Giải SBT Khoa học tự nhiên 6 bài 16 CTST
Giải SBT Khoa học tự nhiên 6 bài 16: Một số phương pháp tách chất ra khỏi hỗn hợp có đáp án chi tiết cho từng câu hỏi chương trình sách mới. Thông qua đây các em học sinh đối chiếu với lời giải của mình, hoàn thành bài tập hiệu quả.
Bài: Một số phương pháp tách chất ra khỏi hỗn hợp
Bài 16.1 trang 54 sách bài tập KHTN 6: Phương pháp nào dưới đây là đơn giản nhất để tách cát lẫn trong nước?
A. Lọc.
B. Dùng máy li tâm.
C. Chiết.
D. Cô cạn.
Lời giải:
Đáp án A
Phương pháp lọc là phương pháp đơn giản nhất để tách cát ra khỏi nước.
Bài 16.2 trang 54 sách bài tập KHTN 6: Nếu không may làm đổ dầu ăn vào nước, ta dùng phương pháp nào để tách riêng dầu ăn ra khỏi nước?
A. Lọc.
B. Dùng máy li tâm.
C. Chiết.
D. Cô cạn.
Lời giải:
Đáp án C
Dùng phương pháp chiết để tách dầu ăn ra khỏi nước.
Bài 16.3 trang 54 sách bài tập KHTN 6: Trong máy lọc nước có nhiều lõi lọc khác nhau. Trong đó, có một lõi làm bằng bông được ép rất chặt. Theo em, lõi bông có tác dụng gì?
A. Lọc chất tan trong nước.
B. Lọc chất không tan trong nước.
C. Lọc và giữ lại khoáng chất.
D. Lọc hóa chất độc hại.
Lời giải:
Đáp án B
Lõi bông có tác dụng lọc và giữ lại các chất không tan trên bề mặt lõi.
Bài 16.4 trang 54 sách bài tập KHTN 6: Tác dụng chủ yếu của việc đeo khẩu trang là gì?
A. Tách hơi nước ra khỏi không khí hít vào.
B. Tách oxygen ra khỏi không khí hít vào.
C. Tách khí carbon dioxide ra khỏi không khí hít vào.
D. Tách khói bụi ra khỏi không khí hít vào.
Lời giải:
Đáp án D
Đeo khẩu trang sẽ giúp lọc và giữ lại khói bụi trong không khí ở mặt ngoài khẩu trang, giúp chúng ta hít thở không khí được sạch hơn.
Bài 16.5 trang 54 sách bài tập KHTN 6: Cho hình ảnh về dụng cụ bên:
Theo em, dụng cụ này có thể dùng để tách riêng các chất trong hỗn hợp nào dưới đây?
A. Nước và rượu.
B. Cát lẫn trong nước.
C. Bột mì lẫn trong nước.
D. Dầu ăn và nước.
Lời giải:
Đáp án D
Dụng cụ trên là phễu chiết, có thể dùng để tách riêng hỗn hợp gồm các chất lỏng không hòa tan vào nhau như dầu ăn và nước.
Bài 16.6 trang 54 sách bài tập KHTN 6: Hình bên minh họa việc sản xuất và thu hoạch muối. Để sản xuất muối, người ta cho nước biển vào các ruộng muối rồi phơi khoảng một tuần thì thu được muối ở dạng rắn.
a) Khu vực nào ở nước ta sản xuất nhiều muối nhất?
A. Đồng bằng sông Hồng.
B. Đồng bằng sông Cửu Long.
C. Tây Nguyên.
D. Nam Trung Bộ.
b) Người dân đã sử dụng phương pháp nào để thu được muối?
A. Làm lắng đọng muối.
B. Lọc lấy muối từ nước biển.
C. Làm bay hơi nước biển.
D. Cô cạn nước biển.
c) Em có cảm nhận như thế nào về nghề sản xuất muối?
Lời giải:
a) Đáp án D
Nam Trung Bộ là khu vực sản xuất muối lớn nhất nước ta. Ở đây, nước biển có độ mặn cao, thời gian nắng nhiều nên rất thuận lợi cho sản xuất muối. Các tỉnh sản xuất muối nhiều như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Ngãi …
b) Đáp án C
Làm bay hơi nước biển là phương pháp được dùng để sản xuất muối. Người dân làm các ruộng muối rồi dẫn nước biển vào. Sau đó phơi khoảng một tuần thì nước bốc hơi hết, còn lại là muối kết tinh.
c) Làm muối là một nghề vô cùng vất vả của người dân làng chài. Dưới cái nắng chói chang, khắc nghiệt, người làm muối vẫn phải ra khơi lấy nước biển về. Sau đó, họ tiếp tục phơi mình dưới nắng để cào muối. Nhờ có họ mà chúng ta đã có một thứ gia vị hằng ngày trong bữa ăn.
