Anh chị giải thích câu tục ngữ: “Ăn cây nào rào cây đấy”
Ý nghĩa của câu tực ngữ Ăn cây nào, rào cây đấy là gì? VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài Văn mẫu: Anh chị giải thích câu tục ngữ: “Ăn cây nào rào cây đấy” được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm. Bài viết gồm các bài văn mẫu lớp 10 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 10 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Chứng minh câu tục ngữ: Ăn cây nào rào cây đấy
Dàn ý Giải thích câu tục ngữ Ăn cây nào rào cây đấy
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu tục ngữ Ăn cây nào rào cây đấy.
Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.
2. Thân bài
a. Giải thích
Nghĩa đen: muốn ăn quả hoặc thu hoạch quả của cây nào thì chúng ta phải chăm bón, vun xới cho cây đó tươi tốt.
Nghĩa bóng: khi nhận ơn nghĩa hoặc cơ hội từ một người nào đó thì phải dốc lòng hoàn thành thật tốt công việc được giao và luôn biết ơn, báo đáp người đã mang đến những điều tốt đẹp cho chúng ta.
→ Câu tục ngữ khuyên nhủ con người hãy sống đúng, biết ơn người đã giúp đỡ và mang lại cho mình những cơ hội, những điều tốt đẹp đồng thời có hành động đền đáp công ơn của họ một cách chân thành nhất.
b. Phân tích
Trong cuộc sống không tránh khỏi những lúc chúng ta gặp khó khăn, trắc trở, vấp ngã, mỗi người sẽ bị đưa đẩy vào một hoàn cảnh khác nhau, chính vì thế ai giúp đỡ chúng ta những lúc khó khăn hoạn nạn, chúng ta cần phải biết ơn và đền đáp họ.
Giúp đỡ, tạo cơ hội cho chúng ta không phải trách nhiệm và nghĩa vụ của người khác nên cần phải trân trọng và nắm bắt cơ hội ấy bằng thái độ tích cực nhất.
Người luôn sống với lòng biết ơn người khác là người rèn luyện được nhiều đức tính tốt đẹp và xứng đáng được học tập.
Nếu xã hội này ai cũng biết ơn những thứ người khác mang lại và đền đáp những tình nghĩa đó thì xã hội này sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người sống với lòng biết ơn để minh họa cho bài làm của mình.
Lưu ý: dẫn chứng xác thực, nổi bật, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.
d. Phản biện
Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người tuy nhận được sự giúp đỡ của người khác lúc khó khăn nhưng lại dửng dưng, lại có những người ích kỉ, nhỏ nhen, coi việc người khác giúp đỡ mình là điều đương nhiên nên không mảy may suy nghĩ,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích.
3. Kết bài
Khái quát lại nội dung, ý nghĩa của câu tục ngữ “Ăn cây nào rào cây đấy”; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.
Văn mẫu Giải thích câu tục ngữ Ăn cây nào rào cây đấy
Quan niệm này được gắn bó với rất nhiều lĩnh vực, nhiều hệ thống giá trị: ăn-nói, ăn - ở, ăn - làm, ăn - mặc… "Ăn" như một quả cân để đo các giá trị văn hóa khác, để phân định phẩm chất tốt - xấu, khinh - trọng, sang - hèn; hoặc gợi ra những lời khuyên: nên thế này, đừng thế nọ…Tất nhiên, "ăn" không phải khái niệm dành riêng cho con người. Chính vì vậy mà ông cha đã rút ra được kinh nghiệm xương máu rằng: “Ăn cây nào thì rào cây đấy”.
“Ăn cây nào, rào cây ấy” là câu tục ngữ đã có từ rất lâu đời, là người Việt Nam ai cũng nhớ. Đây là lời khuyên về đạo đức, lối sống, đề cập đến quyền lợi và trách nhiệm của người được hưởng lợi ích. Hễ nơi nào hoặc ai cho ta hưởng quyền lợi gì thì ta phải phục vụ cho người ấy, nơi ấy.
Nhưng với con người, ngoài việc tìm kiếm nguyên liệu, không ngừng sáng tạo trong nghệ thuật chế biến, tìm tòi, phát hiện về mặt khoa học dinh dưỡng, phòng và chữa bệnh tật, còn có một nhu cầu khác là nhu cầu giao tiếp, ăn còn thể hiện phong cách và các quy tắc ứng xử trong khi ăn uống nữa. Điều này hết sức phong phú và sinh động mà mỗi vùng, mỗi dân tộc cũng có những đặc trưng khác nhau.
Nghĩa gốc của câu tục ngữ này là: Trồng cây mong được có quả, thu hoạch về để sử dụng thì gọi luôn là trồng cây được ăn quả. Rào là quá trình dùng tay tre để rào dậu, cắt những cành thừa của thân cây tre ra rào xung quanh cây mà cho quả đó để kẻ trộm hoặc trâu bò không vào phá phách được. Ví dụ trồng nhãn vải thì đến thời kì ra hoa kết trái phải rào nhãn vải, trồng dưa trồng đậu đến thời kì đơm bông kết trái cũng phải rào dưa rào đậu.
Nghĩa chuyển của câu này đó là: Chịu sự quản lý của ai, của cộng đồng nào, của quốc gia nào thì mang ơn của người đó, cộng đồng đó, quốc gia đó. Hoặc một ví dụ đơn giản làm nhân viên của một công ty nào đó phải tuân thủ theo phép tắc quy định của công ty đó, chịu sự kỷ luật của công ty đó, thậm chí còn phải có ý thức tổ chức kỷ luật để làm thành viên tích cực xây dựng công ty đó phát triển ngày một tốt hơn. Vậy là việc ăn cây nào rào cây nấy đó bạn.
Chính vì vậy, chúng ta thế hệ đang được hưởng thụ phân công lao mà ông cha ta đã phải đổ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu để giữ gìn cho con cháu. Vì thế, hưởng thụ cũng phải biết điều, đã hưởng thì phải làm sao coi cho được để mà còn hưởng lâu dài, đó là nói kiểu thực dụng. Còn thanh cao hơn là phải biết ơn và thể hiện lòng biết ơn của mình như thế nào coi cho được.
Chúng ta đang sinh sống học tập ở nước Việt Nam, nơi sinh ra và nuôi dưỡng bạn, dù nghèo hay giàu bạn cũng phải trân trọng. Đừng chống đối hay đả phá hay bán rẻ cho ngoại bang.
Tóm lại, câu tục ngữ một lần nữa nhắc nhở chúng ta phải biết ơn những người đã hy sinh xương máu của mình để mang lại cho chúng ta cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Chúng ta không chỉ biết hưởng thụ mà hãy biến những thành quả đó trở thành nguyên liệu cho con cháu của mình sau này.
Giải thích câu tục ngữ Ăn cây nào rào cây đấy - Bài làm 2
Câu tục ngữ Ăn cây nào, rào cây nấy của người xưa không ngờ hôm nay lại trở thành đề tài bình luận sôi nổi của tổ em. Đó có phải là sự thể hiện của một trong nhiều quan niệm sống ở đời? Nhiều bạn cho rằng câu tục ngữ này đúng – ít, sai nhiều, nhưng cũng có bạn lại khẳng định nó hoàn toàn đúng. Ai cũng cố dùng lí lẽ để chứng minh cho ý kiến của mình. Theo em, câu tục ngữ trên cố mặt đúng và có mặt chưa đúng.
Nghĩa chính của câu tục ngữ trên là: Ăn quả cây nào thì phải vun xới, giữ gìn, bảo vệ cây ấy. Nhưng cũng giống như bao câu tục ngữ ngắn gọn và hàm súc khác, ý nghĩa của nó không chỉ dừng ở đó. Sâu xa hơn, câu tục ngữ trên là một lời khuyên nhủ chúng ta phải bảo vệ, gắn bó với môi trường, với nguồn sống.
Đặt câu tục ngữ vào hoàn cảnh ra đời của nó cách xa thời đại ngày nay bao thế kỉ, khi mà nền kinh tế tiểu nông của đất nước ta còn thô sơ, lạc hậu theo chế độ tự cung tự cấp thì chúng ta mới thấy được mặt đúng của nó. Lúc bấy giờ, từng người, từng nhà phải hoàn toàn tự lo cho cuộc sống của bản thân, gia đình. Nhu cầu cuộc sống rất thấp, rất đơn giản nên sự trao đổi, ràng buộc giữa người với người chưa phức tạp lắm, Vì vậy phải gắn bó chặt chẽ vả có ý thức bảo vệ những gì thiết yếu đối với mình. Câu tục ngữ trên sẽ đúng khi nó là một lời phê phán lối sống thực dụng, ích kỉ hại nhân, chỉ biết bo bo giữ lấy quyền lợi vật chất cho riêng mình mà thờ ơ, thậm chí xâm phạm đến quyền lợi của người khác. Lối sống ấy đã bị nhân dân ta nhiều lần đả kích và lên án: Của mình thì giữ bo bo, của người thì thả cho bò nó ăn.
Trên đây là mặt đúng của câu tục ngữ. Còn mặt sai của nó ở chỗ nào?
Nếu câu tục ngữ trên là phát ngôn của một quan niệm sống mang nặng tính cá nhân thực dụng và ích kỉ thì nó rất đáng cho chúng ta phê phán. Tại sao như vậy?
Bởi vì mỗi con người là một thành viên của cộng đồng: gia đình, tập thể, xã hội. Trong cuộc sống hằng ngày, mọi người đều có mối quan hệ đa chiều với nhau, không ai có thể phủ nhận thực tế này. Chúng ta thấy rõ là người nông dân cày cấy trên đồng ruộng, dầu dãi một nắng hai sương, làm ra củ khoai, hạt lúa nuôi đời. Người công nhân trong nhà máy, xí nghiệp sản xuất ra hàng trăm, hàng ngàn mặt hàng phục vụ nhu cầu đời sống. Người thầy đứng trên bục giảng truyền dạy kiến thức cho con em nhân dân. Người chiến sĩ ngày đêm cầm chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc… Tất cả, tất cả đều có liên quan chặt chẽ với nhau. Do đó, nếu chỉ khư khư bảo vệ lợi ích của riêng mình mà không biết đến lợi ích toàn diện thì sẽ là một sai lầm lớn.
Có những quyền lợi của cả cộng đồng ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới quyền lợi của mỗi cá nhân, đó là quyền lợi của giai cấp, dân tộc. Nhân dân ta đã có câu: Nước mất thì nhà tan. Như vậy thì quyền lợi của mỗi người cũng chẳng còn. Quan niệm sống ích kỉ, thực dụng nhiều khi biến con người thành nạn nhân của chính mình. Kẻ ích kĩ hẹp hòi là kẻ suy thoái về đạo đức, sống tách rời và đi ngược lại truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc.
Theo em, quan niệm sống đúng đắn nhất là quan niệm: Mình vì mọi người, mọi người vì mình. Sống trong một tập thể, mỗi người phải có trách nhiệm chăm lo, vun vén và góp phần xây dựng quyền lợi chung, bởi trong đó có quyền lợi của cá nhân mình. Xã hội mới không phủ định quyền lợi cá nhân mà ngược lại rất tôn trọng, nếu nó không xâm phạm đến quyền lợi của người khác, của tập thể, giai cấp và dân tộc. Thực tế ngày nay cho thấy có rất nhiều học sinh giỏi đã đem lại vinh dự cho bản thân, gia đình và nhà trường. Bao người làm ăn giỏi góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Qua buổi thảo luận về câu tục ngữ: Ăn cây nào, rào cây nấy, chúng em hiểu ra được nhiều điều. Tuy các ý kiến chưa phải là đã thống nhất với nhau hoàn toàn nhưng có điều ai cũng thấy là cách sống ích kỉ không còn phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay và tất yếu nó sẽ bị loại trừ. Có như vậy, xã hội mới ngày càng phát triển theo chiều hướng tốt đẹp.
Giải thích câu tục ngữ Ăn cây nào rào cây đấy - Bài làm 3
Có thể nói rằng sống trong xã hội, dường như mỗi cá nhân chúng ta như lại phải có trách nhiệm đối với tập thể, và hơn nữa là phải luôn cố gắng phấn đấu và mang kỳ tích đến cho mọi người. Và trong kho tàng ca dao tục ngữ lại có câu”Ăn cây nào rào cây ấy”. Và đây là một quan điểm đúng hay sai vẫn đang tốn nhiều giấy mực để trả lời.
Đầu tiên ta phải hiểu được thế nào là “rào cây ấy”. Trong khi việc giải nghĩa các câu tục ngữ thì bao giờ cũng có hai nghĩa đó là nghĩa hàm ngôn và nghĩa tường minh hay còn gọi là nghĩa đen. Nghĩa đen của câu này chính là việc khi ta ăn quả của cây nào thì ta lo chăm bảo vệ cây ấy mà thôi, “ăn cây nào thì rào cây ấy” mà thôi. Nghĩa bóng ở đây mà câu tục ngữ mang lại đó chính là khi đối với công việc bộn bề vốn gì hoặc nơi nào ta lại như có quyền thì ta phải ra sức bảo vệ, và phải góp công sức vào việc đổi mới tổ chức đó. Điều này cũng có nghĩa rằng những gì ta không nhận được lợi từ đó thì không cần thiết phải có trách nhiệm làm gì cả.
Thực ra quan niệm trên có phần đúng. Đúng là bởi sao? Bởi cũng đã xuất phát từ cơ sử nền sản xuất tự cung tự cấp, đặc biệt là trong cả những hoàn cảnh xã hội cũ. Trong xã hội cũ dường như mọi người ai lo phận nấy thi quan niệm ấy có phần đúng. Và có thể thấy rằng cũng chính điều này dường như cũng đã có ý nghĩa thiết thực miễn sao rằng chính quyền của cá nhân này chính đáng và lại như không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi chung của tập thể, của người khác.
Đó là việc trong những cơ sở sản xuất cá nhân, thì dường như những tổ hợp các nhân phục vụ và bảo vệ cơ sở hoạt động của mình được xem là điều chính đáng và đó cũng được xem chính là một trách nhiệm của những cá nhân hưởng thụ quyền lợi.
Qua đây có thể thấy được quan niệm trên còn hạn chế: Tuy nhiên câu tục ngữ trên phản ánh đó chính là một ý thức cá nhân ích kỉ, không phù hợp mang tính cục bộ, địa phương chủ nghĩa. Có lẽ chính vì như vậy có những “cây” mà mình “không ăn” nhưng lại rất cần cho tập thể, cho lợi ích chung thi ta có nên “rào” lại không? Ta cũng nên cần phải góp phần xây dựng, và đó chính là việc bảo vệ lợi ích chung của mọi người dù lợi ích đó mình chưa trực tiếp hưởng thụ.
Quan niệm trên dường như cũng đã gây ra tư tưởng hẹp hòi và tạo ra một sự cục bộ làm thiệt hại đến quyền lợi chung của cả nước, của tập thể khác.
Ngoài ra câu tục ngữ cũng có ý đúng đó là khi ta chăm lo lợi ích cá nhân, chăm lo lợi ích cho tập thể như phải nói rằng trong đó có mình. Chính điều đó cũng là quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, chúng ta lại phải có cái nhìn rộng lắm đó là có trách nhiệm với toàn cục góp công sức sẻ chia chăm lo cũng như để xây dựng một tập thể chung, của địa phương khác, của xã hội của cả nước. Và có thể hiểu được như vậy ta mới đảm bảo quyền lợi lâu dài. Và cũng chính bởi vì quyền lợi cá nhân nằm trong quyền lợi tập thể.
Nhất là trong hoàn cảnh đất nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng chính vì nguyên tắc “Mình vui vì người thì quan niệm sống theo câu tục ngữ “Ăn cây nào rào cây ấy” là không phù hợp nữa, và hãy chọn cho mình một lối sống đẹp.
Giải thích câu tục ngữ Ăn cây nào rào cây đấy - Bài làm 4
Tục ngữ thuộc thể loại văn học dân gian gồm những câu nói ngắn gọn, súc tích, cô đọng, dễ ghi nhớ. Nó đúc kết những kinh nghiệm, tri thức, triết lí của nhân dân ta. Tục ngữ thường hàm chứa những bài học mà cha ông muốn gửi đến các thế hệ sau. Câu tục ngữ “Ăn cây nào rào cây đấy” không nằm ngoài quy luật đó.
“Ăn” là hoạt động cắn, nhai, nuốt thức ăn, bổ sung năng lượng nhằm mục đích duy trì sự sống. “Rào” là hành động ngăn xung quanh một vật thể hoặc một khu vực để bảo vệ khu vực đó. Câu tục ngữ trên hiểu theo nghĩa đen là ăn thành quả của cây nào thì phải biết bảo vệ cây ấy để nó được phát triển tốt. Bên cạnh đó “Ăn cây nào rào cây đấy” còn gửi gắm đến chúng ta thông điệp hãy biết bảo vệ môi trường sống. Khi nền kinh tế chưa phát triển như hiện tại, cuộc sống tự cung tự cấp thì con người sống chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, khai thác từ thiên nhiên để phục vụ cuộc sống của mình. Chính vì vậy nên phải biết bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên để duy trì nguồn sống.
Sâu xa hơn, “Ăn cây nào rào cây đấy” còn ngụ ý con người cần trân trọng và biết ơn những thành quả mà người đi trước để lại. Được sống trong cuộc sống hòa bình, no ấm như ngày hôm nay là sự hi sinh của biết bao con người, chiến sĩ ngã xuống ngày hôm qua. Ta biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ đã mang lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Chúng ta cũng cần phải biết ơn những người đã giúp đỡ mình vượt qua khó khăn bởi nếu không có họ thì có lẽ chúng ta đã gục ngã.
Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao cũng đồng nghĩa với việc con người lại luôn tìm những mánh khóe, thủ đoạn để lừa lọc lẫn nhau nhằm tư lợi cho bản thân. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các trường hợp nhân viên bán ý tưởng của công ty mình cho công ty khác với giá cao để chuộc lợi, …Họ đã quên mất rằng cái lợi của công ty chính là cái lợi của bản thân và ngược lại. Họ đã vì đồng tiền mà bán rẻ đi công sức của biết bao đồng nghiệp, nhân viên.
Đồng thời câu tục ngữ này cũng ngầm phê phán lối sống ích kỉ, thực dụng, chỉ biết đến lợi ích vật chất của mình mà có thể tranh giành, giẫm đạp lên quyền lợi của người khác. Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, chúng ta sống và sinh hoạt trong một cộng đồng nên cần biết hài hòa mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Ai đó đã từng nói rằng giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi. Chúng ta không thể tồn tại một cách đơn lẻ nên mối quan hệ giữa bản thân với mọi người xung quanh là vô cùng cần thiết.
“Ăn cây nào rào cây đấy” có tính giáo dục sâu sắc. Chúng ta biết bảo vệ thành quả mà chúng ta được thừa hưởng và không ngừng vun xới, phát triển nó thì những giá trị ấy không bao giờ mai một. Hơn nữa, chúng ta cũng cần biết chia sẻ với người khác bởi “sống là cho đâu đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu). Bản thân mỗi người cần phải có trách nhiệm với những gì được thừa hưởng. Đó là trách nhiệm đối với các thế hệ đi trước hay rộng hơn là trách nhiệm với nhân dân, đất nước. Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng lối sống vị tha, biết đặt quyền lợi của tập thể lên trên quyền lợi của mình, cống hiến, đóng góp sưc mình vào các công việc chung của cọng đồng, tổ chức. Có như vậy tập thể mới hoàn thiện và vững mạnh.
Câu tục ngữ trên đã giúp chúng ta nhìn nhận lại chính lối sống của bản thân. Có bao giờ bạn thấy biết ơn gia đình, cha mẹ – những người đã cho bạn cuộc sống như ngày hôm nay chưa?
--------------------------
Trên đây VnDoc tổng hợp các dạng bài văn mẫu lớp 10: Anh chị giải thích câu tục ngữ: “Ăn cây nào rào cây đấy” cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 10 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 và biết cách soạn bài lớp 10 và các tác giả - tác phẩm Ngữ văn 10 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.