Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giới thiệu về Thừa Thiên Huế

Văn mẫu lớp 8: Giới thiệu về Thừa Thiên Huế được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Giới thiệu về thắng cảnh tỉnh Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế là một tỉnh thuộc miền Trung, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị, phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng, Tây Nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía Tây dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, phía Đông trông ra biển. Thành phố Huế cách Hà Nội 660 km, cách thành phố Hồ,Chí Minh 1.080 km, nổi tiếng bởi phong cảnh tuyệt đẹp và truyền thống văn hóa, lịch sử đặc biệt, có tiềm năng du lịch rất lớn.

Diện tích tự nhiên của tỉnh là 5.054 km2, dân số 1.091.600 người. Địa hình rừng núi chiếm khoảng 1/4 diện tích, nằm ở giáp biên giới Việt – Lào và kéo dài đến Đà Nẵng. Địa hình trung du chiếm khoảng 1/2 diện tích; phần lớn là những dãy đồi lô xô như bát úp, với chiều rộng vài trăm mét và chiều cao không quá 500 mét. Vùng đồng bằng duyên hải bề ngang hẹp, chạy song song với bờ biển, đồng ruộng xen lẫn với cồn cát, đầm phá…

Hầu hết các sông lớn của Thừa Thiên – Huế như ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Truồi… đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy ngang qua đồng bằng rồi đổ ra biển. Sông Hương là con sông lớn nhất, có diện tích lưu vực rộng 300 km2.

Bờ biển dài 120 km, có cảng Thuận An và vịnh Chân Mây với độ sâu 18 – 20 m, có khả năng xây dựng cảng nước sấu. Sân bay Phú Bài nằm cạnh quốc lộ 1A. Đường sắt xuyên Việt chạy dọc qua tỉnh. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy của Thừa Thiên – Huế đều rất thuận lợi.

Thừa Thiên – Huế nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cho nên thời tiết diễn ra theo chu kì 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân ấm áp; mùa hè nóng bức; mùa thu mát mẻ và mùa đông giá rét. Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 25°c. Mùa du lịch ở đây đẹp nhất là từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Thừa Thiên – Huế có tỉnh lị là thành phố Huế và 8 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thuỷ, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông. Các dân tộc: Kinh, Tà-ôi, Bờ-ru, Vân Kiều, Cơ-tu… cùng chung sống đoàn kết trên mảnh đất này.

Thừa Thiên – Huế là một vùng đất cổ. Vào thế kỉ XIII, vùng đất này đã được nhập vào quốc gia Đại Việt bởi nó là món sính lễ của vua Chiêm Thành dâng lên vua Trần khi cưới công chúa Huyền Trân. Phong cảnh tươi đẹp, địa hình hiểm trở đã tạo cho Huế một vị trí đặc biệt trong lịch sử nước ta. Nơi đây đã được vua Quang Trung chọn làm kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788 – 1802), vua Gia Long chọn làm kinh đô của triều Nguyễn (1802 – 1945). Suốt mấy trăm năm, Huế đã là trung tâm chính trị, văn hoá của cả nước.

Thắng cảnh Thừa thiên huếCảnh quan của Thừa Thiên – Huế đa dạng, vẻ đẹp thiên nhiên kết hợp với vẻ đẹp của các công trình kiến trúc do con người tạo nên đã khiến cho Thừa Thiên 1 Huế trở thành một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Sông Hương êm đềm chảy giữa lòng thành phố, in bóng cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp. Những bãi tắm Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô nước trong, cát mịn, thơ mộng vô cùng! Khu nghỉ mát lý tưởng Bạch Mã đã từng được so sánh với các khu nghỉ mát nổi tiếng khác của Đông Dương.

