Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghệ thuật lập luận trong “Tuyên ngôn độc lập”

Những bài văn mẫu hay lớp 12

Văn mẫu lớp 12: Nghệ thuật lập luận trong “Tuyên ngôn độc lập” dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Nghệ thuật lập luận trong “Tuyên ngôn độc lập”

Điều thiêng liêng nhất của một đất nước, dân tộc chính là vấn đề độc lập, chủ quyền. Cái hồn nước, hồn dân tộc chính là nằm ở cái biên giới, đường phân chia. Tình yêu nước cao cả nhất là khi tâm hồn cất lên tiếng nói tự hào sâu thẳm khẳng định tự do của dân tộc. Lịch sử đất Việt là lịch sử giữ nước, không ít lần ghi dấu những tiếng ca tự hào, vang vọng ấy. Theo suốt. chiều dài lịch sử, âm vang, dư ba của những bản Tuyên ngôn vẫn hào sáng sống dậy trong lòng người.

Đến với văn chương không phải vì hành vi văn chương mà là hành vi cách mạng, những tác phẩm của Hồ Chí Minh trước hết có giá trị chính trị, lịch sử nhưng không thể phủ nhận những giá trị nghệ thuật của nó. Văn chương Hồ Chí Minh chứa đựng những tư tưởng lớn, tình cảm lớn, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngòi bút sắc bén, tinh nhạy và một ngòi bút chan chứa yêu thương. Văn phong của Người là thứ văn đa phong cách, đem lại cho người đọc những tiếp nhận thẩm mỹ rộng dài, sâu sắc. Với Tuyên ngôn độc lập, cái mà Người đem lại chính là lòng tự hào, son sắt, sự khẳng định vững bền về chủ quyền dân tộc. Bản Tuyên ngôn chứa đựng những tư tưởng lớn lao, cao cả, không chỉ tuyên bố với người Việt Nam, dân Việt Nam mà còn là lời tuyên bố trước toàn thể thế giới, giống như lời cảnh tỉnh những bè lũ tay sai phản động đang lăm le phá hoại thành quả cách mạng, đặc biệt là bọn đế quốc, thực dân đang lăm le chiếm lại nước ta.

