Đề thi thử đánh giá năng lực ĐHQGHN 2016: Tư duy định tính
Đề thi thử đánh giá năng lực ĐHQGHN 2016: Tư duy định tính
Bài thi Đánh giá năng lực được chia thành các phần bắt buộc và tự chọn, 140 câu hỏi tương ứng với 140 điểm và chưa tính hệ số, tỷ lệ điểm giữa các câu. Phần thi tư duy định tính gồm 50 câu trắc nghiệm kiến thức Ngữ văn làm bài trong 60 phút. Mời các bạn thử sức với bài thi thử Đánh giá năng lực 2016 phần Tư duy định tính của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Đề thi thử đánh giá năng lực ĐHQGHN 2016: Tư duy định lượng (môn Toán)
Đề thi thử đánh giá năng lực ĐHQGHN 2016: Khoa học xã hội
Đề thi thử đánh giá năng lực ĐHQGHN 2016: Khoa học tự nhiên
THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC
CÁC PHẦN THI BẮT BUỘC
PHẦN 2: TƯ DUY ĐỊNH TÍNH (60 PHÚT)
ĐỀ THI MINH HỌA ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐHQGHN NĂM 2016
PHẦN 2: TƯ DUY ĐỊNH TÍNH (60 PHÚT)
Câu 51. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại
(A) Bò
(B) Chạy
(C) Cúi
(D) Đi
Câu 52. Bài thơ nào KHÔNG thuộc phong trào Thơ mới?
(A) Tràng giang
(B) Từ ấy
(C) Đây thôn Vĩ Dạ
(D) Vội vàng
Câu 53. Nhà văn nào KHÔNG PHẢI là tác giả của thời kì văn học trung đại Việt Nam?
(A) Nguyễn Bính
(B) Nguyễn Bỉnh Khiêm
(C) Nguyễn Du
(D) Hồ Xuân Hương
Câu 54. Tác phẩm nào KHÔNG thuộc giai đoạn văn học từ 1945 đến 1975?
(A) Đàn ghi ta của Lor-ca
(B) Việt Bắc
(C) Tây Tiến
(D) Sóng
Câu 55. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại
(A) Tập tễnh
(B) Cà nhắc
(C) Tấp tểnh
(D) Khập khiễng
Câu 56. Tác phẩm nào KHÔNG cùng thể loại với các tác phẩm còn lại?
(A) Hai đứa trẻ
(B) Số đỏ
(C) Chữ người tử tù
(D) Chí Phèo
Câu 57. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại
(A) Điểm yếu
(B) Yếu điểm
(C) Khuyết điểm
(D) Nhược điểm
Câu 58. Tác phẩm nào KHÔNG cùng thể loại với các tác phẩm còn lại?
(A) Vợ chồng A Phủ
(B) Vợ nhặt
(C) Người lái đò Sông Đà
(D) Rừng xà nu
Câu 59. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại
(A) Dự kiến
(B) Dự thính
(C) Dự liệu
(D) Dự tính
Câu 60. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại
(A) Nhỏ nhẹ
(B) Nhỏ nhen
(C) Nhỏ nhặt
(D) Nhỏ mọn
Câu 61 - 66: Đọc đoạn trích sau và trả lờitừ câu hỏi theo sau:
Chỉ số thông minh, hay IQ (viết tắt của Intelligence Quotient trong tiếng Anh), thường được cho là có liên quan đến sự thành công trong học tập, trong công việc. Những nghiên cứu gần đây cho thấy có sự liên quan giữa IQ và sức khỏe, tuổi thọ (những người thông minh thường có nhiều kiến thức hơn trong việc chăm sóc bản thân) và cả số lượng từ mà người đó sử dụng. Vậy, những điều gì khiến cho con người có chỉ số IQ cao hay thấp? Vai trò của di truyền và môi trường tác động lên trí thông minh là những điều được nói đến nhiều nhất. Khả năng kế thừa của một gen từ thế hệ trước sang thế hệ sau được biểu diễn bằng một số trong khoảng từ 0 đến 1, gọi là hệ số di truyền. Nói một cách khác, hệ số di truyền