Tiềm năng du lịch nổi bật của Thừa Thiên – Huế là quần thể các di tích văn hoá với trên 300 công trình kiến trúc cổ bao gồm hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm, các kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian, chùa chiền, miếu mạo, phủ đệ, hệ thống nhà vườn… Vì vậy, ngày 11 tháng 12 năm 1993, Huế đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Thừa Thiên – Huế còn là một địa phương có truyền thống cách mạng oanh liệt, đến nay còn lưu giữ nhiều di tích liên quan đến cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng tiền bối khác, liên quan đến hai cuộc chiến tranh giữ nước, giành độc lập dân tộc.

Tất cả các yếu tố trên là điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức nhiều loại hình du lịch, phục vụ cho những đối tượng du khách khác nhau. Vì vậy, du lịch Thừa Thiên – Huế có một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và chiến lược phát triển du lịch của cả nước.

Nét đặc trưng của văn hóa ở Thừa Thiên – Huế là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian Và văn hóa cung đình. Những điệu hò, điệu lý dân gian đã được tiếp thu và cải biên để phục vụ vua chúa, quan lại và rồi lại được đưa ra ngoài để trở thành các điệu hát, điệu múa phổ biến như ca Huế, múa cung đình Huế… Nền văn hóa này ngày nay đang được gìn giữ và phát triển.

Nét văn hóa Huế còn biểu hiện ở việc duy trì các làng nghề truyền thống như nghề kim hoàn, nghề đúc đồng, nghề thêu, nghề làm nón… mà mỗi tác phẩm như gửi gắm cả tài năng và tâm hồn của người dân xứ Huế.

Văn hóa ẩm thực ở Huế cũng rất phong phú. Những món ăn cung đình cầu kì, tinh tế cùng hàng trăm loại bánh chỉ ở Huế mới có, sẵn sàng phục vụ du khách muôn phương.

Là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa nên Thừa Thiên – Huế có rất nhiều lễ hội dân gian. Đặc điểm chung của các lễ hội là đều được tổ chức công phu khiến du khách say mê, thích thú. Tiêu biểu như lễ hội Điện Hòn Chén thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na theo phong tục của người Chăm. Lễ hội cầu ngư ở làng Thái Dương Hạ. Hội chợ xuân ở Gia Lạc. Hội vật võ ở làng Sình. Hội đua thuyền trên sông Hương. Hội thả diều trong các ngày lễ lớn…

Huế là kinh đô cổ còn tồn tại khá nhiều công trình gần như nguyên dạng. Giá trị to lớn của Huế được thế giới biết đến chính là quần thể kiến trúc cung đình, thành quách, đền miếu, lăng tẩm… của các vua chúa triều Nguyễn, được xây dựng công phu trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ dọc hai bên bờ sông Hương. Có thể kể đến Ngọ Môn, điện Thái Hoà, Thế Miếu, Hiển Lâm các, cung Diên Thọ, cung Trường Sinh, lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định, chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Diệu Đế… Nếu vịnh Hạ Long là sự sắp đặt kì diệu của Tạo hóa thì cố đô Huế là sản phẩm được làm nên bởi khối óc và bàn tay tài hoa của con người.

Du khách đến Huế không mấy người bỏ qua chương trình dạo chơi bằng thuyền trên sông Hương. Nói đến Huế là nói đến sông Hương bởi không có sông Hương thì đấu còn là Huế mộng, Huế mơ…

Đi đâu cũng nhớ quê mình,

Nhớ sông Hương gió mát, nhớ Ngự Bình trăng treo.

(Ca dao)

Gọi là sông Hương vì theo truyền thuyết, từ xa xưa, dòng sông này chảy qua những rừng cây có hương thơm nên nước sông cũng đượm mùi thơm. Với độ dài 80 km, đoạn sông chảy qua Huế uốn lượn như có sự sắp đặt tài tình làm tôn thêm vẻ kiều diễm cho đất cố đô. Thuyền sẽ đưa du khách dạo bên khu kinh thành, dưới cầu Dã Viên, Phú Xuân, Trường Tiền; đưa du khách lên thăm lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ… rồi xuôi về Thuận An tắm biển. Du khách nào thích suy tư, xin mời ngược dòng sông Hương lên với rừng thông lăng Thiên Thọ để lắng nghe vi vút tiếng thông reo…

Dưới ánh trăng khuya, mặt sông lấp lánh như dát bạc. Giọng hò Huế ngọt ngào, tha thiết cất lên, man mác, chơi vơi trên, sóng nước. Du khách đón chén rượu mời từ tay cô gái Huế và thả hồn thưởng thức tiếng đàn, giọng hát như ru người vào cõi mộng.

