Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Quan hệ pháp luật

Chúng tôi xin giới thiệu bài Quan hệ pháp luật được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Khái niệm, đặc điểm quan hệ pháp luật

1.1. Khái niệm quan hệ pháp luật

Nhiều sách báo pháp lí đều xác định: quan hệ pháp luật là những quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Điều đó cũng có thế hiểu rằng, quan hệ pháp luật trước hết là những quan hệ xã hội, phản ánh mối liên hệ giữa con người với con người trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Các quan hệ xã hội rất đa dạng như: quan hệ bạn bè, đồng nghiệp; quan hệ hàng xóm láng giềng; quan hệ vay mượn, thuê mướn tài sản, thuê nhân công lao động... Các quan hệ đó ở mức độ nhất định đều liên quan đến lợi ích của các bên tham gia và trật tự của cộng đồng, vì vậy nó cần phải được các bên xử sự theo những quy tắc, chuẩn mực nhất định. Những quy tắc, chuẩn mực đó có thể là những quy phạm đạo đức, tập quán, giáo lí của các tôn giáo hoặc pháp luật của Nhà nước.

Có những quan hệ xã hội mà các bên tham gia chỉ cần xử sự với nhau theo quy phạm đạo đức hoặc quy phạm tập quán thì lợi ích của các bên đã được tôn trọng và đảm bảo, do đó được các bên và cộng đồng chấp nhận. Tuy nhiên, có những quan hệ xã hội nếu chỉ điều chỉnh bằng đạo đức, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo... thì không đảm bảo lợi ích của các bên tham gia, hoặc lợi ích chung của cộng đồng, vì vậy nhà nước cần phải đặt ra pháp luật để điều chỉnh những quan hệ như vậy.

Ví dụ: Tình huống thứ nhất về quan hệ xã hội: Nhà ông A và nhà ông B ở cạnh nhau, họ vốn là những người hàng xóm thân thiện với nhau. Phía trước hai nhà có khoảng sân trống, họ phân công nhau quét dọn và cùng sử dụng. Khi con trai của ông A làm lễ kết hôn, ông A sang nói chuyện với ông B để dựng rạp trong khoảng sân tổ chức lễ cưới, ông B đồng ý và cùng giúp ông A.

Tình huống thứ hai về quan hệ pháp luật: Cũng với tình huống trên, sau một thời gian khi con cái trưởng thành, chỗ ở trở nên chật chội hơn, ông A đã cơi nới thêm và dần dần lấn chiếm khoảng sân trống trước hai nhà. Ông B nhiều lần đề nghị ông A không được sử dụng khoảng sân trống làm nơi ở nhưng ông A vẫn tiếp tục lấn chiếm vì cho rằng mình là người chủ cũ, là người đã bán nhà cho ông B nên phần sân trống đó là của ông A và ông có quyền sử dụng theo ý mình. Hai bên trở nên mâu thuẫn, ông B khởi kiện ra Tòa án và Tòa án đã buộc ông A phải tháo dỡ phần lấn chiếm do trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở của ông A không bao gồm khoảng sân này.

Như vậy, trong tình huống thứ nhất, quan hệ giữa ông A và ông B là quan hệ xã hội thông thường, các bên xử sự với nhau theo quy phạm đạo đức “tối lửa tắt đèn có nhau”. Trong tình huống thứ hai, quan hệ giữa họ là quan hệ pháp luật vì liên quan đến vấn đề tài sản (khoảng sân chung) được Luật Dân sự điều chỉnh. Theo đó, ông A và ông B phải xử sự theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu các bên không tự giác thực hiện theo quy định của pháp luật thì nhà nước sẽ can thiệp theo quy định của pháp luật.

