Nghị luận về nghệ thuật tổ chức chất liệu ngôn từ trong bài Tây Tiến
BÀI VĂN NGHỊ LUẬN HAY NHẤT BÀN VỀ NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC CHẤT LIỆU NGÔN TỪ TRONG BÀI THƠ TÂY TIẾN
Nghị luận về nghệ thuật tổ chức chất liệu ngôn từ trong bài Tây Tiến là tài liệu văn mẫu lớp 12 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 12 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Vẻ đẹp ngôn ngữ thơ qua bài Tây Tiến của Quang Dũng
Phân tích cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
So sánh hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Đồng chí của Chính Hữu
Tây Tiến (1948) quả là nét son đẹp nhất trong đời thơ Quang Dũng. Cả bài thơ hiện ra như một sự hoà điệu đẹp đẽ giữa thơ – nhạc – hoạ. Về phương diện nghệ thuật, Tây Tiến còn thể hiện một trình độ tổ chức chất liệu ngôn từ xuất sắc với một cấu trúc thơ có thể nói đã đạt tới mức tối ưu. Nó thể hiện một cách đầy đủ các sắc độ chơi vơi trong nỗi nhớ của nhà thơ về một thời kì lịch sử hào hùng và lãng mạn. Sự độc đáo ấy của các lớp sóng ngôn từ chủ yếu được thể hiện qua cách sử dụng các từ địa danh một cách hợp lí.
Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng, trải dài từ Mai Châu, Châu Mộc – Hoà Bình, qua Lào rồi vòng về miền tây Thanh Hoá. Đó là một vùng đất hoang vu đầy bí mật. Quang Dũng không trao cho nỗi nhớ của mình những địa chỉ “vu vơ”, ông điểm danh từng tên cụ thể: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch… và sự có mặt của các địa danh này lập tức gợi ra ý niệm về sự xa ngái và hoang sơ. Trong trí nhớ người đọc, những cái tên kia thuộc một “típ” lạ, nó khác xa với những tên đất, tên làng vốn quen thuộc trong ca dao người Việt, nó cũng khác xa với kiểu “thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông” trong thơ Nguyễn Bính. Chính điều này đã trở thành một tác nhân kích thích trí tưởng tượng của người đọc, đẩy người đọc đứng trước sự tò mò khó cưỡng về những bí mật “đường rừng”.
Cả Tây Tiến là một nỗi nhớ khôn nguôi của, một vùng đất một thời trận mạc. Vậy nên, khi nhắc đến các địa danh này, ta nhận thấy những kí ức của quá khứ hiện về thật tươi nguyên, nó chen lấn thực tại, tạo nên độ nhoè giữa hai không gian: không gian hiện tại và không gian hồi tưởng. Bởi thế, dù lạ lẫm, qua hồn thơ và nỗi nhớ Quang Dũng, các địa danh ấy xâm chiếm cõi nhớ người đọc, giúp họ yên tâm cùng Quang Dũng “trôi” về một vùng đất đẹp đẽ, dữ dội và mộng mơ, đằm thắm.
Có một địa danh đi suốt bài thơ này, tạo nên “sợi nhớ sợi thương” trong nỗi nhớ nhà thơ là hình ảnh sông Mã. Đó là một dòng sông có thật, nhưng cũng là một sinh thể có hồn vía, có xúc cảm, nỗi niềm. Chính sông Mã đã thay lời Tổ quốc, thay lời nhân dân cất lên tiếng hát trầm hùng tiễn biệt những đứa con của quê hương đi vào cõi bất tử. Vượt qua tư cách là những tên đất tên làng như một khái niệm có tính địa lí, các địa danh trong Tây Tiến ngấm sâu nỗi nhớ của nhà thơ, và chính điều đó đã “làm đất lạ hoá quê hương”.
Riêng địa danh Mường Hịch trong câu thơ “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người” được dùng rất giỏi, chữ “Hịch” thanh trắc gắn với chữ “cọp” cũng thanh trắc làm cho người đọc liên tưởng đến những bước chân của chúa sơn lâm đang rình rập, đe doạ con người. Rõ ràng, Quang Dũng không sử dụng từ địa danh một cách tuỳ hứng mà ông biết chọn lựa và biết “điều phối” để tạo sức ám ảnh cho thơ. Đây cũng là một tài nghệ tạo lực hút của nhà thơ khi nhìn về độc giả. Nội lực các câu thơ của Quang Dũng chủ yếu dồn vào các động từ gây cảm giác mạnh.
Trong bức tranh tả núi, tả dốc, Quang Dũng có một kiểu đo độ cao độc đáo: “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Có thể thay chữ “ngửi” bằng chữ “chạm” được, nếu nói về độ cao thuần tuý. Nhưng chữ “chạm” dễ làm cho ý thơ yếu đi, chữ “ngửi” mới là yếu tố làm cho câu thơ sinh động hẳn lên. Với động từ này, chí ít, người đọc có thể cảm nhận được ba lớp ý: Thứ nhất, đó là một độ cao chóng mặt (trước là mây, sau là trời). Thứ hai, “ngửi” nói về sự tinh nghịch, một cách nói rất lính (mà Quang Dũng cũng từng là lính đấy thôi). Như vậy, cái độ cao kia có thể làm ai sợ hãi chứ lính Tây Tiến thì không. Vả lại, "ngửi" đã biến cây súng thành người. Biện pháp nhân hoá này nhấn mạnh một thực tế, những chàng trai Hà Nội vừa hào hoa thanh lịch vừa không kém phần dầu dãi, phong trần. Thứ hai, cả câu thơ cho thấy “chí ta cao hơn đèo”. Không một độ cao nào, không một khó khăn gian khổ nào có thể cản nổi bước chân những anh hùng vệ quốc.
Trong chiến tranh, hi sinh, tổn thất là điều không thể tránh. Nhưng “Gục lên súng mũ bỏ quên đời” lại là một cách nói lạ. Chữ “gục” trong câu thơ này vừa có tính tạo hình vừa có tính biểu cảm cao. Một mặt, “gục” giúp Quang Dũng tránh được việc dùng các từ chết, hi sinh…, mặt khác, nó vẫn giữ được cái thực tế nghiệt ngã và trần trụi của cuộc chiến. Câu thơ vì thế, không rơi vào bi lụy, hình ảnh thơ không bị thô. Đặc biệt, việc kết hợp “gục” với “bỏ quên đời” đã làm nảy lộ một cái nhìn: với người lính Tây Tiến, cái chết trở nên “không đáng kể”, nó chỉ là một chuyện “nhỏ” mà thôi. Cái nhìn ấy chỉ có thể có được ở những chàng trai ngang tàng, dám xả thân vì nghĩa lớn.
Tây Tiến là bài thơ dày đặc những câu thơ tài hoa, nhưng có thể nói “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” là câu thơ tiêu biểu nhất cho thi hứng toàn bài. Chữ “gầm” được dùng rất đắc địa. Nó là âm vang của sông núi, là điệu kèn vĩnh quyết, là khúc hát bi tráng… Vũ Quần Phương đã nhận xét khá tinh rằng: “Nội lực câu thơ đó không nằm ở bản thân nó mà rơi xuống từ câu trên: “Áo bào thay chiếu anh về đất". Vì cảnh bi hùng như vậy, sông Mã mới gầm lên và chỉ gầm lên đơn độc: “khúc độc hành". Cái tiếng vang rung chuyển và ngự trị cả một vùng thiên nhiên trời đất sinh ra từ những mất mát câm lặng của con người”. Bài thơ mang phẩm chất anh hùng ngay trong nỗi buồn. Sự có mặt của các từ Hán Việt cùng góp phần tạo nên thành công của thi phẩm.
Từ Hán Việt với đặc điểm chính là “nhòe về nghĩa, vang về ngữ âm, hạn chế về hoạt động” (Nguyễn Phan Cảnh) trước hết có ý nghĩa tạo ra màu sắc trang trọng, cổ kính cho thơ. Không phải ngẫu nhiên mà đoạn thơ thứ ba của Tây Tiến lại xuất hiện các từ Hán Việt nhiều như vậy: đoàn binh, biên cương, viễn xứ, độc hành… Ta biết rằng, trong những năm tháng cam go này, người lính Tây Tiến chết vì ốm, đói, bệnh tật nhiều hơn là chết vì đánh trận. Nếu sử dụng các từ thuần Việt để dựng lại cảnh tượng này, e mạch thơ lập tức sẽ rơi vào bi thương. Chính các từ Hán Việt đã làm cho cái màu sắc ảm đạm kia bị đẩy lùi. Quang Dũng không dùng “đoàn quân” mà ông dùng đoàn binh vì đoàn binh gợi lên khí thế “xung trận” sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, Quang Dũng có ý thức gợi không khí để nhấn mạnh gam màu hùng tráng. Chi tiết “áo bào” là một chi tiết có khả năng làm đẹp, làm sang để át đi một thực tế khắc nghiệt: những người lính khi hi sinh, manh chiếu che thân cũng chẳng có. Nó bắc một chiếc cầu liên tưởng giúp người đọc nhớ về một thời xưa, các anh hùng trượng phu thà chết nơi sa trường da ngựa bọc thây, thà “một đi không về” coi cái chết nhẹ tựa lông hồng… Nương vào các hình ảnh có tính “siêu mẫu” này chân dung đoàn binh Tây Tiến hiện lên thật lẫm liệt oai hùng.
Thêm nữa, sự có mặt của hệ thống từ thuần Việt: không mọc tóc, xanh, trừng, về đất, gầm… là những từ đậm chất lính, bình dị, đã góp phần “tiếp sức” cho sự có mặt của hệ thống từ Hán – Việt, tạo nên hiệu quả nghệ thuật đặc sắc, lấy cái bình dị để làm nổi bật cái cao cả, lấy cái bình thường để diễn tả cái anh hùng. Trên nền của cái bi, cái tráng vẫn xuất hiện như là yếu tố chủ đạo, tạo ra một sắc màu bi tráng độc đáo và ấn tượng. Chất keo kết dính các thành tố đã nói ở trên chính là cường độ và trường hợp của một nỗi nhớ chơi vơi.
Như ta biết, thoạt đầu thi phẩm có tên là Nhớ Tây Tiến. Sau đó, Quang Dũng đã bỏ từ nhớ. Điều này hoàn toàn hợp lí bởi lẽ toàn bộ bài thơ là một nỗi nhớ tràn đầy, tha thiết. Các sắc độ của nỗi nhớ được thể hiện hết sức tài hoa. Mở đầu bài thơ đã là một tiếng gọi, nỗi nhớ ùa về da diết và khắc khoải. Thán từ “ôi” trong câu thơ “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói” cũng góp phần tạo hiệu suất biểu cảm cho ý thơ. Có khi nỗi nhớ lại hiện lên qua các kỉ niệm đẹp như những nét vẽ thuỷ mặc:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có nhớ hồn lau nẻo bến bờ…
“Chiều sương” cũng chính là nền cảnh. Những câu thơ bảng lảng khói sương hoài niệm. Nhưng đó là những kỉ niệm như được dấy lên từ tiềm thức, vì thế, nó đọng lại rất sâu trong tâm tư người đọc.
Gắn với cảm hứng chủ đạo là cách thức tổ chức giọng điệu tài hoa. Âm chủ của Tây Tiến là giọng điệu bi tráng. Nhưng vấn đề là ở chỗ, Quang Dũng đã tạo ra nhiều sắc thái giọng điệu khác nhau để làm nổi bật giọng điệu chủ đạo. Cách tạo không khí cũng hết sức đặc sắc. Khi thì người đọc cảm thấy căng thẳng bởi dốc cao, vực thẳm, khi lại nhẹ nhõm bởi vẻ trữ tình của cảnh với những câu thơ toàn thanh bằng, khi vui tươi với những đêm hội, khi lại bước vào một không khí cổ kính trang nghiêm… Chính cách thức tạo dựng không khí của nhà thơ đã giúp cho mạch thơ trở nên biến hóa, cảm xúc như những đợt sóng dõi theo bước chân những người lính ra đi với linh thần “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cuối cùng, việc sử dụng cảm hứng và bút pháp lãng mạn để tái hiện chân dung những chàng trai kiêu dũng, hào hoa đã đem đến vẻ đẹp của thi phẩm.
Bút pháp lãng mạn thường hướng về những tương quan đối lập, từ đó tô đậm thêm vẻ đẹp phi thường, cao cả của đối tượng. Nếu như Chính Hữu viết về những chàng vệ quốc bằng bút pháp hiện thực thì Quang Dũng đã tái hiện vẻ đẹp người lính bằng đôi cánh lãng mạn. Cảm hứng lãng mạn đã đem đến men say cho thi tứ, sự bay bổng của hình tượng. Quang Dũng đã thể hiện một cách chân thực sự nồng nàn của cảm hứng nhưng không quên đi cái khắc nghiệt của hiện thực chiến tranh, Bởi thế, người lính trong câu thơ ông nào có ”yêng hùng”, có ”mộng rớt”, ”buồn rớt” gì đâu. Thậm chí, nếu thiếu đi cái chất lãng mạn, Tây Tiến cơ hồ sẽ mất đi vẻ đẹp toàn bích của nó.
--------------------------
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về nghệ thuật tổ chức chất liệu ngôn từ trong bài Tây Tiến. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 12 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 và biết cách soạn bài lớp 12 và các Tác giả - Tác phẩm Ngữ Văn 12 trong sách Văn tập 1 và tập 2, mời các bạn tham khảo.