Nói đến sông Hương là phải nhắc đến Ngự Bình, bởi sông Hương núi Ngự là biểu tượng của kinh đô Huế. Núi còn có tên là Băng Sơn, cách kinh thành Huế khoảng 3 km. Nhìn từ xa, Ngự Bình có dạng hình thang, đỉnh tương đối bằng phẳng, độ cao của núi khoảng 100 m. Xét theo thuật phong thuỷ thì Ngự Bình được coi như tấm bình phong che chở cho kinh thành. Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá của Tạo hóa, làm nên vẻ sơn thuỷ hữu tình rất đặc trưng của xứ Huế.

Từ lâu đời, các thế hệ tao nhân mặc khách từng coi Huế là chốn thưởng ngoạn thiên nhiên kì thú. Vào những ngày đẹp trời, đứng trên đỉnh Ngự Bình, ta có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh thành phố Huế với những cung điện nguy nga, mái chùa cổ kính, dòng sông Hương xanh biếc uốn lượn quanh co… Xa xa là những dãy đổi với những rừng thông bạt ngàn nối liền với dải đồng bằng rộng lớn xanh tươi thuộc các huyện Hương Thuỷ, Phú Vang, Hương Trà… Cuối chân trời là dãy Trường Sơn trùng điệp một màu tím thẫm, ẩn hiện sau những vầng mây bạc. Nhìn về phía Đông, dải cát trắng mờ là bãi biển Thuận An ôm lấy biển Đông nước xanh thăm thẳm…

Cách núi Ngự Bình vài kilômét là đồi Vọng Cảnh duyên dáng soi bóng bên dòng Hương Giang, nhìn qua núi Ngọc Trản. Từ đồi Vọng Cảnh, du khách có thể nhìn thấy những vườn cây ăn quả mướt xanh chen lẫn những mái chùa và lăng tẩm cổ kính. Sông Hương như một dải lụa mềm uốn quanh chân đồi… Du khách đến đây vào buổi bình minh hay lúc hoàng hôn mới thấy rõ vẻ đẹp nên thơ, nên nhạc, nên tranh của một ngọn đồi, một khúc sông, một góc trời xứ Huế.

Bắc qua sông Hương có rất nhiều cầu và cầu Trường Tiền đã trở thành một trong những biểu tượng của Huế. cầu Trường Tiền từ ngày xây dựng đến nay đã được tu bổ nhiều lần. Đầu cầu phía Bắc có chợ Đông Ba, trung tâm thương mại của thành phố Huế. Nơi đây hầu như có đủ các mặt hàng, từ hàng tiêu dùng thông thường, các đặc sản của địa phương cho đến hàng hoá công nghiệp hiện đại… Chợ Đông Ba còn là điểm du lịch và mua sắm hấp dẫn đối với du khách.

Trong chợ, các sạp bán nón lá thu hút nhiều du khách hơn cả. Đã từ lâu, nón bài thơ Huế nổi tiếng trong nước và ngoài nước. Nón Huế mỏng, nhẹ, thanh thoát. Mỗi chiếc nón có một nét độc đáo riêng khi ta cầm nón soi lên. Nghệ nhân làm nón đã nói hộ chúng ta tình cảm đối với bè bạn và người thân khi trao chiếc nón bài thơ làm quà…

Đến Huế, du khách sẽ được hướng dẫn tới thăm những khu nhà vườn. Theo quan niệm truyền thống của người dân xứ Huế thì nhà bao giờ cũng đi liền với vườn. Nhà và vườn là hai bộ phận hữu cơ của một không gian sống vừa có tác dụng kinh tế, vừa có giá trị thẩm mĩ.

Người dân xứ Huế thường dành một phần diện tích cho vườn để trồng hoa và cây cảnh… Nơi này là khóm trúc, bụi hồng, nơi kia là gốc mai, chậu cúc… Phần đất còn lại để trồng rau hoặc cây ăn quả. Người làm vườn không chỉ cần cù, chịu khó mà cần phải có đôi bàn tay khéo léo đạt tới trình độ nghệ thuật trong cắt tỉa, lai tạo các giống hoa, giống cây. Qua bao đời nay, Huế đã cống hiến cho đất nước những đặc sản nổi tiếng như thanh trà Nguyệt Biểu, quýt Hương cần, nhãn lồng Kim Long, cam Mĩ Lợi…

Huế đẹp, Huế thơ bởi có dòng Hương Giang êm đềm ru vỗ quanh năm. Vẻ đẹp của sông Hương còn được tôn thêm bởi những vườn cây xum xuê nặng trĩu trái ngọt, ngan ngát hương thơm của làng xóm đôi bờ. Đó là những khu vườn đầy mít, chè… của làng Tuần; những vườn hoa muôn sắc: hoa huệ trắng muốt, hoa đồng tiền đỏ thắm trên bãi bồi Nguyệt Biểu. Chùa Huyền Không với vườn hồng, vườn hoa cây cảnh và những giỏ phong lan quý bốn mùa nở hoa. Làng Kim Long, mảnh đất tụ hợp bao loài hoa thơm trái ngọt từ Bắc vào Nam…

Thấp thoáng giữa khu vườn xanh tươi là những ngôi nhà rường hàng trăm năm tuổi với các vì kèo được chạm trổ công phu, bờ nóc, bờ quyết đắp nổi hình rồng, hình phượng. Một mái nhà ngói cổ kính, một mảng tường rêu phủ dấu thời gian cùng với màu mướt xanh cây lá là bức tranh đặc trưng của nhà vườn xứ Huế, nơi mà con người chung sống và hoà nhập với thiên nhiên.

Nói đến Huế, không thể không nhắc tới Bạch Mã. Rừng quốc gia Bạch Mã cách thành phố Huế khoảng 50km về phía Nam. Đặc điểm khí hậu ở đây gần giống Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo, nhưng vì Bạch Mã ở gần biển nên nhiệt độ mùa đông không bao giờ dưới 4°c và nhiệt độ cao nhất vào mùa hè không vượt quá 26°c.

Bạch Mã do một kĩ sư người Pháp có tên là Girard phát hiện. Do có nhiều ưu điểm nên ngay từ những năm 30 của thế kỉ XX, chính quyền thực dân đã cho xây dựng ở đây một khu nghỉ mát gồm 139 biệt thự và các công trình phụ trợ như bưu điện, ngân hàng, hồ bơi, sân quần vợt.;. Con đường ô tô lên núi dài 19km nối quốc lộ 1A với Bạch Mã. Trải qua mấy cuộc chiến tranh cùng với những tác động của thiên nhiên và con người, đến nay, các công trình trên đã bị hư hỏng gần hết.

Với tổng diện tích rừng là 22.031 ha cùng hệ động thực vật phong phú, Bạch Mã có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách yêu thích du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học. Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang tích cực triển khai dự án về Bạch Mã, nhằm nhanh chóng biến nơi đây thành một điểm du lịch quan trọng của tỉnh và cả nước.

Địa hình Thừa Thiên – Huế có đủ núi non và biển cả. Bãi biển Thuận An là nơi tắm biển thú vị cho du khách sau một ngày tham quan kinh thành, lăng tẩm, chùa chiền… Đây cũng là nơi người dân thường đến hóng mát và tắm biển vào dịp hè, lúc tiết trời nóng bức. Đến Thuận An, du khách có dịp thăm miếu Thái Dương gắn liền với sự tích nữ thần Thái Dương, thăm miếu thờ thần cá voi, con vật linh thiêng của biển cả được ngư dân hết lòng sùng kính.