1.2. Đặc điểm của quan hệ pháp luật

Quan hệ pháp luật được coi là một dạng của quan hệ xã hội nên nó mang những đặc điểm của quan hệ xã hội, là quan hệ giữa người với người được hình thành và tồn tại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Tuy nhiên, không thể đồng nhất giữa quan hệ pháp luật và quan hệ xã hội vì quan hệ pháp luật có những đặc điểm sau:

* Quan hệ pháp luật là quan hệ có tính ý chí

- Tính ý chí trong quan hệ pháp luật là ý chí của Nhà nước được thể hiện trong các quy phạm pháp luật. Các chủ thể khi tham gia vào quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh phải xử sự theo cách thức được nhà nước đặt ra. Có thể là ý chí đơn phương của Nhà nước trong quan hệ pháp luật hình sự, hoặc ý chí của các bên khi tham gia quan hệ pháp luật trong khuôn khổ ý chí của Nhà nước thể hiện trong quy phạm pháp luật (quan hệ hợp đồng, quan hệ hôn nhân).

- Ví dụ: Trong tình huống thứ hai, việc ông A lấn chiếm khoảng sân trống là theo ý chí của ông A vì ông quan niệm rằng ông chỉ bán nhà cho ông B, còn khoảng sản trống là của ông và ông có quyền sử dụng nó tùy theo mục đích của mình. Như vậy là ông đã hiểu sai. Vì trong tình huống này, việc ông cơi nới chỗ ở trên khoảng sân phải phù hợp với pháp luật mà cụ thể là ông chỉ được xây dựng trên diện tích đất đã được cấp giấy phép sử dụng (không bao gồm diện tích khoảng sân trống). Việc ông cơi nới trên khoảng sân trống đã vi phạm pháp luật thể hiện ý chí của Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng, trong đó có lợi ích của nhà ông B.

- Ví dụ: Trong quan hệ hôn nhân, hai bên nam nữ tự do lựa chọn, tìm hiểu người bạn đời theo ý chí, theo mong muốn của mình. Nhưng khi họ muốn trở thành vợ chồng thì phải được sự đồng ý của bên kia và phù hợp với những quy định của pháp luật (thể hiện ý chí của Nhà nước) như: về giới tính, về quan hệ huyết thống, về độ tuổi, và thực hiện thủ tục đăng kí kết hôn theo luật định. Trong loại quan hệ này, nhà nước không trực tiếp tham gia, không phải là một bên tham gia quan hệ pháp luật, mà chỉ đặt ra những điều kiện, khi chủ thể đáp ứng những điều kiện đó thì họ chủ động tham gia và thể hiện ý chí của mình.

* Quan hệ pháp luật có cơ cấu chủ thể nhất định

- Thông thường, các quan hệ xã hội không có cơ cấu chủ thể cụ thể. chẳng hạn, không có điều kiện nào ràng buộc về độ tuổi, về giới tính, về tài sản... để kết bạn. Các chủ thể hoàn toàn tự do trong việc xác lập các quan hệ xã hội theo ý chí của họ. Nhưng trong quan hệ pháp luật, dưới sự tác động của quy phạm pháp luật, mỗi loại quan hệ pháp luật có cơ cấu chủ thể nhất định.

- Ví dụ: Trong quan hệ xã hội, việc kết bạn có thể giữa nam với nam, nữ với nữ hoặc nam với nữ. Trong quan hệ pháp luật hôn nhân, việc kết hôn chỉ được thực hiện giữa một bên là nam với một bên là nữ. Luật HN&GĐ ở Việt Nam hiện nay chưa cho phép kết hôn giữa những người cùng giới tính.

- Mỗi loại chủ thể trong quan hệ pháp luật khác nhau lại cần phải đáp ứng những điều kiện mà pháp luật quy định cho loại quan hệ pháp luật đó.

