Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích bức tranh đời sống con người trong tác phẩm Chiều tối

Văn mẫu lớp 11: Phân tích bức tranh đời sống con người trong tác phẩm Chiều tối dưới đây gồm các bài văn mẫu hay được VnDoc sưu tầm và giới thiệu cho các em học sinh tham khảo. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

1. Dàn ý phân tích bức tranh đời sống con người

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa: Chùm “Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa” có thể coi như những tiếng hát than thân, những lời ca yêu thương tình nghĩa của ông cha ta từ xa xưa và của những người bình dân trong thời xã hội phong kiến cũ.

2. Thân bài

- Giới thiệu về ca dao, dân ca

- Giá trị nội dung:

+ Bộc lộ niềm chua xót, đắng cay trước số phận đáng thương

+ Bộc lộ tình cảm, tình yêu thương chung thủy, son sắt

+ Tô đậm vẻ đẹp tâm hồn người lao động

+ Lên án chế độ và xã hội

- Giá trị nghệ thuật:

+ Biện pháp so sánh, ẩn dụ, nhân hóa

+ Hình ảnh gần gũi, giản dị

+ Giọng điệu ngôn ngữ gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày

3. Kết bài

Cảm nhận về “Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa”: Chùm “Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa” thực sự là một tài sản tinh thần quý giá, không thể đong đếm được, cũng có thể coi đó chính là một phần của nét tinh hoa trong kho tàng ca dao nói riêng và trong văn hóa - văn học Việt Nam nói chung

2. Phân tích bức tranh đời sống con người trong bài Chiều tối mẫu 1

Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đồng thời Người cũng là một thi sĩ rất tài năng trên diễn đàn thi ca Việt. Người để lại cho chúng ta rất nhiều tác phẩm lớn, phải kể đến như Nhật ký trong tù, Bản án chế độ thực dân Pháp, ... Trong đó, hoàn cảnh ra đời của Nhật ký trong tù có lẽ là đặc biệt nhất khi nó được viết lên trong những năm tháng Người bị giam cầm ở nhà lao Tưởng Giới Thạch. Và trong một lần chuyển lao từ nhà lao Tĩnh Tây sang Thiên Bảo một buổi chiều tà, Người đã có cảm hứng viết lên bài thơ Chiều tối. Bài thơ chứa đựng bức tranh thiên nhiên buổi chiều đẹp thanh bình cùng với đó là bức tranh đời sống con người nơi thôn dã. Tất cả được hòa quyện thật đẹp đẽ qua ngòi bút của Hồ Chí Minh, đặc biệt là bức tranh về con người.

"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng"

Dịch thơ: "Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng".

Bài thơ Chiều tối được mở ra bằng bức tranh thiên nhiên mang phong vị cổ điển vừa đẹp tĩnh lặng, lại êm đềm và thanh bình. Bức tranh thiên nhiên ấy đã diễn tả được tình yêu thiên nhiên vô cùng sâu sắc của Hồ Chí Minh vừa thể hiện một tinh thần, ý chí thép của Người, dù trong gian khổ vẫn luôn có phong thái ung dung, đĩnh đạc của một thi sĩ.

"Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không"

Nhưng người ta thường nói rằng thiên nhiên nếu như không có con người thì thật là buồn tẻ. Vậy nên ở đây, hai câu cuối của bài thơ Chiều tối, Hồ Chí Minh đã vẽ lên cho người đọc một không gian với cuộc sống của con người:

"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng"

Dịch thơ: "Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng".

Hai câu thơ là bức tranh về cuộc sống của con người nơi thôn dã. Giữa bức tranh ấy có cô thôn nữ trẻ đang ngồi xay ngô trước hiên nhà cạnh lò than ấm rực đỏ. Đây có lẽ là một hình ảnh vô cùng quen thuộc của một bản làng nơi xóm núi buổi chiều tà khi mà những người phụ nữ đang chuẩn bị cho bữa tối của gia đình.

