Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ
Đề đọc hiểu Ngữ Văn 12 có đáp án do VnDoc biên soạn bám sát thể loại Đọc hiểu văn bản trong chương trình Ngữ Văn 12 sẽ giúp các em học sinh có thêm tài liệu ôn thi học kì cũng như củng cố kỹ năng đọc hiểu văn bản.
Tiếng Việt Đọc hiểu
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.com
Nghiêm cấm sao chép nhằm mục đích thương mại
Đọc hiểu Tiếng Việt - Đề 1
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng
Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người
Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.
Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.
Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.
(trích Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ)
(Lưu Quang Vũ - Thơ và đời. NXB Văn hóa-thông tin. H. 1999.tr.322-325)
Câu 1 (0,5 điểm): Hãy cho biết phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?
Câu 2 (0,5 điểm): Ghi lại ngắn gọn nội dung đoạn thơ.
Câu 3 (1,0 điểm): Cho biết tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong dòng thơ: "Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay / Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt."
Câu 4 (1,0 điểm): Ghi lại suy nghĩ (khoảng 5-7 câu văn) của bản thân về những tình cảm mà tác giả Lưu Quang Vũ gửi gắm trong những dòng thơ trên.
Đáp án đọc hiểu văn bản: Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ
Câu 1 (0,5 điểm):
Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích: biểu cảm.
Câu 2 (0,5 điểm):
Đoạn thơ thể hiện tình cảm yêu mến tha thiết, thái độ trân trọng thành kính đối với vẻ đẹp, sự giàu có và ý nghĩa thiêng liêng của tiếng Việt.
Câu 3 (1,0 điểm):
Tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong 2 câu thơ: vẻ đẹp, sự gắn bó máu thịt của tiếng Việt đối với số phận mỗi cá nhân cũng như cả dân tộc.
Câu 4 (1,0 điểm):
Bảo đảm dung lượng (5 - 7 câu), thể hiện rõ ràng nhận xét, suy nghĩ của bản thân về những xúc cảm sâu sắc, chân thành mà nhà thơ đã bộc lộ trong đoạn trích.
Đọc hiểu Tiếng Việt - Đề 2
Đọc đoạn trích sau:
Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.
…
Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.
…
Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình.
(Tiếng Việt, Lưu Quang Vũ - Thơ tình, NXB Văn học 2002)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Các phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên là gì ?
Câu 2. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ:
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.
Câu 3. Nêu ngắn gọn nội dung của đoạn thơ.
Câu 4. Viết một đoạn văn (5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ của anh (chị ) sau khi đọc câu thơ: Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình.
Trả lời câu hỏi đọc hiểu:
Câu 1: Những phương thức biểu đạt của đoạn thơ gồm biểu cảm, tự sự, miêu tả
Câu 2:
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ: So sánh
- Biện pháp so sánh khiến câu thơ trở nên mềm mại, cuốn hút người đọc. Tác giả so sánh tiếng việt với đất, lụa gợi nên vẻ đẹp hết sức bình dị, giản đơn, gần gũi với con người Việt Nam. Khơi dậy ý thức, trách nhiệm về việc cần bảo vệ sự giàu đẹp của tiếng việt của mọi người.
Câu 3: Đoạn thơ ca ngợi vẻ đẹp của tiếng việt qua đó cũng thể hiện sự gắn bó, yêu quý, thấu hiểu của tác giả với tiếng Việt.
Câu 4: Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ là một bài thơ hấp dẫn, vừa Đẹp, vừa Hay, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Ai đã được tiếp xúc với Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ thì không dễ quên. Tiếng Việt trở thành sợi dây nối liền tâm hồn, tư tưởng của mọi thành viên trong cộng đồng cũng như những người con xa xứ, lưu lạc. Từ mối liên hệ với lịch sử, tác giả đã xem tiếng Việt như là một nhân tố tạo nên sự bền vững muôn đời của dân tộc. Câu thơ: Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình cho thấy những ân tình của tiếng Việt, những giá trị cao cả mà tiếng Việt bồi đắp và dẫn dắt. Đồng thời câu thơ cũng nhắc nhở chúng ta về tình cảm mến yêu tha thiết, ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc gìn giữ, bảo vệ tiếng Việt.
----------------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Để học tốt Địa lý 12, Giải Toán 12 nâng cao, Tiếng Anh lớp 12 mới, Môn Vật lý 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.
Chúc các em học tập thật tốt.