Cách xếp lương đối với giáo viên trung học cơ sở hạng 2
Xếp lương giáo viên THCS theo quy định mới
VnDoc mời các bạn cùng theo dõi bài viết về Cách xếp lương đối với giáo viên trung học cơ sở hạng 2 cũng như tiêu chuẩn xếp lương giáo viên THCS.
- Quy định về xếp lương giáo viên sau thăng hạng
- Cách tính lương giáo viên THCS theo quy định mới nhất 2021
Hỏi:
Xin tư vấn dùm em về cách xếp lương của giáo viên THCS tháng 9 năm 1999 em về dạy trường Bán công. Hệ số lương 1,78. Năm 2002, em xin về trường PT Hermann Gmerner thuộc tổ chức SOS, không có hệ số lương (thuộc biên chế cơ hữu của SOS) cho đến năm 2014, em xin về trường THCS, nhưng chỉ tính hệ số lương 2,34 bậc 1, và hưởng thâm niêm 15 năm (15%) theo đóng bảo hiểm xã hội. Vậy là mất 17 năm đi dạy và làm lại từ đầu, cách sắp lương như vậy có đúng không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 9 Thông tư liên tịch 22/2015/TTLT-BGDĐT quy định cách xếp lương như sau:
"1. Các chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở quy định tại Thông tư liên tịch này được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) như sau:
a) Chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38);
b) Chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).
c) Chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ hệ số 2,10 đến hệ số lương 4,89).
2. Việc xếp lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức quy định tại Khoản 1 Điều này đối với viên chức đã được xếp lương vào các ngạch giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Quyết định số 202/TCCP-VC; Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV; Nghị định số 204/2004/NĐ-CP; Khoản 3 Mục II Thông tư liên tịch số 81/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2005 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với một số ngạch công chức, viên chức mới được bổ phân loại công chức, viên chức thuộc ngành thủy lợi, giáo dục và đào tạo, văn hóa – thông tin, y tế và quản lý thị trường được thực hiện như sau:
Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở có hệ số bậc lương bằng ở ngạch cũ thì thực hiện xếp ngang bậc lương và phần trăm (%) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) vào chức danh nghề nghiệp mới được bổ nhiệm;
… "
Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định các chế độ phụ cấp lương như sau:
"1. Phụ cấp thâm niên vượt khung: áp dụng đối với các đối tượng xếp lương theo bảng 2, bảng 3, bảng 4 và bảng 7 quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh.
a) Mức phụ cấp như sau:
a1) Các đối tượng xếp lương theo các ngạch từ loại A0 đến loại A3 của bảng 2, bảng 3, các chức danh xếp lương theo bảng 7 và các chức danh xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát: Sau 3 năm (đủ 36 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó; từ năm thứ tư trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.
a2) Các đối tượng xếp lương theo các ngạch loại B, loại C của bảng 2, bảng 3 và nhân viên thừa hành, phục vụ xếp lương theo bảng 4: Sau 2 năm (đủ 24 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch thì được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch đó; từ năm thứ ba trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.
…"
Điều 7 Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định chế độ nâng bậc lương:
"1. Thực hiện nâng bậc lương thường xuyên trên cơ sở kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh.
Thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh để xem xét nâng bậc lương thường xuyên quy định như sau:
…
b) Đối với các đối tượng xếp lương theo bảng 2, bảng 3, bảng 4 quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh để xét nâng bậc lương như sau:
b1) Các đối tượng xếp lương theo các ngạch từ loại A0 đến loại A3 của bảng 2, bảng 3 và các chức danh xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát: Sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng lên một bậc lương.
b2) Các đối tượng xếp lương theo các ngạch loại B, loại C của bảng 2, bảng 3 và nhân viên thừa hành, phục vụ xếp lương theo bảng 4: Sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch được xét nâng lên một bậc lương."
Theo thông tin bạn cung cấp bạn được tính hệ số lương là 2.34 tức bạn là giáo viên trung học cơ sở hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 bậc 1. Theo quy định trên, viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở có hệ số bậc lương bằng ở ngạch cũ thì thực hiện xếp ngang bậc lương và phần trăm phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Điều kiện hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung chỉ được áp dụng khi đủ đủ 36 tháng đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh. Đối với bạn đang được xếp lương ở bậc 1 chưa phải là bậc lương cuối cùng trong ngạch A1 nên không được xét hưởng thâm niên vượt khung. Do đó, nhà trường xét bạn hệ số lương 2.34 và 15% phụ cấp thâm niên vượt khung là trái quy định pháp luật.