Phân tích nhân vật nàng Xi-ta

Ngữ văn lớp 10: Phân tích nhân vật nàng Xi-ta

VnDoc.com xin giới thiệu tới bạn đọc bộ tài liệu: Phân tích nhân vật nàng Xi-ta, tài liệu đã được VnDoc tổng hợp và đăng tải những bài văn mẫu hay nhất để phục vụ các bạn học sinh học tốt Ngữ văn 10 một cách đơn giản hơn. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.

Học tốt Ngữ văn lớp 10: Phân tích nhân vật nàng Xi-ta

I. Mở bài

  • Vị trí của đoạn Ra-ma buộc tội: Khúc ca thứ sáu, chương 79 trong Ra-ma-na-ya sau khi chiến thắng Ra-va-na, Ra-ma cứu được nàng Xi-ta trở về.
  • Sau khi giải quyết những xung đột lớn của xã hội, của cộng đồng rồi thì đến lượt Ra-ma phải tự giải quyết xung đột cá nhân. Cơn ghen tuông, mối nghi ngờ về lòng chung thủy, sự trong sạch của Xi-ta đã nổi lên trong lòng Ra-ma như là đỉnh điểm của mọi xung đột. Tình tiết này làm tăng thêm tính hấp dẫn của tác phẩm.

II. Thân bài

  • Nhân vật Xi-ta được miêu tả với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp như ánh sáng chiếu rọi vào chỗ tối tăm của Ra-ma. Khi bị buộc tội không chung thủy, một lần nữa Xi-ta phải ra sức đấu tranh bảo vệ phẩm giá và tình yêu chân chính của mình, đương đầu với búa rìu dư luận, đối mặt với thái độ ghen tuông, giận dữ của Ra-ma.
  • Tâm trạng của Xi-ta biến đổi. Từ kinh ngạc mở tròn đôi mắt đẫm lệ đến lúc nhận ra sự ghen tuông phi lí của Ra-ma, nàng suy sụp tinh thần một cách nặng nề, sắc mặt biến đổi, thân thể héo hon. Sau đó nàng cố trấn tĩnh, rồi vừa dịu dàng, vừa nghẹn ngào minh oan cho mình. Xi-ta thẳng thắn chỉ trích những lời lẽ hồ đồ, thái độ ngờ vực vô căn cứ của Ra-ma và nêu mọi bằng chứng hùng hồn để chứng minh cho lòng chung thủy son sắt của mình. Trong các bằng chứng được nêu ra, nàng nhấn mạnh đến trái tim tình yêu của nàng - sức mạnh đã bảo vệ nàng khi nàng rơi vào tay quỷ vương Ra-va-na.
  • Cuối cùng, để cho Ra-ma tin mình, Xi-ta đã bình thản bước vào ngọn lửa với một lời cầu nguyện tới Thần Lửa A-nhi. Bảy là vị thần thâm nhập khắp mọi nơi. Có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống Ấn Độ, tượng trưng cho sự quang minh chính đại. Hành động khoan thai bước vào ngọn lửa của Xi-ta là đỉnh cao chói lọi trong tính cách của nàng, vừa tô thêm tính chất bi hùng của thiên sử thi vĩ đại này. Cuối cùng, vì nàng trung trinh sắt son nên Thần Lửa A-nhi đã không thiêu đốt nàng. Thân hình nàng rực rỡ như đóa sen xòe cánh nhụy vàng toả hương thơm.
  • Tác giả đã khắc họa một Xi-ta trong sáng, chân thực, toàn vẹn tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Ấn Độ toàn thiện, toàn mĩ, đáng ngưỡng mộ.

Nghệ thuật

  • Đoạn trích được cấu tạo bởi ba yếu tố tự sự: lời kể, lời thoại, nhưng lời thoại chiếm vị trí quan trọng nhất. Lời thoại vừa tham gia vào quá trình phát triển của câu chuyện, vừa đóng vai trò chủ yếu trong việc thể hiện tư tưởng, tâm trạng và cảm xúc của các nhân vật. Lời Ra-ma lạnh lùng, lời Xi-ta đẫm trong nước mắt thể hiện sự đau khổ tột cùng của nàng.
  • Nghệ thuật miêu tả tâm lí của tác giả thể hiện rõ nhất qua hai hình tượng Ra-ma và Xi-ta. Đặc biệt là hình tượng Ra-ma. Tâm trạng của Ra-ma được thể hiện qua xung đột tâm lí. Sau khi giải quyết những xung đột cộng đồng thì Ra-ma phải giải quyết xung đột cá nhân, trong đó đỉnh điểm là cơn ghen tuông và mối nghi ngờ về đức hạnh của Xi-ta. Mâu thuẫn trong con người Ra-ma lúc này là mâu thuẫn giữa danh dự, bổn phận và tình yêu. Yêu Xi-ta hết mình nhưng Ra-ma cũng ghen tuông cực độ, chàng sẵn sàng để cho ngọn lửa ghen tuông đốt cháy mình và ruồng bỏ Xi-ta, thậm chí sẵn sàng chấp nhận để cho Xi-ta nhảy vào lửa.
  • Diễn biến tâm lí của nhân vật Xi-ta cũng được miêu tả rất sâu sắc. Từ vui mừng phấn khởi, hi vọng Ra-ma dang tay đón mình, Xi-ta đã đau khổ cực độ khi người chồng mà nàng hết mực yêu thương cất tiếng buộc tội nàng, ruồng bỏ nàng. Càng đau khổ bao nhiêu thì Xi-ta lại càng mạnh mẽ, kiên quyết bấy nhiêu. Nàng không ngần ngại nhảy vào lửa để bảo vệ danh dự và sự trong sạch của mình.

II. Kết bài

  • Đoạn trích Ra-ma buộc tội thể hiện rõ phẩm chất cao quý của nhân vật Xi-ta thủy chung, kiên trung và bất khuất - tiêu biểu cho những phẩm chất của người phụ nữ Ấn Độ thời cổ đại, cũng cho thấy tính cách Ra-ma, người anh hùng sử thi Ấn Độ.
  • Đồng thời Ra-ma buộc tội biểu hiện những đặc điểm nghệ thuật miêu tả tâm lí trong việc xây dựng tính cách anh hùng sử thi và nghệ thuật tự sự hấp dẫn, đầy kịch tính.

Văn mẫu lớp 10: Phân tích nhân vật nàng Xi-ta

Bài làm 1

Xi-ta là một người phụ nữ được lí tưởng hóa: thông minh, chung thủy, giàu lòng tự trọng, tự tin và vô cùng can đảm.

Phẩm chất thông minh ở nàng thể hiện trước hết ở sự linh cảm. Nóng lòng đến gặp chồng sau khi được chồng cứu thoát khỏi bàn tay nhơ bẩn của quỷ vương Ra-va-na, nhưng "Gia-na-ki mở tròn đôi mắt đẫm lệ" nhìn Ra-ma không chỉ là vì thất vọng (cái mà Xi-ta chờ ở chồng là sự âu yếm của cuộc đoàn viên). Sự mẫn cảm ở Xi-ta dường như mách bảo điều gì ghê gớm, rất hệ trọng với nàng sắp sửa diễn ra. Một cơn bão chỉ giây phút nữa thôi sẽ bất ngờ đổ ập xuống mà dấu hiệu của nó lúc này là sự im lặng rất đáng nghi ngờ. Tai Xi-ta nghe Ra-ma nói mà trí tuệ nàng đã đọc ra những ý nghĩa ở ngoài lời. Bao nhiêu những dấu hiệu không lành giúp cho Xi-ta nhận biết. Nào là chính chàng đã cứu thoát cho nàng. Điều này đã quá rõ ràng nên thật là khó hiểu. Bởi thật ra cứu vợ tai qua nạn khỏi là nghĩa vụ muôn đời của mọi người đàn ông chân chính, chưa nói là người quyền quý như Ra-ma. Vậy mục đích của nó là gì? Nào là tại sao gặp nàng, đối thoại với nàng. Ra-ma chỉ nhắc đến những nhân vật không quan trọng (so với bản thân nàng) là Ha-nu-man và Vi-phi-sa-na? Cũng là còn chưa nói đến sự lảng tránh của chính Ra-ma trong đôi mắt có phần thảng thốt của chàng lúc nhìn Xi-ta (mà người dẫn truyện nhận thấy và miêu tả: "lòng Ra-ma đau như dao cắt"), hoặc cách xưng hô bằng cách các đại từ nhân xưng trang trọng là "phu nhân cao quý" nữa,...

