Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Hùm chết để da, người ta chết để tiếng
Nghị luận về câu tục ngữ Hùm chết để da, người ta chết để tiếng
VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Hùm chết để da, người ta chết để tiếng để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.
- Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Trăm hay không bằng tay quen
- Nghị luận xã hội về nghĩa cử cao đẹp Lá lành đùm lá rách
1. Nghị luận Hùm chết để da, người ta chết để tiếng mẫu 1
Phàm là người trong thiên hạ, có ai mà không quan tâm đến danh dự và nhân phẩm của bản thân, đó là cái "tôi" cá nhân, là lòng tự trọng; giữ gìn phẩm giá của mỗi một con người trong xã hội, chân lý ấy từ trước đến nay vẫn chưa từng thay đổi. Khi sống đã vậy, khi chết người ta vẫn rất quan tâm đến cái "tiếng" mà bản thân để lại cho đời, thế mới có câu tục ngữ mà bao đời nay ông cha ta vẫn truyền miệng: "Hùm chết để da, người ta chết để tiếng". Đó là quan niệm sống đẹp và sống có ích mà mỗi con người cần phải lưu tâm.
Câu tục ngữ "Hùm chết để da, người ta chết để tiếng", ý chỉ những giá trị còn tồn tại sau khi con người ta trở về cõi vĩnh hằng. Dẫu là một con hổ, khi sống đã oan hùng, làm chúa sơn lâm, uy phon bốn cõi, thì khi chết đi dẫu xương, thịt nhục rữa, tan biến về với đất mẹ muôn đời, thì cái mà nó để lại ấy là là tấm da quý, đẹp đẽ được người đời hết sức nâng niu trân trọng. Như vậy, con hổ tuy đã chết đi nhưng nó vẫn để lại cho đời một cái gì đó thật đẹp chứ không hoàn toàn về với cõi hư vô. Tương tự con người cũng như vậy, khi sống phải chăng con người quan tâm đến danh tiếng, đến nhân phẩm của bản thân, sống làm sao cho tốt đời đẹp đạo, được người người yêu mến kính trọng. Có như vậy khi mất đi rồi, tuy thân xác sớm trở thành cát bụi, nhưng những hình ảnh đẹp, những giá trị về một tâm hồn cao quý vẫn luôn tồn tại mãi trở thành tấm gương cho người ở lại học tập, tôn thờ. Cái đó người ta vẫn thường gọi nôm na là cái "tiếng", ở đây nghĩa tích cực thì là tiếng thơm, tiếng vang về một tấm lòng, một nhân cách đẹp. Còn ngược lại, khi còn sống, mà ăn ở thất đức, bị người đời ghét bỏ, thì khi mất đi, cái "tiếng" xấu vẫn đeo bám mãi không rời, trở thành nỗi xấu hổ của con cháu.
Câu tục ngữ là một bài học quý giá, cũng là lời nhắc nhở đầy sâu cay về lẽ sống ở đời. Dẫu biết rằng, sinh tử của vạn vật vốn đã là quy luật của tạo hóa, không một ai có thể thoát khỏi cái quy luật nghiệt ngã ấy. Thế nên, khi còn sống chúng ta dù ở danh vị nào, vị trí nào, dù giàu, nghèo, sang, hèn nhưng cũng không được đánh mất đi cái bản chất tốt đẹp của tâm hồn, luôn sống đúng đắn hướng thiện, chớ nên vì một vài phút hư vinh mà quên đi cả đạo đức nhân phẩm. Bởi âu số phận, ai cũng sẽ về với miền cực lạc, hơn nhau chỉ vài ba năm sống trên cuộc đời mà thôi, cuối cùng khi thân xác đã không còn thì cái danh tiếng mà chúng ta gây dựng, có được ở cõi nhân gian mới là cái trường tồn với thời gian, là cái vẫn sống mãi trong tâm trí những người ở lại. Trí nhớ của con người là cuốn nhật ký kỳ diệu nhất, lời nói của con người cũng là vũ khí lợi hại nhất. Người nào khi sống mà được mọi người yêu quý, tôn trọng, nhân cách cao thượng, thì khi mất đi rồi tiếng thơm vẫn lưu mãi muôn đời, được người người tiếc thương, ghi nhớ. Còn kẻ nào khi sống, ăn ở có nhiều khuất tất lỗi lầm, thì khi chết đi rồi bia miệng của người đời cũng chẳng tha cho, cái danh xấu ấy vẫn cứ lưu truyền, thậm chí là ảnh hưởng đến cả đời con, đời cháu. Có câu ca dao phản ánh rất rõ điều này ấy là:
"Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ"
Lấy một vài ví dụ trong lịch sử dân tộc, có những vị anh hùng, những vị lãnh tụ vĩ đại mà khiến cho ngàn đời sau người người vẫn ghi nhớ công ơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là tấm gương sáng, là tượng đài trong lòng con dân Việt Nam, là vị Cha già kính yêu của dân tộc. Những lời dạy, những tư tưởng phong cách sống của Người đã trở thành chuẩn mực cho lớp lớp thanh niên Việt Nam ngày ngày noi gương, học tập, cả dân tộc Việt Nam chưa một giây một phút nào quên những gì Người đã cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc. Ngày Bác ra đi, nhân dân cả nước đồng loạt khóc thương, trời cũng đổ cơn mưa như tiếc thương cho một nhân tài kiệt xuất. Ngoài ra, những vị anh hùng khác trong cuộc chiến chống quân xâm lược, bảo vệ quê hương cũng là những tấm gương sáng, những con người dù đã mất đi rồi nhưng tiếng thơm vẫn lưu danh muôn đời trong sử sách, trong trí nhớ của người ở lại, họ thật đáng kính trọng và ngưỡng mộ biết bao. Ngược lại, có những kẻ tham sống sợ chết, chẳng màng đến an nguy xã tắc, dân tộc bán nước cầu vinh như Lê Chiêu Thống hay Nguyễn Ánh, đều là những kẻ tội đồ của dân tộc, dù đã yên bề dưới lòng đất, nhưng tên tuổi vẫn ngàn đời bị mỉa mai, bêu xấu, chịu sự căm ghét của nhân dân vì những hành động đáng xấu hổ mà họ đã làm ra lúc còn sống.
Ngày nay, vẫn có một số người trong xã hội chưa có nhận thức sâu sắc về vấn đề danh dự cá nhân, về nhân cách, đạo đức của bản thân, họ coi đó là những thứ tầm phào, vô nghĩa. Họ chỉ tập trung vào những giá trị vật chất, giữa những cái xô bồ trong xã hội, mải mê chạy theo những cái hư ảo, tầm thường, thậm chí tự bóp méo, biến dạng nhân cách của mình lúc nào không hay. Xã hội dần xuất hiện những thành phần vô đạo đức, không coi trọng những giá trị nhân văn, nhân bản; nạn cướp, hiếp, chém giết lẫn nhau dần trở nên càng ngày càng phổ biến và phức tạp. Con người không còn sống với nhau bằng tình nghĩa mà sống với nhau bằng những mối quan hệ cho nhận, giao kèo, lợi dụng trống rỗng, khiến những giá trị nhân bản nhân văn trong xã hội dần bị mai một. Đó là một điều hết sức nguy hiểm và cần phải loại trừ. Với mỗi chúng ta việc sống trong một xã hội phức tạp là điều phải chấp nhận, thế nhưng chúng ta phải kiên định với những giá trị nhân cách đúng đắn, sống tốt đẹp, không bị những cám dỗ tầm thường xô ngã. Để sao cho khi sống chúng ta được mọi người tôn trọng, yêu quý, khi mất đi chúng ta vẫn được mọi người nhớ đến bởi nhân cách và những phẩm chất đạo đức cao quý mà chúng ta giữ vững lúc còn tại thế, để không phải hổ thẹn với con cháu, khiến con cháu có thể ngẩng cao đầu mà nói chuyện với người khác. Có như vậy, cuộc sống mới thực sự có những ý nghĩa tốt đẹp. Hãy nhớ rằng chết không phải là chấm dứt tất cả, bởi vậy đừng chỉ biết buông thả và hưởng thụ nhất thời!
