Nghị luận bàn về triết lí nhân sinh được gửi gắm trong bài thơ Quán hàng phù thủy

Nghị luận bàn về triết lí nhân sinh được gửi gắm trong bài thơ Quán hàng phù thủy là tài liệu hay giúp các bạn hoàn thiện bài tập làm văn số 3 lớp 12, cũng như có thêm tài liệu ôn thi cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.

Lưu ý: Nếu không tìm thấy nút Tải về bài viết này, bạn vui lòng kéo xuống cuối bài viết để tải về.

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12 của VnDoc.com để có thêm tài liệu học tập nhé.

Đề bài: Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về triết lí nhân sinh được gửi gắm trong tác phẩm Quán hàng phù thủy (K. Badjadjo Pradip).

1. Dàn ý Triết lí nhân sinh gửi gắm trong bài thơ Quán hàng phù thủy

a. Mở đoạn:

- Xác định vấn đề cần nghị luận: Triết lí nhân sinh được gửi gắm trong Quán hàng phù thủy.

b. Thân đoạn:

* Triển khai vấn đề nghị luận

- Tình yêu, hạnh phúc, bình yên, tình bạn là “quả chín” mà quán hàng phù thủy quyền năng từng tuyên bố “ai mua gì cũng có" lại không bán, và còn khẳng định rằng “phải trồng”. Từ một câu chuyện tưởng như vô lí trong Quán hàng phù thủy tác giả đã nêu một bài học thật sâu sắc về cuộc đời và con người: trên đời có những thứ không tiền bạc nào, sức mạnh nào, quyền lực nào có thể mua nổi, phải tự tay tìm kiếm, vun đắp mới có được. Cây non có thể kết quả chỉ là do sự vun trồng chăm sóc của chính mình.

- Triết lí nhân sinh được gửi gắm trong văn bản chính là: Tình yêu, hạnh phúc, bình yên, tình bạn ..., và muôn vàn mơ ước khác đều do chính con người làm ra. Muốn có những giá trị tinh thần to lớn ấy phải có thời gian, công sức, phải xuất phát từ tình cảm chân thành, không vụ lợi, toan tính.

- Quá trình tìm kiếm tạo dựng tình yêu, hạnh phúc, bình yên, tình bạn là một quá trình lâu dài, không có sẵn cho nên không được nản lòng, phải có ý chí, nghị lực. Hạnh phúc không phải ở ngày gặt hái mà nằm ngay trong quá trình vun đắp, gìn giữ, vượt qua những khó khăn, gian nan, thử thách.

* Bài học:

– Trong cuộc sống, con người luôn phải có khát vọng hướng tới những giá trị cao đẹp.

– Phải chính bàn tay ta xây đắp tạo dựng hạnh phúc, sự bình yên, không nên trông chờ vào một năng lực siêu nhiên, một phép màu nào đó.

– Hạnh phúc, sự bình yên của cá nhân phải được đặt trong mối quan hệ thống nhất với hạnh phúc, sự bình yên của tập thể.

c. Kết đoạn

- Nhận xét, đánh giá chung về tính đúng đắn của những vấn đề triết lí nhân sinh được đưa ra trong bài.

2. Bài văn mẫu Nghị luận về triết lí nhân sinh gửi gắm trong bài thơ Quán hàng phù thủy

2.1. Bài mẫu 1: Triết lí nhân sinh gửi gắm trong bài thơ Quán hàng phù thủy

Trong cuộc sống của chúng ta không phải tất cả mọi thứ đều sẵn có. Dòng nước nào cũng bắt nguồn từ khe, từ lạch, rồi nước từ lạch đổ về mới thành sông, sông nhỏ đổ vào sông lớn, sông lớn tiến ra biển cả mênh mông. Hành trình nào cũng đều bắt đầu từ góc sân, đầu ngõ, đường làng rồi mới tiến ra đường quốc lộ xa tít tắp. Chúng ta cũng không phải bỗng dưng mà lớn, ai cũng phải trải qua ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi. Cuộc sống không dễ dàng đem hạnh phúc, tình yêu đến cho bất cứ ai, bất cứ người nào, để có được chúng, người ta phải thường tự tay tìm kiếm. Phải chăng vì vậy mà nhà thơ Ấn Độ K.Bađjadro Pradip đã gửi gắm một triết lý thật sâu sắc về cuộc đời qua bài thơ Quán hàng phù thuỷ…

Bài thơ như một câu chuyện nhỏ. Đọc bài thơ, ta như được sống lại thế giới cổ tích thuở ấu thơ, với những nàng tiên, ông bụt, mụ phù thuỷ. Mặc dù không dành được tình cảm yêu mến của tâm hồn trẻ thơ như những cô tiên, ông bụt nhưng mụ phù thuỷ là một nhân vật cổ tích gây được nhiều ấn tượng với chúng ta. Vói vẻ ngoài kì dị, gớm ghiếc: chiếc áo choàng đen, chiếc mũ chóp và cây chổi bay, phù thuỷ xuất hiện thường sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho ai. Nhưng một điều khiến chúng ta tò mò thích thú nhất ở nhân vật này chính là nhũng phép thuật và quyền năng kì lạ. Phải chăng tác giả cố dụng ý khi xây dựng hình tượng một quán hàng phù thuỷ mà không phải là một quán hàng cô tiên hay quán hàng ông bụt ?

Rồi vị khách đầu tiên cũng đã đến. Chủ quán phù thuỷ sẽ niềm nở đón tiếp và trao cho vị khách đầu tiên của mình món hàng mà anh ta cần chăng? “Tôi muốn mua tình yêu – Mua hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn”, một vị khách thật khôn ngoan và lém lỉnh. Anh ta không mua châu báu, ngọc ngà, mà mua những thứ tốt đẹp nhất, cao quý nhất, thiêng liêng nhất và cũng hoàn mĩ nhất, những thứ mà bất kì một ai trong cuộc đời này đều mong muốn, những thứ tưởng chừng như vô hình, trừu tượng nhưng thực ra lại hiện hữu trong mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Một tình yêu chân thành, niềm hạnh phúc được thực hiện điều mình mong muốn, một cuộc sống thanh bình, yên ổn, một tình bạn đẹp đẽ, sáng trong… Những điều tốt đẹp ấy con người ai là không mong muốn? Không phải ngọc ngà, châu báu hay tiền bạc nhưng nó quý giá hơn tất cả mọi thứ trên đời.

Liệu với sự khôn ngoan của khách và những phép thuật kì diệu của chủ quán, cuộc mua bán sẽ thành công chăng? Nhưng bất ngờ đã đến với cả người mua lẫn bạn đọc. Với quyền lực và những phép thuật kì lạ của mình không phải phù thuỷ không thể đáp ứng những điều mà vị khách yêu cầu, nhưng phù thuỷ đã từ chối chính khách hàng đầu tiên bằng một câu trả lời đầy những ẩn ý:

“Hàng chúng tôi chỉ bán cây non

Còn quả chín anh phải trồng, không bán”

Một câu trả lời khiến cả người mua và người đọc phải suy nghĩ rất nhiều. Hoá ra muốn có quả chín không phải là một việc dễ dàng như người khách và chúng ta vẫn tưởng. Để có được quả chín, chúng ta phải trồng cây, phải chăm sóc để cây ra hoa, kết trái… Phải chăng quả chín đó không chỉ là quả chín của cây cối mà chính là quả chín của cuộc đời, quả chín của con người? Phải chăng đó chính là những thành công, những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà chúng ta có được từ những cây non – những nền tảng đầu tiên.

Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta hiểu được điều đó? Tôi chắc rằng không chỉ người đầu tiên mà sẽ là người khách thứ hai, thứ ba và rất nhiều người nữa rồi sẽ trở về trong những suy tư như vậy. Bởi vì mấy ai trong cuộc đời này hiểu được rằng: Có những thứ trong cuộc sống không thể nào đem ra để cân đong đo đếm và cũng sẽ không có một quyền lực nào, phép thuật nào, sức mạnh nào làm ra hay mua được, chỉ có thời gian, tấm lòng và công sức mới có thể làm nên. Có ai mua được tình yêu đích thực bằng tiền, bằng quyền lực? Có ai mua được hạnh phúc, tình bạn, sự bình yên? Để tạo ra những giá trị đích thực của cuộc sống thì mỗi chúng ta cần biết tự tay tìm kiếm, vun đắp và gây dựng.

Nhưng nếu phù thuỷ lại dễ dàng cho người khách của mình những điều anh ta mong muốn là tình yêu, hạnh phúc, sự bình yên và tình bạn thì liệu những thứ đó có thực sự bền vững thiêng liêng? Tôi dám chắc là không! Anh ta sẽ không thể có một tình yêu đích thực nếu không tự tìm kiếm, xây dựng; anh ta không thể có sự bình yên nếu không biết đấu tranh, không xây đắp giữ gìn, trân trọng nó…

Khi đọc bài thơ này, có ai trong các bạn tự hỏi: “Mình đã thật sự có tình yêu, hạnh phúc, sự bình yên và tình bạn hay chưa?”. Và với bạn, những điều đó có thực sự quan trọng hay không? Nếu ai trong các bạn đã thực sự tìm thấy tình yêu – một tình yêu đích thực, hạnh phúc – một hạnh phúc ngập tràn và tình bạn – một tình bạn chân thành thì bạn nên biết bạn là người may mắn và hãy biết quý trọng giữ gìn để những điều cao quý, tốt đẹp này mãi bền vững. Nhưng thực tế không phải ai trên đời này cũng có may mắn như thế. Nếu chưa thực sự tìm được những giá trị cao quý và tốt đẹp đó thì một lời khuyên cho bạn: Hãy thực sự hiểu những điều cao quý đó là gì trong cuộc sống của bạn để tạo dựng, vun trồng.

Bạn hãy tự hỏi: Tình yêu với bạn là gì? Với tôi, đó là tình yêu với gia đình thân thương hay đơn giản chỉ là niềm vui khi được hoà mình cùng thiên nhiên muôn loài… Bạn hãy tự hỏi: Hạnh phúc với bạn là gì? Với con gái C.Mác: “Hạnh phúc là đấu tranh”; với một bác sĩ, hạnh phúc là khi bệnh nhân ra khỏi phòng cấp cứu an toàn; với một kĩ sư là khi công trình của anh được hoàn thành… Khi đã hiểu, bạn hãy tìm kiếm, vun đắp, xây dựng để những giá trị tốt đẹp đó mãi mãi bền vững. Bởi vì mọi thứ trên đời này nhất là những thú quý giá đều thường phải do chính bản thân tạo ra. Cũng như cây non kia phải có bàn tay vun trồng, chăm bón cẩn thận thì mới có quả chín, quả ngọt có sức sống bền vững lâu dài. Như Lỗ Tấn đã viết: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Triết lí về cuộc đời được tác giả bài thơ đưa ra không chỉ dành riêng cho người khách mà đó là bài học cho mọi người, mọi thời đại.

Có một chân lí, mà bất cứ ai cũng phải nhớ:

Có làm thì mới có ăn

Không dưng ai dễ đem phần đến cho

Mặc dù vậy, cuộc sống này vẫn không thiếu những kẻ chỉ biết sống dựa dẫm, chờ ăn những quả chín của người khác trồng nên mà quên mất giá trị của bản thân, những kẻ đó quả là đáng khinh, đáng ghét.

Từ một câu chuyện tưởng chừng vô lí trong Quán hàng phù thuỷ, nhà thơ Ẩn Độ đã cho tôi và tất cả các bạn một bài học thật sâu sắc về cuộc đời và con người: trên đời có những thứ không tiền bạc nào, sức mạnh nào, quyền lực nào có thể mua nổi; chỉ có tự tay tìm kiếm, vun đắp thì những điều có được đó mới thật sự có giá trị.

Nếu ai trong các bạn đã từng quên đi điều giản dị nhưng đầy ý nghĩa ấy thì tôi mong rằng: Quán hàng phù thuỷ sẽ là một bài học để bạn có thể tìm cho mình những giá trị đích thực của cuộc sống.

2.2. Bài mẫu 2: Triết lí nhân sinh gửi gắm trong bài thơ Quán hàng phù thủy

Xã hội ngày càng phát triển, tiến bộ dần theo quan niệm về giá trị của đồng tiền cũng khác. Nhiều người cho rằng mọi thứ đều sẵn có và chúng ta chỉ cần có tiền là có thể mua được, đó là một ý kiến ý nghĩ vô cùng sai lầm, cái gì cũng phải có nguồn gốc của nó, đều phải trải qua quá trình rèn luyện mới có, đặc biệt là hạnh phúc, tình yêu, tình bạn, những thứ thuộc về tinh thần. Có rất nhiều mẩu chuyện, câu nói mang tính giáo dục giúp ta hiểu ra điều đó, tiêu biểu là tác phẩm “Quán hàng phù thủy” câu chuyện ngắn gọn nhưng đã cho chúng ta thấy rằng tình yêu, tình bạn, sự hạnh phúc không bao giờ mua được bằng tiền hay cầu xin bằng phép màu mà phải tự do con người chúng ta vun đắp, giữ gìn.

Thật vậy “Quán hàng phù thủy” là một bộ truyện được sáng tác bởi Kba Diro Padip người Ấn Độ. Truyện kể về một gian hàng của phù thủy, một nhân vật trong thế giới cổ tích của thiếu nhi. Bà phù thủy hiện lên với cây chổi thần, cùng những phép màu mới lạ siêu nhân và tất nhiên quán hàng của bà cũng thế, cũng mang phép màu thần kỳ. Nơi đây tuy nhỏ nhưng ai muốn mua gì cũng có, và vị khách đầu tiên cũng tới, anh ta muốn mua “tình yêu, hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn…” cứ ngỡ tất cả mọi thứ đều có thể đáp ứng bởi đã có phép thuật của phù thủy, nhưng bà đã nói với anh ta rằng.

“Hàng chúng tôi chỉ bán cây non,

Còn quả chín anh phải trồng.

Không bán”.

Trước hết ta hiểu “hạnh phúc” là giây phút con người ta cảm thấy thoải mái, vui sướng khi đạt được điều gì đó đúng với tâm nguyện của bản thân. Trong lòng ngập tràn hi vọng, “hạnh phúc” của một người bác sĩ là đặt chân ra khỏi phòng phẫu thuật sau thì hoàn toàn ca phẫu thuật thành công. “Hạnh phúc” của người giáo viên khi thấy những đứa trẻ ngoan của mình thành đạt, của cha mẹ khi con mình lớn khôn, làm người tốt trên đời… “Tình yêu, tình bạn” là thứ tình cảm thiêng liêng nhất, cao quý nhất của con người. “Tình yêu thương là hạnh phúc của con người”, chúng ta không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đang có. Nhưng lại thỏa mãn khi được sống trong hạnh phúc, bình yên. Cuộc sống con người ta luôn bao quanh tình yêu, hạnh phúc. Có nhạc sĩ đã viết rằng “hạnh phúc quanh ta là mỗi sớm mai mẹ dắt tay con đến trường, là giây phút đầu tiên mơ ước, là giây phút anh nắm tay em đi trên con đường dài…” . Còn “quả chín” là sản phẩm của cây non sau quá trình ươm mầm, chăm sóc từ bàn tay của con người, biết bao vất vả, mệt nhọc, mồ hôi, nước mắt mới thu được kết quả. Tóm lại bài thơ mang đến cho ta một ý nghĩa triết lí nhân sinh vô cùng lớn. Đó là ai cũng muốn cuộc sống của mình có tình yêu, tình bạn, sự bình yên, hạnh phúc nhiều người cứ ngỡ rằng những giá trị ấy rất dễ kiếm có thể mua được bằng tiền. Tôi muốn mua hoặc có thể cầu xin được từ phép màu nhưng hoàn toàn không phải vậy, tất cả điều đó phải do mỗi người tự tay làm nên, không mua được, không cầu xin được, không phép màu nào giải quyết được.

Tình yêu, tình bạn, hạnh phúc, niềm vui và muôn vàn giá trị khác để cuộc sống trở nên đẹp đẽ, có ý nghĩa luôn là khát vọng, là ước mơ to lớn của con người. Đó là “quả” mà chúng ta hái từ “cây non” mà ta đã ra sức vun trồng, xây đắp, nuôi dưỡng. “Quán hàng phù thủy” có thể là bán rất nhiều thứ, nhưng giá trị tinh thần không có quyền lực nào tạo ra, không có tiền bạc nào mua được. Cuộc sống muôn hình, muôn vẻ, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh… nhìn xung quanh chúng ta những nhà giàu có, sung túc, có điều kiện người ngoài nhìn vào cứ ngỡ họ rất hạnh phúc, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Ít ai thấu hiểu được sự tình bên trong đó, vật chất đầy đủ những tinh thần thì chưa chắc đã vậy. Muốn đạt tới hạnh phúc không phải là quá khó, vấn đề ở chỗ bản thân có nỗ lực, cố gắng hi sinh để đánh đổi hay không mà thôi. Chỉ chính bản thân vun đắp nên mới thực sự bền vững, mới trọn vẹn. Trong cuộc sống có rất nhiều mẩu chuyện là minh chứng cho triết lý đó, chẳng hạn câu chuyện về kể về người đàn ông tên Trần Khắc Ân, quê ở An Giang. Anh làm nghề đánh giày, sống quanh phố Thái Vân Lung, Lê Thánh Tôn, phố sách thành phố Hồ Chí Minh hơn 9 năm nay. Anh không thể trò truyện như người bình thường được, vì bị câm, tay chân dị tật bẩm sinh, ngày ngày anh lang thang không nhà cửa, sáng đi đánh giày, trưa lại kiếm đại cái hiên nhà nào để ngủ, đến chiều đi đánh giày tiếp, tối lại quay về ngủ nghỉ bên đường Thái Văn Lung. Và trong suốt hành trình đơn độc ấy, người bầu bạn với anh không ai khác là chú chó nhỏ bị mù. Hai số phận khốn khó nương tựa vào nhau, người đánh giày bị câm và chú chó nhỏ không nhìn thấy ánh sáng. Một câu chuyện tưởng như chỉ tồn tại trong cổ tích, nhưng giờ đây nó đang có thật giữa lòng Sài Gòn.