Chỉ người vợ yêu chồng mới cảm nhận được nỗi đau khi tình yêu của mình bị chính người chồng làm thương tổn. "Đôi mắt đẫm lệ" của Xi-ta nhìn chồng là đôi mắt bi thương. Bởi lẽ với Xi-ta, điều cao quý và thiêng liêng nhất là tình yêu với chồng. Ngay cả vẻ đẹp thể chất của nàng mà trời phú cho cũng là vì tình yêu ấy. Và bây giờ vẻ đẹp ấy đang sáng lên, đang chờ đợi như một lần trước đây chờ đợi. Chỉ có điều lúc này nó trở nên lạc lõng biết bao. Nó đã là một nghịch cảnh thật trớ trêu khi tình yêu ở chàng đã hết. Nhưng điều đó đầu tiên mới chỉ là cảm giác thoáng qua. Chỉ sau khi nghe hết lời luận tội của Ra-ma, Xi-ta "đau đớn đến nghẹt thở, như một cái dây leo bị vòi voi quật nát". Tác giả đã sử dụng phép so sánh để đặc tả nỗi đau của Xi-ta. Rồi cả một trường đoạn tiếp theo như những con sóng ào ạt miêu tả cảnh xô đẩy dập vùi. Mỗi lời nói của Ra-ma nhằm vào Xi-ta như những mũi tên trúng đích. Nàng bị săn đuổi đến cùng: "nghe những lời tố cáo chưa từng có, trước mặt đông đủ mọi người, Gia-na-ki xấu hổ cho số kiếp của nàng. Nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài thân xác của mình..." Rồi sau đó, lời biện minh của Xi-ta một phần dựa vào lí lẽ, nhưng đến hai phần lại dựa vào tình yêu. Cái lí lẽ ấy thuộc về hoàn cảnh khách quan, bị động (Ra-va-na bắt cóc khi Xi-ta sợ chết khiếp mà ngất đi). Còn tình yêu của nàng thì chưa bao giờ thay đổi. Đó mới là vũ khí, là sức mạnh của nàng để qủy vương không sao chiếm đoạt nổi: "chỉ có số mệnh của thiếp là đáng bị chê trách, nhưng những gì nằm trong vòng kiểm soát của thiếp, tức trái tim thiếp đây là thuộc về chàng". Thật đáng kiêu hãnh, tự hào khi người phụ nữ có trái tim son sắt ấy!

Trong mối tương quan, Xi-ta ở vào một cái thế không ngang bằng với Ra-ma.

Nàng đang bị phán xét và trước mắt Ra-ma, nàng là người mắc trọng tội (tội không chung thủy), nhưng chưa một lúc nào Xi-ta cảm thấy mình đuối sức để cần đến một sự cầu xin. Có hai niềm tin mà Xi-ta dựa vào. Một là nguồn gốc xuất thân cao quý của nàng cũng y hệt như Ra-ma. Thứ hai, nàng tin vào trái tim của mình như tin vào hi vọng. Lòng tin ấy dõng dạc cất lên: "Hỡi Đức vua! Như một người thấp hèn bị cơn giận giày vò, Người đang nghĩ về thiếp như một phụ nữ tầm thường. Tên thiếp là Gia-na-ki, bởi vì thiếp có liên quan đến lễ tế sinh của nhà vua Gia-na-ka... Vì không thể suy xét cho đúng đắn, chàng đã không hiểu được bản chất của thiếp... Tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp nay xem ra hoàn toàn vô ích!". Nói đến điều này, Xi-ta òa khóc như một người chịu oan ức. Nàng mới là kẻ đáng thương chứ không phải Ra-ma là kẻ đáng thương.

Hành xử cuối cùng của Xi-ta là bước vào giàn lửa.

Trong tín ngưỡng của đạo Bà La Môn thì thần lửa A-nhi giữ vai trò phán xét tối cao. Lấy cái chết để giải oan là một mô típ nghệ thuật trong văn học bác học và văn học dân gian nhiều nước, nhất là các nước phương Đông. Nhưng có điều trong lời khấn thần linh, nhận ra hai giải pháp sóng đôi: nếu trong sạch thì thế này còn nếu không thì thế khác. Biết rất rõ tấm lòng mình là một dạ kiên trinh, Xi-ta cần đến thần Lửa A-nhi như một sự bao dung, che chở chứ không phải là sự phán xét đúng, sai. Tâm thế của Xi-ta vì thế mà bình tĩnh đến lạ lùng. Trong lúc ấy, mọi người lại đinh ninh là nàng sẽ chết, vì oan ức mà chết. Chính sự so le của hai thế giới quan (một thần thoại và một hiện thực) đã làm cho hành vi tử vì đạo của Xi-ta đột ngột thăng hoa trong sự cao cả tuyệt vời. Một chấn động tinh thần ghê gớm của những người chứng kiến đã xảy ra không gì kiềm giữ nổi cũng là một lẽ đương nhiên khi tiễn biệt một tâm hồn cao cả về với thần linh vĩnh viễn. Nhưng thần Lửa A-nhi đã giải thoát cho nàng. Kết thúc đầy chất lãng mạn này là sự gửi gắm một niềm tin, niềm hi vọng của con người.

