Giải bài tập SGK Địa lý lớp 8 bài 39: Đặc điểm chung của tự nhiên Việt Nam
Địa lý lớp 8 bài 39: Đặc điểm chung của tự nhiên Việt Nam
Giải bài tập SGK Địa lý lớp 8 bài 39: Đặc điểm chung của tự nhiên Việt Nam. Lời giải bài tập địa lí 8 này là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm nhằm giúp quá trình ôn tập và củng cố kiến thức chuẩn bị cho kì thi học kì mới môn Địa lý của các bạn học sinh lớp 8 trở nên thuận lợi hơn. Mời các bạn tham khảo
Tập bản đồ Địa lý lớp 8 bài 39: Đặc điểm chung của tự nhiên Việt Nam
Giải bài tập SGK Địa lý lớp 8 bài 40: Thực hành: Đọc lát cắt tự nhiên tổng hợp
Giải bài tập SGK Địa lý lớp 8 bài 41: Miền Bắc Và Đông Bắc Bắc Bộ
I. Trả lời các câu hỏi
Giải bài tập Địa lý 8 bài 1 trang 137 SGK: Thiên nhiên nước ta có những đặc điểm chung nào? Tính chất nhiệt đới gió mùa ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất và đời sống?
Trả lời:
- Thiên nhiên nước ta có những đặc điểm chung: Việt Nam là một nước nhiệt đới gió mùa ẩm, tính chất ven biển (tính chất bán đảo), tính chất đồi núi, thiên nhiên phân hoá đa dạng phức tạp. Trong đó tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm là tính chất chủ yếu. Các tính chất trên là những điều kiện tự nhiên cơ bản giúp cho nước ta phát triển một nền kinh tế-xã hội toàn diện và đa dạng.
- Tính chất nhiệt đới gió mùa ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống:
+ Ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp, cho phép cây trồng phát triển quanh năm, tăng vụ sản xuất trong một năm (từ 2 đến 3 vụ lúa một năm).
+ Ảnh hưởng đến một số ngành kinh tế khác như giao thông vận tải, du lịch,...
+ Chế độ mưa theo mùa đòi hỏi phải bố trí mùa vụ cho hợp lí. Mùa khô nhiều khu vực thiếu nước nghiêm trọng, mùa mưa ngập lụt ở nhiều nơi. Độ ẩm không khí cao dễ gây sâu bệnh cho cây trồng và vật nuôi.
Giải bài tập Địa lý 8 bài 2 trang 137 SGK: Tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa được thể hiện như thế nào trong các thành phần tự nhiên Việt Nam?
Trả lời:
Tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa dược thể hiện trong các thành phần tự nhiên Việt Nam:
- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa: Nền nhiệt độ cao, lượng mưa lớn, độ ẩm cao, gió mùa (gió mùa mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3, nước ta chịu tác động của khối khí lạnh phương Bắc, thường gọi là gió mùa Đông Bắc, gió mùa mùa hạ có hai luồng gió cùng hướng tây nam thổi vào Việt Nam)
- Địa hình: Xâm thực mạnh ở miền đồi núi, bồi tụ nhanh ở đồng bằng hạ lưu sông.
- Thủy văn mạng lưới sông ngòi dày đặc chỉ tính những con sông có chiều dài trên 10 km có nước chảy thường xuyên, thì trên toàn lãnh thố đã có 2360 sông.
- Đất feralit: Quá trình feralit là quá trình hình thành đất đặc trưng cho khí hậu nhiệt đới ẩm.
- Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa được đặc trưng bởi hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm gió mùa với thành phần thực - động vật nhiệt đới chiếm ưu thế.
Giải bài tập Địa lý 8 bài 3 trang 137 SGK: Sự phân hóa đa dạng của cảnh quan tự nhiên tạo ra những thuận lợi khó khăn gì cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta?
Trả lời:
a) Sự phân hóa da dạng của cảnh quan tự nhiên tạo ra những thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội:
- Làm cho thiên nhiên nước ta phong phú đa dạng, đây là một trong những tiềm năng quan trọng để phát triển các hoạt động du lịch sinh thái và tạo nên sự giàu có về tài nguyên rừng của nước ta.
- Tài nguyên thiên nhiên đa dạng là một nguồn lực để phát triển kinh tế toàn diện.
+ Nền nông nghiệp nhiệt đới đa canh, thâm canh và chuyên canh (lúa, cây ăn quả, thủy sản, hải sản,...). Cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đa dạng, với các sản phẩm Miền Bắc, Miền Nam khác nhau và trên phạm vi cả nước quanh năm có thu hoạch. Nền công nghiệp tiên tiến hiện đại nhiều ngành (nhiên liệu, năng lượng, khai khoáng, luyện kim, chế biến nông sản).
b) Tuy nhiên, nước ta là vùng có nhiều thiên tai. Môi trường sinh thái dễ bị biến đổi, mất cân bằng. Nhiều tài nguyên có nguy cơ bị cạn kiệt và hủy hoại (rừng cây, đất đai, động vật quý hiếm,...).
Giải bài tập Địa lý 8 bài 4 trang 137 SGK: Miền núi nước ta có những thuận lợi, khó khăn gì cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trả lời:
a) Thuận lợi
- Miền đồi núi nước ta có diện tích rộng lớn, chiếm 3/4 diện tích đất liền, kéo dài liên tục từ Bắc vào Nam.
- Miền núi nước ta có nguồn tài nguyên đa dạng:
+ Đất đai: Đất feralít ở vùng đồi núi thấp chiếm 65% diện tích tự nhiên, loại đất này rất thích hợp cho phát triển cây công nghiệp lâu năm và hàng năm, trồng rừng. Nhiều khu vực miền núi còn có các cánh đồng cỏ, các cao nguyên thích hợp cho phát triển chăn nuôi đại gia súc, như cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), cao nguyên Ba Vì (Hà Tay).
+ Giàu tài nguyên khoáng sản, cho phép vùng phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.
+ Rừng phong phú, cung cấp gỗ cho nhu cầu nhân dân.
+ Các sông chảy trên vùng miền núi giàu tiềm năng về thủy điện như hệ thống sông Hồng, sông Đà, sông Đồng Nai, sông Xê Xan, ...
+ Miền núi với phong cảnh đẹp kết hợp với khí hậu mát mẻ ở nhiều vùng núi cao là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa hình cacxtơ,...
b) Khó khăn:
- Địa hình chia cắt mạnh, núi cao, sông sâu, vực thẳm.
- Khí hậu thời tiết khắc nghiệt.
- Đường sa khó xây dựng, bảo dưỡng.
- Dân cư thưa và phân tán.
II. Thông tin bổ sung sự biến động diện tích rừng qua một số năm
Năm | Tổng diện tích có rừng (triệu ha) | Diện tích rừng tự nhiên (triệu ha) | Diện tích rừng trồng (triệu ha) |
1943 | 14,3 | 14,3 | 0 |
1995 | 9,3 | 8,3 | 1,0 |
2003 | 12,1 | 10,0 | 2,1 |
2006 | 12,9 | 10,4 | 2,5 |
BÃO
Nhìn chung, trên toàn quốc, mùa bão bắt đầu từ tháng VII và kết thúc vào tháng XI, đôi khi có bão sớm vào tháng VI và muộn sang tháng XII, nhưng cường độ yếu. Bão tập trung nhiều nhất vào tháng IX, sau đó đến các tháng X và tháng VIII. Tổng số cơn bão của ba tháng này chiếm tới 70% số cơn bão trong toàn mùa. Mùa bão ở Việt Nam chậm dần từ Bắc vào Nam.
Các vùng bờ biển | Thời gian có bão | Thời gian bão mạnh |
Từ Móng Cái đến Thanh Hóa | Từ tháng VI dến tháng X | Tháng VIII, tháng IX |
Từ Thanh Hóa đến Quảng Trị | Từ tháng VIII đến tháng X | Tháng IX |
Từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (mũi Ba Làng An) | Tháng X, XI | Tháng XI |
Từ Quảng Ngãi đến Đông Nam Bộ | Tháng X, XI | Tháng XI |
Nam Bộ | Ít chịu ảnh hưởng của bão | Tháng XII |
Trung bình mỗi năm có từ 3 - 4 cơn bão đổ bộ vào vùng bờ biển nước ta, năm bão nhiều có 8 - 10 cơn bão, năm bão ít có 1-2 cơn. Nếu tính số cơn bão có ảnh hưởng đến thời tiết nước ta thì còn nhiều hơn nữa, tính trung bình trong 45 năm gần đây, mỗi năm có gần 8,8 cơn bão.
HẬU QUẢ CỦA BÃO Ở VIỆT NAM VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
Ở vùng trung tâm bão có gió mạnh kèm theo mưa lớn. Lượng mưa do bão gây nên thường đạt 300 - 400 mm, có khi tới trên 500 - 600 mm. Những cơn bão đổ bộ vào đồng bằng Bắc Bộ có diện mưa bão rộng nhất. Vùng ven biển Trung Bộ có diện mưa bão hẹp hơn, nhưng lượng mưa bão rất lớn chiếm tới trên 1/3 lượng mưa cả năm của vùng. Trên biển, bão gây sóng to dâng cao 9 - 10 m có thể lật úp tàu thuyền. Gió bão làm mực nước biển dâng cao thường tới 1,5 - 2 m gây ngập mặn vùng ven biển. Nước dâng tràn đê kết hợp nước lũ do mưa lớn trên nguồn dồn về làm ngập trên diện rộng. Bão lớn, gió giật mạnh đổi chiều tàn phá cả những công trình vững chắc như nhà cửa, công sở, cầu cống, cột điện cao thế.... Bão là một thiên tai gây tác hại rất lớn cho sản xuất và đời sống nhân dân ta, nhất là ở vùng ven biển.
Ngày nay, nhờ vào các thiết bị vệ tinh khí tượng, chúng ta cũng đã dự báo được khá chính xác về quá trình hình thành và hướng di chuyến của bão. Việc phòng tránh bão là hết sức quan trọng. Để tránh thiệt hại do bão gây ra, khi đi trên biển các tàu thuyền phải gấp rút tránh xa vùng tâm bão, trở về đất liền. Vùng ven biển cần củng cố công trình đê biển. Nếu có bão mạnh cần khẩn trương sơ tán dân. Chống bão phải luôn kết hợp chống lụt, úng ở đồng bằng và chống lũ, chống xói mòn ở miền núi.