Hậu Covid-19 là tình trạng bệnh lý xuất hiện ở người từng nhiễm COVID-19, với những triệu chứng có tác động đến cơ thể và kéo dài ít nhất 2 tháng.

Căn cứ quy định hiện nay tại Luật Bảo hiểm y tế, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến BHYT để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Khi thực hiện khám, chữa bệnh, bất kỳ ai tham gia BHYT cũng sẽ được hưởng các quyền lợi về BHYT theo quy định của pháp luật.

Theo đó, khi người bệnh có thẻ BHYT khám và điều hậu Covid-19 tại cơ sở y tế công lập sẽ được BHYT chi trả theo quy định pháp luật.

- Mức hưởng BHYT đối với người bệnh khi tham gia khám, điều trị hậu Covid-19 căn cứ theo Điều 22 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, cụ thể:

* Đi khám, chữa bệnh đúng tuyến:

Người bệnh sẽ được thanh toán chi phí trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT với mức hưởng như sau:

+ 100% chi phí khám, chữa bệnh dành cho các trường hợp là bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 06 tuổi; người thuộc hộ nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở…

+ 95% chi phí khám, chữa bệnh dành cho những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ cận nghèo…

+ 80% chi phí khám, chữa bệnh dành cho các đối tượng khác.

* Đi khám, chữa bệnh trái tuyến:

Nếu tự đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến mà không có giấy giới thiệu thì tùy tuyến khám chữa bệnh mà người tham gia BHYT sẽ được thanh toán như sau:

+ Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;

+ Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú.

+ Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Theo Công văn 627/BYT-BH ngày 27/01/2021, mức hưởng trái tuyến này được áp dụng đối với tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên phạm vi cả nước.

Lưu ý:

- Trường hợp người bệnh có thẻ BHYT và khám chữa bệnh các bệnh lý thuộc danh mục và phạm vi thanh toán của quỹ BHYT thì các đơn vị thu theo mức giá quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 13/2019/TT-BYT.

- Tại các bệnh viện tuyến trung ương, người đến khám hậu Covid-19 cần có giấy chuyển tuyến để được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT.

- Trường hợp người có thẻ BHYT buộc cấp cứu hoặc điều trị nội trú thì vẫn được BHYT chi trả.

- Những trường hợp không tham gia BHYT sẽ không được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh hậu COVID-19. Các cơ sở y tế thu theo giá quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 14/2019/TT-BYT.

Ngoài ra, trường hợp người bệnh lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, các cơ sở thu giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu đã thực hiện kê khai với Sở Y tế địa phương (mức giá này được công khai để người dân lựa chọn).

Tại cơ sở y tế ngoài công lập, Bộ Y tế đã có quy định về các mức khám chữa bệnh tổng quát hoặc chuyên khoa đối với hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập. Riêng hoạt động của cơ sở y tế ngoài công lập, Sở Y tế không áp quy định về mức giá.

>> Có được hưởng bảo hiểm y tế khi khám và điều trị hậu COVID-19 không?

32. Hà Nội hướng dẫn công nhận F0, cấp giấy hưởng BHXH theo 3 bước

Ngày 10.3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký ban hành Văn bản số 694/UBND-KGVX về việc hướng dẫn các thủ tục hành chính, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà.

Văn bản nêu rõ, UBND thành phố ban hành hướng dẫn các thủ tục hành chính, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà, cụ thể là về quyết định cách ly, kết thúc cách ly, xác nhận khỏi bệnh, cấp giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội.

Bước 1: Xác định người mắc COVID-19

Tiếp nhận thông tin từ người nghi nhiễm. Thông tin được chuyển đến Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng (được phân công phụ trách từng khu vực tổ dân phố, cụm dân cư đến từng hộ gia đình) bao gồm thông tin người nghi nhiễm và nhu cầu cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (nếu có nhu cầu).

Sau khi tiếp nhận thông tin của người nghi ngờ mắc COVID-19, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng tập hợp danh sách người nhiễm, đồng thời thực hiện giám sát bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa cùng với nhân viên y tế được giao phụ trách địa bàn chịu trách nhiệm xác định thông tin về hành chính và xác nhận ca bệnh.

Chuyển danh sách người nhiễm COVID-19 đủ thông tin đã được xác nhận của Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, nhân viên y tế đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn.

Bước 2: Quyết định cách ly, quản lý theo dõi người mắc COVID-19 tại nhà

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch xã, phường, thị trấn: Ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà (Quyết định cách ly ghi rõ số ngày cách ly từ ngày ra quyết định cho đến ngày có xác nhận khỏi bệnh của cơ quan y tế): Gửi bản chụp qua điện thoại, Zalo đến Tổ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng để gửi cho người mắc qua nhóm Zalo, bản chính lưu tại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn.

Cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý F0.

Nhân viên y tế tại trạm Y tế xã, phường thị trấn: Phân tầng điều trị, chuyển tuyến với các bệnh nhân tầng 2, 3; Kê đơn điều trị ngoại trú theo Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú. Ký giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội cho người mắc COVID-19 tại nhà, cho người mắc có nhu cầu đã đăng ký tại Bước 1 trong thời gian 7 ngày.

Cập nhật thông tin người mắc COVID-19 có tham gia bảo hiểm xã hội lên hệ thống thông tin giám định của Bảo hiểm xã hội để cấp Giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định sau khi có đầy đủ chữ ký của nhân viên y tế có thẩm quyền ký theo quy định.

Bước 3: Xác nhận khỏi bệnh và hoàn thành cách ly

Cụ thể, ngày thứ 7 kể từ ngày có quyết định cách ly y tế và xác nhận ca mắc, người mắc COVID-19 tại nhà làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người mắc Covid-19 thực hiện dưới sự giám sát của Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng và nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Nếu kết quả âm tính, trạm Y tế cấp Giấy xác nhận khỏi bệnh và kết thúc cách ly. Nếu kết quả dương tính, người mắc tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (nếu tiêm đủ mũi vaccine) hoặc 14 ngày (nếu tiêm chưa đủ mũi vaccine).

Nhân viên y tế tại trạm y tế cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thêm 3 ngày hoặc 7 ngày đối với người tham gia bảo hiểm xã hội và phối hợp để cập nhật lên cổng giám định bảo hiểm xã hội. Cấp Giấy xác nhận khỏi bệnh, kết thúc cách ly vào ngày thứ 10 (nếu tiêm đủ mũi vaccine) hoặc ngày thứ 14 (nếu tiêm chưa đủ mũi vaccine) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Văn bản nêu rõ, Sở Y tế hướng dẫn, giám sát việc triển khai Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, kịp thời tổng hợp báo cáo, đề xuất, tham mưu bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch tại địa phương.

33. TP. HCM: Người dân không cần đến trạm y tế để khai báo là F0

Sở Y tế TP. HCM đã có Công văn 1655/SYT-NVY ngày 11/3/2022 triển khai các biện pháp giảm tải thủ tục hành chính cho người F0 tại các Trạm y tế phường, xã, thị trấn.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, Trung tâm y tế, Trạm y tế khẩn trương triển khai chuyển đổi số trong công tác xác nhận F0 và các thủ tục xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà, cụ thể: 

- Khi phát hiện người mắc Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sáng ở mức độ nhẹ đủ điều kiện cách ly tại nhà: Hướng dẫn người mắc Covid-19 truy cập địa chỉ  https://khaibaof0/tphcm.gov.vn trên máy tính hoặc điện thoại có kết nối internet để “khai báo F0”.

Thông tin khai báo sẽ được hệ thống ghi nhận và gửi về Trạm y tế phường, xã, thị trấn nơi người mắc Covid-19 cách ly.

- Các cơ sở khám, chữa bệnh phải tăng cường truyền thông trên tất cả các phương tiện thông tin của đơn vị như: Trang tin điện tử, bảng thông báo, tờ rơi, bản tin tại Khoa Khám bệnh, Khoa Lâm sàng... để hướng dẫn cách thức khai báo với y tế địa phương khi có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính và cách ly tại nhà qua địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn

Cùng với đó, yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố xây dựng nội dung và triển khai, hướng dẫn các đơn vị thực hiện truyền thông cho người dân về cách sử dụng máy vi tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet để khai báo F0 khi cách ly tại nhà.

Riêng Phòng Y tế, Trung tâm y tế tham mưu cho UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức chỉ đạo UBND cấp xã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã. Qua đó, phân công lãnh đạo TYT là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và ký Giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà.

Đồng thời, huy động lực lượng để hỗ trợ Trạm y tế tiếp nhận thông tin khai báo của F0 và cấp Giấy xác nhận cho F0 kịp thời, hạn chế tập trung người dân tại Trạm y tế thực hiện các thủ tục hành chính.

Sở Y tế Thành phố cũng lưu ý phân công nhân sự trực điện thoại (số điện thoại này phải khác với số điện thoại tiếp nhận F0 tự khai báo) để nhận tin nhắn SMS và thông báo kết quả xét nghiệm âm tính do F0 tự khai báo khi kết thúc thời gian cách ly.

Sau đó, đăng nhập vào nền tảng quản lý Covid-19 để xác nhận hoàn tất thời gian cách ly, ký và cấp Giấy xác nhận cho F0 bằng bản điện tử qua email hoặc bản giấy; hạn chế việc F0 hoặc người nhà tập trung tại Trạm y tế để chờ nhận Giấy xác nhận.

34. Bộ Y tế đính chính lại thông tin F0 được ra khỏi nhà

Ngày 15/3, Bộ Y tế đã có Quyết định số 616 đính chính quyết định số 604 ngày 14/3 về ban hành "Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19". Theo đó, Bộ Y tế nêu rõ F0 hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, không được ra khỏi nhà.

Theo đó tại Quyết định 616/QĐ-BYT, Bộ Y tế đính chính một số nội dung trong "Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19" được ban hành tại Quyết định số 604/QĐ-BYT ngày 14/03/2022, như sau:

1. Điểm a, mục 5.4 "a) Người mắc COVID-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác", đính chính thành:

Người mắc COVID-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn đính chính mục 5.1.3 "Người lớn (trên 16 tuổi)" thành "Người trên 16 tuổi".

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành, tức là từ hôm nay 15/3.

Trước đó, ngày 14/3, Bộ Y tế ban hành Quyết định 604/QĐ-BYT "Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19" trong đó có nội dung tại điểm 5.4 "a) Người mắc COVID-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác".

Tuy nhiên nội dung này gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.

Trước việc dư luận có nhiều cách hiểu này, tối ngày 14/3, Tổ biên tập hướng dẫn đã điều chỉnh lại một số điểm tại Quyết định 604/QĐ-BYT và hôm nay 15/3, Bộ Y tế ban hành Quyết định 616 đính chính lại Quyết định 604.

35. F0 làm việc online tại nhà không được hưởng BHXH

F0 vẫn làm việc online có được thanh toán chế độ ốm đau?

Do bị nhiễm Covid-19 nên sức khỏe bị suy giảm, người lao động cần phải nghỉ ngơi để điều trị. Lúc này, những người lao động có tham gia BHXH sẽ được xem xét giải quyết hưởng chế độ ốm đau.

Theo Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động đang tham gia BHXH được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng đồng thời 03 điều kiện sau:

1 - Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động mà phải nghỉ việc.

2 - Có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

3 - Không thuộc trường hợp ốm đau, tai nạn do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng ma túy, tiền chất ma túy.

Theo quy định trên, người lao động phải nghỉ làm vì lý do bị ốm đau thì mới được hưởng chế độ BHXH.

Do đó, nếu F0 vẫn đủ sức khỏe để làm việc online và nhận đủ lương từ phía doanh nghiệp thì sẽ không được quỹ BHXH thanh toán tiền ốm đau.

Việc không giải quyết BHXH cho người lao động là F0 có đủ sức khỏe để làm việc online là hoàn toàn phù hợp với ý nghĩa của BHXH.

Bởi khoản 1 Điều 3 Luật BHXH đã nêu rõ, bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động,...

F0 nhận tiền BHXH nhưng vẫn hưởng đủ lương từ công ty, có vi phạm?

Theo quy định đã đề cập ở trên, người lao động là F0 phải nghỉ làm khi điều trị Covid-19 thì mới được thanh toán tiền BHXH.

Đồng nghĩa đó, trong thời gian nghỉ ốm đau do bị F0, người lao động sẽ không được hưởng tiền lương từ phía doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để hỗ trợ người lao động bị F0 có thêm thu nhập để mua thuốc và bồi bổ, nhiều doanh nghiệp vẫn trả đủ tiền lương theo thỏa thuận.

Đây được xem là một khoản phúc lợi hợp pháp mà pháp luật luôn khuyến khích doanh nghiệp thực hiện để người lao động có thêm nhiều quyền lợi. Điều này được ghi nhận tại khoản 1 Điều 4 Bộ luật Lao động như sau:

Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

36. Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới nhất về F0 điều trị tại nhà

Theo hướng dẫn mới vừa ban hành ngày 14-3, tiêu chí lâm sàng của người mắc Covid-19 điều trị tại nhà được bổ sung "là người bệnh Covid-19 đã được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị nhưng chưa đạt tiêu chuẩn khỏi Covid-19 và đạt tiêu chuẩn quản lý tại nhà thì được chuyển về nhà để tiếp tục chăm sóc".

Ngoài ra, hướng dẫn kèm quyết định 604 bổ sung mục "Khai báo y tế" với F0 điều trị tại nhà. Trong đó, F0 hoặc người chăm sóc thông báo với trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở quản lý F0 điều trị tại nhà... theo hướng dẫn của địa phương về: Thông tin cá nhân, thời điểm được xác định mắc Covid-19, đối tượng được quản lý tại nhà, thời điểm hết cách ly, điều trị tại nhà. Trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà thu thập thông tin và lập danh sách người mắc Covid-19 quản lý tại nhà theo mẫu quy định.

Các vật dụng cần thiết với F0 điều trị tại nhà:

- Nhiệt kế;

- Máy đo SpO2 cá nhân (nếu có);

- Khẩu trang y tế;

- Phương tiện vệ sinh tay;

- Vật dụng cá nhân cần thiết;

- Thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.

Phương tiện liên lạc: Điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sỹ, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh, bệnh viện...).

Hướng dẫn mới đặc biệt thay đổi về điều kiện cách ly: "Tạo không gian cách ly riêng. Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm; luôn mở cửa sổ".

Thuốc điều trị tại nhà gia đình cần chuẩn bị khi có F0

- Thuốc hạ sốt: paracetamol cho người lớn: viên 500mg, số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày. Paracetamol cho trẻ em (tùy theo cân nặng và độ tuổi): gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hoặc viên hàm lượng 80 mg, 100 mg, 150 mg hoặc 250 mg, 325 mg, 500 mg, số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày.

- Dung dịch cân bằng điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.

- Thuốc giảm ho (tùy theo triệu chứng): Thuốc từ thảo dược, hoặc thuốc giảm ho đơn thuần, hoặc thuốc giảm ho kết hợp kháng histamin...., số lượng đủ dùng trong khoảng 5-7 ngày.

Lưu ý chỉ định, chống chỉ định và các cảnh báo, thận trong khi sử dụng thuốc.

- Dung dịch nhỏ mũi: natriclorua 0,9%, đủ dùng từ 5-7 ngày. - Thuốc điều trị bệnh nền theo đơn thuốc được kê đơn đang sử dụng cho người bệnh (nếu cần, đủ sử dụng trong 1- 2 tuần). Các hướng dẫn về "Theo dõi sức khỏe người mắc Covid-19" hầu như không thay đổi so với các văn bản được ban hành trước đó (số 261 và số 528).

Tuy nhiên, Bộ Y tế bổ sung yêu cầu về thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm. Theo đó, F0 điều trị tại nhà và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, như sau:

- F0 điều trị tại nhà cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác. Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0.

- Nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế chế đề các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa...) tại khu vực này.

- Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hàng ngày và khi dây bẩn

- Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.

37. Tái nhiễm F0, điều trị tại nhà ra sao?

ThS-BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết người có bệnh nền và trên 65 tuổi, bệnh có thể diễn tiến nặng khi tái nhiễm. Vì vậy, người nhà cần theo dõi sức khỏe thường xuyên để kịp thời đưa đến bệnh viện khi có những dấu hiệu chuyển nặng như: khó thở, thở nhanh, SpO2 giảm.

Tái nhiễm khác tái hoạt

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, cần hiểu đúng vấn đề tái nhiễm và tái hoạt (tái dương) của virus để không hoảng loạn, lo sợ. Các tài liệu y khoa đã chỉ rõ tái hoạt là người bệnh có kết quả âm tính - dương tính lẫn lộn nhiều lần trong 90 ngày, kể từ lần mắc bệnh đầu tiên. Kết quả dương tính này có thể do xác virus còn lưu lại trong cơ thể, chưa đào thải hết hoặc xét nghiệm cho kết quả sai.

Còn tái nhiễm là tình trạng người từng mắc Covid-19 bị mắc lại sau 90 ngày, kể từ lần lây nhiễm đầu tiên. Một người có thể bị tái nhiễm biến chủng mới hoặc chính biến chủng đã từng mắc. Tái nhiễm sẽ nguy hiểm hơn tái hoạt, bởi tái nhiễm giống như một lần mắc mới và cần điều trị như ca bệnh mới.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng Tân Bình (TP HCM)

"Đến nay, các thống kê trên thế giới ghi nhận tỉ lệ tái hoạt khoảng 8%-11%, trong khi đó tái nhiễm chỉ chưa đến 1%. Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố chưa ghi nhận ca tái nhiễm Covid-19 nào nhưng tái hoạt thì có 1 ca sau 2 tuần khỏi bệnh đã dương tính lại với SARS-CoV-2, phải nhập viện điều trị, 2 tuần sau xét nghiệm PCR âm tính nhưng 2 tuần tiếp theo lại tiếp tục dương tính, đến 2 tuần cuối mới âm tính hoàn toàn" - bác sĩ Tiến thông tin.

Tuy tỉ lệ rất ít nhưng BS Tiến cho rằng việc tái nhiễm vẫn có thể xảy ra, vì vậy bệnh viện đã chuẩn bị sẵn quy trình và điều trị các ca tái nhiễm như một ca bệnh mới. Khi trẻ tái nhiễm, không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì cha mẹ được khuyến cáo điều trị tại nhà, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ.

Với biến chủng Omicron, trẻ có thể bị sốt cao từ 1-3 ngày, cha mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt kèm theo lau mát người. Trẻ dưới 6 tuổi, cha mẹ cần theo dõi kỹ hơn để hạ sốt kịp thời, tránh trường hợp trẻ bị co giật. Nếu trẻ ho nhiều, nôn ói, tiêu chảy thì có thể dùng thuốc điều trị triệu chứng.

"Trong trường hợp trẻ có yếu tố nguy cơ trở nặng như: béo phì, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh…, cha mẹ cần theo dõi sát hơn. Trẻ có dấu hiệu như thở nhanh, SpO2 dưới 95%, có dấu hiệu co rút lồng ngực, thở rên, phập phồng cánh mũi, tím tái môi và đầu chi, li bì, bỏ bú…, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay" - BS Tiến khuyên.

Đeo khẩu trang và rửa tay

BS Nguyễn Thế Vũ, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện quận 7 (TP HCM), cho biết tại đây chưa ghi nhận bệnh nhân tái nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, nhân viên y tế ở bệnh viện đã có 3 người tái nhiễm Covid-19 sau khi mắc bệnh từ đợt dịch thứ 4 ở thành phố. So với số lượng nhân viên y tế đã và đang mắc Covid-19 thì tỉ lệ tái nhiễm không nhiều, tất cả đều bị nhẹ.

Mặc dù khi tái nhiễm, bệnh nhân sẽ ít có khả năng diễn tiến bệnh nặng nhưng các bác sĩ cho rằng không nên chủ quan, ngay cả khi đã khỏi bệnh và tiêm đủ 3 mũi vắc-xin.

Theo các bác sĩ, vắc-xin phòng Covid-19 được tạo ra trong bối cảnh cấp bách, tính sinh miễn dịch của vắc-xin chưa bền, nồng độ kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian. Trước những biến chủng mới, người dân sẽ dễ nhiễm bệnh hơn trước, tái nhiễm với những biến chủng khác nhau, vắc-xin sẽ hạn chế được bệnh diễn tiến nặng chứ không bảo vệ khỏi nhiễm bệnh 100%.

"Mọi người phải hiểu vắc-xin không phải là lá chắn an toàn tuyệt đối để bảo vệ mình trước Covid-19, ngay khi đã tiêm đủ 3 mũi cũng cần tuân thủ các biện pháp phòng chống Covid-19 đã được Bộ Y tế khuyến cáo, đặc biệt là đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên" - BS Vân Anh nhấn mạnh.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP HCM, khi mắc Covid-19, cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch nhưng không phải miễn dịch nào cũng có tính bền vững vì sẽ luôn có sự suy giảm nồng độ kháng thể trong máu. Những biến chủng mới của Covid-19 vào các tế bào cơ thể rất nhanh mà kháng thể chưa kịp đáp ứng nên việc tái nhiễm giữa các biến chủng khác nhau là bình thường.

“Những trường hợp tái nhiễm đủ điều kiện cách ly tại nhà bên cạnh dùng thuốc cần thường xuyên tập thở, uống đủ nước, ăn uống bảo đảm dinh dưỡng và tăng cường tập thể dục để nâng cao sức khỏe” - PGS Đỗ Văn Dũng lưu ý.

38. Tất cả hướng dẫn về theo dõi sức khoẻ của Bộ Y tế mà F0 điều trị tại nhà cần biết

Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19 ban hành kèm theo quyết định 604/ QĐ- BYT ngày 14/3 của Bộ Y tế đã đưa ra các thông tin về theo dõi sức khỏe đối với F0 điều trị tại nhà.

Đối với F0 điều trị tại nhà là trẻ dưới 5 tuổi

Cần theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), mầu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.

Khi người chăm sóc, quản lý F0 là trẻ dưới 5 tuổi điều trị tại nhà phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.

  • Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật.
  • Sốt cao liên tục > 39oC và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ.
  • Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút; Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút; Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.
  • Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn.
  • SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)
  • Tím tái
  • Mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít.
  • Nôn mọi thứ
  • Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được
  • Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng...
  • Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.

Đối với F0 điều trị tại nhà là trẻ từ 5-16 tuổi

Theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, ăn uống, ho, đau ngực, đau bụng, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài), mất khứu giác, thính giác.

Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu. để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.

  • Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút
  • Thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn.
  • SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)
  • Cảm giác khó thở
  • Ho thành cơn không dứt
  • Đau tức ngực
  • Không ăn/uống được
  • Nôn mọi thứ
  • Tiêu chảy
  • Trẻ mệt, không chịu chơi
  • Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ
  • Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.

Đối với F0 điều trị tại nhà là người trên 16 tuổi

Cần theo dõi các dấu hiệu:

- Chỉ số: nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).

- Các triệu chứng: mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; các triệu chứng khác như đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ.

Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay với cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà/cơ sở lưu trú: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa người mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.

  • Khó thở, thở hụt hơi.
  • Nhịp thở ≥ 20 lần/phút.
  • SpO2 ≤ 96%.
  • Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.
  • Huyết áp thấp: huyết áp tâm thu < 90 mmHg, huyết áp tâm trương < 60 mmHg (nếu có thể đo).
  • Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
  • Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
  • Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, co giật.
  • Không thể ăn uống do nôn nhiều.
  • Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người mắc COVID-19 mà thấy cần khám, chữa bệnh.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ đối với F0 điều trị tại nhà sử dụng thuốc như sau

Thuốc hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38,50 C hoặc đau đầu nhiều:

  • Người lớn: paracetamol, mỗi lần 01 viên 500mg hoặc 10-15 mg/kg, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ. Lưu ý tổng liều thuốc không vượt quá 4g (4000mg)/ngày.
  • Trẻ em: paracetamol liều 10-15 m g/kg/l ần (uống hoặc đặt hậu môn), cách tối thiểu 4 - 6 giờ nếu cần nhắc lại (hoặc sử dụng liều theo tuổi nếu không biết cân nặng của trẻ, chi tiết trong Phụ lục số 02); Lưu ý tổng liều thuốc không vượt quá 60 mg/kg/ngày.

Dung dịch cân bằng điện giải khi mất nước (do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi): Khuyến khích người mắc COVID-19 uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây hoặc Oresol (pha và dùng theo đúng hướng dẫn), nếu không muốn uống Oresol có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội, nước trái cây. Không sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp (không sản xuất từ hoa quả) để bù nước;

Tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh.

Dùng các thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết:

  • Ho nhiều: Có thể dùng các thuốc giảm ho từ thảo dược, hoặc thuốc giảm ho đơn thuần, hoặc thuốc giảm ho kết hợp kháng histamin.... Lưu ý chỉ định, chống chỉ định và các cảnh báo/thận trong khi sử dụng thuốc
  • Ngạt mũi, xổ mũi: xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorua 0,9%.
  • Tiêu chảy: chế phẩm vi sinh có lợi cho đường ruột (probiotic), men tiêu hóa.

Bộ Y tế lưu ý: Với người đang được sử dụng các thuốc điều trị bệnh nền theo đơn ngoại trú tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn.

- Không tự ý dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm. khi chưa có chỉ định, kê đơn.

- Không xông cho trẻ em.