Quy đổi tiết dạy trực tuyến cho giáo viên

VnDoc mời các bạn cùng tham khảo bài viết Vì sao nhiều trường vẫn thờ ơ quy đổi tiết dạy trực tuyến cho giáo viên.

Ngày 22/4/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 1366/BGDĐT-NGCBQLGD về việc hướng dẫn một số nội dung về chế độ làm việc, nghỉ hè đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 năm học 2019-2020. Tuy nhiên cho đến thời điểm này nhiều trường học vẫn lúng túng hoặc thờ ơ trong cách triển khai quy đổi tiết dạy trực tuyến ra tiết dạy thực tế khiến nhiều giáo viên bị thiệt thòi, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy thừa giờ.

1. Điều kiện quy đổi tiết dạy trực tuyến ra tiết dạy thực tế

Nội dung Công văn số 1366/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 22/4/2020 cho biết, các Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý hiệu trưởng các trường phải trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (bao gồm cả tiết quy đổi).

Ngoài ra, nếu giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học online, trên truyền hình được dùng chung cho nhiều nhóm/lớp, nhiều cấp học hoặc địa phương thì hiệu trưởng căn cứ vào điều kiện cụ thể và tính chất công việc để tính toán, quy đổi thành số tiết dạy phù hợp đối với giáo viên đó, hoặc cho cả những người cùng tham gia đảm bảo đúng người, đúng việc.

Bộ Giáo dục quy định việc quy đổi số tiết dạy của giáo viên phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của trưởng Phòng Giáo dục và Đào (đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở), hoặc giám đốc Sở Giáo dục và Đào đối với cấp trung học phổ thông. [1]

2. Vì sao nhiều trường vẫn thờ ơ, lúng túng quy đổi tiết dạy trực tuyến?

Theo tôi, nhiều trường vẫn lúng túng hoặc thờ ơ trong việc quy đổi tiết dạy trực tuyến ra trực tiếp bởi những lí do chủ yếu sau đây.

Thứ nhất, đa số giáo viên đều được phân công giảng dạy đúng nghĩa vụ, chẳng hạn, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết/tuần, trung học phổ thông 17 tiết/tuần, không mấy ai dạy thừa giờ để tính phụ trội.

Thực tế dạy học ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, giáo viên nào dạy thừa giờ thì lãnh đạo vẫn sắp thời khóa biểu tiết dạy trực tuyến như trực tiếp. Ví dụ, giáo viên môn Ngữ văn (chương trình cơ bản) bậc trung học phổ thông vẫn dạy 3 tiết/tuần như kế hoạch dạy học đã được phê duyệt.

Thứ hai, giáo viên làm công tác chủ nhiệm vẫn được tính kiêm nhiệm 4,5 tiết (bao gồm 0,5 tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp). Giáo viên chủ nhiệm được xếp thời khóa biểu 2 tiết/tuần vào mỗi sáng thứ 2 để sinh hoạt lớp.

Công bằng mà nói, giáo viên chủ nhiệm không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ 2 tiết vào mỗi sáng thứ 2 hàng tuần. Thầy cô còn phải hỗ trợ giáo viên bộ môn và kết nối với phụ huynh để quản lí, hướng dẫn học sinh học trực tuyến. Những công việc này giáo viên phải làm hàng ngày, cho nên cần quy đổi thời gian chủ nhiệm lên gấp rưỡi mới hợp tình hợp lí (khoảng 6,5 tiết/tuần).

Thứ ba, Bộ Giáo dục đã ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19.

Theo Phụ lục của Công văn này, gần như các môn học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đều giảm tải. Ví dụ, môn Ngữ văn 9 có 41 bài học chuyển sang “khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự làm…”, kéo theo giáo viên bộ môn cũng dạy ít hơn so với số tiết chuẩn quy định.

3. Nhất thiết phải quy đổi tiết dạy trực tuyến cho giáo viên dạy vượt mức

Tôi cho rằng, các trường cần nhanh chóng quy đổi tiết dạy trực tuyến ra trực tiếp để số giáo viên dạy vượt giờ không bị thiệt thòi. Muốn làm đúng luật, lãnh đạo các trường cần viện dẫn vào các căn cứ pháp lí như sau.

Thứ nhất, Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập quy định:

Định mức giờ dạy/năm đối với giáo viên mầm non; định mức tiết dạy/ năm học đối với giáo viên phổ thông; định mức giờ giảng dạy/năm học đối với giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; tiêu chuẩn giờ giảng/năm học đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề; định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được gọi chung là định mức giờ dạy/năm.

Khoản 8 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập quy định:

Số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch này không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, điểm b Khoản 3 Điều 106 Bộ luật Lao động quy định:

Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm.

Ngoài ra, nhà trường cũng cần quan tâm quy đổi tiết dạy cho giáo viên chủ nhiệm vì công việc (dạy học trực tuyến) của họ hiện nay rất vất vả, như đã dẫn. Nếu có khó khăn trong thực hiện, lãnh đạo có thể giảm số tiết dạy, thời gian dạy nhằm giúp thầy và trò bớt áp lực hơn trong dạy học trực tuyến.

Điều này đã được ông ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) gợi ý, thời gian 1 tiết dạy học trực tuyến cần giảm bớt so với 1 tiết dạy học trực tiếp, tốt nhất là chỉ nên 30 phút/tiết. Số tiết học/buổi cũng cần điều chỉnh giảm bớt. Thời gian nghỉ giải lao giữa các tiết học nhiều hơn, trước là 5 phút, nhưng bây giờ có thể là 10 phút.

Đánh giá bài viết
1 17.260
Sắp xếp theo

    Văn bản giáo dục

    Xem thêm