Bình giảng bài thơ Tâm tư trong tù của Tố Hữu
Bình giảng tác phẩm Tâm tư trong tù của Tố Hữu
Văn mẫu lớp 12: Bình giảng bài thơ Tâm tư trong tù của Tố Hữu được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm nhằm giúp các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Bình giảng tác phẩm Tâm tư trong tù mẫu 1
Trong thời kì của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, hình ảnh người lính xuất hiện rất nhiều trong văn học. Bên cạnh tình đồng chí đồng đội, hình ảnh người lính trên sa trường,… thì hình ảnh người lính trong ngục tù cũng là một dòng chính của văn học cách mạng. “Tâm tư trong tù” của Tố Hữu là một tác phẩm điển hình
Vào năm 1939, thực dân Pháp tiến hành đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương. Cuối tháng Tư cùng năm, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt tại Huế. Bài thơ “Tâm tư trong tù” ra đời trong những ngày tháng căng thẳng của toàn thế giới nói chung và dân tộc ta nói riêng. Nhà thơ sáng tác tác phẩm khi bị giam trong xà lim tại nhà lao Thừa Thiên. Những ngày tháng chịu tù đày ấy đã làm nảy sinh trong tâm hồn người chiến sĩ những cảm xúc vô cùng đặc biệt và nảy nở thành những vần thơ da diết.
Bao trùm lên toàn bộ bài thơ là ấn tượng sâu sắc về nỗi cô đơn đến tột cùng:
“Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!
Từ “thay” khiến câu thơ như một tiếng than, tiếng thở dài đầy ngao ngán. Từ đó, câu thơ đã thể hiện tâm trạng buồn bã, đơn côi của người chiến sĩ. Tâm trạng ấy khiến ta liên tưởng đến những lời thơ trong “Khi con tu hú”. Trước khung cảnh thiên nhiên mùa hè tràn đầy sức sống với màu vàng trải dài bất tận của lúa chiêm cùng tiếng ve ngân rộn ràng, bầu trời xanh cao vời vợi thì chàng thanh niên Tố Hữu đã cảm thấy không gian trong tù thật bí bách, ngột ngạt đến mức muốn phá tan cánh cửa nhà tù:
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!
Với “Tâm tư trong tù”, tác giả không cần sử dụng những động từ mạnh mà tập trung bộc lộ cảm giác cô đơn nhưng suy cho cùng, tất cả đều là biểu hiện của khao khát tự do cháy bỏng. Sống trong xà lim chật hẹp, tăm tối, đôi chân bị trói chặt bởi xiềng xích khiến chàng thanh niên 19 tuổi ấy cảm thấy thật cô quạnh. Nhưng càng cô đơn, cõi lòng con người lại càng mở rộng đón nhận những âm vang của đời sống: “Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực”. Người tù hình dung về cuộc sống bên ngoài bằng cả thính giác và tâm hồn, sự liên tưởng. Tố Hữu cảm giác như những âm thanh xao động của đời sống như đang “lăn” vào nhà giam, mang theo những điều “vui sướng biết bao nhiêu” đến với người chiến sĩ. Những thanh âm, hình ảnh ấy khiến “lòng sôi rạo rực” không lúc nào nguôi.
Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp đối lập để thể hiện rõ khát khao tự do. Khung cảnh ngoài kia vui náo nức, những ngày tháng hăng say hoạt động cách mạng đối lập với tình cảnh thực tế:
Đây âm u đôi ánh lạt ban chiều
Len nhè nhẹ qua rào ô cửa nhỏ
Đây lạnh lẽo bốn tường vôi khắc khổ
Đây sàn lim, manh ván ghép sầm u...
Nhà thơ như đưa mắt nhìn xung quanh và miêu tả không gian nhà tù một cách cụ thể. Nhà tù tuyệt nhiên không có một chút ánh sáng như muốn bóp nghẹt lấy niềm hy vọng của con người, chỉ có đôi ba ánh nắng nhàn nhạt của buổi ban chiều khẽ len lỏi qua ô cửa nhỏ. Bao quanh người chiến sĩ là bốn bức tường vôi xám xịt, chật chội hòng giam hãm cả đôi chân và suy nghĩ của con người. Những mảnh vát lim lát sàn càng khiến căn phòng thêm đáng sợ, u ám, buồn bã. Thật là một sự tra tấn tinh thần khủng khiếp đối với người chiến sĩ trẻ tuổi, trẻ lòng.
Điều đặc sắc ở hồn thơ Tố Hữu và cũng là một đặc trưng của thơ ca cách mạng chính là tinh thần lạc quan, vượt lên nghịch cảnh. Cô đơn của Tố Hữu không dẫn đến sự bi lụy mà ngược lại, càng thể hiện sự gắn bó tha thiết giữa con người với xã hội, cộng đồng, phong trào cách mạng sôi nổi:
Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở kia vui sướng biết bao nhiêu!
Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều
Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về...
Thủ pháp điệp cấu trúc lặp lại ở bốn câu thơ đầu của hai khổ thơ như một điệp khúc cho thấy sự giằng xé, bồn chồn trong tâm can người chiến sĩ. Tự do và áp bức, cuộc sống và nhà tù,… tất cả xáo trộn nơi cõi lòng nhà thơ. Những âm thanh rất bình thường trong đời sống như tiếng chim hót, tiếng loài dơi đập cánh ban chiều, tiếng lạc ngựa, tiếng guốc đi về trên đường xa,… nay lại trở thành niềm mong ước xa vời. Qua cảm nhận tinh tế và mãnh liệt của nhà thơ, những âm thanh quen thuộc ấy bỗng trở nên giàu sức gợi hình gợi cảm. Tiếng guốc đi về đã lùi xa nhưng những dư âm mà nó để lại thì vẫn xốn xang mãi trong hồn người đúng như Hoài Thanh nhận xét: “Một tiếng guốc dưới đường xa nhà thơ ghi vội, đã bao nhiêu năm rồi còn vang mãi trong thơ”. Khổ thơ cho thấy niềm khát khao hạnh phúc, tự do, tình yêu đời, gắn bó với cuộc sống của nhà thơ Tố Hữu.
Ôi! Hôm nay sao nhựa sống tràn trề
Trong những tiếng nghe chừng quen thuộc quá!
Nghe gió xối trên cành cây ngọn lá
Nghe mênh mang sức khoẻ của trăm loài
Tôi mơ hồ nghe tất cả bên ngoài
Đang ríu rít giữa một trời rộng rãi
Đang hút mật của đời sây hoa trái
Hương tự do thơm ngát cả ngàn ngày...
Tâm tư người tù cứ chìm vào miền lãng mạn, bay bổng với những suy nghĩ về cuộc sống mến yêu rồi lại trở về với hiện thực cay đắng. Từ “Ôi!” đặt ở đầu dòng thơ thể hiện sự trào dâng cảm xúc mạnh mẽ, nhựa sống như càng tràn trong lồng ngực con người tưởng như muốn vỡ òa ra. Điệp từ “nghe” lặp lại nhiều lần trong các khổ thơ cho thấy thái độ chăm chú, say sưa của tác giả. Nhà thơ tưởng tượng thế giới ngoài kia là “một trời rộng rãi, đời sây hoa trái”. Thậm chí, niềm vui tự do cũng biến thành hương thơm ngào ngạt, nồng nàn lan tỏa trong không khí.
Đang thả mình trong men say đời, say người mê đắm ấy, bỗng tác giả giật mình trở về với thực tại:
Ôi! Bao nhiêu ảo tưởng của hồn ngây
Tôi phút bỗng như quên đời thê thảm
Ở ngoài kia... biết bao thân tù hãm
Đoạ đầy trong những hố thẳm không cùng
Tôi chiều nay giam cấm hận trong lòng
Chỉ là một giữa loài người đau khổ
Tôi chỉ một con chim bé nhỏ
Vứt trong lồng con giữa một lồng to
Thán từ “Ôi” lặp lại nhưng không còn thể hiện cảm xúc xuýt xoa, vui sướng mà là sự bất ngờ, thảng thốt lúc tỉnh mộng. Nhà thơ bình tĩnh, lí trí hơn để nhận thức rõ thực tế. Đất nước vẫn chưa được độc lập, bầu trời tươi đẹp kia vẫn chưa thực sự tự do, đồng bào muôn nơi còn chưa được giải phóng, đang chịu biết bao đọa đày. Và hơn hết, chính nhà thơ cũng là một kẻ tù tội. Nhà tù đang giam cầm Tố Hữu chỉ là một nhà tù nhỏ bởi thực dân đang biến cả Tổ quốc thân yêu của ta thành nhà tù rộng lớn. Hình ảnh “con chim bé nhỏ” gợi trong lòng người những suy nghĩ sâu sắc về thân phận, ước mơ của con người và tình cảnh tăm tối của xã hội đương thời.
Khổ thơ tiếp theo đã thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong tâm hồn nhà thơ. Dù có cô đơn, buồn bã, căm giận nhưng Tố Hữu đã vượt lên trên tất cả những cảm xúc ấy để giương cao lá cờ tự do, ý chí kiên cường, tinh thần hi sinh vì Tổ quốc:
Chuyển đời quay theo tiếng gọi tự do
Tôi chỉ một giữa muôn người chiến đấu
Vẫn đứng thẳng trên đường đầy lửa máu
Chân kiêu căng không thoái bộ bao giờ!
Khổ thơ thể hiện sự hòa quyện giữa cái tôi cá nhân và cái ta chung của toàn dân tộc. Tinh thần thép ấy đã truyền cho bài thơ hơi thở khỏe khoắn, tràn đầy sinh lực. Hình ảnh “đường đầy máu lửa”, “Chân kiêu căng không thoái bộ bao giờ” bộc lộ rõ khí tiết ngạo nghễ của người làm cách mạng cùng lòng tự tôn dân tộc, tinh thần quyết chiến quyết thắng, sẵn sàng vượt qua mọi gian lao thử thách. Dù “xa tạm ngọn cờ đào” nhưng tinh thần đấu tranh “vẫn còn thôi thúc não”, cánh cửa nhà giam ở bất cứ đâu cũng không thắng được ý chí người chiến sĩ cộng sản. Tiếng thơ là lời thề danh dự của Tố Hữu và cũng là lời thề vàng đá của biết bao những người chiến sĩ khác:
Tôi sẽ cười như kẻ sẵn lòng tin
Giữ trinh bạch linh hồn trong bụi bẩn:
Tôi chưa chết, nghĩa là chưa hết hận
Nghĩa là chưa hết nhục của muôn đời
Nghĩa là còn tranh đấu mãi không thôi
Còn trừ diệt cả một loài thú độc!
Có một tiếng còi xa trong gió rúc...
Đây chính là tuyên ngôn về lẽ sống của người chiến sĩ cách mạng: quyết tâm giữ cho tâm hồn trong sạch dù sống trong cảnh tù đày, quyết tâm giành lấy tự do, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì Tổ quốc, nhất định không chịu khom lưng luồn cúi làm nô lệ. Truyền thống ngàn đời, triết lí sống “Thà chết vinh còn hơn sống nhục” của con người Việt Nam đã được tái hiện một cách chân thực, tình cảm, hiện đại trong thơ Tố Hữu. Tiếng còi tàu xa trong gió rúc ở câu kết là tiếng còi hiện thực hay chính là khát vọng tự do, tinh thần yêu nước đang thúc giục bước chân người lính trẻ?
Với “Tâm tư trong tù”, Tố Hữu đã thể hiện được vị thế của “lá cờ đầu trong thơ ca cách mạng”. Nói như Đoàn Đức Phương, tác phẩm thực sự đã “thắp lên “một ngọn nến nhỏ” của dũng khí, của niềm tin và của hy vọng”.
Bình giảng tác phẩm Tâm tư trong tù mẫu 2
Tố Hữu – cái tên gọi thân quen đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam như một biểu tượng của thơ ca cách mạng. Mồi lời thơ tác giả viết ra đều tràn đầy nhuệ khí yêu nước, thấm nhuần tình cảm cách mạng. Với giọng thơ vừa bồi hồi náo nức, vừa mạnh mẽ thiết tha, người đọc đã cảm nhận được cái tôi – cái tôi công dân, cái tôi chiến sĩ của một thanh niên cách mạng đồng thời cũng là cái tôi trữ tình mới mẻ, trẻ trung dạt dào và tràn đầy cảm hứng lãng mạn. “Tâm tư trong tù” là một bài thơ như thế, mà có lẽ đoạn trích sau đây là đoạn hay nhất, xúc động nhất của cả bài thơ:
“Cô đơn thay là cảnh thân tủi
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi vệ…
“Tâm tư” – ấy là tâm sự, tình cảm và tư tưởng của Tố Hữu trong những ngày đầu bị giam ở nhà lao Thừa Thiên (Huế). Với một người bình thường thì tâm sự ấy có thể là lời nỉ non, cầu khổ hay chua chát; nhưng với Tố Hữu thì không. Đọc bài thơ ta đã phải bất ngờ trước những cảm nhận tinh tế và một giọng thơ chân thành, tha thiết của tác giả:
“Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu”
Bao trùm lên khổ thơ là cả một tâm trạng “cô đơn”. Lần đầu tiên gặp “cảnh thân tù” Tố Hữu cảm thấy cô đơn, thèm khát cuộc sống rộn rã bên ngoài. Và người thanh niên ấy đã hướng ra cuộc sống bên ngoài bằng đôi tai của mình để quên đi cảnh hiện tại. Với cảm nhận tinh tế nhà thơ đã nghe được nhịp đời đang “lăn náo nức”, cảm nhận được cuộc sống bên ngoài thật là “vui sướng biết bao”. Từng câu, từng chữ đầy nuối tiếc, thể hiện tột cùng sự khao khát tự do.
Sở dĩ Tố Hữu cô đơn và phải hướng ra cuộc sống bên ngoài để quên đi thực tại là vì: trước đó không lâu, tác giả còn là một học sinh, một người thanh niên:
“Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi”
Rồi khi được giác ngộ cách mạng, chọn cho mình một con đường đi đúng đắn, tác giả đã hăng hái hoạt động cách mạng với niềm vui dạt dào trong trái tim tuổi thanh xuân:
“Vui quá! Rộn ràng trên vạn nẻo
Bốn phương trời và sau dấu muôn chân
Cũng như tôi tất cả tuổi đương xuân
Chen bước nhẹ trong gió đầy ánh sáng”
(“Hy vọng”, 1938)
Tâm hồn người chiến sĩ cách mạng trẻ là “một vườn hoa lá. Rất đậm hương và rộn tiếng chim”. Cuộc đời phía trước là mùa xuân bát ngát: “Bạn đời là vui lắm cả trời hồng”. Với sức sống mãnh liệt ở tuổi đời mười tám, đôi mươi:
“Hai mươi tuổi tim đang dào dạt máu
Hai mươi tuổi hồn quay trong gió bão
Gân đang săn và thớ thịt căng da
Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa”
Tố Hữu đang nhìn cuộc đời bằng màu hồng, đang hăm hở bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần cách mạng đầy nhiệt huyết. Vậy mà bồng chốc đã bị nhốt giữa “bốn tường khắc khổ” bị cùm trói, nằm trong xà lim lạnh lẽo tối tám, ngăn cách hoàn toàn với thế giới bên ngoài thì làm sao tác giả tránh khỏi cảm giác cô đơn. Và không chỉ cô đơn mà còn bực bội, u uất.
Trong bài “Khi con tu hú”, Tố Hữu cũng đã thể hiện tâm trạng đó:
“Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu”
Song, nỗi niềm “cô đơn thay là cảnh thân tù” ở đây không phải là lời than thở kêu rên hèn yếu. Đó là sự xác nhận – xác nhận một sự thật phũ phàng. Mấy ai chưa phải sống “cảnh thân tù” mà hiểu hết nỗi đời cực nhọc “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Nhưng điều quý giá nhất ở đây là tác giả xác định đúng cảnh tù đày:
‘Đời cách mạng từ khi tôi đà hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề tận cổ, súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa”
Xác định để chấp nhận. Vì yêu nước, gắn bó với cách mạng nên người thanh niên ấy vẫn nguyện; Quyết hi sinh phá tan hết gông xiềng cho Tổ quốc muôn muôn năm độc lập”
Nếu không có tấm lòng ham sống thiết tha yêu.đời và tinh thần nhiệt huyết cách mạng thì làm sao Tô Hữu có thể bộc lộ tâm trạng cô đơn của mình bằng những câu thơ hay đến thế. Và điều thể hiện rõ nhất sự thiết tha với đời, muôn hòa nhập với thế giới bên ngoài để quên đi cảnh cô đơn ấy, tác giả đã hướng ra cuộc sống bên ngoài bằng thính giác:
“Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều
Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh.
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về”
Với “tai mở rộng” và “lòng sôi rạo rực”, người thanh niên chăm chú và hào hứng đón nhận mọi âm thanh, mọi diễn biến, luôn ước muốn nắm bắt được vi mạch cuộc sống bằng mọi giác quan, bằng tất cả tâm hồn mình. Cuộc đời đang “lăn”, nhịp đời đang trôi và tiếng đời đang vang xa. Hiện thực là đây tiếng chim reo, tiếng dơi chiều đập cánh, tiếng lạc ngựa và cả tiếng guốc đi về. Đấy là âm thanh của cuộc sống hàng ngày mà người đời thường lãng quên.
Thế nhưng với Tô’ Hữu đó lại là sợi chỉ hồng duy nhất nôi nhà thơ với cuộc sống bên ngoài. Nhà thơ đã chăm chú lắng nghe, trân trọng những hoạt động ấy mà tưởng tượng mạnh mẽ với cảnh hùng vĩ “gió mạnh lên triều”, âm thanh vội vã của tiếng dơi chiều đập cánh và cả tiếng ngựa rùng chân để báo hiệu một nước “kiệu” mạnh mẽ. Nhưng có lẽ bình dị và thân thuộc nhất vẫn là “tiếng guốc đi về một âm thanh nhỏ bé rất dễ bị lãng quên nhưng hình ảnh mộc mạc ấy lại có sức lay động lòng người một cách thấm thía.
Nếu như âm thanh của tiếng chim, tiếng gió và cả tiếng lạc ngựa rừng chân là những nốt nhạc dạo đầu, khơi dòng tâm sự thì tiếng guốc nhỏ, to xuất hiện mới xoáy sâu vào trái tim con người. Bởi lẽ mọi âm thanh ấy còn xa lắm, lạnh lẽo lắm; chỉ có tiếng guốc bình dị thân thương mới gần gũi, mang hơi ấm của con người, đó mới là sự sống đích thực. Mới nghe qua ta tưởng tiếng guốc ấy lạc lõng giữa dòng đời, thậm chí còn tầm thường nữa. Nhưng càng đọc ta càng cảm nhận thấy tiếng guốc thân thuộc biết bao, gắn liền với mồ hôi và nước mắt của con người cần lao, cũng nhức nhối như “một tiếng rao đêm” nghe được giữa đêm khuya qua song sắt nhà tù:
“Rao đi em, kẻo nửa quá khuya rồi…
Anh nằm nghe qua cửa khám, xa xôi
Tiếng em bước trên đường đêm nhỏ nhỏ
Nhưng cũng đủ cho lòng anh lắng rõ”.
(Xà lim Qui Nhơn tháng 11 – 1941).
Tiếng guốc ấy gợi bao tình cảm của người thanh niên trong cảnh ngộ: thân tù cô đơn. Nghe tiếng guốc đi về mà người thanh niên thấy thèm khát được tự do, được trở về tổ ấm gia đình. Phải có sự cảm nhận tinh tế, một tâm hồn nhạy cảm thế nào, nhà thơ mới có thể nghe và tưởng tượng được cảnh ngoài phố vừa cụ thể vừa sinh động ấy được. Chỉ bằng thính giác mà nhà thơ đã cảm giác được âm thanh, hình tượng và cả cái lạnh đã thấm sâu vào làn nước ở đáy tầng sâu. Tác giả đã tạo nên hai cảnh đối lập giữa tâm tư trong tù và cuộc sống bên ngoài.
Nếu trong tù cô đơn, lẻ loi bao nhiêu thì cuộc sống bên ngoài là sự sống, hương thơm mật ngọt của đời bấy nhiêu. Tuy nhiên trong hoàn cảnh tù đày, sự cô đơn ấy không hề làm cho người chiến sĩ cách mạng tàn lụi và nhỏ bé đi mà trái lại đó là động lực để thúc tỉnh, lay gọi và vươn tới, khẳng định một tâm thế giữ trọn “trinh bạch linh hồn trong bụi bẩn”. Nhà tù đầy rẫy những bất công tàn bạo ấy không thể uy hiếp được tinh thần, không thể giam hãm được tâm hồn của người chiến sĩ cộng sản, tâm thế ấy vẫn một lòng với cách mạng, vẫn hiên ngang tranh đấu:
“Tu vì ta ba chục triệu người
Cũng vì ba ngàn triệu trên đời”.
Có thể nói đoạn thơ đã minh chứng cho phong cách nghệ thuật trữ tình chính trị của Tố Hữu và nổi bật là cái “tôi” trữ tình. Nói về tâm tư, tình cảm, những trăn trở cũng như khát vọng của một thanh niên hừng hực khí thế cách mạng rất hợp lý, nồng nhiệt và tinh tế. Nhân vật trữ tình là “tôi” nhưng lại là cả một cộng đồng, tâm trạng của riêng, một con người trong tù ngục nhưng lại biểu hiện cho cuộc sống ngục tù của tất cả mỗi người Việt Nam thời ấy. Suy nghĩ và nhận thức của một người chiến sĩ trẻ luôn lắng nghe, trân trọng và nâng niu cuộc sống, khao khát tự do và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng. “Tâm tư trong tù’ phản ánh chân thực tình cảm và tâm trạng của người chiến sĩ trẻ trong những ngày đầu bị đọa đày trong ngục tối: đó là nỗi cô đơn nhưng đích thực là khúc tráng ca về tự do. Bài thơ đẹp vì người chiến sĩ ấy đã sông tuyệt đẹp trong “Máu lửa – xiềng xích – giải phóng”.
-----------------------------------------------------------------
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Bình giảng bài thơ Tâm tư trong tù của Tố Hữu. Mời các bạn tham khảo thêm các tài liệu khác tại Ngữ văn lớp 12, Văn mẫu lớp 12