Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Thực hiện pháp luật, vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí

Thực hiện pháp luật, vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Thực hiện pháp luật

1.1. Khái niệm thực hiện pháp luật

Thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật.

Ví dụ: Công dân học phổ thông. Đây là hành vi thực hiện pháp luật vì đây là một hoạt động biến những quy định của Luật Giáo dục trở thành những hành vi hợp pháp ở trên thực tế.

1.2. Đặc điểm của thực hiện pháp luật

- Thực hiện pháp luật là hành vi hợp pháp của các chủ thể pháp luật

Ví dụ: Hành vi không xả rác bừa bãi nơi công cộng. Đây là hành vi thực hiện pháp luật phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường.

- Hành vi được đề cập là hành vi hợp pháp, nghĩa là những hành vi mang tính pháp lí phù hợp với các quy định của pháp luật, cũng có thể hiểu là hành vi làm đúng theo những gì mà pháp luật quy định. Như vậy, một chủ thể thực hiện pháp luật phải bằng hành vi hợp pháp, có thể là hành vi hành động hoặc không hành động nhưng phải làm đúng, làm đủ, không trái với những quy định của pháp luật. Sở dĩ thực hiện pháp luật là hành vi hợp pháp của các chủ thể vì đây là hành vi được khuyến khích tiến hành, có tác dụng tốt trong xã hội, thúc đẩy các hoạt động tích cực, hướng con người đến một xã hội văn minh, lành mạnh.

- Thực hiện pháp luật là hoạt động đưa các quy phạm pháp luật được thực hiện trên thực tế

- Các quy định của pháp luật trên giấy tờ sẽ được hiện thực hóa trong đời sống thông qua hành vi hợp pháp của các chủ thể. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực vì nó có thể kiểm nghiệm được tính đúng đắn, khách quan và phù hợp của các quy phạm pháp luật.

- Ví dụ: Các cơ sở kinh doanh thực hiện việc đăng kí kinh doanh là hành vi thực hiện pháp luật đưa các quy phạm pháp luật về kinh doanh được quy định trong Luật Thương mại (LTM), Luật Đầu tư... được thực hiện trên thực tế.

- Thực hiện pháp luật do nhiều chủ thể khác nhau tiến hành với nhiều cách thức khác nhau

- Thực hiện pháp luật có thể do chủ thể là cá nhân hay tổ chức, pháp nhân... tiến hành. Có thể bằng hành động hoặc không hành động. Bởi lẽ, quy phạm pháp luật có nhiều loại khác nhau và ứng với mỗi loại quy phạm pháp luật đó thì chủ thể thực hiện pháp luật sẽ xác định được xử sự cụ thể của mình, sao cho phù hợp với các quy định của pháp luật.

1.3. Các hình thức thực hiện pháp luật

* Tuân theo (tuân thủ) pháp luật

- Ví dụ: Tất cả phương tiện cơ giới đang lưu thông trên đường phải dừng lại trước tín hiệu đèn giao thông màu đỏ.

- Hình thức thực hiện pháp luật này có nội dung là chủ thể kiềm chế mình không thực hiện điều pháp luật cấm. Hành vi tuân theo pháp luật được thực hiện dưới dạng không hành động.

- Như vậy, loại quy phạm tương ứng cho hình thức thực hiện pháp luật này là loại quy phạm pháp luật cấm đoán. Quy phạm pháp luật cấm đoán là loại quy phạm mà trong phần quy định của quy phạm pháp luật cấm chủ thể không được thực hiện một số hành vi nhất định.

* Thi hành pháp luật

- Ví dụ: Công dân nam đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự, hành vi này chỉ có thể được biểu hiện dưới dạng hành động. Tương tự, hành vi nộp thuế vào ngân sách nhà nước của đối tượng chịu thuế là hành động bắt buộc.

- Với hình thức thực hiện pháp luật này, chủ thể bằng hành vi tích cực của mình thực hiện điều pháp luật yêu cầu. Hành vi thi hành pháp luật được thực hiện dưới dạng hành động.

- Loại quy phạm tương ứng cho hình thức thực hiện pháp luật này là loại quy phạm bắt buộc. Quy phạm pháp luật bắt buộc là loại quy phạm mà phần quy định buộc chủ thể có nghĩa vụ phải thực hiện một số hành vi nhất định.

* Sử dụng pháp luật

- Ví dụ: Mọi người đều có thể thực hiện việc đi du lịch, nghỉ dưỡng hoặc không tùy theo nhu cầu cá nhân (hành vi này phù hợp với các quy định của Luật Du lịch).

- Chủ thể sử dụng pháp luật nghĩa là chủ thể thực hiện cách thức xử sự mà pháp luật cho phép. Hành vi sử dụng pháp luật được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.

- Tương ứng với tính chất tự do ý chí trong hình thức sử dụng pháp luật mà nhà làm luật xây dựng loại quy phạm pháp luật cho phép. Quy phạm pháp luật cho phép là loại quy phạm pháp luật có phần quy định cho phép chủ thể khả năng tự xử sự theo cách thức nhất định.

* Áp dụng pháp luật

- Ví dụ: Tòa án xét xử và ra bản án áp dụng hình phạt tù chung thân cho một người phạm tội giết người được quy định trong BLHS.

- Áp dụng pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền hoặc nhà chức trách tổ chức cho các chủ thể thực hiện những quy định của pháp luật. Trong trường hợp đặc biệt, theo quy định của pháp luật, cơ quan tổ chức xã hội cũng có thể thực hiện hoạt động này.

- Ví dụ: Nhà nước trao quyền cho tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện việc hỗ trợ cảnh sát điều khiển giao thông tại những tuyến đường thường xuyên xảy ra ách tắc hay tai nạn giao thông; nhà nước trao quyền cho công chứng tư thực hiện một số những hành vi công chứng giấy tờ, bằng chứng nhận... mà trước đây công việc này chỉ thuộc về văn phòng công chứng của Nhà nước.

- Như vậy, có thể thấy, chủ thể áp dụng pháp luật đặc biệt hơn các hình thức thực hiện pháp luật khác. Chủ thể chỉ có thể là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà chức trách hoặc tổ chức xã hội được nhà nước trao quyền. Khi thực hiện chức trách của mình, chủ thể áp dụng pháp luật thực hiện hành vi hành động.

- Loại quy phạm pháp luật tương ứng với hình thức thực hiện pháp luật này là tất cả các loại quy phạm.

1.4. Áp dụng pháp luật

- Khái niệm áp dụng pháp luật: Áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật trong đó nhà nước, thông qua cơ quan, cán bộ nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức xã hội được nhà nước trao quyền, tổ chức cho các chủ thể thực hiện quyền hoặc nghĩa vụ do pháp luật quy định hoặc tự mình căn cứ vào các quy định của pháp luật ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật.

* Các trường hợp cần áp dụng pháp luật

- Khi các quyền và nghĩa vụ của chủ thể không thể mặc nhiên phát sinh, thay đổi, chấm dứt nếu thiếu sự can thiệp của Nhà nước.

- Ví dụ: Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có quyền tự do kinh doanh nhưng quyền này chỉ phát sinh khi công dân làm thủ tục đăng kí kinh doanh và được một cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh.

- Khi các quyển và nghĩa vụ của chủ thể đã phát sinh nhưng có sự tranh chấp mà các chủ thể không thể tự giải quyết được và yêu cầu nhà nước can thiệp.

- Ví dụ: Khi các chủ thể tranh chấp về quyền thừa kế, tranh chấp về tài sản, các tranh chấp về đất đai... mà những mâu thuẫn này các chủ thể không thể tự giải quyết được thì họ có thể yêu cầu một sự can thiệp từ phía nhà nước.

- Trong trường hợp này, nhà nước đóng vai trò như một trọng tài. Thứ nhất, nhà nước sẽ căn cứ vào những quy định của pháp luật để áp dụng vào từng trường hợp cụ thể được có thể đưa ra những phán quyết hợp pháp và hợp lí. Thứ hai, nhà nước là chủ thể đặc biệt, mang quyền lực tối cao bởi vậy những phán quyết của Nhà nước cũng sẽ được đảm bảo thực hiện bởi quyền lực nhà nước. Thứ ba, nhà nước có các thiết chế chuyên biệt để thực hiện sự “can thiệp” khi có yêu cầu (cần lưu ý là những yêu cầu này phải thực sự chính đáng và hợp pháp).

- Khi cần có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật.

- Ví dụ: Cảnh sát giao thông quyết định xử phạt 100.000 đồng đối với hành vi của một người đã vượt đèn đỏ (người này đã vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ).

- Khi nhà nước thấy cần phải tham gia để kiểm tra, giám sát các bên tham gia quan hệ pháp luật hoặc để xác nhận sự tồn tại hay không tồn tại của một sự kiện thực tế nào đó.

- Ví dụ: Chứng sinh ghi nhận sự tồn tại của một con người và đồng thời với đó là sự xác nhận những quyền và nghĩa vụ công dân của người đó.

- Ví dụ: Nhà nước có thể tiến hành hoạt động kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu chợ...

* Đặc điểm của áp dụng pháp luật

- Áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính tổ chức, thể hiện quyền lực nhà nước. Ví dụ: Tòa án dân sự thực hiện những hoạt động tố tụng liên quan đến việc xét xử những vụ án dân sự như những tranh chấp liên quan đến quan hệ tài sản...

- Cơ quan điều tra tiến hành những hoạt động điều tra nhằm xác minh những tình tiết liên quan đến vụ án trước khi quyết định sang một giai đoạn tiếp theo của quá trình tố tụng...

- Căn cứ vào các quy phạm pháp luật, tình tiết của vụ việc và trong từng trường hợp, điều kiện hoàn cảnh cụ thể mà cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền đưa ra những quyết định trong việc áp dụng pháp luật phù hợp với chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Mật khác, cũng do xuất phát từ tính quyền lực. Khi chủ thể vi phạm và bị áp dụng những biện pháp cưỡng chế thì dù không muốn vẫn phải thực hiện (đó là quyền lực nhà nước thể hiện trong quy phạm pháp luật và được áp dụng trong thực tế).

- Hoạt động áp dụng pháp luật chủ yếu dựa vào ý chí đơn phương của Nhà nước mà không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể bị áp dụng.

- Áp dụng pháp luật có tính chất bắt buộc đổi với chủ thể bị áp dụng và các chủ thể có liên quan.

- Ví dụ: Nhà xây dựng trái phép thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định buộc phải tháo dỡ nếu không chấp hành thì sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế tháo dỡ.

- Áp dụng pháp luật có hình thức, thủ tục chặt chẽ.

- Ví dụ: Tòa án xét xử phải phù hợp với quy trình tố tụng được quy định trong các bộ luật tố tụng.

- Hình thức của hoạt động áp dụng pháp luật là văn bản áp dụng pháp luật. Ý chí của chủ thể áp dụng pháp luật được thể hiện trong các văn bản áp dụng pháp luật. Văn bản áp dụng pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà chức trách ban hành trên cơ sở văn bản quy phạm pháp luật, áp dụng vào từng trường hợp nhằm xác định quyền và nghĩa vụ pháp lí cụ thể, hoặc xác định biện pháp trách nhiệm pháp lí đối với chủ thể.

Ví dụ: Bản án của Tòa án, quyết định xử phạt vi phạm giao thông của cảnh sát giao thông...

- Sẽ không có thủ tục chung cho mọi trường hợp áp dụng pháp luật. Tùy theo tính chất của từng vụ việc (chủ thể, tính chất phức tạp...) mà thủ tục giải quyết cũng sẽ khác nhau. Hình thức của hoạt động áp dụng pháp luật là văn bản áp dụng pháp luật (áp dụng 1 lần).

- Áp dụng pháp luật mang tính cá biệt, cụ thể.

- Ví dụ: Bản án của Tòa án áp dụng hình phạt tù 05 năm đối với trường hợp anh Nguyễn Văn A phạm tội cướp tài sản được quy định trong BLHS.

- Tính cá biệt, cụ thể của áp dụng pháp luật được thể hiện về chủ thể và về quy tắc xử sự.

- Áp dụng pháp luật là hoạt động có tính sáng tạo.

- Ví dụ: Hai bị cáo cùng là về tội trộm cắp tài sản nhưng tuỳ theo tình trạng nhân thân (là người đã thành niên hay chưa thành niên...), tình tiết phạm tội (trộm cắp tài sản có giá trị lớn hay nhỏ...) mà hội đồng xét xử sẽ cân nhắc để quyết định hình phạt cho phù hợp.

- Mặt khác, trong quá trình áp dụng pháp luật mới thấy được sự tồn tại của những "lỗ hổng” pháp luật, mới thấy được những bất cập trong quá trình thực thi pháp luật. Từ đó mới đưa ra được những kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đồng thời, tính sáng tạo của hoạt động áp dụng pháp luật còn được thể hiện rõ nét qua hoạt động áp dụng pháp luật tương tự.

- Các giai đoạn của quá trình áp dụng pháp luật Quá trình áp dụng pháp luật trải qua bốn giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Phân tích, làm sáng tỏ những tình tiết của vụ việc cần áp dụng pháp luật và các đặc trưng pháp lí của chúng.

+ Giai đoạn 2: Lựa chọn quy phạm pháp luật cần áp dụng và làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa của quy phạm pháp luật đó.

+ Giai đoạn 3: Ban hành văn bản áp dụng pháp luật.

+ Giai đoạn 4: Tổ chức thực hiện văn bản áp dụng pháp luật,

1.5. Áp dụng pháp luật tương tự

- Khái niệm áp dụng pháp luật tương tự: Áp dụng pháp luật tương tự là hoạt động áp dụng pháp luật nhằm khắc phục kịp thời các “lỗ hổng” của pháp luật, áp dụng pháp luật tương tự khi vụ việc được xem xét có liên quan đến quyền, lợi ích của Nhà nước, xã hội hoặc của cá nhân, đòi hỏi nhà nước phải xem xét giải quyết nhưng không có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh.

* Các cách thức áp dụng pháp luật tương tự

- Áp dụng tương tự quy phạm pháp luật: Áp dụng tương tự quy phạm pháp luật là việc lựa chọn quy phạm đang có hiệu lực pháp luật làm căn cứ pháp lí để giải quyết một vụ việc cụ thể nảy sinh chưa được dự kiến trước, nhưng có dấu hiệu tương tự với một vụ việc khác được quy phạm pháp luật này trực tiếp điều chỉnh.

- Áp dụng tương tự pháp luật: “Tương tự” trong áp dụng pháp luật tương tự là sự giống nhau về nội dung vụ việc và vì vậy tìm được quy phạm pháp luật tương ứng hoặc nguyên tắc pháp lí để xử lí vụ việc.

- Như vậy, áp dụng tương tự pháp luật là việc sử dụng những nguyên tắc pháp lí và ý thức pháp luật để giải quyết một vụ việc cụ thể mà chưa có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh, cũng không thể áp dụng tương tự quy phạm pháp luật.

* Điều kiện áp dụng pháp luật tương tự

- Điều kiện chung: Vụ việc được xem xét có liên quan đến quyền, lợi ích của Nhà nước, xã hội hoặc của cá nhân, đòi hỏi nhà nước phải xem xét giải quyết. Phải chứng minh một cách chắc chắn vụ việc cần xem xét giải quyết không có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh.

Điều kiện riêng: Đối với áp dụng tương tự quy phạm pháp luật: phải xác định được vụ việc mới nảy sinh có nội dung gần giống với vụ việc đã được quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp.

- Đối với áp dụng tương tự pháp luật: khi không thể giải quyết vụ việc mới nảy sinh bằng hình thức áp dụng tương tự quy phạm pháp luật (do không có quy phạm pháp luật tương tự). Mặt khác, phải chỉ ra được nguyên tắc pháp luật hay quan điểm pháp lí nào được sử dụng để giải quyết vụ việc cụ thể đó và lí giải lí do lựa chọn.

2. Vi phạm pháp luật

2.1. Khái niệm vi phạm pháp luật và các dấu hiệu của vi phạm pháp luật

* Khái niệm vi phạm pháp luật

- Vi phạm pháp luật là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm pháp lí thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến các quan hệ xã hội được nhà nước xác lập và bảo vệ.

- Ví dụ: A lén lút chiếm đoạt một xe mô tô (Dream) trị giá 30 triệu đồng của B —> A đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật (trộm cắp tài sản của công dân); Do thù tức với A, B lén lút bỏ thuốc độc vào thức ăn của A, nhưng A không dùng thức ăn đó, A không chết —> B đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật (phạm tội giết người).

* Các dấu hiệu của vi phạm pháp luật

- Dấu hiệu thứ nhất: Hành vi xác định của con người.

+ Vi phạm pháp luật trước hết phải là hành vi xác định của chủ thể (được thể hiện ra thế giới khách quan dưới dạng hành động và không hành động của con người), mang tính nguy hiểm cho xã hội (gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được nhà nước xác lập và bảo vệ).

+ Ví dụ: Hành vi giết người được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động như A dùng súng bắt chết B —» vi phạm pháp luật dược thể hiện ra bên ngoài bằng hành động (xử sự chủ động của con người); hoặc A (mẹ) không cho con bú trong 02 ngày dẫn đến cái chết của con mình là trẻ sơ sinh bị dị tật nặng vi phạm pháp luật được thể hiện dưới hình thức không hành động (xử sự thụ động).

+ Như vậy, chỉ bằng hành vi của mình thì chủ thể mới có thể gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho xã hội. Hành vi của A được để cập trong các tình huống trên mang tính nguy hiểm cho xã hội. Vì những hành vi đó đã xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng của con người được nhà nước xác lập và bảo vệ.

- Dấu hiệu thứ hai: Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật.

Những biểu hiện của hành vi trái pháp luật như:

+ Chủ thể làm một việc mà pháp luật cấm (A thực hiện hành vi trộm cắp, giết người). + Chủ thể sử dụng quyền hạn vượt quá giới hạn mà pháp luật cho phép (giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng).

+ Chủ thể không thực hiện nghĩa vụ mà nhà nước bắt buộc (chủ DNTN không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế; bên mua trong hợp đồng mua bán tài sản không thanh toán cho bên bán tài sản khi đã nhận tài sản).

- Dấu hiệu thứ ba: Vi phạm pháp luật phải chứa đựng lỗi của chủ thể.

+ Lỗi là trạng thái tâm lí phản ánh thái độ tiêu cực của chủ thể đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà mình đã thực hiện và hậu quả nguy hiểm hoặc nguy cơ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà mình gây ra, thể hiện dưới hai hình thức là cố ý hoặc vô ý.

+ Người thực hiện hành vi trái pháp luật chỉ bị xem là có lỗi khi hành vi mà chủ thể đã thực hiện là kết quả của sự lựa chọn, quyết định của họ, trong khi người đó có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn một cách xử sự khác phù hợp với pháp luật. A không có lỗi trong tình huống sau: A điều khiển xe gắn máy tham gia giao thông với tốc độ 20 - 25km/h trên đường bộ trong khu vực đông dân cư (tốc độ tối đa cho phép là 40km/h). B là người điều khiển xe đạp trước mặt A, đã đột ngột lăng xe ra giữa đường để chuyển hướng. Vì vậy, bánh xe trước của A xô mạnh vào phía sau xe đạp của B, B bị ngã xuống đường bê tông nhựa, gãy tay. Hành vi gây tai nạn giao thông đó thực hiện trong điều kiện A không thể lựa chọn một cách xử sự khác phù hợp với pháp luật được. A không có lỗi đối với hành vi trái pháp luật mà mình đã gảy ra.

- Dấu hiệu thứ tư: Vi phạm pháp luật phải là hành vi do người có năng lực trách nhiệm pháp lí thực hiện.

+ Năng lực trách nhiệm pháp lí là khả năng của chủ thể vi phạm pháp luật, vào thời điểm thực hiện hành vi, họ hoàn toàn có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi mà mình thực hiện; khả năng điều khiển được hành vi; khả năng tự chịu trách nhiệm pháp lí về hành vi của mình.

+ Để xác định chủ thể của hành vi trái pháp luật có được những khả năng đó hay không, nhà nước đã căn cứ vào độ tuổi và khả năng lí trí của chủ thể vào thời điểm họ thực hiện hành vi trái pháp luật để quy định vấn đề trên.

+ Ví dụ: Trong lĩnh vực hình sự, nhà nước ta quy định, cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự là người từ đủ 14 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ là người từ đủ 16 tuổi; không mắc bệnh tâm thần hoặc một loại bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, làm chủ hành vi. Người đủ 14 tuổi là chủ thể của tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Người đủ 16 tuổi là chủ thể của mọi tội phạm mà họ gây ra.

2.2. Cấu thành vi phạm pháp luật

- Khái niệm cấu thành vi phạm pháp luật: Cấu thành vi phạm pháp luật là tổng thể các dấu hiệu cơ bản, đặc thù cho một loại vi phạm pháp luật cụ thể, được nhà nước quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

* Các yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật

- Vi phạm pháp luật có bốn yếu tố cấu thành: mặt khách quan; mặt chủ quan; chủ thể và khách thể vi phạm pháp luật.

- Mặt khách quan của vi phạm pháp luật: Là những biểu hiện ra bên ngoài của vi phạm pháp luật. Bao gồm bốn biểu hiện sau:

+ Hành vi trái pháp luật: là xử sự nguy hại cho xã hội của con người ra thế giới khách quan ở những mức độ khác nhau, được ý thức của chủ thể kiểm soát và ý chí của người đó điều khiển; được quy định trong pháp luật.

+ Hậu quả nguy hiểm cho xã hội: là thiệt hại gây ra cho các quan hệ xã hội được nhà nước xác lập và bảo vệ của vi phạm pháp luật (đây là dấu hiệu không bắt buộc phải có trong mọi vi phạm pháp luật). Thiệt hại cho xã hội thể hiện dưới những hình thức:

  • Thiệt hại về thể chất: sức khỏe, tính mạng của con người.
  • Thiệt hại về tinh thần: danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của con người.
  • Thiệt hại về vật chất: tài sản bị tổn thất, hư hại.

- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

- Các yếu tố khác: công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh vi phạm pháp luật...

- Mặt chủ quan của vi phạm pháp luật: Là hoạt động tâm lí bên trong của người vi phạm pháp luật. Bao gồm: lỗi, động cơ và mục đích vi phạm pháp luật.

- Lỗi trong mặt chủ quan của vi phạm pháp luật: Lỗi của chủ thể vi phạm pháp luật được thể hiện dưới hai hình thức: cố ý và vô ý.

- Lỗi cố ý trực tiếp: Người vi phạm pháp luật nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.

- Ví dụ: Châu Hùng S vay chị A 600 triệu đồng với mức lãi suất cao, đã nảy ra ý định giết chị A để quỵt nợ. S đã chuẩn bị băng keo và roi chích điện, lên kế hoạch thực hiện tội phạm. Ngày 14/12/2011, khi vợ con đi vắng, S gọi điện hẹn chị A đến nhà để trả trước 300 triệu đồng, S thuê B, C, D (là ba đối tượng chơi bời lêu lổng không có công ăn việc làm ổn định) 3 triệu đồng, đến nhà chờ sẵn, giúp đỡ hắn thực hiện tội ác. S nói dối với ba tên côn đồ này là chị A có nợ S 600 triệu đồng không chịu trả, nên hắn đề nghị ba tên này bắt trói chị A để gọi giang hồ đến đòi nợ giúp. Do không biết âm mưu của S nên ba tên này đã nhận lời giúp S thực hiện kế hoạch. Sau khi nghe điện thoại của S, chị A cùng em trai là E đến nhà S. Khi chị A và E vừa vào đến nhà, S ra lệnh cho B, C, D bắt trói chị A và anh E lại, đồng thời dùng băng keo bịt miệng hai nạn nhân. Sau khi B, C, D vừa ra khỏi nhà, S bắt đầu dùng roi chích điện, chích vào người hai nạn nhân cho đến chết, S lột toàn bộ tài sản quý giá và số tiền mang theo trên người của hai chị em và nhét xác hai nạn nhân vào hai thùng xốp đã được chuẩn bị sẵn, rồi thuê xe tải nhỏ đến chở hai thùng xốp ra khỏi nhà. S nói dối với người lái xe tải là có hàng cần giao cho khách ở huyện T, tỉnh BD. Khi xe tải đến cổng nghĩa trang LT tỉnh BD, S đi xe máy phía trước ra hiệu cho xe dừng, rồi cùng tài xế khiêng hai thùng xốp đặt tại cổng nghĩa trang. Khi xe tải đi khuất, S lập tức lên xe bỏ đi. Sau đó vụ việc bị phát hiện, S bị bắt sau 48 giờ gây án.

- Ở tình huống trên, lỗi của S đối với hành vi và hậu quả gây ra là cố ý trực tiếp.

- Lỗi cố ý gián tiếp: Chủ thể vi phạm pháp luật nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

- Ví dụ: A nuôi gà thả vườn với số lượng lớn, thường bị mất trộm vào ban đêm. Để phòng chống trộm cắp, 23 giờ ngày 22/3/2012, A giăng một sợi dây thép trên nóc chuồng gà và nối với nguồn điện 220V. Khoảng 02 giờ sáng, B là người cùng làng lén lút chui vào chuồng, bắt trộm gà. Do vậy, B bị vướng phải dây thép đang nối với nguồn điện, nên bị giật chết. Lỗi của A đối với cái chết của B là cố ý gián tiếp. Lỗi vô ý vì quá tự tin: chủ thể vi phạm pháp luật thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên đã thực hiện hành vi trái pháp luật và gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội.

- Ví dụ: Trên đường đi chơi, A hút gần hết điếu thuốc lá và ném vào đống rơm rạ khô nhà bà B. Vì trời hanh khô, nên rơm bén lửa, cháy đống rơm rạ khô và cháy lan sang ngôi nhà, mái lợp bằng lá dừa nước của ông C, gây thiệt hại trị giá 100 triệu đồng. Lỗi vô ý do cẩu thả: Chủ thể vi phạm pháp luật đã gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng do cẩu thả nên không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả đó, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả ấy.

- Ví dụ: Kíp mổ do bác sĩ A phụ trách, phẫu thuật gan cho bệnh nhân, do sơ suất đã bỏ quên miếng băng (gạc) y tế trong cơ thể của bệnh nhân, trước khi đóng vết mổ hở. Vì vậy, miếng gạc bị bác sĩ bỏ quên luân chuyển và dính tại ruột non, gây nhiễm trùng nặng, bệnh nhân tử vong sau mổ 01 tháng. Động cơ vi phạm pháp luật. Là động lực bên trong thúc đẩy chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

- Ví dụ: A (hung thủ) giết B (người tình) đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm làm cha. Động cơ không phải là yếu tố bắt buộc phải xác định trong mặt chủ quan của mọi vi phạm pháp luật. Mục đích vi phạm pháp luật: Là kết quả trong ý thức chủ quan mà chủ thể vi phạm pháp luật đặt ra phải đạt được khi thực hiện vi phạm pháp luật.

- Ví dụ: A (hung thủ) dùng súng hoặc mìn tự tạo tước đoạt sinh mạng của cán bộ cốt cán trong bộ máy nhà nước (nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng Nghị viện...) nhằm chống lại nhà nước đó. Chủ thể vi phạm pháp luật: Là cá nhân hoặc tổ chức có năng lực trách nhiệm pháp lí đã thực hiện hành vi trái pháp luật, có lỗi, tương ứng với mỗi loại vi phạm pháp luật.

- Cá nhân là chủ thể vi phạm pháp luật phải là người không mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi và đủ độ tuổi do pháp luật quy định.

- Tổ chức là chủ thể vi phạm pháp luật, bao gồm: các cơ quan nhà nước; đơn vị vũ trang nhân dân; các tổ chức xã hội; các tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật... và các tổ chức nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết hoặc tham gia có quy định khác. Lỗi của tổ chức vi phạm pháp luật được xác định thông qua lỗi của các thành viên trong tổ chức đó. Họ là người trực tiếp gây ra vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao. Tổ chức là chủ thể vi phạm pháp luật, sau khi chấp hành xong quyết định áp dụng pháp luật phải xác định trách nhiệm pháp lí của cá nhân gây ra vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

- Khách thể vi phạm pháp luật: Khách thể của vi phạm pháp luật là những quan hệ xã hội được nhà nước xác lập và bảo vệ bị chủ thể vi phạm pháp luật xâm hại hoặc đe dọa xâm hại.

- Ví dụ: Quan hệ xã hội được coi là khách thể của tội phạm được quy định tại Điều 8 BLHS 1999: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức; tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân; những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

- Khách thể của vi phạm pháp luật hành chính là các quy tắc quản lí nhà nước hoặc trật tự quản lí hành chính nhà nước được pháp luật hành chính quy định và bảo vệ.

* Các loại vi phạm pháp luật

- Căn cứ vào tính chất nguy hại cho xã hội của hành vi; tính chống đối xã hội của chủ thể; mức độ gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho xã hội và loại chế tài dự kiến áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật, vi phạm pháp luật được phân loại thành; vi phạm hình sự (tội phạm); vi phạm hành chính; vi phạm dân sự; vi phạm kỉ luật.

- Vi phạm hình sự (tội phạm): "Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân; xâm phạm các lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

- Ví dụ: A trộm cắp 10.000.000 đồng của B. Vi phạm hành chính: Là hành vi (hành động hoặc không hành động) nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật, có lỗi (cố ý hoặc vô ý) do cá nhân có năng lực trách nhiệm hành chính hoặc tổ chức thực hiện, xâm phạm trật tự nhà nước và xã hội, các quy tắc quản lí, sở hữu (nhà nước, tổ chức, tư nhân), các quyền, tự do và các lợi ích hợp pháp của công dân mà không phải là tội phạm hình sự và theo quy định của pháp luật phải chịu trách nhiệm hành chính.

- Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn do A làm chủ, trốn thuế 80.000.000 đồng. Vi phạm pháp luật dân sự: Là hành vi nguy hại cho xã hội, trái pháp luật, có lỗi do cá nhân có năng lực trách nhiệm pháp lí hoặc tổ chức có nghĩa vụ mà không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ gây ra; hoặc gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho các chủ thể khác mà theo quy định của pháp luật, họ phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

- Ví dụ: A thuê nhà của B, nhưng 03 tháng liên tiếp A không thanh toán tiền thuê nhà cho B mà không có lí do. Vi phạm kỉ luật: Là hành vi nguy hại cho xã hội, trái pháp luật (không thực hiện đúng kỉ luật lao động, học tập, công tác), có lỗi do cán bộ công chức nhà nước thi hành công vụ hoặc thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tiến hành tố tụng (THTT) gây ra, gây thiệt hại về tài sản cho cơ quan, đơn vị mình; hoặc xâm hại đến quyền tự do, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác bởi các quyết định áp dụng trái pháp luật, gây hậu quả nguy hại, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của chủ thể, theo quy định của pháp luật họ phải gánh chịu chế tài kỉ luật, gánh chịu trách nhiệm vật chất thông qua việc bồi thường thiệt hại hoặc hoàn trả khoản bồi thường thiệt hại tài sản cho cơ quan, đơn vị mình.

3. Trách nhiệm pháp lí

3.1. Khái niệm trách nhiệm pháp lí

- Trách nhiệm pháp lí là việc nhà nước bằng ý chí đơn phương của mình, buộc chủ thể vi phạm pháp luật phải gánh chịu những hậu quả bất lợi, những biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định ở bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật do ngành luật tương ứng xác định.

- Ví dụ: Tòa án tỉnh H phạt A 08 năm tù vì A đã phạm tội cố ý gây thương tích, nội dung vụ án như sau: A (nam, 20 tuổi), B (nữ, 18 tuổi) có quan hệ yêu đương với nhau. Khi B phát hiện A nghiện ma tuý, B quyết định chia tay với A. A sau nhiều lần hứa hẹn từ bỏ ma tuý và thuyết phục B hàn gắn quan hệ tình cảm để tiến tới hôn nhân nhưng không thành, A nảy sinh ý định tạt axit vào B. Vào khoảng 22 giờ ngày 12/10/2011, A mang một ca dung dịch axit (khoảng 1 lít) đến nhà B để thực hiện ý định của mình, C là em của B ra mở cửa, do nhầm lẫn nên A đã tạt axit vào người C, gây bỏng nặng cho C.

3.2. Các loại trách nhiệm pháp lí

- Căn cứ vào tính chất của các biện pháp xử lí, cơ quan xử lí, đối tượng bị áp dụng, có bốn loại trách nhiệm pháp lí sau:

+ Trách nhiệm hình sự: Là hậu quả pháp lí bất lợi của việc thực hiện hành vi phạm tội, được xác định bằng trình tự đặc biệt theo quy định của pháp luật, do Tòa án áp dụng đối với người phạm tội. Trong đó, nhà nước buộc chủ thể của tội phạm gánh chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất là các loại hình phạt trong BLHS, được thể hiện ở bản án có hiệu lực của Tòa án.

+ Trách nhiệm hành chính: Là hậu quả pháp lí bất lợi đối với cá nhân hoặc tổ chức vi phạm pháp luật hành chính, do các cơ quan quản lí nhà nước áp dụng. Trong đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt hành chính, buộc chủ thể vi phạm hành chính phải gánh chịu biện pháp cưỡng chế là các hình thức xử phạt chính và các hình thức xử phạt bổ sung được quy định ở chế tài hành chính.

+ Trách nhiệm dân sự: Là hậu quả pháp lí bất lợi đối với cá nhân hoặc tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ dân sự, hoặc xâm hại lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần của cá nhân, pháp nhân hoặc của các chủ thể khác. Trong đó, Tòa án buộc chủ thể vi phạm pháp luật gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần phải bồi thường thiệt hại nhằm thoả mãn quyền lợi chính đáng, khôi phục, khắc phục hậu quả vật chất, tinh thần cho người bị vi phạm.

+ Trách nhiệm kỉ luật: Là hậu quả pháp lí bất lợi đối với chủ thể vi phạm kỉ luật lao động, vi phạm các quy tắc và nghĩa vụ trong hoạt động dẫn đến hậu quả xấu ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, của ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị. Trong đó, thủ trưởng cơ quan nhà nước, hoặc thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan nhà nước (nơi có người vi phạm kỉ luật) áp dụng các hình thức xử lí kỉ luật tương ứng với từng loại đối tượng vi phạm, được quy định ở chế tài kỉ luật.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Thực hiện pháp luật, vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí về khái niệm và các loại trách nhiệm pháp lí, khái niệm vi phạm pháp luật và các dấu hiệu của vi phạm pháp luật, đặc điểm của thực hiện pháp luật..

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Thực hiện pháp luật, vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm