Nhiều ý kiến cho rằng chữ “hồng” là nhãn tự bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh

Văn mẫu lớp 11: Nhiều ý kiến cho rằng chữ “hồng” là nhãn tự bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới bạn đọc. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết.

1. Nhiều ý kiến cho rằng chữ “hồng” là nhãn tự bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh mẫu 1

Trong thơ Đường cổ thường xuất hiện những từ nhãn tự được xem sẽ là linh hồn, trụ cột của bài thơ. Như trong bài thơ Hoàng Hạc lâu của tác giả Thôi Hiệu nhãn tự của bài thơ chính là chữ “sầu” thể hiện nỗ buồn của tác giả trước thiên nhiên, cảnh vật nơi đây.

Chữ sầu gợi lên một nỗi buồn mênh mang, da diết cho bài thơ. Còn trong bài thơ Mộ của tác giả Hồ Chí Minh chữ ” Hồng” được coi là nhãn tự của bài thơ, gợi lên sự sinh động, tương lai của bài thơ, xóa tan sự u tối, nỗi buồn của khung cảnh hoàng hôn nơi vùng núi hoang sơ vắng vẻ.

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết, lò than đã rực hồng.

Bài thơ Mộ là một bài thơ nằm trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh khi tác giả bị bắt giam tại nhà tù Tưởng Giới Thạch. Trong thời gian này người đã cho ra đời rất nhiều bài thơ hay thể hiện nỗi buồn khi bị bắt giam vô cớ, tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê hương đất nước.

Nỗi buồn canh cánh trong lòng khi quê hương vẫn còn chìm trong kiếp sống nô lệ, lầm than, mà bản thân mình thì chưa làm được nhiều điều vì con bị bắt giam tại nơi xứ người.

Bài thơ Mộ được tác giả viết khi bị giải đi từ nhà tù này tới nhà tù khác. Lúc thì trời vừa gáy sáng, khi thì hoàng hôn xế bóng. Bài thơ Mộ thể hiện sự mệt mỏi, cô đơn của con người trước cảnh hoàng hôn, khi trời vừa tắt nắng.

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”

Hai câu thơ gợi lên cảnh thiên nhiên rừng núi hoang sơ, cánh chim chiều sau một ngày mải miết đi tìm thức ăn, mưu sinh đã cảm thấy khá mỏi mệt, nên vội vã tìm chốn nghỉ ngơi khi ánh nắng chiều tắt đi. Tâm trạng của Bác lúc này cũng vô cùng mệt mỏi sau nhiều chặng đường áp giải leo hết núi này tới núi khác, thân thể bị xiềng xích gông cùm.

Trên bầu trời những đám mây lững lờ trôi lãng đãng, làm cho không gian mênh mông, rộng lớn càng tăng cảnh buồn thê lương, u ám.

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết, lò than đã rực hồng.

Trong hai câu thơ này bài thơ bỗng xuất hiện cảnh con người lao động vô cùng vui vẻ, sinh động, thể hiện tinh thần làm việc hăng say không hề biết đến mệt nhọc của người con gái vùng núi nông thôn, đảm đang, thánh thiện.

Cô làm việc hăng say quên cả thời gian đã chuyển tối, bên cạnh lò than rực hồng làm cho bài thơ trở nên ấm áp và có sức sống một cách lạ kỳ. Ngọn lửa hồng làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên đẹp hơn, làm cho cô gái trong bài thơ trở nên lung linh huyền ảo tựa như một nàng tiên trong truyện cổ tích đem tới sức sống cho tác phẩm.

Chữ hồng trong bài thơ, cũng thể hiện tinh thần lạc quan của tác giả Hồ Chí Minh trong bối cảnh bị áp giải, bị tù đày chân tay đeo nhiều xiềng xích nặng nề, khó khăn khổ ải nhưng tác giả Hồ Chí Minh vẫn thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời, sự kiên cường của mình trong những câu thơ vô cùng sinh động nhiều sức sống.

Chữ hồng còn thể hiện cho niềm tin của tác giả vào tương lai tươi sáng, vào con đường cách mạng mà người đã lựa chọn.

Bài thơ Mộ là một bài thơ hay độc đáo của nhà thơ Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời, ý chí thép của tác giả, dù thân thể bị tù đày nhưng tâm hồn của tác giả vẫn vượt lên mọi không gian và nghịch cảnh.

2. Nhiều ý kiến cho rằng chữ “hồng” là nhãn tự bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh mẫu 2

Trong thơ xưa, đặc biệt là thơ Đường luật, nhất là thể tứ tuyệt, thường có nhãn tự (chữ mắt) như là điểm sáng, cái “thần”, linh hồn của bài thơ. Người ta thường nhắc đến chữ “sầu” trong bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu. Nếu chữ “sầu” đọng lại một nỗi buồn mênh mang, sâu lắng trong thi phẩm đời Đường, thì chữ “hồng” lại sáng lên một ngọn lửa ấm nóng trong bài thơ Chiều tối của nhà thơ cộng sản Hồ Chí Minh trên đường giải tù qua một xóm núi hẻo lánh:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết, lò than đã rực hồng.

Ánh lửa hồng trong lò than

Lúc ấy, chiều đã muộn. Bác bị giải qua một khu rừng heo hút nơi đất khách quê người. Chỉ có một cánh chim mỏi bay về rừng tìm nơi trú ngụ và một chòm mây cô đơn trôi trên bầu trời, không biết sẽ đi đâu về đâu... Tâm trạng người tù xa xứ cũng vậy. Cả một ngày lê nặng bước chân xiềng xích, mệt mỏi rã rời mà vẫn chưa có điểm dừng chân. Một nỗi buồn thấm sâu vào cảnh vật khiến cho cảnh chiều tối càng thêm vắng vẻ, hiu quạnh, lạnh lẽo. Đó là nỗi buồn nhớ quê hương, tổ quốc, đồng bào, đồng chí của người chiến sĩ cách mạng đang bị giam hãm trong cảnh tù đày gian truân, vất vả.

Nhưng bỗng tứ thơ chuyển đổi khi người tù đi qua một xóm núi bên đường. Không còn cái hiu hắt, lạnh lẽo của cảnh chiều tối nơi núi rừng vắng lặng, câu thơ bỗng như reo vui lên trước một cảnh sinh hoạt đầm ấm nơi xóm núi:

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết, lò than đã rực hồng.

Con người lao động hiện ra khỏe khoắn, tươi vui, đầy sức sống mặc dù cuộc sống của họ còn nghèo nàn, vất vả (chỉ ăn ngô). Hình ảnh “cô em xóm núi xay ngô tối” hiện lên thật đẹp trong câu thơ, và càng đẹp hơn là cái ánh lửa hồng trong lò than đã tỏa ấm nóng và ánh sáng ra tất cả, đẩy lùi bóng tối và cái lạnh lẽo của cảnh chiều tối nơi núi rừng. Ngỡ như ngọn lửa hồng đang hắt lên khuôn mặt cô gái làm cho khuôn mặt cô càng thêm rạng rỡ. Tứ thơ chuyển đổi chính là nhờ một chữ “hồng” làm sáng cả bài thơ, đem ấm nóng và sức sống đến cho tác phẩm. “Một chữ hồng mà đủ sức để cân lại với 27 chữ thơ kia, nó làm sáng cả câu thơ, cả bài thơ. Nó là nhãn tự (chữ mắt) của bài thơ”. (Hoàng Trung Thông).

Nhưng do đâu mà có được nhãn tự đó? Do đâu mà một chữ “hồng” đã làm cho người đọc cảm nhận được cái “thần” của bài thơ, linh hồn của bài tứ tuyệt? Chính là do trong lòng thi nhân cũng có một ngọn lửa hồng rực sáng như vậy: ngọn lửa của tình yêu cuộc sống, yêu con người không bao giờ tắt trong lòng nhà thơ Hồ Chí Minh. Ngay cả những lúc mà cuộc sống của người tù ấy không còn nữa, thì tình yêu ấy vẫn còn, và chất thơ vẫn trào lên để kết tụ lại thành một chữ “hồng” tuyệt đẹp. Ở đây, trong cảnh giải tù này, Bác làm gì còn niềm vui cho riêng mình mà chỉ có nỗi đau, nỗi buồn, nhưng chính lúc Người đi qua hẻm núi, nhìn thấy cảnh cô gái xay ngô, thì niềm vui đến ngay, và tứ thơ xuất thần bay lên thành một ngọn lửa hồng rực rỡ. Đó là niềm vui cho người lao động, vì người lao động, và hơn thế, còn là sự trân trọng, nâng niu đối với một hạnh phúc thật bình thường, nhỏ nhoi của người lao động nơi xóm núi. Đúng như Hoài Thanh đã viết: “Những cảnh tượng ấy biết bao người đã đi qua, nhưng nếu không có một tấm lòng nâng niu trân trọng thì cũng không thể nào ghi lại được trong thơ”.

--------------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Nhiều ý kiến cho rằng chữ “hồng” là nhãn tự bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh. Bài viết được tổng hợp gồm có 2 bài văn mẫu giúp chúng ta có thể nêu được suy nghĩ về chữ Hồng trong bài thơ Mộ. Hi vọng qua bài viết bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Văn lớp 11 nhé. Mời bạn đọc tham khảo thêm soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tài liệu các bài liên quan tác phẩm:

Đánh giá bài viết
8 15.251
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

    Xem thêm