Nghệ thuật lập luận trong “Tuyên ngôn độc lập”Lời tuyên bố độc lập rất mạnh mẽ, tự tin, tràn đầy hào sảng. Dường như bao nhiêu sức sống, bao nhiêu tin yêu của dân tộc được chắt chiu, dồn tụ trong lời tuyên bố ấy, Hồ Chí Minh khẳng định một lần nữa quyền độc lập tất yếu của dân tộc. "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập". Đó là một chân lí lịch sử, một thực tế cần phải được thừa nhận. Cái lớn lao trong tư tưởng của Người trước tiên nằm chính ở việc nhận thức sâu sắc chân lí, thực tế ấy. Nước Việt Nam cũng có quyền tự do, độc lập như bao nhiêu dân tộc khác, con người của dân tộc Việt Nam cũng có quyền hưởng hạnh phúc, dân chủ. Con người sinh ra đã là người tự do, không có một thế lực, một sức mạnh nào có thể tước bỏ, phủ nhận cái quyền thiêng liêng mà bình dị ấy. Hồ Chí Minh đã tự tin, kiêu hãnh đặt dân tộc Việt Nam ngang hàng với mọi dân tộc trên thế giới, đã đặt con người Việt Nam đứng cùng mọi con người khác, cũng có quyền được đòi hỏi tự do, được yêu cầu độc lập. Quyền được "hưởng tự do, độc lập" chính là cái quyền tối thiểu mà thiêng liêng, bình dị mà cao cả, đó là ước mơ, khát vọng chân chính ngàn đời của mỗi con người, mọi thời đại. Hồ Chí Minh đã khẳng định một cách tự tin, quyết liệt ước mơ, đòi hỏi chính đáng ấy và kiêu hãnh tự hào khẳng định nước Việt Nam "sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập". Lời khẳng định hùng hồn, đanh thép, thể hiện một chân lí khách quan, một lẽ phải đúng đắn, một thực tế lịch sử. Sự độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam cần phải được thừa nhận, tư tưởng của Người đã khẳng định rõ ràng điều ấy. Lời văn vang lên đầy tự hào, kiêu hùng, khẳng định thành quả cách mạng đẹp đẽ, cao quý đã phải đổi bằng bao mồ hôi, xương máu, nước mắt của con người dân tộc. Để có được "sự thật ấy", dân tộc Việt Nam đã phải trải qua những gian khổ, hi sinh, chiến đấu oai hùng, bởi vậy "sự thật” ấy thiêng liêng hơn tất cả, nó cần được khẳng định và thừa nhận. Hồ Chí Minh không chỉ hướng tư tưởng của mình vào thực tại, trong lời tuyên bố của người còn ẩn chứa cái nhìn dài rộng, sâu xa về quá khứ. Lập luận của Người chắc chắn, logic, hợp lí, khiến người ta không thể chối bỏ, không thể phủ nhận, bắt đầu đi từ một chân lí, quy luật khách quan, rồi khẳng định, chứng minh nó bằng thực tế lịch sử. Bởi vậy, nó không chỉ có sự vững vàng của lý luận chính trị mà còn được chứng minh, kiểm nghiệm bằng một sự thật hiển nhiên. Sự độc lập, tự do của dân tộc, con người Việt Nam không chỉ được khẳng định trên lý thuyết, sách vở mà còn được lịch sử chứng minh; không còn là mơ ước, khát vọng mà đã trở thành một sự thật không thể chối cãi. Lời khẳng định độc lập của Hồ Chí Minh vang lên đầy kiêu hãnh, tự hào, nó trở thành một thực tế tất yếu của lịch sử, đóng một dấu son đỏ thắm vào trang sử dân tộc. Hồ Chí Minh không chỉ tuyên bố với dân tộc, con người Việt Nam, Người khẳng định "sự thật" đó với toàn thể thế giới và yêu cầu sự thật đó phải được thừa nhận, công nhận. Điều đó thể hiện tầm lớn lao trong tư tưởng của Người, không chỉ nhìn thấy cái nhỏ mà còn nhìn thấy cái lớn, không chỉ tuyên bố với dân mình, nước mình mà còn với tất cả các dân tộc khác.

Lời tuyên ngôn của Hồ Chí Minh còn giống như một lời thề son sắt, một tiếng kêu vẫy gọi con người chiến đấu hi sinh để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền. Giành được độc lập đã khó nhưng giữ gìn được nền độc lập ấy còn khó hơn. Vì thế, Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định nền độc lập hiện tại mà còn dự báo tương lai, đặt ra những quyết tâm, thử thách: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Tư tưởng của Người có tầm nhìn xa, trông rộng, vạch ra một con đường giữ nước, nêu cao ý chí, quyết tâm. Lời văn giống như một lời thề son sắt, quyết định đổi tất cả để giữ vững, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của dân tộc. Tư tưởng ấy không đi ngoài truyền thống ngàn đời của dân tộc - một dân tộc giữ nước nhiều hơn dựng nước, một dân tộc biết bao lần bị giày xéo dưới sự xâm lược của kẻ thù. Nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững độc lập dân tộc được đặt ra không của riêng ai, của một tầng lớp, giai cấp nào, đó là nhiệm vụ sống còn, thiêng liêng của "toàn thể dân tộc Việt Nam". Mỗi con người phải là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà phải là một pháo đài, thành trì, tất cả phải sẵn sàng sống còn vì độc lập dân tộc. Con người sẵn sàng hi sinh, đánh đổi "tinh thần và lực lượng", "tính mạng và của cải" để đổi lấy hồn thiêng non nước, dân tộc. Lời văn giống như một lời hứa quyết tâm, một lời thề sắt đá, khẳng định ý chí vững vàng, kiên định của con người Việt Nam quyết bảo vệ độc lập dân tộc. Nó vang vọng một niềm tin mãnh liệt vào nền độc lập của nước nhà, ngạo nghễ một thách thức trước mọi thế lực nhăm nhe xâm chiếm. Lời văn như dựng dậy tư thế hiên ngang, bất khuất, kiên cường của đất nước trong chiến đấu và chiến thắng, vẫy gọi một niềm tin, lòng yêu, sự tự hào của con người và khơi dậy những quyết tâm son sắt. Ở một phương diện sâu hơn, lời tuyên bố độc lập còn có khả năng dự báo mở ra một chặng đường mới cho lịch sử dân tộc, đặt ra những thách thức khó khăn, những nhiệm vụ cao cả cho con người dân tộc trong quá trình bảo vệ, gìn giữ nền độc lập thiêng liêng ấy.