Bãi tắm Lăng Cô cũng là một thắng cảnh nổi tiếng của Huế. Bãi tắm này dài 10km, nằm cạnh quốc lộ 1A, gần đèo Hải Vân và cách khu nghỉ mát Bạch Mã 24 km. Ở đây, bờ biển thoai thoải, cát trắng mịn màng. Vào mùa tắm biển (từ tháng 4 đến cuối tháng 7), nhiệt độ trung bình là 25°c. Biển Lăng Cô có nhiều loại hải sản quý như tôm hùm, tôm sú, tôm bạc, tôm he, tôm vằn, tôm đất, cua, cá thu, cá chim, sò huyết… Gần bãi biển này là mũi Chân Mây và làng cá Lăng Cô…

Bãi biển Cảnh Dương dài 8km, hình vòng cung, nằm giữa mũi Chân Mây Tây và Chân Mây Đông, phong cảnh rất hấp dẫn. Bờ biển có độ dốc thoai thoải, nước biển trong xanh… thuận lợi cho việc tổ chức các loại hình du lịch sinh thái và thể thao dưới nước.

Khu du lịch Suối Voi cách Huế khoảng 40km về phía Nam, thuộc huyện Phú Lộc, nằm giữa những địa danh Bạch Mã, Lăng Cô, Chân Mây… tạo thành một tua du lịch vô cùng hấp dẫn.

Giữa lòng suối trong mát là những tảng đá lớn nhỏ giống như một đàn voi nằm phủ phục. Nước được phun ra liên tục khiến cho bất cứ ai tới đây cũng đều cảm thấy thú vị và sàng khoái.

Suối Voi dài khoảng 500m, gồm có Vũng Voi và Vũng Đu. Đến đây, du khách được đắm mình dưới làn nước suối mát lạnh hay ngồi nghỉ trên những tảng đá bằng phẳng, hít thở bầu không khí thoáng mát, trong lành hoặc đắm mình giữa tiếng nước đổ ào ào, tiếng lá rừng xào xạc, tiếng gọi bầy ríu rít của các loài chim… tạo thành bản hòa tấu du dương bất tận. Du khách có thể bám vào những rễ cây to và dài rủ từ trên cao xuống để đu người qua suối tìm cảm giác mạnh.

Đường đến Suối Voi tương đối thuận tiện. Khu du lịch này không những đã đáp ứng loại hình du lịch cuối tuần của người dân Huế mà còn rất hấp dẫn đối với du khách mọi miền khi tới thăm đất cố đô.

Một điểm du lịch khá hấp dẫn nữa là khu suối khoáng Mỹ An thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang, cách thành phố Huế 7km về phía Đông, trên đường từ Huế ra bãi biển Thuận An.

Tháng 6/1979, đoàn địa chất Thuỷ văn đã phát hiện ra nguồn nước tự nhiên này. Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, các nhà khoa học đã kết luận: Nước khoáng Mỹ An có nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể con người. Chất lượng nước khoáng ở đây có thể so sánh với nhiều loại nước khoáng nổi tiếng trên thế giới. Nước khoáng Mỹ An có thể chữa được một số bệnh ngoài da, viêm khớp, tim mạch, tiêu hoá, thần kinh, hô hấp và các bệnh mãn tính khác.

Hiện nay, nhiều du khách trong cả nước và quốc tế đã đến suối khoáng Mỹ An để chữa bệnh. Mỹ An trở thành một khu dịch vụ du lịch kết hợp với chữa bệnh bằng nước khoáng đầu tiên ỏ vùng đất miền Trung.

Với những vẻ đẹp tự nhiên, thơ mộng, phong phú và bề dày văn hoá, lịch sử… chắc chắn trong tương lai không xa, Thừa Thiên – Huế sẽ phát triển nhanh và mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại mới.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Giới thiệu về Thừa Thiên Huế cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 8 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 8 và biết cách soạn bài lớp 8 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 8, đề thi học kì 2 lớp 8 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
10
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm