Các hình thái ý thức xã hội theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử
VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Các hình thái ý thức xã hội theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử để bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết được tổng hợp gồm có các hình thái ý thức xã hội. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé.
6 hình thái ý thức xã hội theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử
1. Ý thức chính trị
Hình thái ý thức chính trị là hình thái ý thức chỉ xuất hiện và tồn tại trong các xã hội có giai cấp và nhà nước. Nó phản ánh các quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội giữa các giai cấp, các dân tộc và các quốc gia, cũng như thái độ của các giai cấp đối với quyền lực nhà nước.
Ý thức chính trị thực tiễn – thông thường hình thành trực tiếp từ hoạt động thực tiễn trong môi trường chính trị của xã hội.
Ở trạng thái tâm lý xã hội, những cảm xúc và tâm trạng về chính trị của quần chúng thường thiếu bền vững và không ổn định. Song, những trạng thái tâm lý xã hội như vậy lại có vai trò to lớn và trực tiếp đối với hành vi chính trị của quần chúng đông đảo; thông qua đó hệ tư tưởng chính trị tác động vào đời sống chính trị của xã hội.
Hệ tư tưởng chính trị của một giai cấp nhất định phản ánh trực tiếp tập trung lợi ích giai cấp của giai cấp ấy.
Hệ tư tưởng chính trị được thể hiện trong đường lối, cương lĩnh chính trị của các chính đảng của các giai cấp khác nhau cũng như trong luật pháp, chính sách nhà nước, công cụ của giai cấp thống trị. Hệ tư tưởng chính trị được hình thành một cách tự giác. Nó được các nhà tư tưởng của giai cấp xây dựng và truyền bá.
Hệ tư tưởng chính trị gắn với các tổ chức chính trị.
Thông qua các tổ chức chính trị mà một giai cấp nào đó tiến hành cuộc đấu tranh về ý thức hệ vì lợi ích của giai cấp của mình.
Ý thức chính trị (đặc biệt hệ tư tưởng chính trị) có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển xã hội. Thông qua tổ chức nhà nước nó tác động trở lại cơ sở kinh tế và “có thể, trong những giới hạn nhất định thay đổi cơ sở kinh tế”.
Hệ tư tưởng chính trị cũng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Nó thâm nhập vào các hình thái ý thức xã hội khác.
Tác động tích cực hoặc tiêu cực của hệ tư tưởng chính trị (cũng như ý thức chính trị nói chung) phụ thuộc vào tính chất tiến bộ, cách mạng hoặc phản tiến bộ, phản cách mạng của giai cấp mang hệ tư tưởng đó.
Khi giai cấp còn tiến bộ, cách mạng – tiêu biểu cho xu thế phát triển đi lên của lịch sử thì hệ tư tưởng chính trị của nó có tác dụng tích cực đến sự phát triển xã hội. Khi giai cấp đó trở thành lạc hậu, phản động, thì hệ tư tưởng chính trị của nó tác động tiêu cực, kìm hãm phát triển xã hội.
2. Ý thức pháp quyền
Ý thức pháp quyền là toàn bộ các tư tưởng, quan điểm của một giai cấp về bản chất và vai trò của pháp luật, về quyền và nghĩa vụ của nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân, về tính hợp pháp và không hợp pháp của hành vi con người trong xã hội, cùng với nhận thức và tình cảm của con người trong việc thực thi luật pháp của Nhà nước.
Cũng như ý thức chính trị, ý thức pháp quyền ra đời cùng với nhà nước. Giữa hai hình thái này có sự gần nhau về cả nội dung và hình thức.
Ý thức pháp quyền phản ánh trực tiếp các quan hệ kinh tế của xã hội, trước hết là các quan hệ sản xuất được thể hiện trong hệ thống pháp luật.
Pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị được thể hiện thành luật lệ, do đó mỗi chế độ xã hội, mỗi nhà nước chỉ có một hệ thống pháp luật của giai cấp nắm chính quyền.
Nhưng trong xã hội có giai cấp đối kháng, các giai cấp khác nhau lại có những ý thức khác nhau về pháp luật, phản ánh lợi ích của giai cấp mình. Do đó, hiệu lực của pháp luật không những phụ thuộc vào sức mạnh cưỡng chế của nhà nước mà còn phụ thuộc vào trình độ hiểu biết và tâm lý pháp luật của xã hội.
3. Ý thức đạo đức
Ý thức đạo đức là toàn bộ những quan niệm, tri thức và các trạng thái xúc cảm tâm lý chung của các cộng đồng người về các giá trị thiện, ác, lương tâm, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng… và về những quy tắc đánh giá, điều chỉnh hành vi ứng xử giữa cá nhân với xã hội, giữa cá nhân với cá nhân trong xã hội.
Hình thái ý thức đạo đức là một trong những hình thái ý thức ra đời từ rất sớm trong lịch sử, ngay từ xã hội nguyên thuỷ.
Sự ý thức về lương tâm, danh dự và lòng tự trọng… phản ánh khả năng tự chủ của con người là sức mạnh đặc biệt của đạo đức, là nét cơ bản quy định gương mặt đạo đức của con người, cũng là biểu hiện bản chất xã hội của con người. Với ý nghĩa đó, sự phát triển ý thức đạo đức là nhân tố biểu hiện tiến bộ xã hội.
Trong ý thức đạo đức, yếu tố tình cảm đạo đức là yếu tố đặc biệt quan trọng, nếu thiếu nó thì những khái niệm, phạm trù đạo đức và mọi tri thức đạo đức thu nhận được bằng con đường lý tính không thể chuyển hóa thành hành vi đạo đức.
Trong tiến trình phát triển của xã hội đã hình thành những giá trị đạo đức mang tính toàn nhân loại, tồn tại trong mọi xã hội và ở các hệ thống đạo đức khác nhau.
Đó là những quy tắc đơn giản nhằm điều chỉnh hành vi của con người, cần thiết cho việc giữ gìn trật tự xã hội chung và sinh hoạt thường ngày của mọi người.
Tuy nhiên, trong xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp thì nội dung chủ yếu của đạo đức phản ánh quan hệ giai cấp, nó có tính giai cấp.
Trong các phạm trù đạo đức luôn luôn phản ánh địa vị và lợi ích của giai cấp. Mỗi giai cấp trong những giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử xã hội đều có những quan niệm đạo đức riêng của mình.
Giai cấp tiêu biểu cho xu thế phát triển đi lên của xã hội thì đại diện cho một nền đạo đức tiến bộ, còn các giai cấp phản động thì đại diện cho một nền đạo đức suy thoái.
Ph.Ăngghen viết:
“Xét cho đến cùng, mọi học thuyết về đạo đức đã có từ trước đến nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế của xã hội lúc bấy giờ. Và vì cho tới nay xã hội đã vận động trong những sự đối lập giai cấp, cho nên đạo đức cũng luôn luôn là đạo đức của giai cấp: hoặc là nó biện hộ cho sự thống trị và lợi ích của giai cấp thống trị, hoặc là, khi giai cấp bị trị đã trở nên khá mạnh thì nó tiêu biểu cho sự nổi dậy chống lại sự thống trị nói trên và tiêu biểu cho lợi ích tương lai của những người bị áp bức”.
4. Ý thức khoa học
Ý thức khoa học vừa là một hình thái ý thức xã hội, vừa là một hiện tượng xã hội đặc biệt. Xem xét khoa học như một hình thái ý thức xã hội không thể tách rời xem xét nó như một hiện tượng xã hội.
Ý thức khoa học – với tính cách là một hình thái ý thức xã hội – là hệ thống tri thức phản ánh chân thực dưới dạng lôgic trừu tượng về thế giới đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn.
Đối tượng phản ánh của ý thức khoa học bao quát mọi lĩnh vực của tự nhiên, xã hội và tư duy. Đó là một trong những sự khác biệt giữa ý thức khoa học với các hình thái ý thức xã hội khác.
Hình thức biểu hiện chủ yếu của tri thức khoa học là phạm trù, định luật, quy luật.
Tri thức khoa học thâm nhập vào các hình thái ý thức xã hội khác, hình thành các khoa học tương ứng với từng hình thái ý thức đó.
Ví dụ: Ý thức chính trị và chính trị học, ý thức đạo đức và đạo đức học, ý thức nghệ thuật và nghệ thuật học, ý thức tôn giáo và tôn giáo học.
Nhờ tri thức khoa học, con người không ngừng vươn tới cái mới “sáng tạo ra một thế giới mới” và ngày càng làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân mình.
Xét về đối tượng, các khoa học chia thành những khoa học tự nhiên – kỹ thuật, nghiên cứu các quy luật của tự nhiên, các phương thức chinh phục và cải tạo tự nhiên; và những khoa học xã hội nghiên cứu những hiện tượng xã hội khác nhau, các quy luật vận động, phát triển của chúng và cả bản thân con người như là một thực thể xã hội.
Cũng có khoa học nghiên cứu những vấn đề chung, quy luật chung, đó là triết học.
Trong mỗi khoa học người ta phân thành các cấp độ:
+ Kinh nghiệm, tức là những tư liệu hiện thực đã tích luỹ được – sự tổng kết các quan sát và thí nghiệm;
+ Lý luận là sự khái quát kinh nghiệm thể hiện trong những lý thuyết về quy luật và nguyên lý tương ứng, cấp độ lý luận của các khoa học cụ thể hợp lực với nhau trong sự giải thích các nguyên lý và quy luật đã phát hiện trên bình diện lý luận chung – bình diện triết học, hình thành mặt thế giới quan và phương pháp luận của toàn bộ nhận thức khoa học.
Nguồn gốc sâu xa của sự hình thành khoa học là do nhu cầu phát triển sản xuất.
Cùng với sự phát triển của sản xuất và thực tiễn xã hội, khoa học cũng không ngừng phát triển. Trong quá trình đó, vai trò của khoa học trong đời sống xã hội ngày càng tăng lên.
Ngày nay, trong sự tự động hóa sản xuất, tri thức khoa học được kết tinh trong mọi nhân tố của lực lượng sản xuất – trong đối tượng lao động, kỹ thuật, quá trình công nghệ và cả trong những hình thức tổ chức tương ứng của sản xuất; người lao động không còn là nhân tố thao tác trực tiếp trong hệ thống kỹ thuật mà chủ yếu là vận dụng tri thức khoa học để điều khiển quá trình sản xuất; khoa học cho phép hoàn thiện các phương pháp sản xuất, hoàn thiện việc quản lý kinh tế.
Hơn nữa khoa học còn trở thành một ngành hoạt động sản xuất với quy mô ngày càng lớn, bao hàm hàng loạt các viện, phòng thí nghiệm, trạm, trại, xí nghiệp với số cán bộ khoa học ngày càng tăng, vốn đầu tư ngày càng lớn, hiệu quả đầu tư ngày càng cao. Do những biến đổi căn bản về vai trò của khoa học đối với sản xuất mà khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
5. Ý thức thẩm mỹ
Ý thức thẩm mỹ là sự phản ánh hiện thực vào ý thức con người trong quan hệ với nhu cầu thưởng thức và sáng tạo Cái Đẹp. Trong các hình thức hoạt động thưởng thức và sáng tạo Cái Đẹp thì nghệ thuật là hình thức biểu hiện cao nhất của ý thức thẩm mỹ.
Nghệ thuật ra đời từ rất sớm ngay từ khi xã hội chưa phân chia thành giai cấp. Quá trình hình thành nghệ thuật gắn liền với lao động của con người, với thực tiễn xã hội.
Những dấu vết đầu tiên của nghệ thuật đều thuộc về thời kỳ con người đã biết sản xuất ra những công cụ bằng đá, bằng xương, bằng sừng…
Cũng như các hình thái ý thức xã hội khác, nghệ thuật bắt nguồn từ tồn tại xã hội.
Khác với khoa học và triết học, phản ánh thế giới hiện thực bằng khái niệm, phạm trù, quy luật, nghệ thuật phản ánh thế giới một cách sinh động, cụ thể bằng hình tượng nghệ thuật.
Hình tượng nghệ thuật tuy cũng phản ánh cái bản chất của đời sống hiện thực nhưng phản ánh thông qua cái cá biệt, cụ thể – cảm tính, sinh động.
Hình tượng nghệ thuật cũng nhận thức cái chung trong cái riêng, nhận thức cái bản chất trong cái hiện tượng, nhận thức cái phổ biến trong cái cá biệt, song cái cá biệt trong nghệ thuật phải là cái cá biệt có tính điển hình và nếu nhà nghệ thuật tạo ra cái điển hình thì phải là cái điển hình đã được cá biệt hóa.
Sự phát triển của nghệ thuật, cả nội dung và hình thức, không thể tách khỏi sự phát triển của tồn tại xã hội. Nhưng nghệ thuật có tính độc lập tương đối rất rõ nét trong sự phát triển của mình. Nó không phải bao giờ cũng phản ánh tồn tại xã hội một cách trực tiếp, dễ thấy.
Mác viết: “Đối với nghệ thuật, người ta biết rằng những thời kỳ hưng thịnh nhất của nó hoàn toàn không tương ứng với sự phát triển chung của xã hội, do đó cũng không tương ứng với sự phát triển của cơ sở vật chất của xã hội, cơ sở này dường như cấu thành cái xương sống của tổ chức xã hội”.
Nghệ thuật chân chính gắn bó với đời sống hiện thực của nhân dân; là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ tiến bộ xã hội thông qua việc đáp ứng những nhu cầu thẩm mỹ của con người.
Khi phản ánh thế giới hiện thực trong các hình tượng nghệ thuật chân thực và có giá trị thẩm mỹ cao, nghệ thuật đã tác động đến lý trí và tình cảm của con người, kích thích tính tích cực của con người, xây dựng ở con người những hành vi đạo đức tốt đẹp.
Trong xã hội có giai cấp, nghệ thuật bao giờ cũng mang tính giai cấp. Tính giai cấp của nghệ thuật biểu hiện trước hết ở chỗ nó không thể không chịu sự tác động của thế giới quan, các quan điểm chính trị của một giai cấp, không thể đứng ngoài chính trị và các quan hệ kinh tế. Trong xã hội chia thành các giai cấp mà phủ nhận mối liên hệ của nghệ thuật với chính trị thì hoàn toàn sai lầm.
Khi nhấn mạnh tính giai cấp của nghệ thuật trong xã hội có giai cấp, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin không phủ nhận tính nhân loại chung của nó. Không ít tác phẩm nghệ thuật mà giá trị của chúng được lưu truyền khắp thế giới qua các thời đại, mặc dù tác giả là đại biểu của một giai cấp nhất định.
Có những nền nghệ thuật của một dân tộc nhất định nhưng đã trở thành những giá trị văn hóa tiêu biểu của cả nhân loại. Tính giai cấp của nghệ thuật cách mạng và tiến bộ không những không mâu thuẫn với tính nhân loại, mà ngược lại còn làm sâu sắc những giá trị toàn nhân loại
6. Ý thức tôn giáo
Nói về bản chất của tôn giáo, Ph. Ăng-ghen viết: “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào trong đầu óc của con người, của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”.
Nguồn gốc của tôn giáo phải tìm trong tồn tại xã hội, trong quan hệ giữa người với tự nhiên và trong các quan hệ xã hội.
Khi những công cụ lao động và phương tiện sản xuất còn kém phát triển, con người dễ cảm thấy yếu đuối, bất lực trước giới tự nhiên. Sự bất lực và sợ hãi của con người trước những sức mạnh của giới tự nhiên là một trong những nguồn gốc của tôn giáo.
Nguồn gốc của tôn giáo còn nằm trong các mối quan hệ xã hội trong điều kiện xã hội có áp bức giai cấp và tính tự phát còn là đặc trưng của sự phát triển xã hội. Những quy luật xã hội biểu hiện như là những lực lượng mù quáng, trói buộc con người và thường xuyên quyết định đến số phận của họ, khiến con người sợ hãi. Đó là một trong những nguồn gốc xã hội của tôn giáo.
Ý thức tôn giáo với tính cách là hình thái ý thức xã hội bao gồm tâm lý tôn giáo và hệ tư tưởng tôn giáo.
Tâm lý tôn giáo là toàn bộ những biểu tượng, tình cảm, tâm trạng thói quen của quần chúng về tín ngưỡng tôn giáo. Hệ tư tưởng tôn giáo là hệ thống giáo lý do các giáo sĩ, các nhà thần học tạo ra và truyền bá trong xã hội.
Đứng về mặt lịch sử, tâm lý tôn giáo và hệ tư tưởng tôn giáo là hai giai đoạn phát triển của ý thức tôn giáo, nhưng chúng liên hệ tác động qua lại và bổ sung nhau.
Tâm lý tôn giáo đem lại cho hệ tư tưởng tôn giáo một tính chất đặc trưng, một sắc thái tình cảm riêng. Hệ tư tưởng tôn giáo “thuyết minh” những hiện tượng tâm lý tôn giáo, khái quát chúng, làm cho chúng biến đổi theo những chiều hướng nhất định.
Ý thức tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội thực hiện chức năng chủ yếu của mình là chức năng đền bù – hư ảo trong một xã hội cần đến sự đền bù – hư ảo.
Chức năng đó làm cho tôn giáo có một đời sống lâu dài, một vị trí đặc biệt trong xã hội.
Chức năng đền bù – hư ảo nói lên khả năng của tôn giáo có thể bù đắp, bổ sung một cách hư ảo cái hiện thực mà trong đó con người còn bất lực trước những sức mạnh tự nhiên và những điều kiện khách quan của đời sống xã hội.
Những mâu thuẫn của đời sống hiện thực, những bất lực thực tiễn của con người được giải quyết một cách hư ảo trong ý thức họ.
Vì vậy, tôn giáo luôn được các giai cấp thống trị sử dụng như một công cụ áp bức tinh thần, một phương tiện củng cố địa vị thống trị của họ.
Chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng điều kiện tiên quyết để khắc phục tôn giáo như một hình thái ý thức có tính chất tiêu cực là phải xoá bỏ nguồn gốc xã hội của nó, nghĩa là phải tiến hành một cuộc cách mạng xã hội triệt để nhằm cải tạo cả tồn tại xã hội lẫn ý thức xã hội.
Bằng hoạt động tích cực cách mạng của mình, quần chúng không những cải tạo xã hội mà còn cải tạo bản thân, giải phóng ý thức mình khỏi những quan niệm sai lầm, kể cả những ảo tưởng tôn giáo.
Trên đây VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Các hình thái ý thức xã hội theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài học rồi đúng không ạ? Bài viết cho chúng ta thấy được các hình thái ý thức xã hội theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tại mục Cao đẳng đại học để có thêm nhiều tài liệu bổ ích nhé.