở nên đoàn kết, sống với nhau bằng sự chân thành. Biết cho đi cũng bồi đắp cho ta nhiều đức tính tốt đẹp như nhân hậu, vị tha, dũng cảm,… Nhờ việc cho ta mà tâm hồn ta thanh thản, tự do. Hãy thử tưởng tượng nếu mỗi người chỉ ích kỉ, chỉ biết nhận mà không biết cho, sống cho riêng mình thì cõi đời sẽ lạnh nhạt biết mấy! Bên cạnh đó, đúng như ông cha đã nói “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”, ta cũng sẽ được nhận lại những gì xứng đáng điều mình đã sẻ chia. Mỗi người là một cá thể độc lập nhưng không thể sống một cách cá nhân, ích kỉ. Lịch sử đất nước, con người được tạo nên từ chính sự hi sinh cao cả. Để có được độc lập, hòa bình ngày hôm nay thì biết bao anh hùng dân tộc đã ngã xuống. Trong đó, có những người đã trở thành biểu tượng, cũng có những người lặng lẽ hi sinh. Họ cho đi thanh xuân, sức trẻ, trí tuệ và cả sinh mạng của mình. Và thế hệ sau đã nhận lấy điều ấy. Hôm nay, đất nước vẫn đang trên đà phát triển, con người vẫn không ngừng cống hiến và cho đi những giá trị cao đẹp để xứng đáng với những điều đã được nhận.
Ngược lại, có một số người sống nhỏ nhen, ích kỉ, dối trá. Cách sống ấy sẽ khiến họ trở nên cô độc, biến cuộc đời họ thành chuỗi ngày vô nghĩa. Chỉ cần ta cần biết gửi gắm niềm tin, sự sẻ chia vào những người xứng đáng, nhận thức được giá trị mà mình đã gửi trao, ý thức rõ ràng về thành quả mình đã tạo ra.
Tóm lại, thời gian của chúng ta như chiếc thẻ ngân hàng không thể hoàn lại. Mỗi ngày, ta chọn tiêu tốn nó vào việc gì, có ý nghĩa ra sao,... đều do chúng ta tự quyết định. Chính vì vậy, hãy chọn cách cống hiến và tỏa sáng mạnh mẽ nhất!
2. Bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng được nêu trong bài viết Chia chiếc bánh của mình cho ai - Mẫu 2
Cuộc sống hiện đại của chúng ta thật nhiều điều thú vị. Có những nghiên cứu, phát minh vĩ đại của các nhà khoa học và cũng có cả những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Chuyện chàng thanh niên trẻ Nguyễn Hữu Ân dành hết “chiếc bánh thời gian của mình” cho những người bệnh ung thư giai đoạn cuối thực sự là “câu chuyện lạ thường” - câu chuyện cảm động về tấm lòng nhân ái của thanh niên Việt Nam thời nay, “Chia chiếc bánh thời gian của mình cho ai?” - đó là câu hỏi không khó với Nguyễn Hữu Ân, nhưng liệu rằng chúng ta- tất cả thanh niên thế hệ 8X, 9X, thế hệ @- có tự trả lời dược cho chính mình?.
Với bài viết Chuyện "cổ tích" mang tên Nguyễn Hữu Ân của tác giá Ngô Công Quang, đăng trên báo điện tử Dantri.com.vn ngày 04- 01- 2007, chúng ta đã được chứng kiến một tấm gương về lòng hiếu thảo, đức vị tha, hi sinh tuyệt vời. Ân sinh ra trong gia đình nghèo và đông con ở Quảng Trị. Cha mẹ anh nghèo đến mức phải gửi các con mỗi đứa một nơi. Ân được gửi làm công quả ở một chùa trên Bảo Lộc - Lâm Đồng. Ngày Ân tốt nghiệp trung học phổ thông cũng là ngày mẹ Ân phát bệnh ung thư. Ân phải xuống Sài Gòn để chăm sóc mẹ và để tiện ôn thi đại học.
