Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm

Văn mẫu lớp 11: Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 11 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 11 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1 Dàn ý chi tiết Hình tượng vua Quang Trung trong bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm

1/ Mở bài

Giới thiệu bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm, hình tượng vua Quang Trung: Qua bài chiếu, ta thấy được tấm lòng vì dân vì nước và tài nhìn xa trông rộng của đức minh quân Quang Trung.

2/ Thân bài

- Vua Quang Trung nhận thức được tầm quan trọng của người hiền tài: người hiền tất phải do thiên tử sử dụng

- Ông nhìn nhận được những khó khăn trong việc thu phục người tài: những kẻ lúc đất nước có nhiều biến cố vẫn giữ vững khí tiết

- Lòng mong mỏi và tha thiết chiêu mộ người tài: mong đợi người hiền tài, chăm chú lắng nghe những lời của người hiền

- Cách nhìn xa trông rộng của vua Quang Trung: xây dựng nền thái bình không chỉ mưu lược của một kẻ sĩ

- Tấm lòng vì dân vì nước của nhà vua: dân dân thì đang “khốn khổ còn chưa hồi sức

- Sự công bằng nghiêm minh trong chính sách chiêu mộ người tài: Ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều cho phép được dâng thư tỏ bày công việc

3/ Kết bài: ý nghĩa hình tượng vua Quang Trung: một tư tưởng tiến bộ, đúng đắn và trung thực, tâm huyết, sự chân thành và nhân cách cao đẹp của vua Quang Trung.

2. Hình tượng vua Quang Trung trong bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm mẫu 1

“Chiếu cầu hiền” của vua Quang Trung được viết bởi Ngô Thì Nhậm không chỉ mang giá trị của một bài chiếu mà đó còn là tác phẩm có giá trị văn học. Tác phẩm được viết ra nhằm kêu gọi, thuyết phục người hiền, sĩ phu Bắc Hà ra phụ giúp vua cùng xây dựng đất nước ấm no giàu mạnh. Qua bài chiếu, ta thấy được tấm lòng vì dân vì nước và tài nhìn xa trông rộng của đức minh quân Quang Trung.

Chiếu cầu hiền ra đời là một lời kêu gọi tha thiết người hiền tài ra giúp nước, ngay phần mở đầu, ta đã thấy được quan điểm về người hiền – kẻ sĩ đời xưa của vua Quang Trung: “người hiền ở trên đời như sao sáng ở trên trời. Sao tất phải chầu về Bắc thần, người hiền tất phải do thiên tử sử dụng”, nhà vua nhận thức được và khẳng định tầm quan trọng của người hiền đối với vận mệnh đất nước. Nhưng cũng thấy được thực trạng những khó khăn khi thu phục người hiền, những kẻ lúc đất nước có nhiều biến cố vẫn giữ vững khí tiết, như “ngựa đứng trong hàng nghi lễ”, hay như “bậc cao ẩn giấu kín danh tiếng không xuất hiện suốt đời”.

Tuy không phê phán cũng không ngợi ca nhưng đã khẳng định rằng “nếu giấu mình ẩn tiếng, có tài mà không để cho đời dùng thì không đúng với ý trời sinh ra người hiền”. Đối với nhà vua, người có hiền tài là phải đem tài đó ra giúp đời, giúp người, phục vụ tổ quốc. Vua Quang Trung sớm hôm mong mỏi người hiền tài “trẫm hiện đương ngồi bên mép chiếu, chăm chú lắng nghe, sớm hôm mong mỏi”, nhà vua không ngồi ở chính giữa mà chỉ ngồi ở “mép chiếu” để mong đợi người hiền tài, chăm chú lắng nghe những lời của người hiền. Đoạn văn đã cho thấy sự mong mỏi tha thiết cháy lòng của vua Quang Trung đối với những kẻ sĩ. Nhà vua coi trọng người hiền tài như vậy bởi vì ông biết đất nước có thịnh được hay không là nhờ vào họ, nhà vua biết nhìn xa trông rộng, mang một tấm lòng của bậc minh quân đêm ngày một nỗi lo vì nước vì dân. Câu hỏi của vua Quang Trung: “Hay trẫm là người ít đức, không xứng để những người ấy phò tá hay chăng?”, mang một nỗi tha thiết, khiến cho người đọc xúc động mà thiêng liêng, nhà vua đã tự phán xét mình, suy ngẫm về chính mình, câu hỏi ấy như rút ruột giãi bày một cách chân thành đáng để người đời ngợi ca.

Lo cho đất nước khi còn đang trẻ tuổi “mọi sự đang bắt đầu”, “kỉ cương triều đình còn nhiều điều thiếu sót, công việc biên ải chính lúc lo toan” và dân dân thì đang “khốn khổ còn chưa hồi sức, việc giáo hóa đạo đức chưa thấm nhuần”. Bài chiếu đi sâu vào tấm lòng con người bởi chính tấm lòng chân thành của nhà vua, khiến cho người nghe xúc động, tự chất vấn lại mình và khơi dậy lòng quyết tâm đem tài mình ra góp sức chung xây dựng non sông đất nước. Những câu hỏi ấy của vua Quang Trung còn thể hiện niềm tin vào dân “Làm nên ngôi nhà lớn không phải chỉ một cành cây, xây dựng nền thái bình không chỉ mưu lược của một kẻ sĩ”. Nhà vua coi trọng sự đoàn kết của toàn dân tộc, tinh thần chung sức đồng lòng của nhân dân, cũng như khẳng định có những người tài kiệt xuất hơn ông “trong một ấp mười nhà cũng có người trung tín, huống chi một đất nước rộng lớn có truyền thống văn chương như thế”. Điều đáng ngợi ca trong bài chiếu đó là sự công bằng trong việc trổ tài của mọi người: “Ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều cho phép được dâng thư tỏ bày công việc”. Ông cho rằng, nhân tài là ở khắp nơi, phải biết lắng nghe và khuyến khích họ, bài chiếu cũng là lời trấn an để những người sĩ phu đang đứng giữa ngã ba đường kia có thể đặt niềm tin vào vị vua mới. “Người có lời lẽ có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng, người có lời lẽ không dùng được thì để đây, chứ không bắt tội nói viễn vông, không thiết thực”. Ông còn cho phép các quan được tiến cử người tài “tùy tài mà bổ dụng”. Tất cả đã cho thấy tình cảm của Quang Trung không chỉ tha thiết kêu gọi người tài mà còn làm ấm lòng dân bởi những chính sách công bằng nghiêm minh.

Bài “Chiếu cầu hiền” là một tác phẩm chứa đựng tấm lòng cao cả đáng khâm phục và ngợi ca của vua Quang Trung, một tư tưởng tiến bộ, đúng đắn và trung thực, tâm huyết, sự chân thành và nhân cách cao đẹp của vua Quang Trung trong việc kêu gọi người hiền tài ra giúp nước.

3. Hình tượng vua Quang Trung trong bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm mẫu 2

“Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để đen răng

Đánh cho nó chích luân bất phản

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Đánh cho sử tri Nam quốc sơn hà chi hữu chủ”

Lời tuyên bố trong chiếu xuất quân ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân (26 tháng 12 năm 1988) của Quang Trung đến hôm nay vẫn còn vang lên dõng dạc như một lời thề, sôi sục ý chí quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ chủ quyền đất nước; một lời thề trang nghiêm và thiêng liêng. Ta có thể thấy được tinh thần dân tộc mạnh mẽ, quật cường như một dòng máu nóng tuôn trào thôi thúc mỗi người dân dũng cảm tiến về phía trước để chiến đấu cho đại nghĩa. Người anh hùng áo vải ấy, trong suốt thời gian hơn hai mươi năm (1771- 1792) chinh chiến và trị quốc, đã làm nên những chiến công lẫy lừng, có những đóng góp vô cùng to lớn cho lịch sử dân tộc. Ông được đánh giá là “một trong những nhà lãnh đạo chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc trong lịch sử Việt Nam với những trận đánh trong nội chiến và chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào”, “đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn”.

Sau chiến thắng Ngọc Hồi năm Kỷ Dậu (1789), để củng cố và xây dựng, phát triển đất nước, vua Quang Trung đã rất chú trọng thu dụng các nhân tài từng phục vụ nhà Lê. Ông chọn Ngô Thì Nhậm trong việc soạn thảo “Cầu hiền chiếu”. Ngô Thì Nhậm là một danh sĩ từng ở ẩn dưới triều Lê, được Quang Trung trọng dụng, đã chấp bút bằng cả tài năng và tâm huyết của người trong cuộc khiến cho bài chiếu trở nên đầy thuyết phục.

Bài chiếu ra đời trong hoàn cảnh đất nước vừa qua cơn binh lửa chưa yên. Cuộc nội chiến kéo dài và cuộc chống ngoại xâm làm sức dân kiệt quệ. Quang Trung vừa mới lên ngôi, chưa trải qua thực tiễn trị nước trong thời bình. Giới quan lại, sĩ phu của triều đại cũ từ chối ra làm việc, bất hợp tác với triều đại Tây Sơn. Nhu cầu cần có người hiền tài, đặc biệt là những người vừa có năng lực, kinh nghiệm và uy tín đang được đặt ra hết sức bức thiết. Do đó, bài chiếu vừa phản ánh không khí của thời đại, đồng thời cho thấy chủ trương cầu hiền đúng đắn, tầm nhìn chiến lược sâu rộng và tấm lòng vì dân vì nước của vua Quang Trung.

Coi trọng người hiền tài vốn là một cách xử thế sáng suốt, là nghệ thuật chính trị của các nhà lãnh đạo. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (Thân Nhân Trung). Nhà vua đã ý thức sâu sắc về điều đó và có một chủ trương sáng suốt: kêu gọi người hiền tài ra giúp nước.

Trong phần mở đầu bài chiếu, Ngô Thì Nhậm đã nêu lên nguyên tắc xuất xử hay trách nhiệm của người hiền tài. Ông chỉ rõ: trời sinh ra người tài là để cho thiên tử sử dụng; đó vừa là quyền lợi, vinh dự đồng thời cũng là trọng trách của người hiền đối với quốc gia. Nếu không ra giúp vua, giúp nước, tự giấu mình, cố tình lẩn tránh là đi ngược lại với đạo trời; cũng là trái với đạo người, đặc biệt là kẻ sĩ. Hình tượng vua Quang Trung ở đây hiện lên như ngôi Bắc thần, quang minh chính đại và rực rỡ, để cho người hiền tài như sao sáng về chầu.

Ngô Thì Nhậm chỉ ra thực trạng của kẻ sĩ Bắc Hà trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Những ngày “thời thế suy vi, Trung châu gặp nhiều biến cố”, người hiền tài như những ngôi sao bị che khuất, không được thể hiện tài năng và khát vọng của mình. Họ lánh mình ở ẩn giữ gìn khí tiết; họ làm việc cầm chừng, dè dặt ở chốn quan trường… Đó là những cách ứng xử bất đắc dĩ bởi không phải họ tự vùi lấp mình mà bởi họ “sinh bất phùng thời”. Ngô Thì Nhậm cũng chỉ ra nỗi niềm canh cánh chờ mong người hiền của vua Quang Trung: “Nay trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, ngày đêm mong mỏi…”. Cùng với đó là sự băn khoăn day dứt của nhà vua: “Hay trẫm ít đức…?”, “Hay đương thời đổ nát…?”. Cách nói khiêm nhường mà đầy ràng buộc khiến cho người nghe không thể không suy nghĩ về thái độ của họ thời gian qua, đồng thời cũng thấy được tấm lòng coi trọng người hiền của nhà vua đang mở ra một không gian mới: họ sẽ không còn sợ bị lãng quên, bỏ rơi, bạc đãi, che lấp như thời buổi suy vi. Kẻ sĩ Bắc Hà còn có cơ hội thể hiện tài năng, tâm huyết và khát vọng lập công, lập danh khi đất nước “đang ở buổi đầu của nền đại định, công việc vừa mới mở ra”, “ngày một ngày hai vạn việc nảy sinh”… Đường lối cầu hiền cũng thật rộng mở để họ mạnh dạn bước lên phía trước.

Vua Quang Trung đã đề cao vai trò của người hiền tài trong việc trị nước, thành tâm khuyến khích, động viên họ ra làm việc, nói ra những trăn trở, bức xúc, âu lo của mình về vận mệnh đất nước… Những điều đó cho ta thấy một tầm nhìn sâu rộng, tài năng chính trị của một con người luôn hết lòng vì giang sơn với một ý thức dân tộc quật cường.

“Chiếu cầu hiền là một tác phẩm nghị luận chính trị - xã hội độc đáo, có ý nghĩa chính trị, có sức lay động chí, chuyển tâm ý của hiền tài trong thiên hạ; có đóng góp đáng kể trong quá trình thuyết phục, sử dụng người hiền tài góp sức lực, trí tuệ để bảo vệ và xây dựng đất nước thời vua Quang Trung. Sức thuyết phục của nó đã vượt ra khỏi giới hạn của một thời đại lịch sử”. Đó là một nhận xét xác đáng của Nguyễn Thị Quế Anh trong bài viết “Tìm hiểu chiếu cầu hiền từ góc độ văn hóa giáo dục”.

Chiếu cầu hiền còn cho thấy hình tượng người anh hùng dân tộc giản dị mà vĩ đại Quang Trung – Nguyễn Huệ như một đỉnh cao của lòng yêu nước mãnh liệt ở thế kỉ XVIII. Người Việt Nam ghi nhận, biết ơn, trân trọng những công lao đóng góp của ông và tôn vinh ông là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất của lịch sử nước nhà.

4. Hình tượng vua Quang Trung trong bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm mẫu 3

Quang Trung - Nguyễn Huệ, tấm gương anh hùng vĩ đại của dân tộc, người có công dẫn đầu đoàn quân Tây Sơn dẹp loạn, thống nhất Đàng Trong, Đàng Ngoài. Sau khi lên ngôi vua, ông đã giao cho Ngô Thì Nhậm viết "Chiếu cầu hiền" nhằm mục đích tìm kiếm, chiêu mộ hiền tài khắp đất nước, đưa về triều đình đào tạo phục vụ, cống hiến cho đất nước. Bằng giọng văn thuyết phục và đanh thép, Ngô Thì Nhậm đã viết một bài chiếu vừa truyền tải tới người nghe, vừa khắc họa hình tượng vua Quang Trung anh minh, sáng suốt, yêu nước thương dân, biết trọng hiền tài, tư tưởng tiến bộ, cách cư xử khéo léo, được lòng người.

Chiếu là thể loại văn chương được vua chúa sử dụng, văn bản do vua, chúa ban hành để triều đình và toàn dân có thể đọc, thực hiện mệnh lệnh hoặc yêu cầu trong đại của đất nước. "Chiếu cầu hiền" được viết mang tính chất kêu gọi những người hiền tài, học thức ra giúp nước. Cái tiến bộ trong tư tưởng vua Quang Trung nằm ở chỗ, khác với các bậc tiền bối chỉ sử dụng người thân cận, con quan phục vụ triều đình, Quang Trung hướng tới đối tượng là tầng lớp nhân dân, nhận thức được vị trí và tầm quan trọng của nhân dân trong công cuộc dựng xây đất nước. Với tư tưởng tiến bộ đó, ông không phân biệt giai cấp, địa vị, giàu sang, thể hiện là người có học, hiểu biết sâu, nhìn xa trông rộng và một lòng vì dân vì nước.

Tác phẩm được viết khi Quang Trung vừa lên ngôi vua, đất nước sau giai đoạn chia cắt còn ngổn ngang, nguyên khí quốc gia kiệt quệ. Trong hoàn cảnh đó, nhà vua ý thức được tầm quan trọng của việc chiêu mộ nhân tài phục dựng đất nước. Ngô Thì Nhậm thay mặt vua soạn "Chiếu cầu hiền" vừa thể hiện tinh thần quyết tâm phục dựng giang sơn, vừa cho thấy tấm lòng của một nhà lãnh đạo anh minh, tài giỏi.

Hình tượng vua Quang Trung được xây dựng là một nhà vua có tầm nhìn, có những sách lược đúng đắn, kịp thời, trân trọng người hiền tài không phân biệt xuất thân, cấp bậc, ứng xử khéo léo được lòng dân. Ngay từ đầu bài Chiếu, Ngô Thì Nhậm đã khẳng định vị trí và vai trò của người tài trong việc xây dựng đất nước, giúp đỡ vua. Tác giả đã nêu ra trách nhiệm, nghĩa vụ của người tài, giúp vua chính là trọng trách của những người có học thức. Những câu văn mang tính động viên, khích lệ, tác động đến lòng dân nhằm khẳng định vai trò của người hiền trong hoàn cảnh đương thời:" kỉ cương triều đình còn nhiều điều thiếu sót, công việc biên ải chính lúc lo toan", nhân dân "khốn khổ chưa còn hồi sức". Chính trong hoàn cảnh ấy, người tài nếu "giấu mình ẩn tiếng, có tài mà không để cho đời dùng" vừa là sự phí phạm, vừa đi ngược lại với luân thường đạo lý. Trên thực tế lúc bấy giờ, khi quan lại của triều đại cũ từ chối hợp tác với Tây Sơn, việc phải chiêu mộ những người có năng lực là điều nan giải, trong khi đó, người hiền kẻ sĩ lại trốn tránh, ẩn dật. Chình vì vậy, nhà vua lúc này cần khiêm nhường, khéo léo vời gọi hiền tài về phục dựng đất nước. Đặt bản thân mình xuống dưới với sự khiêm tốn, "trẫm hiện đương ngồi bên mép chiếu, chăm chú lắng nghe, sớm hôm mong mỏi" và những câu hỏi băn khoăn, trăn trở "Hay đương thời đổ nát?", đồng thời đề có những người có tài nhưng gặp phải "thời thế suy vi", "sinh bất phùng thời" nên không có dịp hội tụ. Một vị vua với tinh thần cầu tài, không ngạo mạn, không hách dịch mà vô cùng chân thành đã khiến người dân phải tự vấn. Cái tài thuyết phục ở đây là chỗ, nhà vua không mang danh tiếng, tiền của ra để mua chuộc hiền tài mà thay vào đó là tấm lòng, là sự thành khẩn mang đến cho người nghe cảm giác yên tâm. Chỉ cần họ có tài, có sức khắc sẽ được trọng dụng, được đãi ngộ tốt. Trải qua thời kì suy vong, nỗi sợ hãi bị vùi dập và khinh rẻ của hiền tài đã trở thành rào cản khiến họ không muốn cống hiến cho đất nước, nay chính là lúc gạt bỏ rào cản đó để chiêu mộ nhân tài, tạo cơ hội cho họ thể hiện tài năng và tâm huyết với tổ quốc.

Đề cao vai trò của kẻ sĩ, vua Quang Trung còn thể hiện là một người biết lấy dân làm gốc, vì dân, yêu nước thương nòi. Khởi nguồn từ việc tìm kiếm người có học dưới tầng lớp nhân dân bộc lộ lối tư duy rộng mở, tầm nhìn xa trông rộng, tiến cử người hiền và để người hiền tự tiến cử, cốt là làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, đất nước được phục dựng. "Làm nên ngôi nhà lớn không phải chỉ một cành cây, xây dựng nền thái bình không chỉ mưu lược của một kẻ sĩ.", "ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều cho phép được dâng thư bày tỏ công việc". Cái quan trọng nhất của một người lãnh đạo là phải biết chiếm dụng lòng tin yêu của nhân dân, làm cho dân tin, dân yêu thì mới được ủng hộ. Hiếm có một nhà lãnh đạo nào lại có thể sẵn sàng tự chất vấn lỗi lầm của bản thân, thừa nhận có những nhân tài kiệt xuất hơn mình. Lấy nhân dân làm cốt lõi vấn đề, đề cao tình đoàn kết dân tộc để "làm nên ngôi nhà lớn", Quang Trung vừa thuyết phục, vừa khuyến khích, đồng thời thể hiện sự công tâm, anh minh, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, chỉ cần "có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời". Sự tin tưởng vào vị vua mới khiến kẻ sĩ trong thiên hạ cảm thấy an tâm, được tôn trọng, tự nguyện cống hiến và phục vụ tổ quốc.

Qua tác phẩm, hình tượng vua Quang Trung được xây dựng là một vị lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược xuất sắc, có cách đối xử và trọng dụng người hiền tài trong hoàn cảnh đất nước rối ren, trách nhiệm cao cả đối với đất nước và tư tưởng sống khiêm nhường, khéo léo, kính trọng nhân tài. Với giọng văn vừa đanh thép, vừa mềm mỏng, vừa thuyết phục vừa đặt ra trách nhiệm vốn có, tác phẩm đã trở thành một văn bản chính trị đầy tính nhân văn, một lần nữa khẳng định hình ảnh người anh hùng áo vải vĩ đại mà đơn sơ, giản dị mà sáng ngời.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 11 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11 và biết cách soạn bài lớp 11 các bài Tác giả - Tác phẩm Ngữ Văn 11 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan tác phẩm:

Đánh giá bài viết
1 1.154
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

Xem thêm