Sự lớn lao, cao cả của tư tưởng Hồ Chí Minh nằm ở cái nhìn khái quát, kiên định về nền độc lập của dân tộc. Đi từ chân lí khách quan đến thực tiễn lịch sử, đi từ quá khứ đến hiện tại và dự báo tương lai, bản tuyên ngôn của Người thể hiện một trí tuệ sắc bén, một cái nhìn sâu rộng. Cách lập luận rõ ràng, mạch lạc, lời văn kết cấu sóng đôi, tạo tiết tấu nhịp nhàng, tất cả tạo nên một bản tuyển ngôn ngắn gọn nhưng có sức thuyết phục lớn. Nó chứa đựng tất cả những tư tưởng lớn lao của Hồ Chí Minh, và ước vọng tự do, hòa bình của con người muôn đời. Bởi thế, nó không chỉ tiếp thu được những giá trị truyền thống của những văn kiện lịch sử mà còn phát huy ở những tầm cao hơn. Nó vừa mang được những âm hưởng hào sảng của Bình Ngô Đại Cáo:

"Xã tắc từ đây đổi mới

Giang sơn từ đây vững bền

Kiền khôn bi mà lại thái

Nhật nguyệt hối rồi lại minh

Muôn thuở nền thái bình vững chắc

Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu"

Vừa kiên định một sự thật ngàn đời:

"Nam quốc sơn hà nam đế cư

Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư"

Nhưng "Tuyên ngôn độc lập” không chỉ còn là bản tuyên ngôn với xã tắc đất Việt, không còn là sự khẳng định của một Nam đế nào, nó khẳng định nền độc lập, tự do của toàn thể dân tộc Việt Nam và đề ra nhiệm vụ bảo vệ nền độc lập ấy của tất cả mọi người. Sự lớn lao, cao cả của tư tưởng Hồ Chí Minh đã vượt qua cái dài rộng của không gian, thời gian, đạt- được những tiến bộ mới mẻ của thời đại. Bởi vậy, “Tuyên ngôn độc lập” không nằm ngoài các mạch nguồn truyền thống của dân tộc nhưng vẫn mang được hơi thở, nhịp đập của thời đại mình.

“Tuyên ngôn độc lập” xứng đáng là một bản thiên cổ hùng văn, khẳng định một niềm tin son sắt, vẫy gọi một quyết tâm kiên cường. Nó trở thành một phần thiêng liêng của lịch sử bởi nó đã chạm đến cái phần sâu nhất của dân tộc: quyền độc lập, tự do. Tư tưởng Hồ Chí Minh được kết tinh quy tụ ở đoạn văn cuối cùng, nó mang được cái hồn của dân tộc và nêu được cả một quá trình chiến đấu, chiến thắng đầy vẻ vang, dựng dậy những sức sống ngàn đời của con người, dân tộc Việt.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Nghệ thuật lập luận trong “Tuyên ngôn độc lập”. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.

Bài tiếp theo: Nghị luận xã hội - Hạnh phúc là đấu tranh

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm