Trao đổi Em đọc sách báo trang 30 lớp 5 Tập 1 Cánh Diều
Em đọc sách báo trang 30 lớp 5 Tập 1 Cánh Diều
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc
Nghiêm cấm các hành vi sao chép với mục đích thương mại.
Câu 1 trang 30 Tiếng Việt lớp 5 Cánh Diều Tập 1: Giới thiệu một tác phẩm (câu chuyện hoặc bài thơ, bài văn, bài báo, vở kịch) mà em đã đọc về sự bình đẳng giữa nam và nữ hoặc về một bạn thiếu nhi được nhiều người quý mến.
Trả lời:
HS tham khảo bài báo sau:
Nội dung bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lang Chánh tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.
Tỷ lệ hoàn thành chương trình giáo dục Tiểu học và THCS đối với học sinh nam và nữ tại huyện Lang Chánh tương đương 98% (Ảnh: Hạnh Linh).
Để triển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Lang Chánh tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến và vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh trong ngành thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Chỉ đạo, hướng dẫn các trường học tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước" và các văn bản, chính sách liên quan.
Phối hợp với ngành Giáo dục tuyên truyền, lồng ghép các nội dung thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với việc tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động đối với phụ nữ như: "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", "Phụ nữ tích cực lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc".
Các hoạt động lồng ghép giới trong Giáo dục và Đào tạo được chú trọng triển khai thông qua việc lồng ghép giới và bình đẳng giới vào các môn học như giáo dục công dân, sinh học và các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống ở các cấp học.
Kết quả, chương trình bình đẳng giới được đưa vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục của huyện đạt 100%. Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 98 %. Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 97 %. Trong đó, tỷ lệ hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đối với học sinh nam và nữ là tương đương 98 %.
Theo Hạnh Linh (báo Dân Trí)
Mười năm cõng bạn đi học
Ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, ai cũng biết câu chuyện cảm động về em Đoàn Trường Sinh 10 năm cõng bạn đến trường. Quãng đường từ nhà Sinh tới trường dài hơn 4 ki-lô-mét, qua đèo, vượt suối, khúc khuỷu, gập ghềnh. Thế mà Sinh không quản khó khăn, ngày ngày cõng bạn Hanh bị liệt cả hai chân đi về. Nhờ bạn giúp đỡ, lại có chí học hành, nhiều năm liền, Hanh là học sinh tiên tiến, có năm còn tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện.
Theo báo Đại Đoàn Kết
Câu 2 trang 30 Tiếng Việt lớp 5 Cánh Diều Tập 1: Trao đổi về nội dung tác phẩm được giới thiệu.
a) Em thích nhân vật (hoặc chi tiết, hình ảnh) nào trong tác phẩm? Nêu tình cảm, cảm xúc của em về nhân vật ( hoặc chi tiết, hình ảnh) đó.
b) Tác phẩm đó nói lên điều gì?
Trả lời:
Gợi ý:
a)
- Trong tác phẩm "Mười năm cõng bạn đi học" của báo Đại Đoàn Kết, em rất yêu thích nhân vật Sinh.
- Tình cảm, cảm xúc của em dành cho Sinh là sự ngưỡng mộ, thán phục khi cậu ấy kiên trì mười năm cõng người bạn của mình đến trường. Tình bạn trong sáng, cao cả của Sinh dành cho Hanh cùng sự tốt bụng, kiên cường, ý chí mạnh mẽ của cậu ấy thật đáng trân trọng. Em xem Sinh là thần tượng, là tấm gương để học tập và noi theo.
b) Tác phẩm "Mười năm cõng bạn đi học" nói lên tấm gương về tình bạn cao cả và phẩm chất kiên cường, ý chí quyết tâm cao độ và lòng nhân ái của nhân vật Sinh.