Bài làm 2

Ra-ma-ya-na là bộ sử thi, niềm tự hào của người Ấn Độ. Người dân Ấn Độ tin rằng "chừng nào sông chưa cạn, đá chưa mòn thì Ra-ma-ya-na còn mãi làm say lòng người và cứu họ ra khỏi vòng tội lỗi". Một nhà nghiên cứu phương Tây từng miêu tả về Ra-ma-ya-na: "Đó là tác phẩm chan chứa những âm điệu du dương, toát ra mội bầu không khí yên lành và một tình yêu thương vô bờ bến trong hoàn cảnh xã hội đầy sự mâu thuẫn và xung đột" (Michelet).

Một trong những hiện thân của vẻ đẹp làm say lòng người ấy là nhân vật Xi-ta. Nàng không chỉ là hình ảnh bổ sung cho sự kì vĩ của người anh hùng Ra-ma mà còn là minh chứng cho vẻ đẹp chân thực, toàn mĩ của người phụ nữ Ấn, từ hình dáng bên ngoài đến những phẩm chất tâm hồn bên trong.

Vẻ đẹp của nàng luôn được miêu tả gắn liền với cụm từ "gương mặt bông sen" - đó là chi tiết ngoại hình luôn được láy đi láy lại trong tác phẩm. Hoa sen hay bông sen là biểu tượng của vẻ đẹp chuẩn mực, vẻ đẹp của cả hình dáng bề ngoài và chiều sâu nội tâm trong quan niệm thẩm mĩ của người Ấn Độ. Khuôn mặt bông sen, đôi mắt hình hoa sen... là những hình ảnh miêu tả quen thuộc về người phụ nữ trong văn học Ấn Độ. Miêu tả nàng bằng chi tiết ấy, dường như ngay từ đầu, người kể đã khẳng định vẻ đẹp toàn mĩ ở nàng.

Và vẻ đẹp toàn mĩ ấy cũng đã được thử thách trong suốt chiều dài các sự kiện của câu chuyện. Song lần thử thách cuối cùng nghiệt ngã nhất nhưng đồng thời cũng vinh quang nhất là sự kiện Ra-ma buộc tội nàng và nàng bước lên giàn lửa. Chương 78 kể lại những diễn biến đầy kịch tính của sự kiện này.

Đọc chương truyện cùng với những cảm thương trước nỗi oan uổng của nàng, ta còn có thể sẻ chia cùng nàng cái cảm giác bị ruồng bỏ, dù rằng đằng sau sự ruồng bỏ ấy là tình yêu. Và có lẽ, đó chính là dấu ấn bi kịch trong bộ sử thi tràn ngập cảm xúc ngợi ca này.

Ta có thể hiểu tâm trạng của Ra-ma trong những lời buộc tội Xi-ta: ban đầu vì sợ tai tiếng, về sau là cảm giác nghi ngờ, ghen tuông. Trong lời nói có đầy đủ sự giận dữ, sự ghẻ lạnh, sự xúc phạm và lăng nhục của chàng vẫn có tình yêu. Nhưng chính tình yêu lại càng làm cho những lời nói của chàng trở nên độc ác. Chàng đã không chỉ buộc tội nàng, chàng đã xúc phạm và hơn thế, lăng nhục nàng bằng những lời lẽ nặng nề nhất. Và Xi-ta đã nghe, đã cảm nhận được tất cả những trạng thái tình cảm ấy ở chồng mình. Còn gì đau đớn hơn khi người thân yêu nhất của mình lại xúc phạm mình nặng nề đến thế?