- Ví dụ: Chủ thể trong quan hệ pháp luật hôn nhân là cá nhân nhưng đối với nam giới phải từ 20 tuổi, đối với nữ giới phải từ 18 tuổi; trong quan hệ pháp luật hình sự, cá nhân đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thực hiện hành vi phạm tội do lỗi cố ý và thuộc loại tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; trong quan hệ pháp luật lao động, cá nhân đủ 15 tuổi mới được kí kết hợp đồng lao động (HĐLĐ). Việc xác định cơ cấu chủ thể trong quan hệ pháp luật không chỉ nhằm tạo ra trật tự cần thiết để vận hành quan hệ xã hội mà còn đảm bảo lợi ích của các bên khi tham gia vào các quan hệ pháp luật đó.

- Quan hệ pháp luật có nội dung là quyền và nghĩa vụ pháp lí của chủ thể. Trong quan hệ xã hội, giữa các chủ thể tham gia cũng hình thành quyền và nghĩa vụ, mặc dù không cụ thể, không rõ ràng. Các chủ thể trong quan hệ xã hội thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức, điều kiện và môi trường sống của họ.

- Ví dụ: Trong tình huống thứ nhất, quan hệ giữa ông A và ông B là quan hệ xã hội, ông B giúp đỡ ông A xuất phát từ tình cảm và mức độ thân thiện giữa hai cá nhân hoặc hai gia đình nên không có sự xác định cụ thể về quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Khác với quan hệ xã hội, khi tham gia vào quan hệ pháp luật, chủ thể phải đáp ứng những điều kiện theo quy định của pháp luật nên các quyền và nghĩa vụ đều mang tính pháp lí dù các quyền, nghĩa vụ được các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với pháp luật. Các quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong quan hệ pháp luật được xác định cụ thể, rõ ràng trên cơ sở pháp luật sẽ tránh được sự tùy tiện lạm dụng quyền hoặc bỏ mặc nghĩa vụ nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia quan hệ pháp luật và tăng cường khả năng giám sát của Nhà nước đối với xã hội. Nhà nước có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế buộc các chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

- Ví dụ: Trong tình huống thứ hai, ông A có nghĩa vụ pháp lí là tôn trọng tài sản chung (khoảng sân trống) không thuộc quyền sử dụng riêng của mình và có quyền yêu cầu ông B và những người khác cũng thực hiện nghĩa vụ ấy. Khi ông A vi phạm nghĩa vụ, ông B có quyền yêu cầu ông A chấm dứt hành vi vi phạm, và có quyền kiện ông A ra trước Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

* Quan hệ pháp luật được nhà nước bảo đảm thực hiện

- Đối với các quan hệ xã hội, sự hình thành, vận động của chúng chịu sự giám sát bởi dư luận xã hội dựa trên những quan niệm đạo đức, phong tục, tập quán.

- Chúng ta không phủ nhận “bia miệng” cũng có những giá trị nhất định trong việc kiểm soát hành vi của con người nhưng chứa đựng trong nó là sự thiếu khách quan, công bằng, thậm chí rất nghiệt ngã.

- Ví dụ: Trong tình huống thứ nhất, nếu nhà ông A muốn dựng rạp trên khoảng sân chung để tổ chức lễ cưới nhưng ông B nhất định không đồng ý thì mọi người sẽ đánh giá ông B là người sống ích ki với hàng xóm, láng giềng, vì thế họ có thể ít giao tiếp với nhà ông B, nhưng không thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc ông B phải đồng ý.

- Đối với quan hệ pháp luật, do được hình thành, vận động theo quy định của pháp luật thể hiện ý chí của Nhà nước, nên các quan hệ pháp luật ngoài việc chịu sự kiểm soát của dư luận xã hội còn chịu sự kiểm soát của Nhà nước và được nhà nước bảo đảm thực hiện.

- Ví dụ: Trong tình huống thứ hai, hành vi lấn chiếm khoảng sân chung của ông A đã bị Tòa án buộc phải tháo dỡ phần lấn chiếm. Sự can thiệp của Tòa án ương tình huống này nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của ông B và của cộng đồng.

- Tuy nhiên, do tính chất của các quan hệ pháp luật khác nhau, nên sự bảo đảm của Nhà nước cũng có những hình thức, biện pháp khác nhau. Có thể là sự bảo đảm về pháp lí, vật chất, tổ chức, kĩ thuật... các biện pháp tuyên truyền, giáo dục hoặc cưỡng chế khi cần thiết.

2. Phân loại quan hệ pháp luật

Như trên đã nói, quan hệ pháp luật là những quan hệ xã hội được quy phạm pháp luật điều chỉnh. Do tính chất của các quan hệ xã hội khác nhau nên nhu cầu về mức độ tác động của pháp luật lên các quan hệ xã hội không giống nhau. Quan hệ pháp luật được phân loại như sau:

- Căn cứ vào tiêu chí phân chia các ngành luật, quan hệ pháp luật được phân thành: quan hệ pháp luật hình sự; quan hệ pháp luật dân sự; quan hệ pháp luật hành chính...

- Căn cứ vào nội dung, quan hệ pháp luật được phân thành: quan hệ pháp luật nội dung, quan hệ pháp luật hình thức.

- Quan hệ pháp luật nội dung chứa đựng những nội dung cần điều chỉnh bằng pháp luật.

- Ví dụ: Việc chia thừa kế (quan hệ thừa kế)...

- Quan hệ pháp luật hình thức là những quan hệ phát sinh trong quá trình các chủ thể thực hiện những trình tự thủ tục để giải quyết các nội dung pháp lí.

- Ví dụ: Trình tự thủ tục để khởi kiện, giải quyết một vụ kiện dân sự (quan hệ pháp luật tố tụng dân sự); Trình tự thủ tục để giải quyết vụ án hình sự, áp dụng hình phạt đổi với bị cáo (quan hệ pháp luật tố tụng hình sự).

3. Chủ thể quan hệ pháp luật

3.1. Khái niệm chủ thể quan hệ pháp luật

Chủ thể quan hệ pháp luật là những cá nhân, tổ chức đáp ứng được những điều kiện mà pháp luật quy dinh cho mỗi loại quan hệ pháp luật và tham gia vào quan hệ pháp luật đó.

Khi tham gia quan hệ xã hội, các cá nhân không bị giới hạn bởi điều kiện về độ tuổi, về tài sản, trình độ chuyên môn. Nhưng khi tham gia quan hệ pháp luật, các cá nhân hoặc tổ chức phải đáp ứng được những điều kiện mà nhà nước quy định trong pháp luật. Những điều kiện đó trước hết là khả năng hưởng quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật (năng lực pháp luật); và khả năng tự mình thực hiện trên thực tế theo quy định của pháp luật những quyền và nghĩa vụ pháp lí (năng lực hành vi pháp lí).

Vậy, để một cá nhân, tổ chức trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật, trước hết cá nhân, tổ chức phải đáp ứng những điều kiện về năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp lí, được gọi chung là năng lực chủ thể.

Năng lực pháp luật của chủ thể: Là khả năng của chủ thể được hưởng quyền và nghĩa vụ pháp lí theo quy định của pháp luật. Năng lực pháp luật của chủ thể có những đặc điểm sau:

+ Đặc điểm thứ nhất: Đối với cá nhân, năng lực pháp luật xuất hiện kể từ khi người đó được sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. Mặc dù gắn với con người tự nhiên nhưng năng lực pháp luật không phải là một thuộc tính tự nhiên của con người mà là một thuộc tính chính trị pháp lí. Bởi vì, chủ thể không thể tự quy định cho mình các quyền và nghĩa vụ pháp lí theo ý chí chủ quan và khả năng tự nhiên của bản thân, mà phụ thuộc vào nhà nước. Tuỳ vào điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội trong mỗi quốc gia, trong mỗi giai đoạn vận động và phát triển của quốc gia đó mà các quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lí được nhà nước quy định có sự thay đổi, sự khác biệt. Công dân của mỗi nước khác nhau thì năng lực pháp luật cũng khác nhau.

+ Đặc điểm thứ hai: Năng lực pháp luật của chủ thể bao gồm các quyền pháp lí và nghĩa vụ pháp lí được nhà nước quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản pháp luật là cơ sở pháp lí để cá nhân, tổ chức xác định mình có những quyền, nghĩa vụ pháp lí gì và thực hiện nó trên thực tế khi có năng lực hành vi.

Ví dụ: Điều 33 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm".

Năng lực hành vi pháp lí của chủ thể: Là khả năng của chủ thể được nhà nước xác nhận trong quy phạm pháp luật cụ thể. Với khả năng đó, chủ thể bằng chính hành vi của mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lí và độc lập chịu trách nhiệm pháp lí khi tham gia vào quan hệ pháp luật cụ thể.

Như vậy, năng lực hành vi pháp lí là khả năng thực tế của chủ thể để thực hiện năng lực pháp luật. Đối với cá nhân, năng lực hành vi pháp lí thường được xem xét dưới ba phương diện: độ tuổi, khả năng nhận thức, tình trạng sức khoẻ, thể lực. Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác như: trình độ chuyên môn, tài sản... Đối với cá nhân, năng lực hành vi pháp lí gắn với sự phát triển tự nhiên của con người và xuất hiện muộn hơn năng lực pháp luật. Nhà nước xác nhận năng lực hành vi pháp lí của cá nhân qua việc quy định về độ tuổi, về khả năng nhận thức, về tình trạng sức khỏe. Những yếu tố này hoàn toàn phản ánh sự phát triển tự nhiên của con người. Khi đến một độ tuổi nhất định, cá nhân con người mới đạt đến sự phát triển nhất định về thể lực và trí lực, lúc đó họ nhận thức đầy đủ hơn về lợi ích của mình và của xã hội, làm chủ được hành vi của mình và có khả năng tự chịu trách nhiệm về những hành vi đó.

Ví dụ: Để cá nhân thực hiện quyền lao động được quy định trong Hiến pháp và BLLĐ (năng lực pháp luật), thì cá nhân phải đủ 15 tuổi, có khả năng nhận thức, đủ sức khỏe (năng lực hành vi) theo quy định của BLLĐ.

Mối quan hệ giữa năng lực pháp luật và năng lực hành vi của chủ thể

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp lí là hai yếu tố tạo thành năng lực chủ thể quan hệ pháp luật, vì vậy giữa chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, thể hiện như sau:

+ Thứ nhất, năng lực pháp luật là điều kiện cẩn, năng lực hành vi là điều kiện đủ để cá nhân, tổ chức có thể chủ động tham gia vào các quan hệ pháp luật và trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật.

+ Thứ hai, một chủ thể pháp luật đơn thuần chỉ có năng lực pháp luật thì không thể tự mình tham gia một cách chủ động vào các quan hệ pháp luật trên thực tế và không thể trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật theo nghĩa đầy đủ của khái niệm này. Trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật, chủ thể có thể tham gia một cách thụ động vào quan hệ pháp luật thông qua hành vi của người thứ ba.

Ví dụ: A 18 tuổi, bị bệnh tâm thần, khi cha mẹ của A qua đời, theo quy định của pháp luật thừa kế, A là người được hưởng thừa kế của cha mẹ nhưng A không thể tự mình thực hiện quyền thừa kế. Vì vậy, người giám hộ của A sẽ thực hiện những thủ tục pháp lí để khai nhận di sản thừa kế cho A.

3.2. Các loại chủ thể quan hệ pháp luật

Chủ thể quan hệ pháp luật bao gồm các cá nhân, tổ chức có năng lực chủ thể theo quy định của pháp luật.