là phần trăm khả năng di truyền cho đời sau của một gen. Cho đến gần đây hệ số di truyền hầu hết chỉ được nghiên cứu ở trẻ em và người ta cho rằng hệ số di truyền trung bình là 0,5. Điều này cho thấy một nửa số gen của số trẻ được nghiên cứu là gen đã biến dị, hoặc bị tác động của yếu tố môi trường. Con số 0,5 cho thấy trí thông minh một phần là do kế thừa từ cha mẹ. Nghiên cứu ở người lớn tuy vẫn chỉ ở những mức rất sơ khai nhưng cũng có những kết quả rất thú vị: hệ số di truyền có thể lên đến 0,8. Yếu tố môi trường đóng vai trò rất lớn trong việc xác định trí thông minh ở một số trường hợp. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho lúc nhỏ được coi là rất quan trọng. Chế độ dinh dưỡng kém có thể làm suy giảm trí thông minh. Một số nghiên cứu khác về yếu tố môi trường còn cho rằng thai phụ trước khi sinh hay cho con bú nếu tiếp xúc với những loại độc tố hay thiếu các vitamin và muối khoáng quan trọng có thể ảnh hưởng đến IQ của đứa bé. Trong xã hội đã phát triển, môi trường trong gia đình có thể tạo ra 25% sự khác biệt. Tuy nhiên, khi lớn lên, điều này hầu như biến mất.
Câu 61. Theo đoạn trích, chỉ số thông minh được cho là có liên quan đến:
(A) kết quả học tập, công việc, sức khỏe, tuổi thọ và hành vi
(B) kết quả học tập, công việc, sức khỏe, tuổi thọ và số lượng từ
(C) kết quả học tập, công việc, sức khỏe, tuổi thọ và cách diễn đạt
(D) kết quả công việc, học tập, sức khỏe, tuổi thọ và tính cách
Câu 62. Theo đoạn trích, con số 0,5 của hệ số di truyền ở trẻ KHÔNG nói lên điều gì sau đây?
(A) Có sự tác động của môi trường đến trí thông minh của trẻ
(B) Một nửa số gen của trẻ trong nghiên cứu là gen đã biến dị
(C) Trí thông minh một phần là do kế thừa từ cha mẹ
(D) Khả năng kế thừa của gen ở thế hệ sau là rất lớn
Câu 63. Theo đoạn trích, chỉ số IQ của con người chịu tác động của những yếu tố nào?
(A) Hệ số di truyền và vitamin
(B) Điều kiện môi trường và chế độ dinh dưỡng của đứa trẻ
(C) Chế độ dinh dưỡng của người mẹ và đứa trẻ
(D) Yếu tố di truyền và môi trường
Câu 64. Theo đoạn trích, tác động của yếu tố môi trường gia đình đối với chỉ số IQ của con người như thế nào?
(A) Quan trọng khi con người còn nhỏ và dần biến mất khi con người trưởng thành
(B) Quan trọng hơn yếu tố di truyền và chế độ dinh dưỡng của người mẹ
(C) Quan trọng hơn yếu tố di truyền và chế độ dinh dưỡng của trẻ nhỏ
(D) Rất quan trọng đối với chỉ số IQ khi con người trưởng thành
Câu 65. Theo đoạn trích, hệ số di truyền được hiểu là gì?
(A) Là con số trong khoảng từ 0 đến 1, thể hiện khả năng kế thừa của một gen từ thế hệ trước sang thế hệ sau
(B) Là con số trong khoảng từ 0 đến 1, thể hiện tỉ lệ di truyền trí thông minh từ thế hệ trước sang thế hệ sau
(C) Là con số trong khoảng từ 0 đến 1, thể hiện số gen biến dị hoặc bị tác động bởi yếu tố môi trường
(D) Là con số trong khoảng từ 0 đến 1, thể hiện sự kế thừa gen thông minh của bố mẹ
Câu 66. Chủ đề của đoạn trích là gì?
