Lợi thế cạnh tranh
Lợi thế cạnh tranh được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Lợi thế cạnh tranh
Khái niệm
Lợi thế cạnh tranh là những lợi thế (khả năng vượt trội) của các chủ thể cạnh tranh (cá nhân, tổ chức) trong cuộc cạnh tranh (tranh đua) với các đối thủ của mình. Nói cách khác, lợi thế cạnh tranh là những gì mà chủ thể cạnh tranh có được để giành phần hơn, phần thắng về mình. Một cách cụ thể hơn, lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp là khả năng doanh nghiệp đó có thể cung cấp cho thị trường một giá trị đặc biệt mà không có một đối thủ cạnh tranh nào có thể cung cấp được. Lợi thế cạnh tranh còn được hiểu như các đặc điểm hay các biến số của sản phẩm hoặc nhãn hiệu, mà nhờ có chúng doanh nghiệp tạo ra một số tính vượt trội hơn so với những đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Theo Michael E. Porter, lợi thế cạnh tranh trước hết dựa vào khả năng duy trì một chi phí sản xuất thấp và sau đó là dựa vào sự khác biệt hóa sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh, như chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mạng lưới phân phối, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật.
Một doanh nghiệp được xem là có lợi thế cạnh tranh khi tỷ lệ lợi nhuận của nó cao hơn tỷ lệ bình quân trong ngành. Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững khi nó có thể duy trì tỷ lệ lợi nhuận cao trong khoảng thời gian dài.
Khi một doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh doanh nghiệp đó sẽ có cái mà các đối thủ khác không có, nghĩa là doanh nghiệp hoạt động tốt hơn đối thủ, hoặc làm được những việc mà các đối thủ khác không thể làm được. Lợi thế cạnh tranh là nhân tố cần thiết cho sự thành công và tồn tại lâu dài của doanh nghiệp. Do vậy mà các doanh nghiệp đều muốn cố gắng phát triển lợi thế cạnh tranh, tuy nhiên điều này thường rất dễ bị xói mòn bởi những hành động bắt chước của đối thủ.
Hai yếu tố cơ bản biểu thị lợi thế cạnh tranh là lượng giá trị mà các khách hàng cảm nhận về hàng hóa hay dịch vụ của doanh nghiệp và chi phí sản xuất của nó.
Lợi thế cạnh tranh được coi là bên ngoài khi chúng dựa trên chiến lược phân biệt sản phẩm, hình thành nên giá trị cho người mua, hoặc bằng cách giảm chi phí sử dụng, hoặc bằng cách tăng khả năng sử dụng. Lợi thế này tạo cho doanh nghiệp có ”Quyền lực thị trường mạnh”.
Lợi thế cạnh tranh bên trong dựa trên tính ưu việt của doanh nghiệp trong việc làm chủ chi phí sản xuất. Nó tạo nên giá trị cho người sản xuất bằng cách tạo ra cho doanh nghiệp một giá thành thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Cơ sở của lợi thế cạnh tranh
Để có được lợi thế cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp phải hoạt động tốt trên 4 phương diện cơ bản: hiệu quả cao hơn, chất lượng cao hơn, đổi mới nhanh hơn, đáp ứng cho khách hàng nhanh nhạy hơn.
Hiệu quả cao hơn, doanh nghiệp như một hệ thống chuyển hóa các đầu vào thành các đầu ra. Đầu vào là các yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất như lao động, đất đai, vốn, quản trị và bí quyết công nghệ. Đầu ra là các sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp tạo ra. Cách đo lường đơn giản nhất của hiệu quả là đem chia số lượng các đầu ra cho các đầu vào. Một doanh nghiệp càng hiệu quả khi nó càng ít đầu vào để sản xuất một đầu ra nhất định.
Bộ phận cấu thành quan trọng nhất của hiệu quả đối với nhiều doanh nghiệp là năng suất lao động. Chỉ tiêu này thường được đo lường bằng kết quả đầu ra tính trên một công nhân. Nếu tất cả các yếu tố khác không đổi, nói chung doanh nghiệp có mức năng suất cao nhất trong ngành sẽ có chi phí sản xuất thấp nhất. Nói cách khác, doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh chi phí thấp.