Có thể dùng bốn chữ “éo le điển hình” để nói về hoàn cảnh của Ân lúc này. Nhưng điều đáng quý là chàng trai nghèo không bao giờ vơi cạn lòng yêu thương mẹ cũng như bê trễ việc học hành của chính mình. Thậm chí, từ hoàn cảnh ngặt nghẽo của cả hai mẹ con, Nguyễn Hữu Ân đã cảm thông sâu sắc trước hoàn cảnh trớ trêu của bà Nguyễn Thị Phẳng- một bệnh nhân nằm chung phòng với mẹ và tự nguyện giúp đỡ, chăm sóc bà. Tại sao trong khi các con của bà Phẳng không ai ngó ngàng tới người mẹ tội nghiệp của mình thì một chàng thanh niên xa lạ lại không ngại ngần mang nước, lấy cơm, thay đồ, giặt quần áo, thậm chí thức suốt đêm để quạt, săn sóc cho bà lão?.
Và liệu rằng, chúng ta- những người đang rất xúc động, cảm phục về nghĩa cử của Nguyễn Hữu Ân- có thể làm điều đó một cách dễ dàng?. Ân làm được điều đó có phải vì anh đã thấm nhuần lời dạy từ bi bác ái của nhà Phật trong suốt những năm sống trong chùa?. Hoặc anh làm điều đó chỉ vì nghe theo lời trăng trối của mẹ trước khi “nhắm mắt xuôi tay”?. Hay chính trong anh, lòng vị tha, hi sinh đã là phẩm chất vốn có trong căn cốt?. Hành động chăm sóc tận tình cho người mẹ nuôi và ước nguyện được cùng mọi người lập quĩ hỗ trợ cho những bệnh nhân ung thư, nghèo khổ và đơn độc thể hiện “tấm lòng vàng” của chàng thanh niên nghèo, “Thanh niên trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh 2007” chỉ là danh hiệu mà tập thể, cộng đồng dành để tôn vinh Ân và các bạn trẻ có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động và tu dưỡng đạo đức. Tôi nghĩ tất cả những gì Ân và những người như Ân đã làm được còn nhiều hơn gấp bội.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Ước nguyện của Người đã được những thanh niên như Nguyễn Hữu Ân không ngừng xây đắp, vun xới. Từ Bắc và Nam, từ Nam ra Bắc, bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam này cũng có rất nhiều người tốt, việc tốt như Ân. Thế hệ trẻ ngày nay tuy không sống trong những ngày bom đạn gian khổ như thế hệ cha anh, nhưng không phải vì thế mà vắng bóng những tấm lòng giàu đức vị tha, hi sinh như Nguyễn Hữu Ân. Câu chuyện hai thanh niên ở Hậu Lộc- Thanh Hoa tìm cách dừng đoàn tàu SE1, cứu cả ngàn người thoát khỏi một tai nạn thảm khốc đã dược người dân cả nước biết đến. Khi nhìn thấy chiếc xe tải gặp nạn nằm vắt ngang đường ray, Nguyễn Văn Dân và Nguyễn Văn Tình đã nhớ ngay đến chuyến tàu sắp chạy ngang đúng giờ ấy. Và thay vì đi về nhà nghỉ, mặc kệ chuyện không liên quan đến mình, họ đã chạy bộ ngược về phía tàu đang đến, dùng đèn pin và cả đốt lửa, ra tín hiệu cấp cứu, buộc tàu phải dừng lại. Một hành động không đòi hỏi người ta phải cố gắng quá sức, phải tỏ ra thế này thế nọ, một hành động diễn ra trong đêm khuya và có thể không được ai biết tới,. không hề là việc làm nhỏ.
Rồi câu chuyện về chàng thanh niên tốt bụng làm ở công ty Top Vina nhặt được và hoàn trả lại chiếc bóp trong đó chỉ có sáu trăm ngàn đồng tiền mặt nhưng còn toàn bộ giấy từ tuỳ thân, giấy đăng kí lái xe, giấy biên nhận gửi máy tính của chị Phạm Thị Huyền Phan, đã đem lại cho chính chị và chúng ta niềm tin vào cuộc sống. Người thanh niên ấy ban đầu nhìn thấy cũng không định cầm về nhưng sợ người đến sau nhặt được mà không gửi trả lại người mất nên anh đã mang về. Anh cũng không gửi bảo vệ vì sợ họ không trao lại cho chị Phan. Sau cùng, anh mở bóp và thấy card visit của chị và gọi chị đến nhận đồ. Lòng tốt và cách ứng xứ thông minh của anh đã giúp người mất tìm lại nguyên vẹn vật đánh rơi. Anh không cho chị Phan biết tên nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể gọi anh bằng cái tên “người tốt bụng”.