(A) Vai trò của di truyền và môi trường tác động lên trí thông minh của con người
(B) Vai trò của di truyền và môi trường đối với chỉ số thông minh (IQ)
(C) Chỉ số thông minh (IQ) và các thành tố liên quan
(D) Vai trò của hệ số di truyền đối với trí thông minh của con người
Câu 67 - 71: Đọc đoạn trích sau và trả lời từ câu hỏi sau:
Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:
- Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…
Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn.
(Kim Lân, Vợ nhặt)
Câu 67. Từ “thảm hại” (được in đậm, gạch chân trong đoạn trích) có nghĩa là gì?
(A) Nghèo khó, không đủ ăn
(B) Đơn sơ, giản dị
(C) Xoàng xĩnh, tồi tàn
(D) Thiếu thốn, tội nghiệp
Câu 68. Từ “tính” trong câu nói “Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá” có nghĩa giống với từ nào sau đây?
(A) Hiểu
(B) Nghĩ
(C) Thấy
(D) Định
Câu 69.Câu nói: “Này ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...” có ý nghĩa gì?
(A) Niềm tin và hi vọng vào việc làm ăn trong cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn
(B) Sự chăm chỉ sẽ đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn
(C) Việc làm ăn thuận lợi sẽ đem lại hạnh phúc cho gia đình
(D) Biết chờ đợi sẽ mang đến cho con người niềm vui
Câu 70. Chủ đề của đoạn trích trên là gì?
(A) Bữa cơm “thảm hại” trong ngày cưới của gia đình Tràng
(B) Sự thay đổi tốt đẹp của Tràng từ khi có vợ
(C) Niềm vui của bà mẹ khi con trai mình có vợ
(D) Tình cảm và hi vọng của con người trong khó khăn
Câu 71. Đoạn trích thể hiện tài năng viết truyện ngắn của Kim Lân ở phương diện nổi bật nào?
(A) Miêu tả chân thực ngoại hình và tính cách nhân vật
(B) Chọn tình huống đặc sắc và chi tiết tiêu biểu
(C) Ngôn ngữ đối thoại sinh động và độc thoại nội tâm sâu sắc
(D) Sử dụng ngôi kể thứ nhất hợp lý và điểm nhìn linh hoạt
Câu 72 - 76: Đọc đoạn thơ sau và trả lời từ câu hỏi sau:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
(Quang Dũng, Tây Tiến)
Câu 72. Âm hưởng của đoạn thơ trên là gì?
(A) Bi ai
(B) Bi tráng
(C) Bi lụy
(D) Bi thương
Câu 73. Hình tượng người lính Tây Tiến được thể hiện nhiều nhất với vẻ đẹp nào?
(A) Ngang tàng, ngạo nghễ
(B) Hào hùng, hào hoa
(C) Chân thực, giản dị
(D) Trẻ trung, tếu táo
Câu 74. Đoạn thơ thể hiện phong cách thơ Quang Dũng như thế nào?
(A) Trữ tình, chính luận
(B) Uyên bác, hướng nội
(C) Lãng mạn, tài hoa
(D) Trữ tình, chính trị
Câu 75. Câu thơ: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" thể hiện ý nghĩa gì?
(A) Những chiến công của người lính Tây Tiến
(B) Khí phách của người lính Tây Tiến
(C) Những gian khổ mà người lính Tây Tiến gặp phải
(D) Sự mất mát hi sinh của những người lính Tây Tiến
Câu 76. Câu thơ "Rải rác biên cương mồ viễn xứ" sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào?
(A) Liệt kê, đối lập
(B) Nhân hóa, ẩn dụ
(C) Đảo ngữ, nhân hóa
(D) Đảo ngữ, ẩn dụ
Câu 77 - 86: Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong các câu dưới đây
Câu 77. Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu là khúc hùng ca, cũng là khúc …………………… về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến.
(A) tình ca
(B) hòa ca
(C) trường ca
(D) hợp ca
Câu 78. Về nghệ thuật, văn học từ thời kì đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 đã đạt được những ………………… hết sức to lớn, gắn liền với kết quả ………………… về thể loại và ngôn ngữ.
(A) thành tựu – cách tân
(B) thành công – to lớn
(C) thành tích – cách mạng
(D) giá trị – khác biệt
Câu 79. Tuyên ngôn độc lập là ……………………… lịch sử tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới.
