Quang Dũng đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên Tây Bắc gắn liền với kỉ niệm về chặng đường hành quân của người lính

Văn mẫu lớp 12: Quang Dũng đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên Tây Bắc gắn liền với kỉ niệm về chặng đường hành quân của người lính được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 12 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 12 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Phân tích bài thơ Tây Tiến

Nhìn về thơ ca Việt Nam thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, ta ngỡ ngàng vì chính cuộc trường chinh máu lửa ấy đã hun đúc nên hình tượng người lính Vệ quốc hào hùng, hiên ngang, chói ngời lí tưởng cao đẹp! Khác với người lính cụ Hồ trong bài thơ “Cá nước” của Tố Hữu, người trai “chưa trắng nợ anh hùng” trong bài thơ “Ngày về” của Chính Hữu hay anh bộ đội “xuất kích” trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm… trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng lại hiện lên hình tượng người lính kiêu dũng với những nét mới lạ, sự lẫm liệt hòa lẫn với chất hào hoa, đa tình. “Tây Tiến” – bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, minh chứng cho hồn thơ lãng mạn, phóng khoáng và tài hoa của nhà thơ. Trong bài thơ “Tây Tiến”, Quang Dũng đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên Tây Bắc gắn liền với kỉ niệm về chặng đường hành quân của người lính, đồng thời gợi về những kí ức đẹp trong đêm liên hoan văn nghệ ấm tình quân dân. Bài thơ mang dấu ấn của cảm hứng lãng mạn!

Quang Dũng không viết bài thơ “Tây Tiến” trong những ngày tháng cùng đoàn quân Tây Tiến dãi dầu mưa nắng trên chiến trường miền Tây mà ông đặt bút viết bản thảo bài thơ khi ông đã xa rời đoàn quân Tây Tiến. Cả bài thơ là một dòng hồi tưởng không ngắt quãng về thiên nhiên Tây Bắc nơi in hằn vết chân của đoàn binh đi qua, về khoảnh khắc nghỉ ngơi giao lưu văn nghệ cùng đồng bào, về sự hi sinh bi tráng của đồng đội. Đó là những kỉ niệm không thể nào vơi trong tâm trí Quang Dũng, bấy giờ trở nên tươi nguyên, lung linh sống dậy trên trang thơ. Bằng ngôn từ nghệ thuật, Quang Dũng đã xây dựng những hình tượng nghệ thuật tuyệt đẹp: hình tượng thiên nhiên, hình tượng người lính – khiến mọi thứ hiện lên y như thật, bộc lộ linh hồn, thần thái của hiện thực run rẩy, phập phồng biến hóa.

Nhà thơ Sóng Hồng từng cho rằng: “Thơ là nhạc, là họa, là chạm khắc theo một cách riêng”. Đúng là như vậy! Bút pháp “Thi trung hữu họa” quen thuộc trong thơ ca cổ điển bấy giờ được Quang Dũng vận dụng để vẽ ra trước mắt người đọc bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc. “Tây Tiến” là họa! Tây Bắc khi đi vào trong thơ Quang Dũng vẫn giữ được chất hoang sơ, hùng vĩ, hiểm trở muôn đời:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Xa rồi một thời Tây Tiến, Quang Dũng – người lính năm nào làm sao mà quên được cung đường chiến đấu mà ông và đồng đội đã từng đi qua? Làm sao có thể quên những tháng ngày gian nan, vất vả chinh phục thiên nhiên, trong lòng ngùn ngụt ngọn lửa yêu nước, lòng căm thù, tinh thần “Nhất khứ bất phục hoàn” (Một đi không trở lại)? Những chàng trai trẻ phần đông là thanh niên trí thức Hà Thành, đang ngồi trên ghế nhà trường bỗng nghe tiếng gọi của quê hương, tự nguyện dấn thân vào cuộc hành binh máu lửa. Tay cầm bút giờ đây cầm súng. Chân từng đi trên con đường bằng phẳng rợp màu cờ Thủ đô nghìn năm văn hiến nay phải leo lên dốc cao “khúc khuỷu” gập ghềnh. Quang Dũng đã dựng lên hình ảnh những con dốc Tây Bắc quanh co, hiểm trở. Từ láy “thăm thẳm” giàu giá trị tạo hình, diễn tả chiều kích không gian mà thấp thoáng đằng sau là sự nhọc nhằn, gian khổ của người lính Tây Tiến. Dòng thơ “Heo hút cồn mây súng ngửi trời” mở ra hai hình ảnh, một là thiên nhiên mây mù giăng lối, mây bềnh bồng trên đỉnh núi, đỉnh núi nhạt nhòa trong mây (“cồn mây”); hai là bóng dáng người lính Tây Tiến đang leo lên dốc núi, họng súng chếch lên tựa hồ như chạm cả đỉnh trời, qua cái nhìn lãng mạn của Quang Dũng đã trở thành “súng ngửi trời”. Đến dòng thơ thứ ba, câu chữ như đang bị bẻ đôi ra uốn mình theo thế núi: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”. Một quãng đường dài “ngàn thước”, hết lên cao rồi lại đổ xuống, chông chênh gập ghềnh, thử hỏi người bộ hành sao không khỏi mệt nhoài vắt cạn sức mình cho được? Tiết trời Tây Bắc đau dịu dàng như tiết trời Hà Nội? Khí hậu miền núi khắc nghiệt, lạnh giá hơn nhiều, những cơn mưa trắng trời bất chợt đến rồi bất chợt đi. Khi Quang Dũng cùng đồng đội vừa đến bản Pha Luông thì cơn mưa ập đến, lạnh sắt se. Hai tiếng “Nhà ai” nghe sao thân thương quá! Trong thơ ca, người ta thường không chỉ sự vật, hiện tượng thuộc về sở hữu của một người nào đó cụ thể mà thường dùng “ai” vừa hỏi vừa bộc lộ cảm xúc (“Tiếng ai tha thiết bên cồn”, “Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung” – Tố Hữu…). Trong tầm mắt người lính, những ngôi nhà đồng bào đang bềnh bồng trong biển mưa trắng xóa. Một cảnh tượng đẹp đẽ, mờ ảo mà khắc nghiệt biết chừng nào.

Trong bốn dòng thơ này, hình tượng người lính không xuất hiện trực tiếp mà thấp thoáng đằng sau khung cảnh thiên nhiên. Ấn tượng về người lính Tây Tiến trong đoạn thơ này không phải là dáng vẻ mà là nỗi vất vả nhọc nhằn khi gồng mình đi trên con đường hiểm trở. Trên chặng đường gian khổ đó, có biết bao người đã ngã gục vì không còn chút sức lực nào, bỏ lại hành trình dài và giấc mơ phía trước. Nhưng cũng có bao người nỗ lực vượt lên, súng trên tay, mắt nảy lửa, hào khí ngút trời. Nghĩ về chặng đường nguy nan ấy, người lính năm nào sao không khỏi xúc động, xót xa?

Tây tiến

Theo dòng hồi tưởng, Quang Dũng đưa ta vào bầu không khí ấm áp của đêm liên hoan văn nghệ ấm tình quân dân. Trong thơ ca thời kháng chiến, tình quân dân “cá nước” cũng là cảm hứng chính cho sáng tạo nghệ thuật. Sau chặng đường gập ghềnh khúc khuỷu, sau phút giây đối mặt với quân thù, những anh lính trẻ có khoảnh khắc lắng đọng lòng mình để rồi ngơ ngẩn, đắm say trước vũ điệu man sơ và âm nhạc ngọt ngào phương xa xứ lạ:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Kí ức người lính hướng về đêm hội trại có ánh đuốc bập bùng, con người ngất ngây trong giai điệu cùng vóc dáng yêu kiều của người thiếu nữ. Chỉ với từ “bừng lên” thôi mà không gian thơ trở nên lung linh, sáng rực lạ thường. Hình ảnh những bó “đuốc hoa” hợp lại thành “hội đuốc hoa” thắp sáng rừng hoang núi thẳm, sưởi ấm lòng người sau những trắc trở hiểm nguy. Dòng thơ tiếp theo gợi tả cảm xúc ngỡ ngàng của người lính Tây Tiến trước vẻ đẹp của cô em xóm núi: “Kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Đang ngắm nhìn ánh sáng “đuốc hoa”, người lính Tây Tiến bất ngờ trông thấy sự xuất hiện của người thiếu nữ xuân thì “xiêm áo tự bao bao giờ”, xinh đẹp và lộng lẫy như những tiên nữ giữa đêm hội hoa đăng nào đó trong mơ tưởng. Hai tiếng “Kìa em” nghe sao tha thiết quá! Phải chăng những lính ấy xuất thân từ đất Hà Thành, cốt cách thanh lịch hào hoa, trẻ trung, yêu đời, yêu người, vì thế mà thỏa lòng, sung sướng, say mê trước bóng hình kiều diễm?! Tiếng “Khèn” văng vẳng, người thiếu nữ uốn mình trong điệu Lăm Vông múa tặng những người lính, gieo vào lòng người những hình ảnh tươi đẹp khó có thể phai mờ. Dường như âm nhạc đủ sức vọng vào “xây hồn thơ” trong tâm tưởng, nâng đỡ giấc mộng của người lính trẻ hướng về Viên Chăn xa xôi.

Không phải chỉ ở bài thơ “Tây Tiến” Quang Dũng mới tái hiện xúc động tình quân dân. Trong bài thơ “Những làng đi qua”, viết năm 1947, tình cảm của nhân dân đối với anh bộ đội cũng được Quang Dũng nhắc đến bằng tất cả tấm lòng tri ân, trân trọng:

Buồng chuối tiễn quân em mới cắt

Nhựa cây còn tuôn như sữa vắt

Khúc hát đồng ca “Vệ quốc quân”

Cuối xóm trông theo vẫy mấy lần

Nhưng ở mỗi bài thơ, Quang Dũng lại có một cách thể hiện hoàn toàn khác nhau. Ở đoạn thơ này, mọi vẻ đẹp của cảnh vật, văn hóa và con người Tây Bắc được cảm hồn trẻ trung, lãng mạn, đa tình của những anh lính trẻ. Tình quân dân keo sơn được Quang Dũng thể hiện thật xúc động trong đêm liên hoan văn nghệ ấm áp nghĩa tình. Chắc chắn rằng những kỉ niệm này sẽ sống mãi trong tâm hồn người lính, tiếp thêm sức mạnh cho các anh trên bước đường hành quân muôn dặm nghìn trùng.

Mỗi đoạn thơ là một nét vẽ khác nhau trong bức tranh mà thiên nhiên là phông nền, người lính Tây Tiến là nhân vật trung tâm hiện lên với những nét đẹp đáng trân quý. Một Tây Bắc hoang dã, hiểm trở thấp thoáng bóng dáng người lính Tây Tiến vắt kiệt sức lực chinh phục thiên nhiên nhưng không bao giờ bỏ cuộc vì lý tưởng cao đẹp. Một Tây Bắc xinh đẹp, lãng mạn, ấm áp tình người, những người lính trẻ trung, đa tình mở rộng lòng mình đón nhận những điều tươi đẹp. Quang Dũng đã gợi nhiều hơn tả, không chỉ làm hiện lên trước mắt người đọc khung cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây mà còn ghi lại cái hồn của cảnh vật. Cảm hứng lãng mạn là đặc điểm nổi bật trong hồn thơ Quang Dũng. Đôi khi thơ ông chìm vào cái bi, lập tức Quang Dũng nâng cái bi bằng cảm hứng lãng mạn bay bổng để hình tượng thơ tráng lệ, giọng thơ hào hùng, con người dũng cảm, kì vĩ hơn bao giờ hết. Cảm hứng lãng mạn, nhất là chất trữ tình Cách mạng là một thành tố quan trọng của thơ ca Cách mạng. Đời sống quân ngũ tuy gian nan, vất vả nhưng người lính Tây Tiến vẫn vui, vẫn trẻ trung, yêu đời, nỗ lực hướng về phía trước. Chất lãng mạn của bài thơ “Tây Tiến” giúp Quang Dũng khẳng định vẻ đẹp của con người Việt Nam một thời đã qua: trong chiến tranh khốc liệt, con người vẫn hiên ngang, vươn tới vẻ đẹp lí tưởng và vẻ đẹp cuộc đời. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp họ vượt qua thử thách của chiến tranh.

Hơn bảy mươi năm trôi qua, “Tây Tiến” của Quang Dũng vẫn còn rung động tâm hồn người đọc. Âm hưởng của bài thơ vẫn văng vẳng trong lòng người mỗi khi ngẫm nghĩ về một thời kháng chiến gian khổ mà hào hùng. Bài thơ đã tạc vào tâm tưởng mỗi người bức tượng đài bất tử về người lính Tây Tiến – những người đã từng dâng hiến máu xương vì lý tưởng cao đẹp của cuộc đời. Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay lớn lên trong bầu không khí thanh bình, được học tập, phát triển bản thân. Khói lửa chiến trường, “gươm kề tận cổ súng kề tay” chỉ còn xuất hiện trong những trang sách, qua lời kể của những người đi qua cuộc chiến. Chúng ta biết rằng để có được cuộc sống hôm nay, biết bao người đã đổ máu xương gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng. Vậy nên, chúng ta hãy sống sao cho trọn vẹn nghĩa tình, biết ơn thế hệ cha anh, sống nhiệt thành, mai này lớn lên làm tròn sứ mệnh của mình đối với quê hương xứ sở. Ôi Tổ quốc! Hai tiếng ấy thật cao quý, thiêng liêng!

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Quang Dũng đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên Tây Bắc gắn liền với kỉ niệm về chặng đường hành quân của người lính. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 12 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 và biết cách soạn bài lớp 12 và các Tác giả - Tác phẩm Ngữ Văn 12 trong sách Văn tập 1 và tập 2, mời các bạn tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
1 815
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm