Lịch sử 7 Bài 16: Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427)
Soạn Sử 7 Bài 16: Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427) sách Kết nối tri thức bao gồm đáp án và hướng dẫn giải chi tiết cho các câu hỏi trong SGK Lịch sử 7 trang 78, 79, 80, 81, 82 giúp các em nắm vững kiến thức được học trong bài, từ đó vận dụng làm các bài tập liên quan hiệu quả.
Soạn Sử 7 bài 16 KNTT
- 1. Một số sự kiện tiêu biểu của khởi nghĩa Lam Sơn
- Câu hỏi 1 mục 1.a trang 78 SGK Lịch sử và Địa lí 7
- Câu hỏi 2 mục 1.a trang 78 SGK Lịch sử và Địa lí 7
- Câu hỏi 1 mục 1.b trang 79 SGK Lịch sử và Địa lí 7
- Câu hỏi 2 mục 1.b trang 79 SGK Lịch sử và Địa lí 7
- Câu hỏi mục 1.c trang 80 SGK Lịch sử và Địa lí 7
- Câu hỏi 1 mục 1.d trang 80 SGK Lịch sử và Địa lí 7
- Câu hỏi 2 mục 1.d trang 80 SGK Lịch sử và Địa lí 7
- 2. Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử
- Luyện tập & Vận dụng
1. Một số sự kiện tiêu biểu của khởi nghĩa Lam Sơn
Câu hỏi 1 mục 1.a trang 78 SGK Lịch sử và Địa lí 7
Nêu những hiểu biết của em về chủ tướng Lê Lợi
Hướng dẫn giải:
- Hiểu biết của em về chủ tướng Lê Lợi:
+ Lê Lợi sinh năm 1385 tại Lam Sơn, nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, trong một gia đình "đời đời làm quân trưởng một phương".
+ Khi quân Minh xâm chiếm đất nước Đại Việt, ông nuôi chí lớn đánh đuổi quân xâm lược, giành lại nền độc lập, tự chủ cho dân tộc.
+ Năm 1418, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, truyền hịch kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước.
+ Sau thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi lên ngôi vua, lập ra nhà Lê.
Câu hỏi 2 mục 1.a trang 78 SGK Lịch sử và Địa lí 7
Khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ như thế nào?
Hướng dẫn giải:
Khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ trong hoàn cảnh:
- Nhà Minh thực hiện chính sách bóc lột, dùng người Việt trị người Việt , bóc lột và đàn áp nhân dân tàn bạo, đặt ra nhiều thứ thuế nặng nề, bắt dân ta theo phong tục người Minh
- Nhiều cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần nổ ra song đều thất bại
Câu hỏi 1 mục 1.b trang 79 SGK Lịch sử và Địa lí 7
Trình bày những khó khăn của nghĩa quân Lam Sơn trong những năm đầu của cuộc khởi nghĩa
Hướng dẫn giải:
Những khó khăn của nghĩa quân Lam Sơn trong những năm đầu của cuộc khởi nghĩa:
- Những ngày đầu, nghĩa quân nhiều lần bị bao vây. Ba lần phải rút quân lên núi Chí Linh.
- Giữa năm 1418, quân Minh vây ráp, tình thế nguy khốn, Lê Lai đã giả trang thành lê Lợi để nhử địch, cứu chủ.
- Nghĩa quân phải tạm hòa với quân Minh.
Câu hỏi 2 mục 1.b trang 79 SGK Lịch sử và Địa lí 7
Em có nhận xét gì về đề nghị tạm hòa với quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn
Hướng dẫn giải:
Do so sánh tương quan lực lượng giữa hai bên, mùa hè năm 1423 Lê Lợi đã đề nghị tạm hòa với quân Minh để bảo toàn lực lượng.
Việc đề nghị tạm hòa với quân Minh cho thấy sự sáng suốt, "biết mình biết địch", tạm hòa để chờ cơ hội phản công.
