Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm
Ngoc Anh Văn học

Bài văn nghị luận trình bày ý kiến của em về câu nói "Học, học nữa, học mãi"

(Lê-nin)

3
3 Câu trả lời
  • Cún ngốc nghếch
    Cún ngốc nghếch

    Việc học từ trước đến nay luôn là việc được tất cả mọi người xem trọng và đề cao. Bởi đó là hoạt động vô cùng quan trọng, đem đến nhiều điều tích cực cho con người. Thế nên, Lê-nin đã khẳng định rằng, chúng ta cần phải “Học, học nữa, học mãi”.

    Câu nói này tuy ngắn gọn, nhưng lại có sức nặng to lớn về bài học và ý nghĩa về giáo dục. Từ “học” được lặp lại ba lần trong câu nói, chiếm hơn 50% dung lượng ngôn từ. Qua đó, nhấn mạnh về nội dung chính, sự quan trọng, tiên quyết cần được quan tâm, lưu ý. Đó chính là việc học. Sự ngắt nghỉ tạo ra các vế câu cũng đã truyền tải một cách rõ ràng dụng ý của người nói. Đó là cần phải học, học rồi thì phải học tiếp nữa, đã học thì phải học mãi, không được dừng lại. Nói một cách thông dụng, thì sự học là việc không có giới hạn về khối lượng và cả thời gian.

    Lê-nin khẳng định như vậy, bởi ông hiểu được giá trị to lớn, khổng lồ của việc học. Học ở đây không chỉ là học về kiến thức trong các quyển sách giáo khoa, theo các chương trình ở trên ghế nhà trường. Mà còn là học về các kĩ năng sống, học cách yêu thương, cách sẻ chia, học thêm các kiến thức về những điều xung quanh ta, với phạm vi rộng lớn vô tận. Cho dù ở lứa tuổi nào, trình độ nào, chức vụ nào, thì sự học vẫn nên và cần được tiếp tục.

    Có thể nói, thế giới kiến thức mà con người ta có thể tiếp nhận được là không bao giờ có thể kết thúc. Biển tri thức sẽ ngày càng dày rộng hơn, khi ngày càng nhiều điều bí ẩn được giải đáp, ngày càng nhiều công trình nghiên cứu đạt thành tựu… Vì vậy, nếu ngừng việc học lại, ta sẽ dễ rơi vào tình huống tụt hậu, khó hòa nhập với cộng đồng.

    Khi ta làm được như vậy, thì tự nhiên bản thân sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, hiểu biết hơn. Từ đó gián tiếp giúp chúng ta khẳng định giá trị, vị thế của bản thân trong cộng đồng. Với lượng tri thức dồi dào, phong phú và kĩ năng đa dạng, chúng ta có thể làm được nhiều việc, giải quyết nhiều vấn đề. Khi ấy, bản thân ta không chỉ có thể cống hiến cho đất nước, mà còn có thể giúp đỡ mọi người, đem đến lợi ích cho bản thân. Ngoài ra, sự học bền bỉ còn giúp chúng ta rèn luyện tư duy, giúp trí óc luôn hoạt động và phát triển, không bị ì ạch hay tụt hậu so với các thế hệ sau.

    Điều đó được thể hiện từ những trường hợp diễn ra thường ngày quanh chúng ta. Đó là những bác những chú đã quá tứ tuần nhưng vẫn học tập, thi đại học bởi lúc còn trẻ chưa có cơ hội học. Đó là những bạn sinh viên ngoài thời gian học trên giảng đường, đã tìm và học thêm các kĩ năng khác như kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng sơ cứu người bị đuối nước… Hay là những vị lãnh đạo, vẫn ngồi lắng nghe những người nông dân chia sẻ về kinh nghiệm, quá trình trồng cây để học hỏi thêm. Đó chính là hiện diện của sự học bền bỉ trong cuộc sống của chúng ta.

    Tuy lợi ích của việc học nhiều như vậy, nhưng từ trước đến nay vẫn không hề thiếu đi những kẻ lười biếng hay có cách học lệch lạc. Họ cho rằng chỉ cần học ở trường, học trong sách vở là đủ, mà bỏ qua vô vàn kiến thức và kĩ năng rộng lớn ở xung quanh mình. Họ cho rằng chỉ cần học đại học, học thạc sĩ là xong mà không biết rằng bằng cấp chỉ là một loại thước đo kiến thức mà thôi. Hay cả những người chỉ học về hình thức, học tủ học vẹt, chả thu nạp được chút kiến thức gì cho bản thân cả. Thật đáng buồn thay cho họ! Đặc biệt là khi thế giới đang dần chuyển mình sang thời đại mới, thì việc ì ạch, tự lùi mình về phía sau ấy thật là đáng chê trách.

    Cũng từ những trường hợp đáng buồn ấy, mà em càng thêm thấu hiểu và nhận thức được tầm quan trọng của việc học đối với bản thân mình. Em sẽ noi theo lời dạy của Lê-nin để học hỏi không ngừng.

    0 Trả lời 18/03/23
    • Bạch Dương
      Bạch Dương

      Mọi chuyện trên đời đều biến đổi. Có những điều ngày hôm nay chưa rõ, nhưng ngày mai lại đã tường. Chính vì thế, ta cần phải không ngừng học tập, nghiên cứu để bản thân không lùi về phía sau. Điều đó đã được Lê-nin gửi gắm qua nhận định ‘Học, học nữa, học mãi”.

      Điệp từ học đã được nhấn mạnh ba lần trong câu nói, giúp khắc sâu sự hiện diện của hoạt động học. Sự học được nhắc đến ở đây, không chỉ dừng lại ở việc học trên sách vở, học trên giấy tờ từ thầy, từ cô. Mà còn chỉ cả việc học từ những người xung quanh, từ thế giới nhiệm màu. Học không chỉ là học về kiến thức, mà còn học cả về kĩ năng, học về thực hành. Bất kì cái gì mới thì ta cũng cần phải học. Mỗi ngày, bao nhiêu điều mới lạ lại được khám phá. Mỗi giờ ta lại nhận ra bản thân cần biết thêm nhiều điều. Vì vậy, sự học không bao giờ là đủ.

      Câu nói của Lê-nin đã đưa chúng ta đến một thực tế, là sự học luôn luôn nên ở thì hiện tại tiếp diễn. Bởi vì không có một sự kết thúc nào cho hoạt động này. Học xong điều này, thì ta lại học một điều khác. Tuổi tác, bằng cấp không bao giờ là thứ giới hạn được ta. Như những bác, những ông đã lớn tuổi vẫn thi đại học và đến trường để tiếp nhận thêm kiến thức. Như các giáo sư, tiến sĩ vẫn học để biết thêm về các kĩ năng khác như trồng cây, nuôi cá… Rồi ngay cả cách để yêu thương, chăm sóc mọi người, cách để kiềm chế cái tôi của mình… Tất cả đều phải học.

      Việc học mà không ngừng nghỉ ấy, giúp chúng ta không bị tụt lại phía sau so với sự phát triển chóng mặt của xã hội. Hơn cả như thế, sự học giúp chúng ta làm mới bản thân, giúp chúng ta cảm thấy mình thật có ích, giúp chúng ta hoàn thiện dần con người của mình. Tuy nhiên, hiện nay, có một thực trạng đáng buồn, là một bộ phận giới trẻ có sự lười học, học đối phó. Họ chỉ học khi được đốc thúc, gò ép chứ không học vì muốn được hiểu biết. Họ cho rằng việc học là việc có định mức rõ ràng, rằng chỉ cần học những vấn đề này, vào thời gian này là đủ. Và học xong kiến thức trong sách vở, xong các cấp ở nhà trường là đủ. Thật tiếc thay khi những cá nhân ấy đã tự giam mình lại trong một nấc của sự phát triển, và làm lơ đi thế giới muôn màu đang phát triển ngoài kia.

      Bản thân em hiện nay vẫn là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài việc học trong sách vở, em vẫn luôn học tập thêm những kiến thức mới mẻ khác ở bên ngoài. Đó là các buổi học về thế giới động vật và buổi học bơi cùng các bạn ở trung tâm. Em chủ động học tập bằng các video, quyển sách ở thư viện và internet. Hoạt động ấy khiến em cảm thấy mình phong phú và vui vẻ hơn. Vì vậy, em thực sự cảm nhận được tâm huyết của nhà cách mạng Lê-nin qua câu nói “Học, học nữa, học mãi”.

      Em mong rằng, tất cả mọi người trong chúng ta đều sẽ nhận ra được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học tập không ngừng nghỉ. Bởi vì hơn cả bằng cấp, trình độ để phục vụ cho cuộc sống, thì sự học còn đem lại rất nhiều những giá trị khác cho chúng ta.

      0 Trả lời 18/03/23
      • Nguyễn Sumi
        0 Trả lời 18/03/23

        Văn học

        Xem thêm