Ý nghĩa câu chuyện Rùa và Thỏ
Chúng tôi xin giới thiệu bài Ý nghĩa câu chuyện Rùa và Thỏ được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Tiếng Việt 2. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Ý nghĩa câu chuyện Rùa và Thỏ
Câu hỏi: Ý nghĩa câu chuyện Rùa và Thỏ?
Lời giải:
Truyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ ca ngợi những con người có ý chí, kiên trì, bền bỉ, cần cù và chịu khó. ... Truyện còn nhắc nhở chúng ta rằng nhiều người có tài năng thiên bẩm nhưng lại bị hủy hoại bởi chính sự lười nhác, kiêu ngạo, khoe khoang, mặt khác, điềm tĩnh, nhiệt huyết và bền chí có thể chiến thắng lười biếng.
1. Nội dung truyện Rùa và thỏ
Câu chuyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ chạy đua nổi tiếng khắp thế giới với bài học sâu sắc cho những ai có tính kiêu ngạo, chủ quan, coi thường người khác.
Nội dung kể về cuộc chạy thi giữa Rùa và Thỏ: Rùa khiêm tốn, cố gắng nên tới đích trước. Thỏ chủ quan, tự đắc nên thua cuộc.
2. Tóm tắt truyện Rùa và Thỏ
Trong khu rừng nọ, vào một hôm thời tiết đẹp, đại hội thể thao lớn hàng năm cũng đã được tổ chức, tất cả các loài vật trong rừng đều hào hứng tham gia. Trong rừng tổ chức rất nhiều cuộc thi thú vị như thi nhảy cao, thi trèo cây và cả thi bơi lội nữa…
Thỏ con là một nhân vật đáng chú ý đến nhất trong khu rừng bởi có tài chạy rất nhanh nên chú đã vui vẻ ghi tên mình tham gia cuộc thi chạy. Rồi đúng lúc đó cũng có một chú Rùa chậm chạp, từ đâu bò tới cuộc thi để đăng kí cuộc thi .Thấy Rùa chậm chạp vậy cũng dám đăng ký Thỏ cười nói: “Này Rùa, cậu mà cũng đến đăng ký dự thi chạy ư? Cậu đi còn chậm chạp như thế lại không biết nhảy cao, không biết trèo cây thì thi thố cái gì. Thôi! Cậu đừng tự làm khó mình nữa!” Rùa ta đáp lại: “Ai nói tớ không thể tham gia thi cơ chứ? Nếu vậy thì chúng ta cùng nhau thi tài xem sao.” Thỏ cười nhạo: “Thi cái gì? Thi chạy nhanh nhé!” Rùa tự tin đáp: “Được thôi!”. Vậy là trận quyết chiến không cân sức giữa Thỏ và Rùa đã xảy ra, cả hai giao kèo với nhau nếu như ai chạy đến gốc gây dưới chân núi trước thì sẽ giành chiến thắng.
“Chuẩn bị! Chạy!” hiệu lệnh của cuộc đua vừa dứt, Thỏ con liền sải những bước chân dài của mình chạy nhanh như bay, chỉ trong nháy mắt đã chạy được một quãng đường rất xa. Thấy mình đã chạy được xa nên Thỏ ta rất đắc ý quay lại nhìn thì chẳng thấy bóng dáng Rùa đâu, bèn nghĩ bụng: “Rùa mà dám chạy thi với Thỏ, đúng là chuyện nực cười nhất thế giới! Thế là Thỏ tự cao xem thường Rùa và rồi nó nghĩ : “ Rùa chắc còn lâu mới đuổi kịp, thôi mình cứ tạm dừng lại ngủ một giấc lấy sức rồi dậy chạy tiếp cũng không muộn.” Và rồi Thỏ dựa vào gốc cây, ngủ một giấc thật khoan khoái.
Còn Rùa ta vẫn đang cố gắng, chăm chỉ, thật bình tĩnh và rất khiêm tốn, vẫn miệt mài trên đường đua, từng bước, từng bước một. Rùa tự biết rằng mình bò rất chậm nên nào có dám dừng lại để nghỉ một phút. Không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua, chỉ biết càng ngày Rùa càng đến gần gốc cây dưới chân núi hơn, cuối cùng chỉ còn vài bước nữa là về đến đích…
Lúc này, trong cơn gió nhẹ nhẹ mát mẻ Thỏ con mới tỉnh giấc, nó ngoái nhìn về phía sau không thấy Rùa đâu, nhìn lên trước: “Trời ơi, không xong rồi!” Rùa đã chạy tới gốc cây làm vạch đích ấy trước Thỏ rồi. Thỏ ta cho dù có ba chân bốn cẳng đuổi theo thì cũng không kịp nữa rồi, phần thắng đã thuộc về Rùa.
3. Ý nghĩa giáo dục rút ra câu chuyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ
Bài học về sự chủ quan có thể dẫn tới thất bại
Một cái đầu tỉnh táo, một trái tim trung thực và một linh hồn khiêm nhường, đó là ba người dẫn đường tốt nhất qua thời gian và cõi vĩnh hằng (Walter Scott)
Thật vậy, trong cuộc sống, ta từng chứng kiến rất nhiều người được trao cho khả năng đặc biệt, tài năng hơn người song lại nhanh chóng bước vào con đường sai lầm vì u mê trong chiến thắng, coi thường người khác. Thỏ trong câu chuyện là một ví dụ. Thỏ tượng trưng cho sự nhanh nhẹn tháo vát, cho tài năng thiên bẩm không cần luyện tập cũng có thể hơn hẳn rất nhiều người. Song nó cũng tượng trưng cho tính tự phụ của con người. Vì quá tự tin coi thường đối thủ mà dẫn tới thua cuộc một cách đau đớn.
Tự tin là một đức tính tốt của con người, song nếu tự tin thái quá sẽ thành chủ quan, khinh địch. Những người tài giỏi nhưng lười biếng, khoe khoang, “dục tốc bất đạt” thì dễ dàng bị ngủ quên trong vọng tưởng của bản thân, kéo bản thân đi lùi về phía sau, thua cả những kẻ yếu thế hơn mình rất nhiều.
Câu chuyện để lại cho chúng ta lời khuyên, nhanh nhưng chủ quan thì chắc chắn sẽ thua cuộc. Cần phải có sự tỉnh táo và không ngừng vươn lên, cũng như cần có một tâm hồn khiêm nhường luôn biết phấn đấu, không nên tự cao tự đại cũng như khoe khoang.
Bài học về đức tính kiên trì, “chậm mà chắc”
Rùa trong câu chuyện tượng trưng cho tính ổn định của mỗi người. Rùa không có những lợi thế tự nhiên, không có tài năng đặc biệt nhưng Rùa hơn những con vật khác ở đức tính kiên trì, không bao giờ bỏ cuộc và luôn tin vào bản thân mình. Rùa biết rất rõ mình chạy chậm hơn thỏ nên đã nỗ lực hơn thỏ rất nhiều, cuối cùng đã chiến thắng cuộc đua. Điều này chứng tỏ một điều, chậm nhưng ổn định sẽ dành chiến thắng.
Cuộc sống này không bao giờ là công bằng, luôn luôn có những người được tự nhiên ưu ái, và vì vậy sẽ có một bộ phận khác thuộc bên yếu thế. Song “Nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục mọi thứ”. Mọi vĩ nhân đều bắt đầu từ những bước đi chậm chạp như Rùa, song họ biết tin vào bản thân, biết nỗ lực không biết bỏ cuộc nên cuối cùng chắc chắn họ sẽ dành được thành quả xứng đáng.
Truyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ ca ngợi những con người có ý chí, kiên trì, bền bỉ, cần cù và chịu khó. Và tất nhiên lên án những người lười biếng, khoe khoang, tự cao, kiêu ngạo, xem bản thân là giỏi nhất và xem thường người khác. Truyện còn nhắc nhở chúng ta rằng nhiều người có tài năng thiên bẩm nhưng lại bị hủy hoại bởi chính sự lười nhác, kiêu ngạo, khoe khoang, mặt khác, điềm tĩnh, nhiệt huyết và bền chí có thể chiến thắng lười biếng. Các thành ngữ “chậm mà chắc” hay “tính kiên trì chiến thắng” là để động viên, khích lệ tinh thần những người làm việc chăm chỉ, cần cù, chịu khó.
Bài học về sự dũng cảm dám đương đầu với thử thách
Cuộc thi giữa Rùa và Thỏ là cuộc thi không cân sức, rõ ràng chúng ta đều biết, Rùa chạy chậm hơn Thỏ rất nhiều và chính Rùa cũng hiểu được điều đó. Song, Rùa đã không quan tâm đến sự mất cân bằng của cuộc thi mà vẫn chấp nhận lời thách đấu của Thỏ. Bởi đây là cơ hội nó được khẳng định bản thân và nỗ lực để dành chiến thắng.
Đừng bao giờ sợ hãi chướng ngại vật quá lớn, bởi vật cản lớn nhất trên con đường dẫn đến thành công chính là bản thân mỗi người. Vượt qua được mặc cảm và tự ti của bản thân, bạn đã là người chiến thắng. Hãy nhớ rằng cần phải có sự dũng cảm để chiến đấu với những kẻ mạnh hơn mình, họ có thể có tài năng thiên bẩm, song mỗi người đều được thượng đế cho cơ hội để trau dồi bản thân, chỉ cần có ý chí nghị lực, cũng như khát khao được khẳng định bản thân, thì mọi khó khăn cũng sẽ bị ta xô đổ. Cũng như Rùa đã làm được điều không tưởng là chiến thắng thắng Thỏ.
Qua hình ảnh chú rùa trong câu chuyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ đó là một bài giáo dục về tính kiên trì, siêng năng, nhẫn nại, không tự cao tự đại, không làm việc bất cẩn, thiếu kỉ luật. Truyện tưởng đã quá xa và không còn lạ gì, nhưng đến nay vẫn có không ít điều khiến chúng ta phải suy ngẫm
---------------------------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Ý nghĩa câu chuyện Rùa và Thỏ. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết Tiếng Việt 2, Bài tập Tiếng Việt 2 Nâng cao, Soạn bài Tiếng Việt 2, Tập làm văn lớp 2 KNTT, Trắc nghiệm Tập đọc lớp 2, Giải VBT Tiếng Việt lớp 2 KNTT.