Câu tục ngữ của ông cha là một bài học sâu sắc và bổ ích cho mỗi chúng ta, răn dạy chúng ta cách sống trên đời, sống sao cho khi còn tại thế thì có ích cho đất nước cho xã hội, khi mất đi rồi thì để lại tiếng thơm lưu truyền, là niềm tự hào của con cháu. Đó là một phong cách, một chân lý sống rất đúng đắn và có giá trị mãi về sau.
2. Nghị luận Hùm chết để da, người ta chết để tiếng mẫu 2
Từ ngàn xưa đến nay, biết bao người sẵn sàng hi sinh mạng sống để bảo vệ danh dự; phẩm giá của mình. Đó là đức tính, là truyền thống ngàn đời của dân ta. Một lần nữa, để khẳng định điều ấy, tục ngữ ta có câu:
”Hùm chết để da, người ta chết để tiếng"
Câu tục ngữ phản ánh lại chuyện thường xảy ra trong cuộc sống, một kinh nghiệm đời thường. Con hùm khi chết đi, tuy xương thịt rã rời nhưng vẫn để bộ da quí giá. Cũng như con người, dù đã chết tiếng tăm vẫn còn mãi về sau. Qua hình ảnh ngẫu nhiên, thường tình trong cuộc sống, câu tục ngữ muốn nhận một bài học: Phải sống đẹp sao cho khi đã mất tiếng thơm vẫn còn về sau; đừng sống thế nào mà khi không còn trên thế gian, tiếng xấu vẫn không phai mờ.
Bài học trong câu tục ngữ là bài học quí giá sống mãi với thời gian. Từ ngàn xưa đến nay, trên cuộc đời, vạn vật đều theo quy luật có sinh có tử, không ai biết từ bao giờ. Lúc còn sống, chúng ta có người giàu, kẻ nghèo; người giỏi, kẻ khờ, người hơn, kẻ thua kém. Thế nhưng, khi chết đi thì ai cũng là cái xác không hồn, không còn gì về vật chất - mà chúng ta để lại giá trị tinh thần tiếng tăm của bản thân. Nếu chúng ta sống "đẹp" thì tiếng thơm lưu mãi ngàn năm, sông "không đẹp" thì suốt đời tiếng xấu cũng vẫn còn:
"Trăm năm bia đá thì còn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ"
Rõ ràng, con người ai cũng phải chết, nhưng tiếng tăm phải được lưu danh sử sách. Ngày xưa Trần Bình Trọng đã hiên ngang hét vào mặt bọn giặc: "Thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" và cùng với Nguyễn Trãi, Lê Lợi... những vị anh hùng của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó, lại có những vị vua như: Lê Chiêu Thông cõng rắn cắn gà nhà, Nguyễn Ánh đang tâm cầu viện thực dân Pháp... Những người tuy thần xác đã vùi vào cát bụi nhưng ngàn đời vẫn để lại nỗi nhục nhã cho dân tộc Việt Nam, ngàn đời vẫn phải chịu phê phán, chịu sự căm thù của nhân dân ta. Lại nữa, ca dao ta cũng có câu chuyện về con cò khi chết vẫn cố giữ sự trong sạch thanh cao cho cháu con tự hào. Huống chi, chúng ta là con người suy nghĩ, biết nhận thức. Vậy, thà "Tốt danh hơn lành áo". Câu tục ngữ là phương châm, là chân lý ngàn đời của mỗi chúng ta.
Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, bên cạnh những cách sống đẹp vẫn còn tồn tại loại người không có ý thức, sống buông thả, bừa bãi. Họ xem thường đạo đức, xem đạo đức là thứ bỏ đi. Đó là những kẻ thiển cận, không nhìn xa thấy rộng không hiểu được đạo đức chính là giá trị cuộc sống. Họ chi sống một cuộc sống vô nghĩa, trống rỗng. Những loại người như thế là cặn bã của xã hội mà chúng cần phải loại trừ. Mặt tốt và mặt xấu luôn tồn tại song song trong xã hội, câu tục ngữ là chiếc phao giúp ta phát huy mặt tốt để xã hội ngày càng đẹp hơn. Do đó từ nhỏ, ta phải xây dựng cho mình một lối sống đẹp, sống làm sao để khi không còn trên cuộc đời này, ngàn năm mọi người vẫn còn tưởng nhớ đến chúng ta như thế chúng ta mới không hổ thẹn với con cháu. Và nếu ai cũng nghĩ và làm được như vậy thì xã hội này sẽ ngày một tốt đẹp biết bao!