Trong một bài viết trên website Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, người viết, có nhắc đến câu chuyện xúc động về cậu bé Trevor trong bộ phim Đáp đền tiếp nối. Cậu bé mười một tuổi này đã đưa ra dự án hoang tưởng khi thầy giáo cho đề bài: "Một ý tưởng làm thay đổi thế giới", Trong khi nhiều bạn cùng lớp đưa ra những ý tưởng lớn lao thì dự án của Travor chỉ là "Khi ai đó giúp đỡ bạn, xin đừng trả ơn mà hãy làm ơn cho ba người khác và ba người sẽ giúp chín người, chín người sẽ giúp hai mươi bảy người, cứ thế mà tiếp nối và mọi người sẽ mang lại điều tốt đẹp cho nhau".
Sau khi câu chuyên của Nguyễn Hữu Ân được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, liên tục những cuộc điện thoại hỏi thăm, những cuộc gặp động viên giúp đỡ mẹ con Ân. Những tin nhắn, những cuộc điện thoại của bạn đọc tiếp tục dồn dập: “Tôi rất muốn giúp Ân đi làm., “Tôi muốn góp tay chung sức với Ân..,”. Lòng tốt của Nguyễn Hữu Ân đã gieo mầm cho bao nhiêu lòng tốt trong xã hội nảy nở. Dự án của cậu bé Travor tưởng chừng quá xa vời lại dễ dàng trở thành hiện thực trong cuộc sống của chính chúng ta. Những tấm lòng vàng như Nguyễn Hữu Ân còn rất nhiều trong cuộc đời này. Những "lòng tốt bình thường" mà quý giá như nhà văn Nam Cao vẫn ao ước khi viết truyện ngắn Chí Phèo vẫn còn vô vàn trong xã hội.
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có những người ích kỉ cần phê phán. Thậm chí, còn rất nhiều người như thế. Trở lại câu hỏi được nêu ra: “Nếu coi thời gian một ngày của bạn là chiếc bánh tròn trịa, bạn sẽ chia chiếc bánh cho bố mẹ, cho công việc, cho gia đình bao nhiêu và dành cho mình hao nhiêu phần?”, tôi nghĩ nhiều thanh niên sẽ chia chiếc bánh đó về phần mình nhiều hơn. Những đứa con đẻ của bà Nguyễn Thị Phẳng chẳng phải quá vô trách nhiệm, quá bất hiếu với người mẹ già của mình hay sao?. Ngay gần sát cuộc sống của chính chúng ta đây thôi, không ít những người sau khi thoát li gia đình, tạo dựng được cuộc sống độc lập sung túc đã không ngó ngàng gì tới cha mẹ, không cần biết ai đã xây đắp cho cuộc sống của họ. Không thiếu những người con ăn sung mặc sướng, sống trong nhà cao cửa rộng trong khi để cha mẹ phải tủi cực kiếm từng nắm rạ về đun bếp, ăn những thức ăn ôi thiu, ở trong những căn nhà tồi tàn. Không thiếu những người con hàng tháng về nhà xin tiền cha mẹ lên trường đi học, nhưng thực chất là để nướng vào những ván cờ, vào lô đề, vào những trò vô bổ...