Chất lượng cao hơn, các sản phẩm có chất lượng phải đáng tin cậy theo nghĩa mà nó được thực hiện đúng với thiết kế và làm tốt điều đó. Nếu doanh nghiệp có sản phẩm với chất lượng cao hơn sẽ có hai tác động đến việc tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Thứ nhất, việc cung cấp các sản phẩm chất lượng cao sẽ làm tăng giá trị của sản phẩm trong mắt của khách hàng. Từ đó nâng cao nhận thức về giá trị này cho phép doanh nghiệp đòi hỏi mức giá cao hơn.
Thứ hai, chất lượng cao dẫn đến hiệu quả cao hơn và sẽ làm giảm chi phí. Tác động chính ở đây là thông qua ảnh hưởng của chất lượng đến năng suất. Chất lượng càng cao càng đỡ lãng phí thời gian tạo ra các sản phẩm hỏng hoặc càng mất ít thời gian để sửa chữa các lỗi sẽ làm cho năng suất lao động cao hơn và chi phí đơn vị thấp hơn.
Như vậy, chất lượng sản phẩm cao hơn không chỉ để cho công ty đòi hỏi giá cao hơn về sản phẩm của mình mà còn hạ thấp chi phí.
Đổi mới nhanh hơn, bất kỳ một cái gì mới của sản phẩm, phương thức hoạt động hay phương pháp sản xuất đều được gọi là đổi mới. Thực chất đổi mới là sự hoàn thiện về các loại sản phẩm, dây chuyền sản xuất, hệ thống quản trị, cơ cấu tổ chức và cách thức quản trị mà doanh nghiệp xây dựng nên. Đổi mới được coi là tất yếu cơ bản nhất của lợi thế cạnh tranh. Tuy không phải đổi mới nào cũng thành công nhưng việc tiến hành đổi mới công nghệ được coi là nguồn tạo lợi thế cạnh tranh chủ yếu. Bởi vì đổi mới thành công đưa lại cho doanh nghiệp một thế mạnh nào đó mà đối thủ cạnh tranh không có được, nó cho phép doanh nghiệp giảm được chi phí đơn vị sản phẩm. Nói chung nhiều doanh nghiệp đã đưa ra sản phẩm mới và đã thu được nhiều lợi nhuận từ những đổi mới đó. Đổi mới sản phẩm đã tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp đi đầu. Các doanh nghiệp đổi mới sản phẩm thành công sẽ trở thành nhà cung cấp độc quyền về sản phẩm mới vì vậy có thể tính giá cao hơn đối với những sản phẩm mới này. Đến thời điểm mà các đối thủ cạnh tranh bắt chước đổi mới thì doanh nghiệp đã xây dựng được uy tín và sự trung thành với sản phẩm đó.
Đáp ứng khách hàng nhanh nhạy hơn, để đáp ứng được cho khách hàng một doanh nghiệp cần phải cung cấp những mặt hàng mà họ cần và cung cấp đúng thời điểm khách hàng muốn. Vì thế doanh nghiệp phải bằng mọi cách xác định được nhu cầu của khách hàng và thỏa mãn họ. Đáp ứng khách hàng bao gồm việc đưa lại cho khách hàng giá trị của đồng tiền mà họ bỏ ra mua sản phẩm của doanh nghiệp. Có thể nói việc nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm và đổi mới là những yếu tố để đáp ứng khách hàng một cách tốt hơn.
Một khía cạnh khác trong khả năng đáp ứng cho khách hàng được quan tâm hiện nay là thời gian đáp ứng cho khách tức là thời gian vận chuyển hàng hoá và dịch vụ. Đối với nhà sản xuất thì thời gian đáp ứng là thời gian cần thiết để thực hiện hợp đồng cho khách. Đối với một ngân hàng đó là thời gian cần thiết để cho vay hoặc thời gian đứng chờ trả lời. Đối với một siêu thị là thời gian chờ trả tiền. Để tăng cường khả năng đáp ứng cho khách hàng, doanh nghiệp có thể thiết kế hoàn hảo hơn dịch vụ hỗ trợ sau khi bán hàng tốt hơn. Tất cả những yếu tố này cũng có khả năng đáp ứng khách hàng của doanh nghiệp và cho phép doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt giữa sản phẩm của mình với các đối thủ công ty kém trách nhiệm hơn.
Trên đây là bốn yếu tố quan trọng trong việc tạo được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao hơn, chất lượng hơn, đối mới và đáp ứng khách hàng nhanh hơn đòi hỏi doanh nghiệp phải có khả năng đặc biệt, các nguồn lực và khả năng nhất định. Nguồn lực được hiểu là nguồn lực về tài chính, vật chất, nhân sự, công nghệ và các nguồn lực về tổ chức. Các nguồn lực này được phân thành nguồn lực hữu hình như: nhà xưởng, máy móc thiết bị và nguồn lực vô hình như nhãn hiệu hàng hóa, uy tín, bản quyền, bí quyết công nghệ hay tiếp thị. Để tạo khả năng cạnh tranh thì các nguồn lực này phải độc nhất tức là nguồn lực mà đối thủ khác không có được và có khả năng định giá được. Khả năng là nói đến kỹ năng của một doanh nghiệp trong việc phối hợp các nguồn lực này vào sản xuất. Những kỹ năng này thể hiện trong hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, tức là trong cách thức ra quyết định và quản lý trong nội bộ của doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu đề của doanh nghiệp đề ra. Nói một cách tổng quát hơn khả năng của một doanh nghiệp là sản phẩm của cơ cấu tổ chức và hệ thống kiểm tra nội bộ doanh nghiệp. Nhưng để có lợi thế cạnh tranh thì các nguồn lực và khả này phải được sử dụng có hiệu quả. Tóm lại muốn có khả tạo lợi thế cạnh tranh thì doanh nghiệp phải có các nguồn lực có giá trị và các kỹ năng cần thiết để khai thác nguồn lực đó, khả năng quản lý các nguồn lực có hiệu quả.
Một câu hỏi nữa được đặt ra là khi có lợi thế cạnh tranh, lợi thế đó kéo dài được bao lâu, và làm thế nào để duy trì được các lợi thế đó một cách lâu dài. Câu trả lời phụ thuộc vào các yếu tố sau: Hàng rào cản trở việc bắt chước, khả năng đặc biệt của doanh nghiệp. Hàng rào cản trở càng lớn thì lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp càng giữ được lâu hơn. Bất kỳ một năng lực nào cũng có thể bắt chước, vấn đề quan trọng là thời gian.
Thời gian mà các đối thủ bắt chước càng lâu thì doanh nghiệp càng có cơ hội để củng cố vị trí trên thị trường vững mạnh và củng cố uy tín làm cho đối thủ càng khó lấn át và doanh nghiệp có thời gian để hoàn thiện lợi thế của mình. Những lợi thế dễ bị đối thủ bắt chước thường là những lợi thế dựa trên sự sở hữu các nguồn lực hữu hình có giá trị và độc nhất như nhà xưởng, máy móc thiết bị. Vì các nguồn lực này đối thủ có thể nhận thấy và tìm cách mua được còn các nguồn lực vô hình khó bị bắt chước hơn, như nhãn hiệu và uy tín của doanh nghiệp. Nhìn chung các nguồn lực dễ bị sao chép hơn là các khả năng. Do đó điều quan trọng đối với các doanh nghiệp là thiết lập được cơ sở cho lợi thế cạnh tranh lâu bền và duy trì được lợi thế cạnh tranh đó.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Lợi thế cạnh tranh về hả năng doanh nghiệp đó có thể cung cấp cho thị trường một giá trị đặc biệt mà không có một đối thủ cạnh tranh nào có thể cung cấp được...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.