Nếu như trong hai câu thơ đầu tiên của Chiều tối, người ta thấy hiện ra ở đó là một khung cảnh buổi chiều tà thì ở hai câu sau, thời gian đã dịch chuyển dần sang buổi tối. Kế đó, hình ảnh người thôn nữ hiện lên vừa trẻ trung, vừa sống động. Cô là hiện thân của vẻ đẹp thanh xuân tươi trẻ, vẻ đẹp của lao động và vẻ đẹp của quan điểm mỹ học hiện đại.

" Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc"

Hồ Chí Minh đã gọi người thôn nữ ấy là "sơn thôn thiếu nữ". Tiếng gọi ấy như một tiếng gọi thân thương vừa trìu mến, thiết tha vừa gợi lên cho người đọc thấy một sức sống thanh xuân tươi trẻ tràn trề. Hơn thế nữa, cô gái ấy đang thực hiện công việc hàng ngày của mình vừa chăm chỉ, cần cù vừa khéo léo. Ánh lên ở đây là vẻ đẹp của con người lao động, vừa khỏe khoắn, vừa bình dị biết bao. Không như thơ văn cổ thường hay miêu tả vẻ đẹp của những tiểu thư danh giá, đài các, sống trong lầu son, vẻ đẹp của cô thôn nữ ở đây lại khác đến vô cùng. Nó không hề yểu điệu, mà vô cùng mạnh mẽ, nhưng cũng không kém phần dịu dàng, nữ tính.

Vẻ đẹp thứ ba trong hình ảnh người thiếu nữ mà Hồ Chí Minh muốn nhắn nhủ đó là vẻ đẹp của quan điểm mỹ học trong thơ ca hiện đại. Nếu trong thơ ca xưa, con người chỉ là sự điểm xuyết, tô điểm, đường viền cho bức tranh thiên nhiên:

"Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà".

Thì giờ đây, con người trong thơ ca hiện đại là người làm chủ thiên nhiên, là trung tâm của bức tranh thiên nhiên chứ không còn lẻ loi, cô độc, bé nhỏ trước thiên nhiên nữa.

Bức tranh cô thôn nữ xay ngô là bức tranh cuộc sống lao động bình dị của những người lao động nghèo và nó càng trở nên đáng quý hơn biết bao khi đặt vào trong khung cảnh âm u, lạnh lẽo của núi rừng buổi chiều tà. Một hình ảnh con người giữa bao la là núi rừng gợi lên biết bao ấm áp của tình người, gợi lên cả niềm hạnh phúc khi được sống giữa tự do, được lao động bình dị nữa. Bằng bút pháp chấm phá cổ điển, Hồ Chí Minh chỉ gợi tả hình ảnh một cô thôn nữ xa lạ thế nhưng đó lại là hình ảnh tượng trưng cho hơi ấm của con người giữa nơi rừng núi. Ở nơi sâu thẳm núi non này, gặp một chút tình người thì thấy thật hạnh phúc biết bao nhiêu!

Trong thơ văn xưa, con người và thiên nhiên hiện lên chỉ với sự lạnh lẽo, cô đơn cùng cực:

"Nghìn non bóng chim tắt

Muôn nẻo dấu người không

Thuyền đơn ông tới bến

Một mình câu tuyết sông"

Vậy mới thấy, trong thơ Bác, con người hiện lên chẳng hề buồn tẻ, lạc lõng chút nào mà luôn luôn mạnh mẽ, làm chủ thiên nhiên, vũ trụ.

Kết thúc bài thơ, Hồ Chí Minh đã đặc tả hình ảnh của một bếp lửa hồng:

"Xay hết lò than đã rực hồng"

Công việc của cô thôn nữ kết thúc thì trời cũng sập tối hẳn và bên cạnh cô, ánh lửa hồng le lói của bếp lửa đã bừng lên. Hình ảnh bếp lửa ấy đẩy không gian trong Chiều tối từ tối lại trở lên sáng tươi hơn. Nó cũng là biểu tượng cho vòng quay của thời gian, từ sáng vào tối, từ tối lại sáng trở lại. Đặc sắc nhất ở hai câu thơ này là hình ảnh "ma bao túc - bao túc ma hoàn"- sự lặp lại hành động ấy cũng là sự lặp lại của ánh sáng, của thời gian và không gian. Từng vòng quay đều đều lặng lẽ của chiếc cối xay ngô ấy cũng là vòng quay của thời gian. Và không thể kể đến một chữ thần đã làm bật sáng cả bài thơ Chiều tối - chữ "hồng". Ở đây, Hồ Chí minh không dùng "rực đỏ", hay "rực sáng" mà Người sử dụng từ "rực hồng". "Hồng" - một màu sắc rất nhẹ nhàng, gợi lên sự bình yên, êm dịu. Nhưng chỉ một từ ngữ này thôi mà cả không gian trong thơ sáng bừng lên, xóa hết đi mọi sự mệt mỏi và vất vả. Màu hồng của bếp lửa nhuốm lên không gian xóa đi hết sự vội vã, nặng nề của ba câu thơ đầu. Chỉ một chữ đó thôi là khiến ta thấy thật ấm lòng biết bao nhiêu. Bởi bếp lửa ấy gợi cho ta quê hương, gợi cho ta hình ảnh của gia đình quây quần. Đó cũng là lòng mong mỏi của Bác - người con xa quê, được trở về với quê hương yêu dấu.

Chỉ với hai câu thơ ngắn ngủi, vậy mà người đọc chúng ta đã cảm nhận được biết bao điều. Với thể thơ truyền thống thất ngôn bát cú, cùng với nghệ thuật chấm phá, vẽ mây nảy trăng, Hồ Chí Minh đã vẽ lên bức tranh về cuộc sống của con người nơi thôn dã. Bức tranh ấy vô cùng sống động bởi vẻ đẹp của con người và con người trong đó cũng đã trở thành nhân vật trung tâm của bức tranh thiên nhiên. Con người ở đó không hề buồn tẻ, cô đơn mà vô cùng tươi trẻ, ấm áp. Nó cho thấy quan niệm nhân sinh mỹ học hiện đại của Hồ Chí Minh đồng thời cũng cho thấy được sự vận động khỏe khoắn trong mạch thơ của Người.

3. Phân tích bức tranh đời sống con người trong bài Chiều tối mẫu 2

Nếu như hai câu thơ mở đầu là bức tranh thiên nhiên mang phong vị cổ điển thì hai câu thơ cuối của bài thơ “Chiều tối” là bức tranh đời sống con người:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”​

Dịch:

“Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết, lò than đã rực hồng.”​

Câu thơ thứ ba thực hiện được chức năng chuyển ý của nó, đó là chuyển về thời gian từ chiều sang tối, đó là sự chuyển về không gian từ bầu trời cao rộng đến không gian thấp hẹp, cuối cùng dừng lại ở lò than. Nhưng đặc sắc hơn cả là chuyển về bút pháp, từ bút pháp cổ điển sang bút pháp hiện đại. Bởi hiện lên trong cảnh chim chiều mây bạc này trong thơ cổ điển thường xuất hiện những con người và cảnh sắc toát lên sự lạnh lẽo cô đơn:

“Nghìn non bóng chim tắt

Muôn nẻo dấu người không

Thuyền đơn ông tới bến

Một mình câu tuyết sông”

(Sông tuyết – Liễu Tông Nguyên)​

Trong thơ Bác, cảnh dẫu vẫn còn nỗi buồn song độc giả không bị chìm ngập vào nỗi buồn ấy bởi thơ Bác luôn có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ tàn lụi đến sự sống. Nói về chiều tối mà lòng đọc không thấy tối, thấy lạnh . Ngược lại vẫn thấy ấm áp, tràn đầy ánh sáng lạc quan.

Hình ảnh cô gái xóm núi trong câu thơ lấp lánh tỏa ra ba nét đặc sắc:

Vẻ đẹp của thanh xuân: hai chữ “thiếu nữ” trong nguyên tác viết đẹp và đặc sắc hơn nhiều hai chữ “cô em” trong bản dịch, bởi từ “cô em” mang sắc thái bỡn cợt, đùa tếu, còn từ ‘thiếu nữ’ gợi sức khỏe thanh xuân tràn đầy sức sống.

Vẻ đẹp lao động: trong thơ cổ điển cũng xuất hiện thiếu nữ nhưng thường là những thiếu nữ đài các, sang trọng tạo sự yêu kiều. Còn thiếu nữ trong thơ Bác gắn với vẻ đẹp thường nhật “xay ngô tối”, ánh lửa đỏ, lò than nhuốm hồng lên thân hình cô gái đang làm việc mê mải, gợi một vẻ đẹp giản dị, mộc mạc, khỏe khoắn.

Vẻ đẹp của một quan điểm mỹ học hiện đại: hình tượng thiếu nữ trong bài thơ này là một cách tân nghệ thuật của Bác. Bởi trong thơ xưa con người chỉ là đường viền của thiên nhiên, là một cái chấm buồn giữa vũ trụ mênh mông;

“Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà”

(Qua đèo ngang – Bà Huyện Thanh Quan)​

Trong thơ Bác, con người được đưa vào nội cảnh, thiếu nữ được đặt giữa bức tranh thơ trở thành trung tâm của thế giới. Đó chính là tầm vóc con người trong thơ Bác.

Hình ảnh “lò than đã rực hồng” đẩy bài thơ từ bóng tối sang ánh sáng, đó là sự vận động cả về không gian, thời gian, tư tưởng, tình cảm. Hình tượng nghệ thuật ở đây, Bác đã dùng sáng để nói tối, vẽ mây để đẩy trăng. Sự hấp dẫn của hai câu thơ này còn ở kết cấu vòng tròn “ma bao túc – bao túc ma hoàn” gợi vòng quay của những cối xay ngô chầm chậm trôi theo thời gian. Chữ “hồng” ở cuối câu thơ chính là nhãn tự, là con mắt thơ. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết: “Với một chữ hồng Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, làm mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải. Sự vội vã, nặng nề diễn tả ở ba câu đầu. Ở câu thơ cuối đã làm sáng rực lên khuôn mặt cô em xay ngô tối. Với chữ “hồng” đó ai còn cảm giác nặng nề, mệt mỏi mà chỉ thấy màu hồng đã nhuốm lên cả bóng đêm, đó là màu hồng của tình cảm Bác.

Với hình ảnh cô gái lao động bên bếp lửa thì trung tâm cảm hứng của nhà thơ là hướng về sự sống. Tuy viết về chiều tối lại tỏa sáng một tình yêu bao la. Bài thơ vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ tàn lụi đến sự sống, từ buồn đến vui, từ lạnh lẽo cô đơn đến ấm áp tình người. Đó là sự vận động rất khỏe khoắn trong mạch thơ Hồ Chí Minh.

4. Phân tích bức tranh đời sống con người trong bài Chiều tối mẫu 3

Chiều tối được Hồ Chí Minh sáng tác vào mùa thu năm 1942 khi Bác đang bị giam giữ bởi nhà tù Tưởng Giới Thạch. Trong một lần chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo, Bác đã viết bài thơ Chiều tối để ghi lại khung cảnh thiên nhiên trên đường chuyển lao, đồng thời gửi gắm những tâm sự, cảm xúc thầm kín. Qua bài thơ độc giả có thể phần nào cảm nhận được nét đẹp trong tâm hồn của người chiến sĩ cộng sản ấy.

Sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt khi Bác bị xiềng xích chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm về tự do, phải trải qua vô vàn những đọa đầy về thân xác nhưng xuyên suốt bài thơ Bác không một lần thể hiện sự bi quan hay than thở về hoàn cảnh là lại hướng tâm hồn tự do của mình đến cảnh sắc của tự nhiên, sự sống của con người. Thế mới thấy chính quyền Tưởng Giới Thạch chỉ có thể giam cầm tự do nhưng sức sống tinh thần lại chẳng sức mạnh bạo tàn nào có thể giam giữ nổi.

Trên đường chuyển lao, Bác đã ghi lại khung cảnh thiên nhiên chiều tối rộng lớn nhưng tịch mịch của vùng sơn cước:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không”

Dịch:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây nhẹ trôi giữa tầng không

Cánh chim mỏi mệt, đám mây cô đơn là những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca cổ điển. Cũng giống như những thi nhân xưa, mượn hình ảnh cánh chim, đám mây để diễn tả nỗi cô đơn, lạc lõng thì trong bài Chiều tối, sự xuất hiện của những hình ảnh quen thuộc này góp phần làm cho không gian vũ trụ trở nên rộng lớn, gia tăng nỗi buồn, sự cô đơn của người tù nơi đất khách quê người.

Cánh chim mỏi mệt trong thơ Bác vừa gợi ra cái rộng lớn, tịch mịch của không gian vừa gợi ấn tượng về chiều thời chiều tà, khi bóng tối bắt đầu bao trùm không gian. Hướng theo cánh chim mỏi mệt bay về rừng Bác đã gửi vào đó tình yêu, sự lưu luyến bất tận với từng dấu hiệu nhỏ nhoi của sự sống, cánh chim mỏi mệt còn tạo ra sự kết nối với hoàn cảnh của người tù. Sự mỏi mệt của cánh chim hô ứng với sự mỏi mệt của đôi chân người tù trên hành trình chuyển lao đầy vất vả.

Không gian mênh mông của vùng sơn cước còn được điểm xuyết bởi hình ảnh đám mây cô đơn đang lặng lẽ trôi vô định trên bầu không. Hình ảnh này gợi cho người đọc liên tưởng đến hình ảnh đám mây đơn độc trong thơ Thôi Hiệu “Ngàn năm mây trắng bây giờ con bay”.

Nếu đám mây trong thơ Thôi Hiệu gợi đến sự phiêu diêu, mênh mang mang ý vị vĩnh hằng thì trong thơ Bác đám mây cô đơn lại gợi ra trạng thái ung dung, tự tại nhưng lại đơn độc, cô đơn của người tù khi lưu lạc nơi đất khách, khi lý tưởng làm cách mạng, cứu dân cứu nước của người chiến sĩ bị gián đoạn.

Bức tranh thơ vẫn không ngừng chuyển động, từ không gian rộng lớn của thiên nhiên, Bác đã hướng sự chú ý đến sự sống của con người:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”

Dịch:

Cô em xóm núi xay ngô tối

Ngô vừa xay xong lò than đã rực hồng

Hình ảnh thơ giản dị mang những nét đời thường, tuy nhiên chính cái đời thường ấy lại gợi ra bao cảm xúc nồng nhiệt trong tâm hồn của người thi sĩ. Hình ảnh cô gái xay ngô tối thể hiện sức sống mạnh mẽ, dáng vẻ trẻ trung sống động đã xua đi ấn tượng về không gian tịch mịch, về nỗi cô đơn, nỗi buồn triền miên trước đó. Sự xuất hiện của con người như dấu hiệu của sự sống, nó mang đến hơi ấm của sự sống, mang đến niềm vui và niềm tin trong tâm hồn của người chiến sĩ.

Bếp lửa rực hồng được coi là ánh sáng hy vọng, là nhãn tự của cả bài thơ, sự xuất hiện của ánh hồng bếp lửa báo hiệu cho độc giả biết về thời gian chiều tà đã bị bóng tối của màn đêm bao phủ, một dấu hiệu về thời gian độc đáo. Tuy nhiên, bóng tối không mang đến những lãnh lẽo, âm u như ấn tượng thông thường bởi hơi ấm của lò lửa có thể xua đi mọi u tối, mang đến ánh sáng của hy vọng, hơi ấm của sự sống.

Bài thơ Chiều tối viết về không gian chiều tà nhưng không mang đến cảm nhận về sự cô đơn, lạc lõng mà thắp sáng trong lòng mỗi độc giả bằng sự ấm áp của ngọn lửa hồng đầy yêu thương, cùng niềm tin mạnh mẽ vào cuộc đời của tâm hồn lạc quan của Bác.

-----------------------------------

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Phân tích bức tranh đời sống con người trong tác phẩm Chiều tối cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu bổ ích nhé. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 11, soạn bài lớp 11 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 11, đề thi học kì 2 lớp 11 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn lớp 11

    Xem thêm