Câu tục ngữ mãi mãi sống theo thời gian bởi đó là kim chỉ nam, giúp thành người hữu ích cho đất nước, non sông.
3. Nghị luận Hùm chết để da, người ta chết để tiếng mẫu 3
Trong cuộc sống để trở thành những người có ích cho xã hội chúng ta cần có những phẩm chất cao đẹp, ngay từ khi là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta đã được học những điều đó như câu tục ngữ đã nói Hùm chết để da người chết để tiếng.
Hùm là một loài rất hung giữ nhưng khi nó chết đi nó vẫn để lại danh tiếng thơm cho mình, kể cả như con người cũng vậy khi sống chúng ta làm những điều tốt đẹp chúng ta sẽ được vinh danh và trở thành những người tốt thật sự. Câu nói trên ý muốn nói con người cần phải sống tốt để khi chết đi học vẫn có những danh tiếng thơm cho mình, do có sự chiêm nghiệm của cuộc sống ông cha ta đã đúc kết lên những kinh nghiệm thật hay, thật hào hứng và đúng đắn. Khi được sống ta hãy sống như thế nào cho đúng với lương tâm và những con người thật sự. Như Tố Hữu đã từng nói “ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn”, những câu đó được các cha ông đi trước để lại cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau những bài học thật đúng đắn, chúng ta hãy sống cho những nghĩa cử cao đẹp. Nguyễn Trãi một thi nhân lớn của dân tộc Việt Nam đã để lại cho đời những tiếng thơm khi bỏ lại những giàu sang chức tước để về ở ẩn để lại tiếng thơm cho đời, muốn giữ lại tiếng thơm cho mình ông đã lui về ở ẩn, cho dù về ở ẩn tâm trạng không nguôi lo cho đất nước nhưng ông vẫn muốn giữ lấy những phẩm chất cao đẹp không muốn phẩm chất của mình bị bôi nhọ, ông chọn cách giữ cho mình thanh danh cao đẹp.
Là những người công dân của Việt nam chúng ta đã được học những bài học quý giá về một con người có ích cho xã hội này, những người công dân thật sự tốt phải là những người công dân có tu dưỡng đạo đức và có những nghĩa cử cao đẹp, chúng ta phải sống là những người có đạo đức có văn hóa có như vậy khi chết đi mới để lại tiếng thơm cho đời.
Nhiều những công dân chưa thực sự hiểu được thanh danh của 1 con người quan trọng thế nào vì vậy khi học sống họ đã để nó bị bôi nhọ bởi những lợi ích trước mắt, nhiều người chỉ vì những đồng tiền học đã tham gia vào con đường cờ bạc nghiện ngập, rồi khi quay sang hết tiền thì lại trộm cắp giết người cướp của đó quả thật là những điều cực kỳ xấu và sẽ bị xã hội lên án trầm trọng, và con người chúng ta sẽ không thể có tiếng tốt được không chỉ cá nhân đó bị ảnh hưởng mà toàn bộ cả gia đình và học hàng đều mạng họa lây.
4. Nghị luận Hùm chết để da, người ta chết để tiếng mẫu 4
“Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười!”. Câu nói trên đã thể hiện một quan điểm đúng đắn về bài học làm người: phải cố gắng sống thật tốt khi nhắm mắt xuôi tay, sự ra đi của bản thân sẽ để lại sự nuối tiếc trong lòng những người ở lại. Bàn về vấn đề này, ông cha ta từng nói: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Câu tục ngữ là một bài học vô cùng đúng đắn nhắc nhở con người ta sống xứng đáng với giá trị của bản thân, hướng tới lối sống tích cực để tạo được ấn tượng tốt trong lòng mọi người.
Để hiểu rõ nội dung của câu tục ngữ, trước hết chúng ta cần phải hiểu “Hùm chết để da” là gì. “Hùm” là một loài động vật hoang dã, thuộc họ ăn thịt và rất hung dữ khiến cho các loài động vật khác không dám lại gần. Tuy vậy nhưng khi chết đi, loài vật này vẫn để lại bộ da đẹp đẽ và quý hiếm. “Người ta chết để tiếng” diễn tả sự thật sau khi con người chết đi, thể xác trở về với cát bụi nhưng những hành động, việc làm, tiếng tăm lúc còn sống sẽ tồn tại về sau. Hình ảnh cụ thể “hùm chết để da” được đặt cạnh hình ảnh trừu tượng “người chết để tiếng” đã khái quát một cách ngắn gọn bài học về giá trị làm người vô cùng sâu sắc. Con người phải sống đẹp, sống tốt để khi chết đi thì tiếng thơm còn mãi, ngược lại không được có lối sống xấu xa, trái với đạo lí để tránh khi chết đi, tiếng xấu không thể xóa mờ.
Vậy thì vì sao con người ta cần phải sống tốt để lưu danh muôn đời? Bởi chỉ khi sống tốt đẹp, không làm những việc xấu xa, chúng ta mới tìm thấy được giá trị tồn tại đích thực của bản thân và nhận được sự tôn trọng từ người khác. Và một mai khi không còn trên đời nữa, thì chúng ta vẫn được nhớ đến với những ấn tượng tốt đẹp. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đã có biết bao tấm gương minh chứng cho điều này. Những vị anh hùng như Quang Trung Nguyễn Huệ, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Lý Thường Kiệt,… vẫn luôn sống mãi cùng non sông đất nước. Thậm chí bức chân dung của họ còn ngời sáng và trở thành bức tượng đài bất tử để giáo dục con cháu mai sau bài học về tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ đất nước trước hiểm họa xâm lăng. Đến giai đoạn lịch sử hiện đại, trong công cuộc gian khổ chống lại đế quốc Mỹ, thực dân Pháp tàn bạo,… đã có biết bao người chiến sĩ bỏ mạng nơi sa trường nhưng sự hi sinh của họ vẫn luôn được khắc ghi trong hàng triệu trái tim con người Việt Nam. Lòng biết ơn đó còn được thể hiện qua hàng loạt các chương trình đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ gia đình các thương binh liệt sĩ,….
Nếu lối sống tốt đẹp giúp con người nhận được tiếng thơm muôn đời thì lối sống xấu xa, trái với đạo lí sẽ khiến con người bị lên án, phê phán. Những nhân vật phản diện trong thế giới cổ tích như mẹ con Cám, Lí Thông,… vẫn luôn bị bạn đọc từ thế hệ này qua thế hệ khác lên án. Còn trong cuộc sống thực tại, những người gây ra tội ác hoặc làm những điều xấu xa không chỉ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp mà còn phải đối diện với tòa án lương tâm và sự phán xét của người đời. Hàng loạt vụ thảm án đã diễn ra như vụ án của Lê Văn Luyện hay Nguyễn Hải Dương trong những năm gần đây đã gây xôn xao dư luận. Càng xót thương số phận của các nạn nhân thì chúng ta lại càng phẫn nộ trước những hành động phi nhân tính của những kẻ giết người. Những tên tội phạm đó dù nhận bản án tử hình nhưng vẫn còn đó sự chỉ trích của dư luận, để lại vết thương lòng cho người nhà các nạn nhân và cho chính gia đình mình.Như vậy, mỗi một chúng ta cần rèn luyện cho bản thân lối sống tích cực, lành mạnh sao cho khi không còn tồn tại nhưng vẫn được nhớ đến với những điều tốt đẹp nhất. Đối với thế hệ thanh thiếu niên học sinh - thế hệ mầm măng tương lai của đất nước, để hình thành lối sống lành mạnh thì các bạn trẻ cần xác định rõ mục tiêu, lý tưởng đúng đắn và vạch ra con đường để đạt được mục tiêu thành công.
Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Hùm chết để da, người ta chết để tiếng, mong rằng qua đây giúp bạn đọc ôn tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Ngoài ra bạn đọc có thể tham khảo thêm kiến thức các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...
Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12, Ôn thi khối C để có thêm tài liệu học tập nhé