Trước lời buộc tội của chồng, nàng Xi-ta trái tim tan nát, đau đớn đến nghẹn thở, xấu hổ cho số kiếp..., nghĩa là nàng phải trải qua một loạt những cảm xúc của nỗi đau, nỗi tủi nhục, nàng phải tự minh oan cho mình. Và nàng quả thật thông minh khi lần lượt chứng minh những ngờ vực cùa Ra-ma là không căn cứ. Nàng lấy danh dự, rồi nguồn gốc xuất thân, lòng trung thành, tình yêu của mình để làm minh chứng. Nhưng, tất cả dường như đều không đủ, đều vô nghĩa trước cơn giận dữ cùa Ra-ma. Chàng ngồi đó, "trông khủng thiếp như thần chết vậy". Tình huống sử thi, tính cách nhân vật sử thi hay tâm lí con người bình thường đả chi phối diễn biến của chuyện, chi phối tâm trạng của Ra-ma? Chàng Ra-ma cao quý khi ấy có khác gì những con người bình thường, tầm thường nhất?

Thái độ của Ra-ma đã tạo nên hoàn cảnh bi thảm của Xi-ta buộc nàng phải chứng minh bằng hành động thuyết phục cuốỉ cùng: bước lên giàn lửa. Thần lửa A-nhi sẽ là minh chứng cuối cùng, đủ sức thuyết phục nỗi nghi ngờ khổng lồ trong tâm hồn của chồng nàng. Lúc này, cho dù lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, ở nàng vẫn ngời lên một tình yêu thủy chung, trong sáng.

Có lẽ, chính tình yêu ấy làm nên lòng dũng cảm của nàng. Nàng bước vào ngọn lửa trong sự kêu khóc vang trời của muôn loài, trong nỗi thương xót cực độ của những người chứng kiến.

Thần lửa A-nhi đã khẳng định sự trong trắng của nàng: "Hỡi Ra-ma, Gia- na-ki của người đây. Nàng trong trắng. Nàng không phạm bất cứ tội lỗi nào, bằng lời nói, việc làm, hay ý nghĩ" (Dẫn theo SGK Ngữ văn 10, tập 1)

Sự trong trắng của nàng là sự trong trắng tuyệt đích. Cho dù bị xúc phạm, bị lăng nhục nhưng tình cảm của nàng, sự thủy chung của nàng vẫn không hề thay đổi. vẻ đẹp của nàng là vẻ đẹp của một tấm gương mà bất cứ một người phụ nữ nào trên trái đất này đều có thể soi và tự hoàn thiện mình. Nàng trở về trong vòng tay của Ra-ma sau sự chứng minh khóc liệt nhất. Đó là sự khẳng định cao nhất phẩm chất của nàng của sử thi.

Sức hấp dẫn của sử thi Ấn Độ một phần là bởi trong vẻ đẹp cùa huyền thoại vẫn lấp lánh những tính cách rất con người. Nhưng với Xi-ta, vẻ đẹp huyền thoại và vẻ đẹp con người dường như hoàn toàn thống nhất. Đó phải chăng là lời ngợi ca đẹp nhất về nàng.

Tuy thế, cảnh tượng bi tráng về nàng, nỗi đau của nàng vẫn còn để lại những dấu ấn không phai trong lòng người đọc. Nàng là biểu tượng của vẻ đẹp nhưng cũng là nỗi đau xót mà một người phụ nữ có thể gặp trong cuộc đời mình. Nhưng hơn hết, tình yêu vẫn luôn là phép màu kì diệu làm cho thế giới mãi mãi tốt đẹp hơn. Xi-ta là biểu tượng của sự hoàn thiện, hoàn mĩ về cả hình thức, tâm hồn và tình yêu cao cả. Nhưng bi kịch của nàng cũng tiêu biểu cho những gì mà người phụ nữ có thể gặp phải trong thế giới này.

Không khí trong lành và tình yêu thương vô bờ bến toát ra từ những trang sử thi Ra-ma-ya-na chính bởi vẻ đẹp thẳm sâu của nữ nhân vật: nàng Xi-ta.

-------------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Phân tích đoạn trích Ra-Ma buộc tội. Để học tốt môn Ngữ văn lớp 10. Cùng chủ đề này, VnDoc.com mời bạn đọc tham khảo Soạn bài lớp 10: Ra-Ma buộc tội, Tóm tắt đoạn trích Ra-Ma buộc tội, mà VnDoc.com đã sưu tầm, tổng hợp.

Đánh giá bài viết
1 1.157
Sắp xếp theo

    Soạn văn 10 sách mới

    Xem thêm