Thường thì khi không sống trong hoàn cảnh của người khác, chúng ta sẽ khó có thể cảm nhận được nỗi đau họ đang đeo mang. Vậy nên, nhiều thanh niên khi mua một gói tăm từ thiện, hay khi thấy đồng bào bị bão lũ miền Trung tới nhà mình chìa đôi bàn tay xạm nắng, xương xẩu xin một nắm gạo, đã lắc đầu quay đi, không một ánh mắt cảm thông, chia sẻ. Nhiều người khi xem truyền hình, thấy các nhà hảo tâm đấu giá sản phẩm của những người khuyết tật, những người nghèo thì lại bĩu môi, tặc lưỡi: “Toàn người thừa tiền!”. Rồi cũng không ít người khi bị trừ một ngày lương vì mục đích từ thiện thì xuýt xoa, tiếc rẻ... Đấy là chưa kể đến những kẻ táng tận lương tâm chỉ biết tích góp cho riêng mình, làm tổn hại đến cộng đồng, xã hội...
Còn bản thân chúng ta thì sao? Phê phán, lên án những người ích kỉ, vô tâm, chúng ta tự thấy mình đã làm được gì để phân biệt mình với những người đó?. Khách quan mà nói, chính bản thân chúng ta cũng ít nhiều mang trong mình sự vô tình đó. Chị Huyền Phan trong câu chuyện trên kia cũng tự ngẫm nếu là chị có lẽ chị cũng không hành xử được như người đàn ông đã trả lại ví cho chị, tốt lắm thì chỉ gửi lại cho bảo vệ rồi thế nào cũng không biết. Làm người xấu không khó, nhưng làm người tốt cũng không hể dễ hơn chút nào.
Nếu không biết dành thời gian học tập và tu dưỡng, lập nghiệp, sống vị tha, e rằng, chúng ta sẽ trở thành kẻ vị kỉ lúc nào không biết. Các cụ ta xưa có dạy: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Có lẽ việc chúng ta nên làm trước tiên là trở thành những người con- cháu, người anh- em đúng mực trong chính gia đình mình. Có là người con ngoan thì ra xã hội, chúng ta mới có thể là người công dân tốt. Mỗi người sẽ phải tự chia chiếc bánh thời gian của mình cho hợp lí. Chia làm sao để có phần hiện chữ Tâm, chữ Đức, có phần hiện chữ Tài, và phần nào cũng in dấu ấn bản ngã trong đó. Nỗ lực học tập và rèn luyên đạo đức là cách tốt nhất để chúng ta thực hiện thành công điều đó. Điều Nguyễn Hữu Ân làm được đã minh chứng cho tất cả chúng ta về chân lí này.
Câu chuyện “Chiếc bánh thời gian” gợi ý cho chúng ta thật nhiều điều bổ ích. Rồi đây, chính bản thân tôi cũng phải chia lại chiếc bánh của mình, bởi lẽ đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.
3. Bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng được nêu trong bài viết Chia chiếc bánh của mình cho ai - Mẫu 3
Thời gian là thứ quý giá nhất trong cuộc đời mỗi người, bởi thời gian trôi đi sẽ không bao giờ quay trở lại. Có người nói thời gian tròn trịa như chiếc bánh ngon lành, vậy bạn sẽ chia chiếc bánh ấy như thế nào? Bạn sẽ chia cho bố mẹ, cho công việc, cho gia đình bao nhiêu và dành cho bản thân mình bao nhiêu phần. Đây là một câu hỏi khó mà ít ai có thể trả lời được, bởi thời gian và suy nghĩ của mỗi người khác nhau nên sẽ có rất nhiều đáp án khác nhau. Nhưng phần lớn thì các bạn đều dành nhiều thời gian cho mình còn với chàng “ thanh niên tiêu biểu ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007” Nguyễn Hữu Ân đã dành hết chiếc bánh thời gian của mình cho những người bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Bằng những việc làm ấy chàng thanh niên Nguyễn Hữu Ân đã thể hiện được sự vị tha, lòng cao thượng của mình mà hiếm người có được. Nhiều người nghĩ những người bị ung thư giai đoạn cuối phần lớn là không thể sống sót được nữa nên họ cũng thờ ơ không quan tâm. Nhưng đối với Nguyễn Hữu Ân thì anh lại có suy nghĩ hoàn toàn khác. Anh đã dùng hết chiếc bánh thời gian của mình cho việc hỏi han, chăm sóc những con người đang đứng ở ngưỡng của sự sống với cái chết. Ít nhất việc làm của anh cũng giúp họ thanh thản, có niềm vui hơn vào cuộc sống. Vậy việc làm của anh đâu phải là vô ích đúng không? Những việc làm đó của anh không chỉ giúp những con người sống trong tuyệt vọng có niềm tin hơn trong cuộc sống mà còn giúp cho cuộc sống của anh thêm nhiều ý nghĩa hơn.
Vậy còn các bạn thì sao? Các bạn chia chiếc bánh thời gian của mình như thế nào? Hầu hết các bạn sẽ nói chia chiếc bánh thời gian cho mình nhiều nhất đúng không? Có nhiều bạn còn dành quá nhiều chiếc bánh thời gian của mình cho việc chơi bời của bản thân mà quên đi mình đang lãng phí thời gian. Điều đó là không tốt tẹo nào bởi thời gian trôi đi sẽ không bao giờ quay trở lại vì thế chúng ta hãy chia chiếc bánh của mình cho phù hợp hơn.
Và hãy dành thời gian cho gia đình, người xung quanh nhiều hơn công việc và thú vui của bản thân. Khi đó bạn sẽ thấy những khoảng thời gian đó thật quý giá.
Khi chúng ta quá lãng phí thời gian của bản thân thì ta sẽ thấy rất nhiều hậu quả xấu đó là việc học tập bị trì trệ, cuộc sống thì tẻ nhạt, công việc cũng không ổn định, các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè cũng dần bị hạn chế. Từ đó cuộc sống của bạn sẽ bị bó hẹp và tụt hậu so với những người khác đấy.
Khi xã hội ngày càng phát triển thì sự ích kỉ của con người ngày càng nhiều họ chỉ quan tâm bản thân mình mà quên đi những người xung quanh. Đôi khi chỉ là một việc nhỏ nhưng họ cũng mặc kệ lướt qua như việc thấy một vụ tai nạn thay vì cứu người thì mọi người lại vây quanh quay phim chụp ảnh rồi đăng trên mạng xã hội. Hay có một số người nhẫn tâm đánh đập chính bố mẹ mình, con cái mình một cách nhẫn tâm. Tại sao trước khi làm những điều đó họ không nghĩ sẽ có một ngày người ta sẽ đối xử với họ như vậy. Đó là điều mà chúng ta cần lên án phê phán nặng nề bởi thời gian của mỗi con người là khác nhau hãy dùng thời gian cho những việc tốt sẽ giúp cho cuộc sống của bạn tốt hơn.
Đối với các bạn học sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường hãy cố gắng ra sức học tập và phân bố hợp lí hơn chiếc bánh thời gian của bản thân. Đừng quá lãng phí thời gian vào việc chơi bời hãy làm những việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội các bạn nhé.
Khi các bạn phân bố thời gian của mình của mình phù hợp hơn với cuộc sống và làm những điều tốt có ích bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn tươi đẹp hơn có ý nghĩa hơn. Không những vậy những người xung quanh cũng thêm quý bạn hơn và xã hội cũng sẽ thêm đoàn kết thương yêu nhau nhiều hơn.
Như vậy chàng thanh niên Nguyễn Hữu Ân đã để lại một bài học có tầm quan trọng rất lớn đối với mỗi con người. Giúp mỗi con người nhìn nhận lại thời gian của mình của chính mình là phù hợp chưa và cần phải thay đổi như thế nào cho tốt. Như nhà thơ Tố Hữu có câu: “ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Thực tế có câu: “ Cho yêu thương ta sẽ nhận lại yêu thương” vì vậy hãy dành thời gian quan tâm người khác nhiều hơn các bạn nhé. Từ đó bạn sẽ thấy cuộc sống của mình nhiều niềm vui, tiếng cười hơn và cuộc sống có ý nghĩa hơn. Hãy chia chiếc bánh thời gian của mình cho phù hợp hơn mọi người nhé!
4. Bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng được nêu trong bài viết Chia chiếc bánh của mình cho ai mẫu 4
Chia chiếc bánh của mình cho ai?
Nếu coi thời gian một ngày của bạn là chiếc bánh tròn trịa, bạn sẽ chia chiếc bánh cho bố mẹ, cho công việc, cho gia đỉnh bao nhiêu và dành cho mình bao nhiêu phần?
Trong khi không ít các bạn trẻ hiện nay đang lãng phí chiếc bánh của mình vào những trò chơi vô bổ thì chàng “thanh niên trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh 2007" Nguyễn Hữu Ân lại dành hết chiếc bánh thời gian của mình cho những người bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Một câu chuyện lạ thường...
Bài làm:
“Nếu coi thời gian một ngày của bạn là chiếc bánh tròn trịa, bạn sẽ chia chiếc bánh cho bố mẹ, cho công việc, cho gia đình bao nhiêu và dành cho mình bao nhiêu phần?”
Đó là phần mở đầu của một bài viết gây nhiều suy nghĩ cho những bạn trẻ: “Chia chiếc bánh cho ai?”. Nếu là bạn, bạn sẽ trả lời câu hỏi của bài viết như thế nào?' Dù câu trả lời của bạn là gì đi chăng nữa, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên về phần tiếp theo của bài viết:
“Trong khi không ít các bạn trẻ hiện nay đang lãng phí chiếc bánh của mình vào những trò chơi vô bổ khi chàng “thanh niên trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh 2007” Nguyễn Hữu Ân lại dành hết chiếc bánh thời gian của mình cho những người bệnh ung thư giai đoạn cuối. Một câu chuyện lạ thường.”..
Thế hệ trẻ chúng ta nghĩ gì về việc “chia bánh” của chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Ân và của chính mình?
Thời gian là một chiếc bánh ngọt lành, chia nó cho ai, cho việc gì có thể giúp người khác đánh giá về thái độ, tình cảm của người chia bánh đổi với những con người và công việc ấy. Nhưng xét về giá trị, thời gian hơn cả một chiếc bánh rất nhiều bởi thời gian là một trong những điều quý giá nhất của con người: “Có ba điều trong cuộc đời mỗi người nếu đi qua sẽ không lấy lại được: thời gian, lời nói và cơ hội”. Như vậy là, dành thời gian phần lổn cho ai, việc gì ta dường như đã gửi trọn cuộc đời mình cho người ấy, việc ấy.
Bạn sẽ trao thời gian của cuộc đời mình cho ai? Phần lớn chúng ta nằm trong số những người mà bài viết trên đã dự kiến. Thời gian được chúng ta chia cho người thân, bạn bè, cho chính mình và công việc kiếm sống của mình: đó là một lẽ rất thường của cuộc sống.
Những điều cuộc sống tôn vinh là việc làm những người đã vượt qua được sự “rất thường” của cuộc đời để làm những việc phi thường như chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Ân. Được tôn vinh là “Thanh niên trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh 200T’, Nguyễn Hữu Ân thực sự xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.
“Dành hết chiếc bánh thời gian của mình cho những người bệnh ung thư giai đoạn cuối”, bằng việc làm ấy Nguyễn Hữu Ân đã thể hiện sự vị tha của một tấm lòng cao thượng. Trên thực tế, những người bị ung thư giai đoạn cuối phần lớn không còn cơ may sống sót, tử thần dường như đang giang sẵn cánh tay mang họ về với tổ tiên. Cũng vì vậy, tinh thần và thể xác những người bệnh ấy hết sức nặng nề, đau đớn. Ngay cả những người lạc quan nhất cũng mong tìm đến sự ra đi nhanh chóng để thoát khỏi những cơn đau quằn quại. Có những người sẽ nghĩ, dành thời gian cho những người như vậy là vô ích và phí thời gian bởi sự quan tâm khi ấy của chúng ta dù to lớn đến đâu cũng không thể chiến thắng được số phận. Nhưng đến với những người bệnh bất hạnh ấy, Nguyễn Hữu Ân đã nghĩ khác để làm khác. Anh sẻ chia với họ những nỗi suy sụp về tinh thần và những cơn đớn đau về thể xác. Vậy thì, với những người bệnh ấy, chính trong khoảnh khắc tưởng như tất thảy mọi người đều nhìn họ với cái nhìn bất lực, thương hại và vô vọng thì vẫn còn chút yêu thương như là níu kéo sự sống của một con người dành cho họ. Ánh mắt, bàn tay, sự quan tâm chia sẻ của Nguyễn Hữu Ân giúp những giây phút đớn đau của họ được vơi đi phần nào... Như vậy, “chiếc bánh” mà anh đã cho đi đâu phải là vô ích?
Cùng với hành động của Nguyễn Hữu Ân, hàng vạn hành động cho đi “chiếc bánh” thời gian của mình để sẻ chia vất vả, khó khăn, thậm chí là nỗi đau với những người đồng bào của biết bao thanh niên Việt Nam hiện nay là biểu hiện sinh động của lối sống vị tha, vì cộng đồng đầy cao thượng. Hiến dâng thời gian, sức lực, tuổi trẻ, giọt máu,... tham gia vào những hoạt động tình nguyện là biết sẻ chia những chiếc bánh quý giá nhất đời mình cho xã hội.
Biết chiêm ngưỡng những con người giàu đức hi sinh nhưng ta cũng biết nghiêm khắc phủ nhận lối sống của một bộ phận không nhỏ thanh niên hiện nay sống thiếu lý tưởng và mục đích. Họ nướng chiếc bánh của mình trong những thú vui tầm thường, lối sống ích kỉ... những trò giải trí vô bổ, những cuộc chơi trác táng, những cuộc tình nhạt nhẽo, những việc làm không lành mạnh,... Thời gian cứ trôi đi, tuổi trẻ cứ mất dần họ đã đổi những điều quý giá nhất đời mình để lấy những thứ tật bệnh, những sự suy đồi về nhân phẩm và lương tâm.
Nhà thơ Tố Hữu từng triết lý: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình'?”. Và thực tế cuộc sống đã chứng minh: ta cho yêu thương thì sẽ nhận được những thương yêu. Nguyễn Hữu Ân là một hình ảnh, một bài học nhắc nhở chúng ta trong mỗi quyết định “chia bánh” của mình.
5. Bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng được nêu trong bài viết Chia chiếc bánh của mình cho ai mẫu 5
Nếu như trước đây người ta hay so sánh đời người như dòng sông với những khúc quanh thăng trầm mà con người như là sản phẩm của số phận thì ngày nay đã có người ví von nó như chiếc bánh thời gian mà con người vốn sinh ra khác nhau nên chọn những cách khác nhau để ăn dần chiếc bánh ấy. Cũng như chiếc bánh có nhiều phần trong đó mỗi phần có ít nhiều hương vị khác nhau, đời người có nhiều giai đoạn với những công việc, trách nhiệm, ước mơ, hoài bão và cả những cung bậc tình cảm khác nhau.
Kẻ tham lam, háu ăn ngấu nghiến chiếc bánh của mình không thương tiếc đến nỗi trong nháy mắt nó chỉ còn là những mẫu vụn trên bàn ăn cuộc đời. Kẻ khảnh ăn chỉ tìm thấy khoái khẩu nơi phần nhân bánh, và sau khi thưởng thức xong, họ vứt lại cái vỏ bánh bên đĩa ăn mà không biết rằng chính cái vỏ bánh chẳng mấy ngon ấy lại cung cấp năng lượng cho cả cuộc đời và họ lại mơ tưởng một cái nhân bánh thứ hai mà không bao giờ có nữa. Cũng có kẻ thứ ba chậm rãi ăn tứng phần vỏ của chiếc bánh và cố để dành lại phần nhân ngon lành cho lần thưởng thức cuối cùng. Nhưng cũng chính lúc ấy y thấy no và không thiết ăn nữa hoặc ăn nhưng chẳng còn thấy ngon lành gì.
Loại người thứ nhất nêu trên là những kẻ sống nhanh, sống gấp. Họ sống thể như là thế giới sắp tận diệt đến nơi. Và với nhịp sống hối hả của mình, họ không còn thì giờ để chiêm nghiệm, suy tư hay thưởng ngoạn vẻ đẹp của bầu trời thu xanh yên ả hay ánh sáng huy hoàng của những vì sao đêm. Thực ra, họ sinh ra không phải để sống mà đúng hơn là để chuẩn bị sống. Loai người thứ hai sống theo kiểu hưởng lạc họ xa lánh những người bạn tốt như công việc, trách nhiệm và bổn phận và giao du với những kẻ xấu như quyền lợi, tiện nghi vật chất. Họ tiêu phần lớn thời gian cho thú vui và trò tiêu khiển; họ chiều chuộng những ham muốn thấp hèn của một cuộc sống dễ dãi. Loại người thứ ba vừa dễ thương vừa tội nghiệp. Trái ngược với loại thứ hai, họ dành hầu hết quỹ thời gian cho học tập, công việc và trăm thứ trách nhiệm trên đời. Sau khi đã đạt được những điều mong muốn họ bàng hoàng khi nhận ra rằng mình đã đánh mất một cái gì đó rất quan trọng trong một giai đoạn của đời mình hay là cả cuộc đời mà họ không thể tìm thấy lại được.
Cứ nhìn xung quanh ta thôi sẽ thấy muôn vàn thí dụ. Một đứa trẻ cũng có thể đánh mất tuổi thơ vì phải miệt mài theo lời bố mẹ đi “luyện công” để vào lớp một, rồi phấn đấu để đạt học sinh giỏi 12 năm liền với phương châm luyện rồi thi, thi xong lại luyện ngoài ra không còn gì là quan trọng cả. Sau khi đạt được ước mơ “cháy bỏng” của bản thân cũng như gia đình, người bạn tội nghiệp của chúng ta mới sực nhớ tới cánh diều tuổi thơ và tự chiều chuộng mình bằng một buổi chiều thả diều trên đồng quê. Nhưng, hỡi ôi, một thanh niên đã18 tuổi thì tâm hồn không còn đủ ấu thơ để thả hồn mơ ước theo cánh diều vi vu như một đứa bé lên tám lên mười được nữa!
Có lẽ mọi so sánh đều khập khiễng: khác với chiếc bánh thông thường, chiếc bánh thời gian cứ vơi dần cho dù bạn có cố nhin hay để dành. Vậy cách ăn bánh khôn ngoan nhất,theo tôi nghĩ, là ăn từ từ từng miếng một cả phần vỏ lẫn phần nhân cùng lúc, thưởng thức nó từ đầu tới cuối, nghĩ rằng nó là chiếc bánh ngon nhất, hoàn hảo nhất vì nó là duy nhất cho mỗi một người. Nói cách khác phải dùng cái quỹ thời gian hữu hạn của chúng ta theo đúng từng giai đoạn của đời người: không chậm chạp để phải hối tiếc vì những gì mình đã bỏ lỡ ngày hôm qua cũng không vội vã để chẳng còn gi mà thưởng thức ngày mai.
Hãy sống đúng với lứa tuổi của chúng ta. Hãy học tập chăm chỉ và vui chơi lành mạnh khi bạn còn là học sinh; hãy chuẩn bị tốt nhất cho tương lại nhưng đừng quên rằng cuộc sống con người lại nằm trong hiện tại, như các bạn tôi thường nói nôm na với nhau: “Học không chơi mất đời tuổi trẻ, chơi không học bán rẻ tương lai.” Con người sinh ra để sống không phải để chuẩn bj sống, do đó hãy sống mỗi ngày khi nó đến và không đốt cháy ngọn nến cuộc đời ta ở cả hai đầu.
Theo thiển ý của tôi, chiếc bánh thời gian chính là cái vốn thời gian hữu hạn trong đó con người thể hiện sự hiện hữu của mình như một cá nhân có ý thức. Do vậy, sử dụng thời gian một cách khôn ngoan và hợp lý là thể hiện một lối sống lành mạnh và bản lĩnh của một con người biết làm chủ bản thân. “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao để khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”.
-----------------------------------
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Hãy bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng được nêu trong bài viết sau: Chia chiếc bánh của mình cho ai?. Bài viết đã gửi tới bạn đọc bài văn mẫu. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 nhé. Ngoài ra để giúp bạn đọc có thêm nhiều tài liệu học tập hơn nữa, VnDoc.com mời các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.