Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10
Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10
Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 là tài liệu tổng hợp các kiến thức Ngữ văn trong học kì I lớp 10 về văn học sử, các tác phẩm văn học trong nươc và nước ngoài, các kiến thức Tiếng Việt, tập làm văn. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp các bạn học tốt môn Ngữ văn 10, ôn thi học kì 1 hiệu quả. Mời các bạn tham khảo.
Đề cương ôn tập học kì I lớp 10 trường PTTH Thuận Thành 1 - Tỉnh Bắc Ninh
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Nguyễn Trãi, Ninh Thuận năm học 2015 - 2016
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương năm học 2015 - 2016
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KÌ I
Môn: Ngữ văn 10. NĂM 2014 – 2015.
I. Văn học sử:
1. Tổng quan văn học Việt Nam: Cần nắm được:
- Những kiến thức chung nhất, tổng quát nhất về hai bộ phận của văn học Việt Nam (văn học dân gian và văn học viết) và quá trình phát triển của văn học viết Việt Nam (văn học trung đại và văn học hiện đại).
- Các thể loại văn học.
- Con người Việt Nam qua văn học: con người Việt Nam trong quan hệ với thế giới tự nhiên, trong quan hệ quốc gia dân tộc, trong quan hệ xã hội, ý thức về bản thân.
2. Khái quát văn học dân gian Việt Nam: nắm được:
- Những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian Việt Nam:
- Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật truyền miệng.
- Văn học dân gian là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể.
- Văn học dân gian gắn bó mật thiết với các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.
- Hệ thống thể loại của văn học dân gian Việt Nam: gồm 12 thể loại: thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đối, ca dao, vè, truyện thơ, chèo.
- Những giá trị cơ bản của văn học dân gian Việt Nam:
- Văn học dân gian là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc.
- Văn học dân gian có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người.
- Văn học dân gian có giá trị thẩm mĩ to lớn, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc.
3. Khái quát văn học Việt Nam từ TK X-hết TK XIX: cần nắm được:
- Các thành phần và các giai đoạn phát triển.
- Những đặc điểm lớn về nội dung: chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo và cảm hứng thế sự.
- Những đặc điểm lớn về nghệ thuật:
- Tính quy phạm và sự phá vỡ tính quy phạm.
- Khuynh hướng trang nhã và xu hướng bình dị.
- Tiếp thu và dân tộc hoá tinh hoa văn học nước ngoài.
II. Đọc văn:
1. Chiến thắng Mtao-Mxây: Cần nắm được:
- Phân loại sử thi: sử thi anh hùng và sử thi thần thoại.
- Tóm tắt nội dung sử thi Đăm Săn.
- Phân tích được:
- Cảnh trận đánh giữa hai tù trưởng.
- Cảnh Đăm Săn cùng nô lệ ra về sau chiến thắng.
- Cảnh ăn mừng chiến thắng.
→ Qua đó, thấy được lẽ sống và niềm vui của người anh hùng chỉ có trong cuộc chiến đấu vì danh dự, vì hạnh phúc và sự thịnh vượng của cộng đồng.
2. An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thuỷ: Cần nắm được:
- Đặc điểm của thể loại truyền thuyết: lịch sử được kể lại trong truyền thuyết đã được khúc xạ qua những hình tượng nghệ thuật đậm màu sắc thần kì làm nên sức hấp dẫn của truyện.
- Phân tích được nhân vật: An Dương Vương, Mỵ Châu, và chi tiết: ngọc trai giếng nước.
- Ý nghĩa của truyện: từ bi kịch mất nước của cha con An Dương Vương và bi kịch tình yêu của Mỵ Châu-Trọng Thuỷ, nhân dân muốn rút và trao truyền lại cho thế hệ sau bài học lịch sử về ý thức đề cao cảnh giác với âm mưu của kẻ thù xâm lược trong công cuộc giữ nước.
3. Uy-lít-xơ trở về: Cần nắm được:
- Vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của người Hy Lạp, cụ thể là của Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp thể hiện qua cảnh đoàn tụ vợ chồng sau 20 năm xa cách.
- Phân tích được tâm lí nhân vật qua các đối thoại trong cảnh gặp mặt.
- Thấy được sức mạnh của tình cảm vợ chồng, tình cảm gia đình cao đẹp là động lực giúp con người vượt qua mọi khó khăn.
4. Ra-ma buộc tội: cần nắm được:
- Quan niệm của người Ấn Độ cổ về người anh hùng, đấng quân vương mẫu mực và người phụ nữ lí tưởng qua hai nhân vật Ra-ma và Xi-ta.
- Nhân vật Ra-ma: là người trọng danh dự, dám hi sinh tình yêu vì danh dự, bổn phận của một người anh hùng, một đức vua mẫu mực.
- Nhân vật Xi-ta: là người phụ nữ rất mực trong sáng, thuỷ chung, sẵn sàng bước qua mạng sống của mình để chứng tỏ tình yêu và đức hạnh thuỷ chung.
4. Tấm Cám: cần nắm được:
- Phân loại truyện cổ tích: gồm ba loại: cổ tích về loài vật, cổ tích thần kì, cổ tích sinh hoạt.
- Đặc trưng của truyện cổ tích thần kì: có sự tham gia của nhiều yếu tố thần kì vào tiến trình phát triển của truyện.
- Tóm tắt được cốt truyện.
- Diễn biến mâu thuẫn xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám khi ở trong gia đình và ngoài xã hội.
- Ý nghĩa của quá trình biến hoá của Tấm( từ kiếp người hoá kiếp liên tiếp thành con vật, cây, đồ vật trở về kiếp người): thể hiện sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của kẻ ác. Đây là sức mạnh của thiện thắng ác.
- Đặc sắc nghệ thuật: thể hiện ở sự chuyển biến của Tấm: từ yếu đuối, thụ động đến kiên quyết đấu tranh giành lại sự sống và hạnh phúc cho mình.
5. Tam đại con gà và Nhưng nó phải bằng hai mày: Cần nắm được:
- Ý nghĩa của truyện Tam đại con gà: phê phán thói giấu dốt. Ngoài ra còn ngầm khuyên răn mọi người không nên giấu dốt mà hãy mạnh dạn học hỏi không ngừng.
- Ý nghĩa của truyện Nhưng nó phải bằng hai mày: phê phán thói tham nhũng của lí trưởng trong việc xử kiện. Qua đó thấy được tình cảnh bi hài của người lao động lâm vào việc kiện tụng.
6. Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa:
* Bài 1 và 2:
- Nội dung: là lời than của người phụ nữ về thân phận nhỏ bé, đắng cay, tội nghiệp.
- Nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ.
* Bài 3:
- Nội dung: là lời than đầy chua xót, đắng cay của người bị lỡ duyên xa cách. Dầu vậy ta vẫn nhận thấy tình cảm thuỷ chung sắt son của con người bình dân Việt Nam xưa.
- Nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ, lối đưa đẩy gợi cảm hứng.
* Bài 4:
- Nội dung: thể hiện nỗi nhớ thương da diết của cô gái đối với người yêu. Đồng thời đó còn là niềm lo âu về hạnh phúc lứa đôi.
- Nghệ thuật: các hình ảnh biểu tượng (khăn, đèn, mắt), lặp cú pháp.
* Bài 5:
- Nội dung: thể hiện tình yêu cùng khao khát yêu thương của người con gái.
- Nghệ thuật:hình ảnh biểu tượng độc đáo: cầu dải yếm.
* Bài 6:
- Nội dung; khẳng định sự gắn bó thuỷ chung của con người.
- Nghệ thuật: hình ảnh biểu tượng: gừng cay- muối mặn.