Bài 16.7 trang 55 sách bài tập KHTN 6: Chỉ với một chai nhựa 500ml và một ống tio có khóa của dây truyền dịch cho người ốm, em hãy vẽ sơ đồ thiết kế dụng cụ để chiết tách dầu ăn lẫn trong nước.
Lời giải:
Cách thiết kế: Lấy chai nhựa và khoan một lỗ vừa bằng ống tio ở sát đáy. Lấy ống tio có khóa rồi luồn vào sát đáy chai nhựa, dùng keo gắn chặt ống tio vào chai. Như vậy, ta sẽ được dụng cụ chiết dầu ăn ra khỏi nước.
Bài 16.8 trang 55 sách bài tập KHTN 6: Mẹ của Lan là giáo viên môn Khoa học tự nhiên lớp 6. Trong một lần hai mẹ con làm bánh, mẹ bạn đã trộn đường trắng với bột mì, sau đó hỏi Lan: Làm thế nào để tách riêng hỗn hợp đường và bột mì? Em hãy giúp Lan trả lời câu hỏi này.
Lời giải:
Để tách riêng bột mì và đường ta có thể hòa tan cả hỗn hợp vào nước rồi đổ tất cả vào phễu chứa giấy lọc, đặt trên cốc thủy tinh. Vì đường tan trong nước nên sẽ chảy xuống cốc, bột mì bị giữ lại trên giấy lọc. Cô cạn phần nước đường bằng cách đun cách thủy ta sẽ được đường ở dạng rắn.
Bài 16.9 trang 55 sách bài tập KHTN 6: Vào dịp Tết, mẹ An làm mứt dừa cho cả nhà ăn. Khi cả nhà thưởng thức, bố An thấy mứt ngọt quá nên không muốn ăn vì bố bạn đang trong chế độ ăn kiêng đường. Bạn An rất muốn tách bớt đường ra khỏi mứt dừa để bố An có thể ăn được. Theo em, có cách nào để tách bớt đường từ mứt dừa đã làm không?
Lời giải:
Để tách bớt đường từ mứt dừa đã làm ta làm như sau: Ta cho mứt vào nước để hòa tan bớt đường. Sau đó, vớt mứt ra và rang khô lại. Làm như vậy thì lượng đường trong mứt sẽ giảm đi đáng kể.
Bài 16.10 trang 55 sách bài tập KHTN 6: Ngày nay, máy điều hòa nhiệt độ là một thiết bị phổ biến đang được nhiều gia đình, nhà hàng và khách sạn sử dụng.
a) Tại sao khi ở trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ thì ta cảm thấy không khí khô hơn?
b) Máy điều hòa nhiệt độ giúp ta tách được những chất gì ra khỏi không khí?
c) Để tách nước ra khỏi không khí máy điều hòa đã hoạt động theo nguyên tắc nào?
Lời giải:
a) Khi ở trong phòng có máy điều hòa, ta cảm thấy không khí khô hơn vì máy điều hòa đã loại bớt hơi nước trong không khí, làm giảm độ ẩm không khí nên cảm giác khô hơn bình thường.
b) Máy điều hòa giúp tách được nhiều tạp chất khác nhau ra khỏi thành phần không khí như bụi bẩn, hơi nước. Ngoài ra, có loại máy điều hòa còn khử được một số loài sinh vật gây hại, … Nhờ đó, máy điều hòa mang lại không khí trong lành hơn.
c) Để tách hơi nước ra khỏi không khí, máy điều hòa đã dùng hơi lạnh để ngưng tụ nước và xả ra ngoài theo ống xả.
Bài 16.11 trang 55 sách bài tập KHTN 6: Một buổi tối, Vân đang học bài thì bị muỗi đốt. Vân nói với mẹ: Làm thế nào để đuổi hết muỗi ra khỏi phòng hả mẹ?
Mẹ Vân: Hôm trước mẹ xem trên ti vi thấy người ta nói tinh dầu sả có thể đuổi muỗi đó con ạ. Hay con vào internet tìm hiểu cách chiết xuất tinh dầu sả để mẹ con mình cùng làm dụng cụ và chiết lấy tinh dầu sả để đuổi muỗi nhé.
Vân: Vâng ạ. Ngày mai con sẽ tìm hiểu cách chiết tinh dầu sả để đuổi hết lũ muỗi đáng ghét này.
Em hãy tìm hiểu kiến thức trên Internet và chế tạo dụng cụ đơn giản để chiết tinh dầu sả như bạn Vân nhé.
Lời giải:
Chuẩn bị nguyên liệu
Chọn những củ sả già được trồng trên 10 tháng trở lên
2 lọ thủy tinh có nắp đậy
Rượu Vodka hoặc rượu đế loại tốt
1 miếng gạc hoặc vải thưa.
Nước sạch
Máy xay sinh tố, dao, chày
Cách chế tạo tinh dầu xả tại nhà:
Bước 1: Loại bỏ phần rễ, lá, bẹ lá sả đã dập, giữ lại thân và gốc khoảng 4 – 5cm, rửa sạch 2 lọ thủy tinh và lau khô.
Bước 2: Dùng dao hoặc chày đập thân sả để tăng tiết tinh dầu. Tuy nhiên đừng đập quá mạnh tay, tinh dầu sẽ bị chảy và thoát ra ngoài.
Bước 3: Xếp các khúc sả đã được đập dập vào lọ thủy tinh, xếp ngang nửa lọ là đủ.
Bước 4: Pha rượu đế hoặc rượu Vodka với nước sạch theo tỉ lệ 1:1 và đổ vào lọ sả sao cho ngập. Sau đó đậy kín nắp lại, đặt ở nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ánh nắng mặt trời.
Bước 5: Sau 3 ngày, đổ hỗn hợp nước, rượu và sả ra riêng. Dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn phần thân sả rồi lại cho vào bình như ban đầu. Đậy kín nắp lại và để thêm 3 tuần nữa.
Bước 6: Sau 3 tuần, dùng miếng gạc hoặc vải thưa sạch lọc bỏ bã sả. Phần bã được tách riêng, tinh dầu sẽ được lắng lại và bạn đã hoàn thành việc chưng cất tinh dầu sả nguyên chất.
Bước 7: Bảo quản tinh dầu sả trong lọ tối thủy tinh tối màu và dùng dần.
Bài 16.12 trang 56 sách bài tập KHTN 6: Vào mùa hè, nhiều hôm thời tiết rất oi bức khiến chúng ta cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Thế nhưng, sau một trận mưa rào ập xuống, người ta lại cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Lí do là
A. mưa đã làm giảm nhiệt độ môi trường.
B. mưa đã làm chết các loài sinh vật gây bệnh.
C. mưa đã làm giảm nhiệt độ môi trường và loại bớt khỏi bụi ra ngoài không khí.
D. mưa đã làm giảm nhiệt độ môi trường và làm chết các sinh vật gây bệnh.
Lời giải:
Đáp án C
Vào mùa hè, nhiều hôm thời tiết rất oi bức khiến chúng ta cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Thế nhưng, sau một trận mưa rào ập xuống, người ta lại cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Lí do là mưa đã làm giảm nhiệt độ môi trường và loại bớt khỏi bụi ra ngoài không khí.
Bài 16.13 trang 56 sách bài tập KHTN 6: Khí nitrogen và khí oxygen là hai thành phần chính của không khí. Trong kĩ thuật, người ta có thể hạ thấp nhiệt độ xuống dưới -196oC để hóa lỏng không khí, sau đó nâng nhiệt độ lên dưới -183oC. Khi đó nitrogen bay ra và còn oxygen dạng lỏng.
Phương pháp tách khí nitrogen và khí oxygen ra khỏi không khí như trên được gọi là
A. phương pháp lọc.
B. phương pháp chiết.
C. phương pháp cô cạn.
D. phương pháp chưng cất phân đoạn.
Lời giải:
Đáp án D
Phương pháp tách khí nitrogen và khí oxygen ra khỏi không khí như trên được gọi là phương pháp chưng cất phân đoạn không khí lỏng.
Bài 16.14 trang 56 sách bài tập KHTN 6: Hãy trình bày cách tách riêng từng chất ra khỏi hỗn hợp gồm bột sắt, đồng và muối ăn.
Lời giải:
- Dùng nam châm để hút riêng bột sắt ra khỏi hỗn hợp, đồng và muối ăn không bị nam châm hút.
- Tiếp theo đem hòa tan hỗn hợp vào nước sôi rồi cho qua phễu lọc, do đồng không tan trong nước nên nằm trên phễu lọc và ta thu được dung dịch muối ăn.
- Cô cạn dung dịch muối ăn vừa thu được, ta được muối ăn nguyên chất ở trạng thái rắn.
Bài 16.15 trang 56 sách bài tập KHTN 6: Cho biết nhiệt độ sôi của rượu (ethanol) là 78oC, của nước là 100oC. Em hãy đề xuất giải pháp tách rượu ra khỏi nước và mô tả phương pháp đó.
Lời giải:
- Để tiến hành tách rượu ra khỏi nước, ta sử dụng biện pháp chưng cất.
- Cách tiến hành: Đun nóng hỗn hợp rượu và nước tới nhiệt độ trên 78oC và dưới 100oC để rượu bay hơi. Dẫn hơi rượu qua hệ thống làm lạnh ta thu được rượu dạng lỏng.
Bài 16.16 trang 56 sách bài tập KHTN 6: Dưới đây là sơ đồ mô tả thiết bị chưng cất tinh dầu như tinh dầu quế, tinh dầu sả, tinh dầu khuynh diệp, …
a) Em hãy giải thích nguyên lí hoạt động của thiết bị trên.
b) Nếu phần trước của bộ sinh hàn bị hở thì kết quả chiết xuất như thế nào?
c) Em hãy thiết kế một dụng cụ tương tự để tiến hành tách tinh dầu khuynh diệp tại gia đình mình.
Lời giải:
a) Nguyên lí hoạt động: Khi đun nóng, nước bốc hơi vào trong lá sả và lôi cuốn tinh dầu sả tới bộ sinh hàn. Tại đây cả tinh dầu và nước đều bị ngưng tụ thành chất lỏng và phân lớp. Nước sẽ được tách ra và tiếp tục quy trình còn tinh dầu sẽ được đưa ra bình chứa để sử dụng.
b) Nếu phần trước của bộ phận sinh hàn bị hở thì hơi nước và tinh dầu sẽ bay ra môi trường không khí, hiệu quả chiết xuất sẽ rất thấp.
c) Một bộ dụng cụ tương tự (sưu tầm) để tự tiến hành tách tinh dầu tại gia đình:
Bài 16.17 trang 56 sách bài tập KHTN 6: Chúng ta đều biết, biển có rất nhiều nước nhưng là nước mặn (có lẫn muối). Vì vậy, ngư dân và các chiến sĩ hải quân phải mang theo nước ngọt từ đất liền để sử dụng. Chi phí cho việc vận chuyển nước ngọt khá cao và bình chứa sẽ chiếm nhiều thể tích trên tàu. Do đó, ở trên biển ngư dân và các chiến sĩ hải quân phải sử dụng nước ngọt rất tiết kiệm. Trước thực tế đó, trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kĩ thuật dành cho học sinh THCS và THPT, nhiều em học sinh đã tham gia với dự án tách nước ngọt từ nước biển để cung cấp nước ngọt cho ngư dân trên biển và các chiến sĩ hải quân.
a) Theo em, về nguyên tắc có thể tách lấy nước ngọt từ nước biển không?
b) Em hãy tìm hiểu để thiết kế một sản phẩm để tách nước ngọt từ nước biển sao cho hiệu quả nhất.
Lời giải:
a) Về nguyên tắc, hoàn toàn có thể tách nước ngọt từ biển bằng phương pháp làm bay hơi nước hoặc chưng cất.
b) Một mô hình sản phẩm tách nước ngọt từ nước biển (sưu tầm):
>> Bài tiếp theo: Giải SBT Khoa học tự nhiên 6 bài 17 CTST
Trên đây là toàn bộ lời giải Giải SBT KHTN lớp 6 bài 16: Một số phương pháp tách chất ra khỏi hỗn hợp sách Chân trời sáng tạo. Các em học sinh tham khảo thêm KHTN lớp 6 Kết nối tri thức và KHTN lớp 6 Cánh Diều. VnDoc liên tục cập nhật lời giải cũng như đáp án sách mới của SGK cũng như SBT các môn cho các bạn cùng tham khảo.