Câu hỏi mục 1.c trang 80 SGK Lịch sử và Địa lí 7
Khai thác tư liệu 2, hãy cho biết vì sao Nguyễn Chích đề xuất kế hoạch đánh chiếm Nghệ An. Kế hoạch đó đem lại những kết quả như thế nào.
Hướng dẫn giải:
Nguyễn Chích đề xuất kế hoạch chuyển địa bàn hoạt động chính của nghĩa quân vào Nghệ An:
- Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng, người đông…
- Dùng Nghệ An làm đất dừng chân, dựa vào sức người, của cải ấy để đánh Đông Đô.
Kế hoạch đánh chiếm Nghệ An đã giành thắng lợi lớn, giải phóng một vùng rộng lớn từ Thanh Hóa vào đến đèo Hải Vân.
Câu hỏi 1 mục 1.d trang 80 SGK Lịch sử và Địa lí 7
Trình bày những sự kiện tiêu biểu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giai đoạn 1426 – 1427.
Hướng dẫn giải:
- Tháng 9 – 1426, Lê Lợi và bộ chỉ huy quyết định tiến quân ra Bắc. Quân Minh phải rút vào thành Đông Quan cố thủ.
- Tháng 11 – 1426, quân ta mai phục và chặn đánh địch ở Tốt Động – Chúc Động, đánh tan đạo quân chi viện của Vương Thông và sau đó siết chặt vây hãm thành Đông Quan.
- Tháng 10 – 1427, nghĩa quân tiêu diệt quân chi viện của Liễu Thăng và Mộc Thạnh tại ải Chi Lăng, sau đó liên tiếp giành được thắng lợi ở Cần Trạm, Phố Cát và Xương Giang.
- Nghĩa quân tăng cường siết chặt vòng vây các thành còn lại (Đông Quan, Tây Đô,…) vừa khéo léo dụ hàng Vương Thông và các tướng lĩnh quân Minh.
- Ngày 10 – 12 – 1427, bên bờ sông Hồng, Lê Lợi và Vương Thông dẫn đầu hai phái đoàn tham gia Hội thề Đông Quan, chấm dứt chiến tranh.
Câu hỏi 2 mục 1.d trang 80 SGK Lịch sử và Địa lí 7
Việc dụ hàng quân Minh và tổ chức Hội thề Đông Quan thể hiện điều gì trong kế sách đánh giặc của Lê Lợi và Nguyễn Trãi.
Hướng dẫn giải:
Sau chiến thắng Tốt Động- Chúc Động và Chi Lăng- Xương Giang, nghĩa quân tăng cường xiết chặt vòng vây và khéo léo dụ hàng Vương Thông và các tướng lĩnh quân Minh.
Việc đấu tranh quân sự kết hợp ngoại giao khiến vừa bảo toàn được lực lượng, tránh đổ máu không cần thiết và giữ lại mối bang giao sau này với nhà Minh.
2. Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử
Câu hỏi 1 trang 82 SGK Lịch sử và Địa lí 7
Giải thích nguyên nhân thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Hướng dẫn giải:
Nguyên nhân thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:
- Nhân dân ta luôn có truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí và quyết tâm giành lại độc lập dân tộc.
- Toàn dân đồng lòng đoàn kết chiến đấu, đóng góp của cải, lương thực, vũ khí, chịu nhiều gian khổ hi sinh.
- Do đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của bộ chỉ huy nghĩa quân như: Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chích, Nguyễn Xí…
Câu hỏi 2 trang 82 SGK Lịch sử và Địa lí 7
Hãy trình bày ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Hướng dẫn giải:
Ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:
- Khởi nghĩa Lam Sơn là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc có tính chất nhân dân rộng rãi.
- Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi đã chấm dứt hơn 20 năm đô hộ của nhà Minh.
- Khôi phục nền độc lập, mở ra thời kì phát triển mới của dân tộc.
Luyện tập & Vận dụng
Luyện tập 1 trang 82 SGK Lịch sử và Địa lí 7
Hãy lập bảng hệ thống những sự kiện tiêu biểu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (thời gian, sự kiện tiêu biểu, kết quả, ý nghĩa)
Hướng dẫn giải:
Thời gian | Sự kiện tiêu biểu |
Năm 1416 | Lê Lợi cùng 18 hào kiệt đã tổ chức Hội thề ở Lũng Nhai (Thanh Hóa), quyết tâm đánh đuổi giặc Minh. |
Năm 1418 | Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, truyền hịch kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước |
1418 - 1421 | - Nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần bị tấn công, bao vây phải 3 lần rút lên núi Chí Linh (Thanh Hóa) cố thủ, sau đó quân Lam Sơn buộc phải tạm giảng hòa với quân Minh. |
1424 | Nghĩa quân Lam Sơn giải phóng Nghệ An, sau đó giải phong được một vùng rộng lớn từ Thanh Hóa đến đèo Hải Vân. |
Tháng 9/1426 | Lê Lợi và bộ chỉ huy quyết định tiến quân ra Bắc. |
Tháng 11/1426 | Quân Lam Sơn giành thắng lợi trong trận Chúc Động – Tốt Động (Chương Mĩ – Hà Nội), khiến quân Minh thất bại nặng nề. |
Tháng 10/1427 | Quân Lam Sơn giành thắng lợi quyết định trong trận Chi Lăng – Xương Giang |
Tháng 12/1427 | Đại diện nghĩa quân Lam Sơn và quân Minh tổ chức Hội thề Đông Quan, chấm dứt chiến tranh. |
Tháng 1/1428 | Toán quân Minh cuối cùng rút khỏi nước ta |
b/ Kết quả - ý nghĩa:
- Kết quả: kháng chiến thắng lợi
- Ý nghĩa:
+ Kết thúc 20 năm đô hộ tàn bạo của phong kiến nhà Minh, khôi phục nền độc lập, chủ quyền của dân tộc.
+ Mở ra thời kì phát triển mới của xã hội, đất nước, dân tộc Việt Nam.
Luyện tập 2 trang 82 SGK Lịch sử và Địa lí 7
Hãy đánh giá vai trò của các vị anh hùng dân tộc như: Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chích,… đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Hướng dẫn giải:
- Vai trò của Nguyễn Trãi:
+ Soạn “Bình Ngô sách”; trong đó, bao gồm những phương lược cơ bản để đánh đuổi quân Minh.
+ Giúp Lê Lợi xây dựng và thực hiện một đường lối đấu tranh tổng hợp, toàn diện, trên các mặt: quân sự, tâm lí.
+ Đóng góp quan trọng trên lĩnh vực tư tưởng đặc biệt là tư tưởng “nhân nghĩa”.
- Vai trò của Lê Lợi:
+ Nung nấu một quyết tâm đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi.
+ Đầu năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Lê Lợi là linh hồn, là lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa ấy.
+ Lê Lợi ông là nhà chỉ đạo chiến lược kiệt xuất. Ông dựa vào nhân dân để tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc.
+ Vừa là nhà tổ chức và chỉ đạo chiến lược về chính trị, quân sự, vừa là vị tướng cầm quân mưu trí, quả quyết.
Vận dụng trang 82 Lịch sử và Địa lí 7
Từ khởi nghĩa Lam Sơn, chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay?
Hướng dẫn giải:
- Bài học kinh nghiệm từ khởi nghĩa Lam Sơn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay:
+ Phát huy tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước của toàn dân.
+ Trọng dụng nhân tài.
+ Đề cao lòng nhân đạo, thiện chí hòa bình.
......................
Trên đây VnDoc đã gửi tới các bạn lời giải Lịch Sử 7 Bài 16: Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427). Để xem lời giải những bài tiếp theo, mời các em vào chuyên mục Giải Sử 7 KNTT trên VnDoc nhé. Chuyên mục tổng hợp lời giải SGK Lịch sử 7 theo từng bài học, giúp các em nắm vững kiến thức được học hiệu quả.
Ngoài Giải Sử 7, các bạn có thể tham khảo thêm tài liệu sách Kết nối tri thức khác như: Toán lớp 7, Ngữ văn 7... và các Đề thi học kì 1 lớp 7, Đề thi học kì 2 lớp 7... được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.