* Cá nhân: Cá nhân là thuật ngữ để nói đến con người tự nhiên. Người ta có thể dùng cách nói khác đổ diễn đạt loại chủ thể này như: thể nhân, tự nhiên nhân. Chủ thể là cá nhân được phân loại căn cứ vào mối quan hệ pháp lí của họ với một quốc gia nhất định, bao gồm: công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch. Cá nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật khi có năng lực chủ thể.

* Pháp nhân

Theo Điều 74 BLDS năm 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

+ Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại điều 83 của Bộ luật này.

+ Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.

+ Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

* Nhà nước

- So với các chủ thể khác (cá nhân, tổ chức, pháp nhân), nhà nước là một loại chủ thể đặc biệt. Nhiều sách báo pháp lí gọi nhà nước là pháp nhân công quyền. Tính đặc biệt của Nhà nước có thể thấy qua một số nội dung sau:

+ Nhà nước là một thiết chế nắm quyền lực công, tác động toàn diện đến đời sống xã hội trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội.

+ Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyển quy định năng lực chủ thể của các chủ thể khác và kiểm soát sự tham gia của các chủ thể trong đời sống pháp luật.

+ Nhà nước chỉ tham gia vào những quan hệ pháp luật cơ bản, quan trọng như: quan hệ pháp luật hình sự, quan hệ pháp luật hành chính, quan hệ công pháp quốc tế...

4. Sự kiện pháp lí

4.1. Khái niệm sự kiện pháp lí

- Quan hệ pháp luật phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt dưới tác động của ba yếu tố: quy phạm pháp luật; năng lực chủ thể; sự kiện pháp lí. Trong đó, quy phạm pháp luật là yếu tố tiền đề, vì không có quy phạm pháp luật tác động thì quan hệ xã hội không trở thành quan hệ pháp luật, nhưng khả năng hiện thực hóa quan hệ pháp luật trong đời sống pháp lí lại thuộc về yếu tố năng lực chủ thể. Bởi vì, năng lực chủ thể là điều kiện để cá nhân, tổ chức có thể thực hiện quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lí. Nhưng ngay cả khi có đủ hai yếu tố này thì quan hệ pháp luật mới chỉ ở dạng mô hình.

- Ví dụ: Quy phạm pháp luật về kết hôn vẫn tồn tại trong Luật HN&GĐ, nhưng nếu cá nhân đủ điều kiện kết hôn lại không muốn kết hôn thì không hình thành quan hệ pháp luật hôn nhân.

- Trong trường hợp này, quan hệ pháp luật hôn nhân chỉ hình thành khi cá nhân làm thủ tục đăng kí kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp giấy đăng kí kết hôn. Việc công dân thực hiện thủ tục đăng kí kết hôn, việc cấp giấy đăng kí kết hôn là những sự kiện diễn ra trong thực tế theo quy định của pháp luật, đã làm phát sinh quan hệ hôn nhân giữa các chủ thể cụ thể. Đây được gọi là sự kiện pháp lí.

- Như vậy, sự kiện pháp lí đóng vai trò cầu nối giữa quan hệ pháp luật mô hình và quan hệ pháp luật cụ thể hình thành trong đời sống pháp luật. Sự kiện pháp lí là những điều kiện, hoàn cảnh, tình huống được dự kiến trong quy phạm pháp luật gắn với việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật cụ thể khi chúng diễn ra trong thực tế đời sống.

- Có nhiều sự kiện thực tế xảy ra trong đời sống xã hội làm ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội. Những sự kiện thực tế đó có thể là những hiện tượng tự nhiên như: bão tố, lũ lụt, động đất... hoặc những sự kiện mang tính xã hội như: kết hôn, kí kết hợp đồng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở... Nhưng không phải sự kiện nào diễn ra trong thực tế cũng đều được coi là sự kiện pháp lí. Tính pháp lí của các sự kiện thực tế là phải được nhà nước quy định trong pháp luật và khi xảy ra những sự kiện ấy sẽ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật cụ thể.

- Xét từ góc độ chính trị pháp lí, sự kiện pháp lí không phải là bất biến vì nó được pháp luật quy định. Khi pháp luật thay đổi thì tính chất pháp lí của sự kiện đó bị thay đổi hoặc mất đi. Trong trường hợp pháp luật không quy định về sự kiện đó nữa, tính pháp lí của sự kiện không còn thì sự kiện đó chỉ còn là sự kiện thực tế bình thường. Một sự kiện pháp lí có thể làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một hoặc nhiều quan hệ pháp luật.

- Ví dụ: Ông A chết (sự kiện pháp lí) để lại thừa kế cho vợ và các con, phát sinh quan hệ thừa kế, chấm dứt quan hệ hôn nhân...

4.2. Phân loại sự kiện pháp lí

Căn cứ vào kết quả tác động của sự kiện pháp lí đối với quan hệ pháp luật, có thể chia sự kiện pháp lí thành ba loại:

- Sự kiện pháp lí làm phát sinh quan hệ pháp luật.

Ví dụ: Hai bên kí hợp đồng thuê nhà, làm phát sinh quan hệ pháp luật giữa bên cho thuê và bên thuê.

- Sự kiện pháp lí làm thay đổi quan hệ pháp luật.

Ví dụ: Thay đổi từ HĐLĐ sang kí hợp đồng làm việc.

- Sự kiện pháp lí làm chấm dứt quan hệ pháp luật.

Ví dụ: Tòa án xử cho vợ chồng li hôn làm chấm dứt quan hệ pháp luật hôn nhân.

Căn cứ vào dấu hiệu ý chí, phân loại thành sự biến pháp lí và hành vi pháp lí:

* Sự biến pháp lí: Là những hiện tượng tự nhiên xảy ra ngoài ý chí chủ quan của con người, được nhà làm luật dự kiến trong quy phạm pháp luật gắn liền với việc hình thành, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật cụ thể.

- Ví dụ: Thiên tai, dịch bệnh, cái chết tự nhiên của con người, sự luân chuyển của thời gian... được coi là sự biến pháp lí trong những tình huống cụ thể.

- Khi nghiên cứu từng ngành luật cụ thể và quan hệ pháp luật của ngành luật đó, người ta còn chia sự biến pháp lí thành: sự biến pháp lí tuyệt đối; sự biến pháp lí tương đối.

* Hành vi pháp lí: Là hành vi của con người khi tham gia vào các quan hệ xã hội và được điều chỉnh bởi pháp luật. Khi chủ thể thực hiện những hành vi này trong những tình huống, hoàn cảnh cụ thể thì quan hệ pháp luật sẽ phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt.

- Căn cứ vào biểu hiện khách quan, hành vi pháp lí được phân chia thành: hành vi hành động và hành vi không hành động.

+ Hành vi hành động là cách xử sự chủ động của chủ thể qua đó làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật cụ thể. Ví dụ: Việc kí HĐLĐ làm phát sinh quan hệ pháp luật lao động.

+ Hành vi không hành động là cách xử sự thụ động của chủ thể. Loại hành vi này phản ánh nhận thức cũng như những lợi ích chủ quan của chủ thể, biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan bằng những hành vi không hành động, được pháp luật gắn với sự hình thành, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật. Ví dụ: Hành vi không cứu giúp người bị nạn; hành vi không kháng cáo...

- Căn cứ vào nội dung của quy phạm pháp luật, có thể chia hành vi pháp lí thành hai loại: hành vi pháp lí hợp pháp; hành vi pháp lí bất hợp pháp. Theo đó, chủ thể thực hiện hành vi bất hợp pháp và cấu thành vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm pháp lí.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Quan hệ pháp luật về khái niệm sự kiện pháp lí, các loại chủ thể quan hệ pháp luật, đặc điểm của quan hệ pháp luật...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Quan hệ pháp luật. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm