Hindu giáo còn gọi là gì?
Hindu giáo còn gọi là gì? được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy. Nội dung tài liệu sẽ giúp các bạn học sinh học tốt môn Lịch sử lớp 10 hiệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.
Hindu giáo còn gọi là gì?
Trắc nghiệm: Hindu giáo còn gọi là gì?
- Ixlam giáo
- Phật giáo
- Ấn Độ giáo
- Cơ đốc giáo
Trả lời:
Đáp án đúng: C. Ấn Độ giáo
Hindu giáo còn gọi là: Ấn Độ giáo
1. Ấn độ giáo là gì?
Ấn Độ giáo hay Hindu giáo là một tôn giáo, hệ thống tín ngưỡng và đạo pháp, hay cách sống, được thực hành rộng rãi ở tiểu lục địa Ấn Độ và một phần của Đông Nam Á. Ấn Độ giáo được coi là tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, và một số học viên và học giả gọi nó là Pháp Sanātana, "truyền thống vĩnh cửu", hay "con đường vĩnh cửu", vượt ra ngoài lịch sử loài người. Các học giả coi Ấn Độ giáo là hợp nhất hoặc tổng hợp của các nền văn hóa Ấn Độ khác nhau, với nguồn gốc đa dạng. Quá trình "Tổng hợp Ấn Độ giáo" này bắt đầu phát triển từ 500 TCN đến 300 sau CN, sau khi kết thúc thời kỳ Vệ Đà (1500 đến 500 TCN), và phát triển mạnh trong thời Trung cổ, với sự suy tàn của Phật giáo ở Ấn Độ.
Ấn Độ giáo xem con người như thần thánh. Bởi vì Brahma là tất cả mọi vật, Ấn Độ giáo khẳng định rằng tất cả mọi người là thần thánh. Linh hồn của con người (Atman), hay bản chất của nó, là một với Brahman. Mọi thực tại bên ngoài của Brahman được xem chỉ là ảo tưởng. Mục đích thiêng liêng của một người Hindu là trở thành một Brahma, do đó việc không còn sống nữa để tồn tại ở dạng huyền ảo của "tự thân riêng lẻ". Sự tự do này được gọi là “moksha” ("sự giải thoát"). Cho đến khi “moksha” được thực hiện, người Hindu tin rằng anh ấy / cô ấy sẽ được liên tục đầu thai để cho anh ấy / cô ấy có thể hoạt động theo hướng tự thực hành chân lý (sự thật là chỉ có Brahman tồn tại, không có gì khác). Làm thế nào một người được tái sinh được xác định bởi nghiệp báo, mà nó là một nguyên lý nhân quả (principle cause and effect) bị chi phối (governed) bởi sự cân bằng của tự nhiên. Những gì người ta đã làm trong quá khứ ảnh hưởng và tương ứng với những gì sẽ xảy ra trong tương lai, bao gồm cuộc đời quá khứ và tương lai.
2. Những chi phái Ấn Độ giáo quan trọng nhất
2.1. Ấn giáo thời Văn minh lưu vực sông Ấn Độ
Tôn giáo thời Văn minh lưu vực sông Ấn Độ (hưng thịnh khoảng 2300 - 1750 TCN) chỉ có thể được dựng lại một cách khiếm khuyết từ các công trình khảo cổ. Nhìn chung thì các cách diễn giảng những di tích này đều nhất trí ở điểm là những thành phần của nền văn hóa Indus vẫn tiếp tục tồn tại và có phần được hấp thụ bởi những tôn giáo cổ điển khác của Ấn Độ. Các hình tượng trên những con ấn bằng đá steatite (talc) ở những nơi như Mohenjodaro, Harappa và những khu định cư khác cho thấy những vị thần cây, được các nhà nghiên cứu xem là tiền thân của các loài La - sát và La -sát nữ sau này. Một hình Thần thể trong tư thế ngồi của một hành giả Du - già cho thấy là có thể nguồn gốc của Du - già bắt đầu từ thời văn minh Indus. Người ta cũng tìm thấy một Thần thể ngồi giữa đám thú, được xem là Thú chủ, "Chúa tể loài cầm thú" và - có thể là sai - tiền thân của thần Thấp - bà. Hình tượng được xem là dương vật dựng đứng của Thấp-bà có lẽ chỉ là một sợi thắt lưng lỏng và vì những thần thể này mang trang vật trên cánh tay nên các nhà khảo cổ chưa xác định được đây là hình tượng nam hay nữ. Tắm rửa theo nghi lễ giữ một vai trò quan trọng vì có nhiều dấu tích của những nhà tắm trang trọng được xây rất công phu (có thể được hấp thụ bởi các nhánh tôn giáo Ấn Độ sau này dưới dạng cái ao ở đền thờ). Tuy nhiên, người ta không tìm thấy dấu tích của một ngôi đền thờ nào. Việc diễn giảng những vòng đá như dương vật Thấp - bà và âm hộ (nền của các vòng đá) và các tượng phụ nữ bằng đất nung như các vị Thiên mẫu vẫn là những phỏng đoán.
2.2. Ấn giáo Phệ Đà
- Nguồn gốc và thánh điển
Với tư cách là tôn giáo cổ nhất Ấn Độ với thánh điển còn lưu lại, Ấn giáo Phệ-đà giữ một vai trò đặc biệt trong việc nghiên cứu tôn giáo sử của Ấn Độ. Tôn giáo này có nhiều điểm rất giống tôn giáo Cổ Iran và qua tên của các vị thần, người ta có thể thấy được mối quan hệ với tôn giáo La Mã, Hy Lạp và Điều Đốn (người Đức thời xưa). Trong một văn bản hợp đồng của Mitanni (một đế quốc Ấn-Ba Tư miền bắc khu vực Lưỡng Hà), người ta tìm thấy tên của các vị thần Phệ-đà như Mật-đa-la, Phạt-lâu-na, Nhân-đà-la và các Mã Đồng.
Tín đồ Phệ-đà giáo là những bộ tộc bán du mục, du nhập Ấn Độ từ miền Tây và Tây bắc trong khoảng thời gian 1700 - 1200 trước CN qua nhiều đợt. Họ tự gọi là Nhã-lợi-an. Tôn giáo của họ thuộc hệ đa thần với cơ sở nghi lễ tôn giáo là việc cúng tế thần linh. Người thực hiện cầu đảo thần linh bằng một bài tán tụng. Đàn tế lễ được lập một cách nghiêm trang với ba loại lửa, việc tế lễ được thực hiện bởi nhiều tế sư khác nhau cùng với các bài kệ tụng, câu tế đảo, và các chân ngôn. Vật tế lễ là Tô-ma, thú vật, bơ lỏng, ngũ cốc và thực phẩm đã được nấu chín. Tổ tiên cũng được cúng tế. Bốn bộ Phệ-đà (Tứ Phệ-đà) là những tác phẩm tôn giáo và thi ca sớm nhất của gia đình hệ ngôn ngữ Ấn-Âu. Trong bốn bộ này, Lê-câu-phệ-đà giữ một vai trò đặc biệt, bao gồm mười mạn-đà-la với 1028 bài tán tụng (vì vậy cũng được dịch nghĩa là Tán tụng minh luận). Lê-câu-phệ-đà được xem là nguồn văn bản cổ nhất ghi lại các khái niệm thượng đế và thần thoại của những người Nhã-lợi-an Phệ-đà. Công trình biên tập Lê-câu-phệ-đà có lẽ được kết thúc vào khoảng 1000 TCN.
Bốn bộ Phệ-đà cùng với các bộ Phạm thư (có nội dung chỉ rõ nghi thức tụng niệm, làm lễ), Sâm lâm thư (có nội dung phỏng đoán về những vấn đề siêu hình), cũng như Áo nghĩa thư được xem là những văn bản Thiên khải, tức là được "Trời khai mở cho thấy". Chúng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các nhánh tôn giáo sau này tại Ấn Độ. Người Ấn Độ thời Phệ-đà cầu mong các thần thánh ban cho nhiều con, sức khỏe, phồn vinh, thắng kẻ thù, một cuộc sống trăm năm cũng như sự thứ lỗi cho những lần vi phạm quy luật vũ trụ hoặc "Chân lí", và sau khi chết được lên thiên đường, trú xứ của Đế Thích và chư thiên khác. Trách nhiệm của những người sùng tín là: 1. Nghiên cứu kinh điển, giữ đúng lễ nghi tế tự, 2. Tế tự chư thiên và tổ tiên và 3. Nuôi dưỡng con trai để có thể giữ truyền thống cúng tế lâu dài.
2.3. "Bà-la-môn giáo" và những bước phát triển mới
Sự phát triển của tôn giáo Phệ-đà theo hướng nhấn mạnh sự thanh tịnh trong khi thực hiện tế lễ thần thánh đã mang lại một sự chuyên hoá trong giới Bà-la-môn trong thời đoạn 1000-500 TCN. Nó cũng đồng thời loại những người ở cấp dưới, phần lớn là không thuộc nhóm Nhã-lợi-an, thuộc cấp nô lệ, ra khỏi việc thực hành tế lễ cũng như nghiên cứu Phệ-đà.
Trong tay của các Bà-la-môn, bộ môn tế lễ đã trở thành một khoa học xử lí mối tương quan giữa năng lực hữu hiệu trong quá trình tế lễ và quy luật vũ trụ. Những mối tương quan giữa đại vũ trụ và vi quan vũ trụ, giữa chân ngôn với năng lực đi kèm và đối tượng được chân ngôn chỉ đến cũng như giữa hành vi tế lễ và sự việc xảy ra trong tương lai, tất cả đã dẫn đến một quan niệm bao gồm thế gian và sự tế lễ mà trong đó, người ta không cần thần thánh nữa. Thời đoạn này của Phệ-đà giáo cũng được gọi là Bà-la-môn giáo. Trong thời gian này, người ta tìm thấy những gì ban đầu chỉ được nhắc đến sơ qua trong Phạm thư, và không lâu sau đó được các Áo nghĩa thư trình bày rõ ràng: Khái niệm tái sinh và quy luật nhân quả (nghiệp). Giáo lí mới này cho rằng, những hành động tốt cũng như xấu trong đời này sẽ mang kết quả trong đời sau và như thế, nó cũng khiến người ta rút lui dần từ mục đích nguyên thuỷ của Phệ-đà giáo: Một cuộc sống trên thiên đường giờ đây không còn là sự việc cứu cánh vì nơi đó vẫn chịu quy luật tái sinh tái tử cũng như nghiệp quả. Như vậy thì chỗ giải thoát không thể có được nơi chư thiên và cũng không thể đạt được qua việc cúng tế. Giải thoát chỉ có thể được thực hiện qua trí huệ và mục đích của nhận thức này là trạng thái bất tử (sa. amṛtatva), cơ sở của tất cả những hiện hữu: brahman, hoàn toàn tương đồng với ātman, cái tiểu ngã. Với khái niệm này, tôn giáo Phệ-đà đã vượt qua cái bóng của chính nó.
Ý nghĩa của sự cúng tế được ghi vấn lại và con đường được mở rộng cho những phong trào tôn giáo cải cách mới như Phật giáo, Kì-na giáo, cũng như những nhánh vô thần khác (ví như Số luận phái, xem thêm Triết học Ấn giáo), hệ Bất nhị nhất nguyên và những tôn giáo thờ Nhất thần. Một vài phong trào nêu trên phản đối độc quyền thực hiện nghi lễ của Bà-la-môn và phản đối chế độ chủng tính nói chung.
Tôn giáo Phệ-đà mất vị trí hàng đầu ở Bắc Ấn trong những thế kỉ cuối trước CN, tại Nam Ấn thế kỉ thứ nhất. Nó vẫn tồn tại, nhưng chỉ trong một phạm vi hạn chế và gây ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực triết học dưới dạng Di-mạn-sai. Sau sự phát hiện Phệ-đà của các nhà nghiên cứu châu Âu và được kích động bởi tâm tư hào hứng truy nguyên của họ, người Ấn Độ cũng đã quay về với giáo lí Phệ-đà với những dấu hiệu rõ rệt trong trào lưu Tân Ấn Độ giáo cải cách sau này.
2.4. Ấn giáo Tì-thấp-nô
Tì-thấp-nô giáo (viṣṇuism, vaiṣṇavism) là một tôn giáo nhất thần với cơ sở xuất phát từ sự đồng hoá vị thần Tì-thấp-nô (sa. viṣṇu) trong tôn giáo Phệ-đà và vị thần siêu việt Na-la-diên-na (zh. 那羅延那, sa. nārāyaṇa), cũng như từ sự hòa nhập của một số lễ nghi phổ biến, đặc biệt là việc tôn xưng Hắc Thần (sa. kṛṣṇa) ở Bắc Ấn Độ giữa thế kỉ thứ 6 và thứ 2 TCN. Tì-thấp-nô Na-la-diên-na (sa. viṣṇu-nārāyaṇa) được tôn xưng là Bạc-già-phạm (sa. 薄伽梵, sa. bhagavat) - nghĩa là Thế Tôn - và các tín đồ được gọi là Bạc-già-phạm đồ (sa. bhāgavata). Nên lưu ý là cách gọi Tì-thấp-nô giáo hoặc Tín đồ Tì-thấp-nô (sa. vaiṣṇava) chỉ mới xuất hiện ở thế kỉ thứ 5. Trong hình tượng Hắc Thần, người ta thấy được sự hoà hợp của nhiều trào lưu tế lễ thành một đơn vị.
2.5. Ấn giáo Thấp-bà
Thấp-bà giáo (śivaism) là một tôn giáo phần lớn theo thể hệ nhất thần, nhưng một vài nhánh thiên về mối quan hệ nhị nguyên Thấp-bà (śiva)-Tính lực (śakti) hoặc thừa nhận tính đa nguyên với nhiều linh hồn vĩnh cửu. Tôn giáo này cũng xuất phát từ mối quan hệ với một vị thần đã được nhắc đến trong thánh điển Phệ-đà là Lỗ-đặc-la (zh. 嚕特羅, sa. rudra). Lỗ-đặc-la được miêu tả là hung bạo, nguy hiểm. Ông cai quản lĩnh vực bệnh tật và chữa trị; mũi tên của ông là những điều âu lo của các vị thần khác và những cơn bão tố, hiện thân của thần gió (Phong thần 風神, marut, rudra), được xem là những hiện tượng tuỳ tòng ông. Thấp-bà (śiva), dịch ý là "cát tường", "thiện", là một uyển ngữ được dùng để hoãn hòa vị thần hung tợn này. Ông được gọi là Tự tại chủ (zh. 自在主, sa. īśvara), Đại tự tại chủ (zh. 大自在主, sa. maheśvara).
----------------------------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các bạn nội dung bài Hindu giáo còn gọi là gì? Để có kết quả học tập tốt và hiệu quả hơn, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Lịch sử 10 Cánh Diều, Giải bài tập Lịch Sử 10, Lịch sử 10 Kết nối tri thức, Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo, Trắc nghiệm Lịch sử 10. Tài liệu học tập lớp 10 mà VnDoc tổng hợp biên soạn và đăng tải.