Như thế chẳng phải trong cái nghèo khó, khốn khó mà con người ta vẫn cố gắng lưu giữ, trân trọng hạnh phúc riêng của mình hay sao? đâu phải cứ có tiền mới có hạnh phúc. Tất cả mọi người trên thế giới đều có quyền hưởng hạnh phúc, tình yêu thương, nhưng không phải tự dưng mà có, không ai đem đến mà do chính chúng ta phải ý thức được việc làm của mình. Bởi chính hành động mà ta làm quyết định đến ta có được vui vẻ, hạnh phúc hay không. Thêm một ví dụ điển hình nữa, câu chuyện mang tựa đề “Hoa hồng tặng mẹ”. Anh từng đứng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh làm khoảng 300 km, khi bước ra khỏi xe anh thấy một bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè, anh đến và hỏi sao nó lại khóc? “Cháu muốn mua một bó hoa hồng để tặng mẹ cháu”, nó nức nở, nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá 1 bó hoa hồng đến 2 Đôla. Anh mỉm cười và nói với nó “đến đây chú sẽ mua cho cháu”. Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không? Nó vui mừng nhìn anh và trả lời “Dạ chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu”, rồi nó chỉ đường cho anh đến một nghĩa trang nơi có phần mộ vừa mới đắp, nó chỉ lên ngôi mộ và nói: “Đây là nhà của mẹ cháu”, nói xong nó ân cần đặt nhanh hoa hồng lên mộ. Tức thì anh quay lại tiệm bán hoa, hủy bỏ dịch vụ gửi hoa và mua một bó hồng thật đẹp suốt đêm đó anh đi một mạch 300km về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa. Một câu chuyện ngắn nhưng dạy ta biết tạo ra hạnh phúc giữa người với người như thế nào? Hạnh phúc bắt nguồn từ đâu và được xây dựng ra sao? Không phải quá phô trương cầu kỳ, mà đôi khi cũng chỉ là những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống đã mang đến hi vọng, niềm vui cho ta.

“Quán hàng phù thủy” nêu lên một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Nếu bạn là người biết cách ươm mầm hạnh phúc, tình yêu, tình bạn, nuôi dưỡng mầm non đó lớn lên bạn sẽ được hưởng thành quả, được đáp lại tình cảm, công sức mình bỏ ra. Cuộc sống của bạn sẽ ngập tràn niềm vui, tiếng cười, cuộc đời trở nên tươi đẹp có ý nghĩa, mọi người biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau chung sống. Ngược lại nếu bạn là kẻ chỉ muốn hạnh phúc tự đến với mình mà không học cách hi sinh, nuôi dưỡng nó, cho rằng nó đến được từ phép màu, hay mua được bằng tiền thì bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc trọn vẹn, dẫn tới những cuộc chia ly đầy đau xót, cuộc sống trở nên nhàm chán, vô ý nghĩa, chìm đắm trong đau khổ, không lối thoát, bạn sẽ là một người cô độc, thiếu vắng tình yêu thương.

Để đạt được khao khát về tình yêu, tình bạn là niềm hạnh phúc, mỗi con người chúng ta từ khi sinh ra phải biết cách tạo niềm vui cho cuộc sống của mình. Hãy tự thưởng cho mình một cuộc đời hạnh phúc trên chính bàn tay của mình, chứ không đưa dựa dẫm vào ai khác. Nhận hạnh phúc, tình yêu thôi chưa đủ mà phải đáp lại tình cảm ấy, cùng nhau xây dựng một mái ấm hạnh phúc. Đừng bao giờ đợi ai đó đem đến cho mình bởi:

“Có làm thì mới có ăn,

Không dưng ai dễ mang phần đến cho”.

Như vậy, câu chuyện “Quán hàng phù thủy” đã rút ra cho ta một bài học nhân sinh, triết lý đó là trải qua tất cả tình yêu và hạnh phúc luôn là thứ do chính con người ta tạo nên. Bởi vậy phải biết nâng niu, trân trọng nó. Qua đây ta càng thêm yêu cuộc đời, tin vào tình yêu, hạnh phúc, luôn ươm mầm hạnh phúc cho tương lai của mình.

---------------

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn dàn ý và bài văn mẫu lớp 12 Nghị luận bàn về triết lí nhân sinh được gửi gắm trong bài thơ Quán hàng phù thủy. Mong rằng qua đây bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...

Đánh giá bài viết
1 1.314
Sắp xếp theo

Thi THPT Quốc gia môn Văn

Xem thêm