Giải Hoạt động trải nghiệm 10 Cánh diều: Hoạt động 5 chủ đề 6
Giải Hoạt động trải nghiệm 10 Hoạt động 5 chủ đề 6: Hành động vì môi trường được VnDoc sưu tầm và tổng hợp với lời giải chi tiết, rõ ràng theo khung chương trình sách giáo khoa Trải nghiệm, hướng nghiệp 10 Cánh Diều. Mời các em cùng tham khảo để nắm được nội dung bài học
Hoạt động 5: Tham gia bảo vệ môi trường
Câu hỏi 1 trang 56 HĐTN 10: Chia sẻ những hành vi, việc làm bảo vệ môi trường tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên.
Gợi ý:
- Tìm kiếm thông tin về các cá nhân, tổ chức đã và đang thực hiện những việc làm cụ thể để bảo vệ môi trường tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên ở địa phương em.
- Gặp gỡ, trao đổi với các cá nhân, đại diện các tổ chức.
Gợi ý nội dung trao đổi:
+ Lí do họ tự nguyện thực hiện những việc làm bảo vệ môi trường tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên.
+ Những hành động cụ thể mà họ thực hiện.
+ Khó khăn trong quá trình thực hiện và cách thức vượt qua khó khăn.
+ Kết quả đạt được.
- Lựa chọn hình thức để chia sẻ về những tấm gương bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên (video, phóng sự, bài viết…)
Trả lời:
- Thông tin về một số cá nhân tổ chức có việc làm bảo vệ môi trường.
+ Học sinh trường THPT Đa Phúc làm nhiệm vụ dọn vệ sinh khu vực Đa Phúc vào mỗi tháng, phân công các lớp trồng cây theo khu vực.
+ Các ban ngành thực hiện nhiệm vụ vệ sinh ngõ xóm vào mỗi tháng.
+ Trước khi Tết đến, đoàn thanh niên tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm 2 lần.
- Lí do họ tự nguyện:
+ Giữ gìn môi trường học tập và sinh hoạt sạch sẽ.
+ Đảm bảo mĩ quan nơi mình sống.
+ Tinh thần đoàn kết ngõ xóm.
Câu hỏi 2 trang 56 HĐTN 10: Lựa chọn và tham gia thực hiện một hoặc một số giải pháp đã đề xuất để bảo vệ môi trường.
Trả lời:
- Em thường tận dụng giấy thừa trong những quyển vở viết dở đem đi chợ gói thịt, rau bỏ vào làn đi chợ.
- Tận dụng vỏ hộp sữa chua làm đá…
Câu hỏi 3 trang 57 HĐTN 10: Thuyết trình về kết quả và ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường tự nhiên.
Gợi ý:
- Nội dung thuyết trình:
+ Thực trạng của môi trường tự nhiên;
+ Sự cần thiết phải bảo vệ môi trường tự nhiên;
+ Kết quả thực hiện các giải pháp, việc làm cụ thể để bảo vệ môi trường tự nhiên;…
- Hình thức thể hiện: video, trình chiếu;…
- Kĩ năng thuyết trình: ngôn ngữ nói kết hợp với ngôn ngữ cơ thể, thuyết phục người nghe,…
Trả lời:
Bài viết tham khảo
Hiện nay, trước sức ép của tốc độ gia tăng dân số ngày càng nhanh, nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao trong bối cảnh các nguồn tài nguyên đất liền ngày càng cạn kiệt càng đẩy mạnh khuynh hướng tiến ra biển, khai thác biển, làm giàu từ biển, nhưng thường đi kèm với đó lại là các phương thức khai thác thiếu tính bền vững; các họat động khai thác chủ yếu chỉ tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế để đạt được các mong muốn tối đa, trong khi xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, hoặc không có hoặc thiếu những qui hoạch, kế hoạch chi tiết, cụ thể, cùng với cơ chế quản lý lỏng lẻo của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu với các biểu hiện chính là sự gia tăng mực nước biển và nhiệt độ của trái đất, Vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều khu vực, quốc gia ngày càng đứng trước nhiều thách thức, nhiều nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động.
Kết quả nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, FAO và các tổ chức quốc tế khác đều chỉ ra rằng, hiện khoảng hơn 80% lượng cá toàn cầu đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá toàn cầu bị khai thác quá mức (overexploited) hoặc bị khai cạn kiệt (depleted), trong khi nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ tuyệt diệt khi sản lượng đánh bắt giảm đến 90% trong những năm gần đây.
Bên cạnh thực trạng nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản biển, tài nguyên dầu khí và những nguồn tài nguyên biển không tái tạo khác đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững, nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn cũng ngày một tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Theo ước tính, cỏ biển đã mất 30 – 60% và rừng ngập mặn – chiếm 1/3 diện tích rừng thế giới – mất đến 70% và khoảng 11% các rạn san hô trên toàn cầu đã bị phá hủy hoàn toàn trước năm 1998. Trong vòng 20 năm qua, các nước Đông Nam Á đã mất đi 12% số rạn san hô, 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Các rạn san hô thường là môi trường sống của khoảng 1/4 các loài cá, đồng thời còn là nơi cư trú của các loài sinh vật biển khác. Sự mất dần của các rạn san hô và sẽ khiến lượng cá bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí còn dẫn đến sự tuyệt chủng của một số sinh vật biển do chúng không còn nơi để cư trú và sinh sản. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà còn gây phát sinh nhiều vấn đề kinh tế-xã hội do sự thiếu hụt thực phẩm cung cấp cho những cư dân sống ở các đảo và các vùng ven biển, kéo theo những cuộc di dân hàng loạt từ các vùng ven biển vào các vùng trung tâm…
Cùng với sự suy giảm, cạn kiệt nhiều nguồn lợi biển do khai thác, sử dụng không hợp lý và thiếu tính bền vững, môi trường biển ở nhiều khu vực trên trái đất đang chịu nhiều thách thức và các mối đe dọa trầm trọng khi dân cư ven biển ngày càng tăng, các hoạt động kinh tế ven biển ngày càng phát triển, nhiều cửa sông ven biển bị ô nhiễm do nước thải từ các khu công nghiệp, khu đô thị thải ra cùng với nạn phá hủy rừng ngập mặn ngày càng tăng, và sự gia tăng về tần suất và mức độ ảnh hưởng của thiên tai bão lũ do biến đổi khí hậu ….
Trong một báo cáo của Trung tâm về các giải pháp đại dương (Center for Ocean Solutions) xuất bản vào tháng 5 năm 2009 với tựa đề “Hệ sinh thái và Con người của Thái Bình dương: Các mối đe dọa và Cơ hội hành động”, với sự tham gia của hơn 30 nhà khoa học thuộc các lĩnh vực tự nhiên, vật lý và xã hội, từ nguồn thông tin, dữ liệu phân tích tổng hợp của 3400 bài báo, báo cáo khoa học của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, báo cáo đã nêu chi tiết về các mối đe dọa chính đối với môi trường biển và đại dương, các ảnh hưởng của chúng và đưa ra lộ trình cùng với các biện pháp đối phó với những mối đe dọa này. Theo kết quả nghiên cứu tổng hợp từ báo cáo, trong các mối đe dọa chính mà môi trường biển đang phải đối mặt tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ này gặp phải, tại các nước giàu cũng như nước nghèo, tại các quốc gia, quần đảo, khu vực đông hay thưa dân cư đều có một điểm rất chung ở mức rất phổ biến và đang ở mức độ báo động đó là: Ô nhiễm môi trường có nguồn gốc từ đất liền và từ biển, phá hủy nơi cư trú tự nhiên, khai thác và đánh bắt cá quá mức, tác động của biến đổi khí hậu cuối cùng, các mối đe dọa đối với môi trường đó là: sự xâm nhập của các loài ngoại lai và các mối đe cộng hưởng của các mối đe dọa kể trên.
ĐÁNH GIÁ CUỐI CHỦ ĐỀ: Hoàn thành
1. Tìm hiểu, phân tích, đánh giá được thực trạng môi trường tự nhiên ở địa phương.
2. Chỉ ra các tác động của con người đến môi trường tự nhiên.
3. Đánh giá được các hành vi, việc làm của tổ chức, cá nhân đối với việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.
4. Thuyết trình về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường tự nhiên.
5. Đề xuất các giải pháp và nêu các việc làm cụ thể để bảo vệ môi trường tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên.
6. Xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền mọi người chung tay bảo vệ môi trường tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên.
7. Thực hiện các giải pháp, việc làm cụ thể, phù hợp với khả năng, điều kiện của bản thân để bảo vệ môi trường tự nhiên ở địa phương.
---------------------------------
VnDoc vừa gửi tới bạn đọc bài viết Giải Hoạt động trải nghiệm 10 Hoạt động 5 chủ đề 6: Hành động vì môi trường CD. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn GDQP 10 Cánh diều. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tài liệu học tập các môn Toán 10 Cánh diều, Ngữ văn 10 Cánh diều...