(A) văn phong
(B) văn kiện
(C) văn tự
(D) văn bản
Câu 80. Nhìn chung, …………………… đề cao cá tính sáng tạo, đề cao “cái tôi” cá nhân.
(A) Văn học hiện đại
(B) Văn học dân gian
(C) Văn học viết nói chung
(D) Văn học trung đại
Câu 81. Cũng như bất cứ một loại hình……………… nào khác, trong đời sống……………… luôn có mối quan hệ qua lại giữa sáng tạo, truyền bá và tiếp nhận.
(A) văn hóa – khoa học
(B) khoa học – văn học
(C) nghệ thuật – văn học
(D) khoa học – nghệ thuật
Câu 82. Nam Cao là nhà văn hiện thực lớn, nhà…………………… chủ nghĩa lớn, có đóng góp quan trọng đối với quá trình…………………… truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
(A) nhân đạo – hiện đại hóa
(B) nhân ái – cá biệt hóa
(C) nhân đạo – cá tính hóa
(D) nhân văn – thi vị hóa
Câu 83. Các nhân vật trong tác phẩm văn chương nhiều khi đối thoại với nhau bằng ngôn ngữ nhưng thật ra họ chỉ là những………………… cho tư tưởng nghệ thuật của tác giả, còn người tiếp nhận …………………… các tư tưởng ấy chính là độc giả.
(A) tuyên truyền viên – chính xác
(B) người phát ngôn – đích thực
(C) người vận chuyển – đích đáng
(D) người đại diện – chân chính
Câu 84. Cảm hứng ………………………… rất phong phú, đa dạng: là âm điệu hào hùng khi đất nước chống giặc ngoại xâm, là âm hưởng bi tráng lúc nước mất nhà tan, là giọng điệu thiết tha khi đất nước trong cảnh thái bình, thịnh trị.
(A) yêu nước
(B) nhân văn
(C) thế sự
(D) nhân đạo
Câu 85. Một …………………… của những người nuôi ong, nhà bảo tồn và những người ủng hộ an toàn thực phẩm đã kiện chính phủ Mỹ về việc giới chức nước này ……………………… người dân sử dụng những loại thuốc trừ sâu có thể gây hại cho ong.
(A) tập hợp – cấm
(B) đoàn thể – thuận tình cho
(C) liên minh – cho phép
(D) liên quân – cáo buộc
Câu 86. Khẳng định “văn hóa soi đường cho………………… đi”, Hồ Chí Minh đã thấy rõ ý nghĩa, vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội, con người, và xác định để hướng dẫn nhân dân thì “mình phải làm………………… cho người ta bắt chước”.
(A) dân sinh – mẫu
(B) quốc giáo – tấm gương
(C) quốc gia – nguyên tắc
(D) quốc dân – mực thước
Câu 87 - 96: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp, ngữ nghĩa, lô-gích, phong cách…
Câu 87. Việc một số công ty du lịch tổ chức các tour đón khách đến nghỉ ngơi, tắm biển được mở ra tại đây đã làm cho bãi biển khu vực này dần dần trở thành một khu du lịch nổi tiếng.
(A) đã làm cho
(B) được mở ra
(C) dần dần trở thành
(D) việc
Câu 88. Những tay cướp biển người Vai-king từng giương buồm đi khắp châu Âu và Bắc Đại Tây Dương trên những chiếc thuyền dài, đánh phá cướp bóc, xâm lược phần lớn các vùng đất trù phú tại châu Âu.
(A) trù phú
(B) những tay cướp biển
(C) giương buồm
(D) xâm lược
Câu 89. Kể từ đó, cả con hẻm 84 này lúc nào cũng chìm trong nỗi kinh hoàng của ma túy gây ra, không người nào dám bén mảng ra ngoài đường sau 10 giờ đêm.
(A) bén mảng
(B) của
(C) kể từ đó
(D) lúc nào
Câu 90. Bố tôi nhớ như in thời gian năm 1974 khi ông gặp mẹ tôi ở Tiền Giang và kết hôn với nhau cũng trong năm đó, bởi theo ông đây là quãng thời gian hạnh phúc nhưng cũng khó khăn nhất của hai người.
(A) nhớ như in
(B) bởi theo ông
(C) của hai người
(D) kết hôn với nhau
Câu 91. Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) là câu chuyện về những người dân lao động vùng châu thổ Tây Bắc không cam chịu áp bức, bóc lột của bọn thực dân, chúa đất, đã vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do.
(A) vùng lên phản kháng
(B) châu thổ Tây Bắc
(C) cam chịu áp bức
(D) cuộc sống tự do
Câu 92. Văn học hiện đại là văn học thoát ra khỏi biện pháp văn học trung đại và đổi mới theo hình thức văn học phương Tây.
(A) phương Tây
(B) biện pháp
(C) trung đại
(D) đổi mới
Câu 93. Ngoài việc giới thiệu tiêu chuẩn tuyển dụng, điều kiện làm việc tối ưu nhất, công ty còn tư vấn, định hướng rõ ràng cho ứng viên để họ bước vào nghề và nhanh chóng thành công.
(A) tối ưu nhất
(B) việc giới thiệu
(C) bước vào nghề
(D) còn tư vấn
Câu 94. Với lời văn trau chuốt, giàu hình ảnh, truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn TrungThành) đã tái hiện vẻ đẹp tráng lệ, hào hùng của con người và truyền thống văn hiến Tây Nguyên.
(A) văn hiến
(B) truyện ngắn
(C) tráng lệ
(D) hào hùng
Câu 95. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị, tầm thường.
(A) chân thành
(B) tầm thường
(C) khát vọng
(D) hồn nhiên
Câu 96. Đoạn trích Trao duyên thể hiện bi kịch tình yêu, thân thế bất hạnh và nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều, đồng thời cho thấy tài năng miêu tả nội tâm nhân vật của Nguyễn Du.
(A) bi kịch
(B) cao đẹp
(C) thân thế
(D) nội tâm
Câu 97 - 100: Đọc đoạn trích sau và trả lời từ câu hỏi sau:
Người ta có một niềm tin đầy tính áp đặt và bất di bất dịch vào quyền lực vô biên của cơ học cổ điển. Hệ thống cơ học của Niu-tơn đã vận hành tốt trong hơn hai trăm năm; đến mức, ở cuối thế kỉ XIX, nhiều nhà vật lí đã tin rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi sách giáo khoa Vật lí có thể khép lại mà không phải viết thêm gì nữa. Có thể còn những vấn đề mới sẽ nảy sinh, nhưng những vấn đề ấy chắc chắn sẽ giải quyết được trong khuôn khổ của vật lí Niu-tơn. Tuy nhiên, bất chấp niềm tin đó, bước vào ngưỡng cửa thế kỉ XX đã bắt đầu xuất hiện một số vết rạn nhỏ trong cơ học cổ điển mà người ta không thể phớt lờ đi được: có hai đặc tính nhỏ của ánh sáng chẳng phù hợp vào đâu trong hệ thống này. Năm 1900, trong bài diễn văn đọc trước viện Hoàng gia, huân tước Ken-vin, một nhà vật lí xuất sắc sau khi hết lời ca ngợi những chiến công của cơ học Niu-tơn đã đề cập đến hai vấn đề còn chưa giải quyết được liên quan đến ánh sáng và gọi đó là “hai đám mây còn sót lại ở bức tranh phong cảnh của Niu-tơn”. Nhưng việc xua tan được hai đám mây liên quan đến ánh sáng này hóa ra lại là rất khó, bất chấp sự chú tâm của những trí tuệ mẫn tiệp nhất.
Câu 97. Chủ đề của đoạn trích trên là gì?
(A) Tính ưu việt của thuyết cơ học cổ điển của Niu-tơn
(B) Thuyết cơ học cổ điển của Niu-tơn và hạn chế của nó
(C) Quá trình phát triển thuyết cơ học cổ điển của Niutơn
(D) Quyền năng vô hạn của thuyết cơ học cổ điển của Niu-tơn
Câu 98. Theo đoạn trích, “quyền lực vô biên của cơ học cổ điển” có thể được hiểu là gì?
(A) Thuyết cơ học cổ điển là cơ sở của mọi học thuyết vật lí khác
(B) Thuyết cơ học cổ điển có thể giải quyết mọi vấn đề trong thế giới
(C) Thuyết cơ học cổ điển là học thuyết xuất sắc nhất của mọi thời đại
(D) Thuyết cơ học cổ điển có thể giải quyết mọi vấn đề xảy ra trong vật lí
Câu 99. Theo đoạn trích, “hai đám mây” là hình ảnh thể hiện hai vấn đề như thế nào?
(A) Vô nghĩa
(B) Chưa rõ ràng
(C) Phi thực tế
(D) Viển vông
Câu 100. Từ “vết rạn” (được in đậm, gạch chân trong đoạn trích) có thể được thay thế bằng từ nào sau đây?
(A) Nghi vấn
(B) Vấn đề
(C) Nhầm lẫn
(D) Sai lầm
Đề thi thử đánh giá năng lực ĐHQGHN 2016 môn Tiếng Anh
Đề thi thử đánh giá năng lực ĐHQGHN 2016 môn Tiếng Trung
Đề thi thử đánh giá năng lực ĐHQGHN 2016 môn Tiếng Pháp
Đề thi thử đánh giá năng lực ĐHQGHN 2016 môn Tiếng Nhật
Đáp án đề thi thử đánh giá năng lực ĐHQGHN 2016 môn Văn
Câu 51. Chọn C: vì “cúi” chỉ tư thế của người, các từ còn lại chỉ hành động của đôi chân.
Câu 52. Chọn B: “Từ ấy” thuộc phong trào thơ ca cách mạng.
Câu 53. Chọn A: Nguyễn Bính là một tác giả thơ Mới 1932 – 1945.
Câu 54. Chọn A: Đàn ghi ta của Lor-ca nằm trong tập “Khối vuông Ru-bích” – 1985.
Câu 55. Chọn B: Đây không phải từ láy.
Câu 56. Chọn B: “Số đỏ” là tiểu thuyết, các tác phẩm còn lại là truyện ngắn.
Câu 57. Chọn B: Yếu điểm tức là điểm quan trọng, các từ còn lại chỉ những hạn chế, những điều chưa tốt của con người.
Câu 58. Chọn C: Người lái đò Sông Đà là tp tùy bút, còn các tác phẩm kia là truyện ngắn.
Câu 59. Chọn B: Dự thính là tham gia nghe, các từ còn lại chỉ sự tính toán, ước lượng.
Câu 60. Chọn A: Nhỏ nhẹ chỉ giọng nói, các từ còn lại chỉ tính cách.
Câu 61. Chọn B.
Câu 62. Chọn D.
Câu 63. Chọn B.
Câu 64. Chọn A.
Câu 65. Chọn A.
Câu 66. Chọn C.
Câu 67. Chọn C.
Câu 68. Chọn B.
Câu 69. Chọn A.
Câu 70. Chọn D.
Câu 71. Chọn C.
Câu 72. Chọn B.
Câu 73. Chọn B.
Câu 74. Chọn C.
Câu 75. Chọn B.
Câu 76. Chọn D.
Câu 77. Chọn A.
Câu 78. Chọn A.
Câu 79. Chọn B.
Câu 80. Chọn A.
Câu 81. Chọn C.
Câu 82. Chọn A.
Câu 83. Chọn B.
Câu 84. Chọn A.
Câu 85. Chọn C.
Câu 86. Chọn D.
Câu 87. Chọn A: sai ngữ nghĩa.
Câu 88. Chọn D.
Câu 89. Chọn B.
Câu 90. Chọn D.
Câu 91. Chọn B: sai ngữ nghĩa.
Câu 92. Chọn B: sai ngữ nghĩa.
Câu 93. Chọn D.
Câu 94. Chọn A.
Câu 95. Chọn B.
Câu 96. Chọn C.
Câu 97. Chọn B.
Câu 98. Chọn D.
Câu 99. Chọn B.
Câu 100. Chọn B.