Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Viết một đoạn văn về việc quan tâm chăm sóc trẻ em hoặc thực trạng trẻ em nông thôn ở Việt Nam

Trẻ em là mầm non của xã hội nên nếu chúng ta có chiến lược tốt để phát huy thế mạnh cho thế hệ trẻ hôm nay thì chúng ta sẽ có một xã hội tốt đẹp trong mai sau. VnDoc.com mời các bạn tham khảo văn mẫu lớp 9 với chủ đề viết một đoạn văn về việc quan tâm chăm sóc trẻ em hoặc thực trạng trẻ em nông thôn ở Việt Nam trong bài viết này.

Dàn ý đoạn văn về việc quan tâm chăm sóc trẻ em hoặc thực trạng trẻ em nông thôn ở Việt Nam

- Mở đoạn: giới thiệu vấn đề cần nghị luận: thực trạng việc quan tâm chăm sóc trẻ em/thực trạng trẻ em nông thôn ở Việt Nam.

- Thực trạng:

Các em được tiếp xúc với tiếng anh khi học lớp 3 ở tiểu học và chỉ vỏn vẹn những từ hết sức đơn giản. Vì không có giáo viên người nước ngoài và không có điều kiện giao tiếp nên chủ yếu các em không thể hiểu và giao tiếp được.

Vài năm trước và đến tận bây giờ nhiều học sinh ở những vùng thôn được tiếp cận với máy tính và môn tin học ở trường THCS.

Ở những vùng nông thôn còn đói nghèo, trẻ em phải lao động từ rất sớm và thường xuyên ăn uống không đủ dinh dưỡng.

- Nguyên nhân: do nước ta còn nghèo, nền kinh tế chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của con người, công nghệ chưa phát triển ở các vùng quê; cơ sở hạ tầng chưa đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, vấn đề gia tăng dân số quá nhanh cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, y tế,…

- Hậu quả: trẻ em ở nông thôn sẽ không được tiếp cận những công nghệ tiên tiến như ở thành phố, các em sẽ không có được chất lượng giáo dục, y tế tốt như ở các thành phố lớn, lâu dần dẫn đến sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn,…

- Giải pháp: nhà nước cần có những biện pháp thiết thực hơn nữa để giúp đỡ những trẻ em ở nông thôn, đặc biệt là những vừng khó khăn; cần nhiều hơn sự chung tay của các mạnh thường quân,…

- Kết đoạn: khái quát lại vấn đề nghị luận và rút ra bài học cho bản thân.

Viết một đoạn văn về việc quan tâm chăm sóc trẻ em hoặc thực trạng trẻ em nông thôn ở Việt Nam mẫu 1

Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển. Những vấn đề quyền trẻ em ngày càng được quan tâm hơn. Nhà nước đã ban hành các bộ luật về quyền và nghĩa vụ của trẻ em. Ở đó quy định cụ thể quyền lợi cũng như nghĩa vụ mà mỗi trẻ em được hưởng và cần thực hiện. Tiếp đến, với sự bùng nổ và phát triển của công nghệ số, nhiều vấn nạn về trẻ em đã được vạch trần, xử lí như bạo hành trẻ em, xâm hại trẻ em… Từ đó mà xã hội cũng quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Trẻ em là tương lai của đất nước, bởi vậy các em cần được học tập và rèn luyện trong một môi trường tốt nhất. Việc xây dựng hệ thống giáo dục phù hợp, phát triển là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, trẻ em cũng cần được quan tâm đến đời sống tinh thần, được vui chơi một cách lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội… Hãy cùng chung tay quan tâm, chăm sóc trẻ em.

Viết một đoạn văn về việc quan tâm chăm sóc trẻ em hoặc thực trạng trẻ em nông thôn ở Việt Nam mẫu 2

Sự phát triển của trẻ em luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Ở nước ta, việc quan tâm chăm sóc trẻ em ngày càng được nêu cao và đã đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp, to lớn đáng ghi nhận. Những năm gần đây, trẻ em được tiếp xúc với nhiều điều kiện học tập tốt hơn. Cụ thể, các em được tham gia nhiều chương trình ngoại khóa, trẻ em thành phố được tiếp xúc nhiều hơn với những giá trị bình dị, thân thuộc của quê hương, nông thôn. Trẻ em nông thôn có cơ hội đến thăm những thành phố lớn, ngắm nhìn cuộc sống hiện đại hơn. Việc học tiếng Anh của em ngày nay đã được cải thiện và nâng cao hơn rất nhiều so với trước đây. Hầu như ở tiểu học, các em đều đã được tiếp xúc, cọ sát với tiếng Anh từ mức độ cơ bản trở lên. Đã có rất nhiều các em học sinh tiểu học nhưng có thể nói thành thạo cả tiếng Việt và tiếng Anh. Điều này rất có lợi cho các em ở tương lai khi muốn hội nhập quốc tế và tìm kiếm cơ hội, việc làm ở những quốc gia phát triển hơn. Bên cạnh việc giáo dục, sức khỏe của các em cũng được ưu tiên, chăm sóc hàng đầu. Có nhiều chương trình thăm khám, chữa bệnh cho các em ra đời và đạt được hiệu quả tốt. Có thể thấy, ở thời điểm hiện tại, việc quan tâm, chăm sóc trẻ em đang được thực thi một cách đều đặn, phổ biến và đã bước đầu có được những thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, muốn có được một thế hệ nhân tài, cống hiến nhiều hơn cho nước nhà thì không chỉ việc quan tâm chăm sóc trẻ em được chú trọng mà ngay chính bản thân mỗi người học sinh cũng cần biết nỗ lực trong chính cuộc sống của mình để trở thành một công dân tốt ở tương lai, xứng đáng với những giá trị tốt đẹp mà bản thân mình đang được nhận.

Bài mẫu 3: Thực trạng trẻ em nông thôn ở Việt Nam

Trẻ em vốn là măng non của đất nước, sau này tiếp bước thế hệ đi trước để gây dựng sự nghiệp nước nhà. Nhưng một thực tế không thể chối bỏ đó là trẻ em ở những vùng nông thôn của Việt Nam đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong điều kiện phát triển. Nếu trẻ em thành phố được tiếp cần với tiếng anh và công nghệ thông tin từ rất sớm và sử dụng thành tạo chúng thì với trẻ em ở nông thôn thì những thứ đó còn khá “mơ màng”. Các em được tiếp xúc với tiếng anh khi học lớp 3 ở tiểu học và chỉ vỏn vẹn những từ hết sức đơn giản. Vì không có giáo viên người nước ngoài và không có điều kiện giao tiếp nên chủ yếu các em không thể hiểu và giao tiếp được. Hơn nữa, việc phát âm tiếng anh của các em không được “chuẩn” như các bạn đồng trang lứa ở thành phố. Vài năm trước và đến tận bây giờ nhiều học sinh ở những vùng thôn được tiếp cận với máy tính và môn tin học ở trường THCS. Tuy nhà nước đã có nhiều chính sách để cải thiện về điều kiện học tập nhưng đối với quốc gia nông nghiệp như chúng ta thì chưa thể kiểm soát hết và tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nơi giống nhau. Không chỉ ở điều kiện học tập mà trong điều kiện chăm sóc sức khỏe của các em cũng còn nhiều hạn chế. Ở những vùng nông thôn còn đói nghèo, trẻ em phải lao động từ rất sớm và thường xuyên ăn uống không đủ dinh dưỡng. Từ thực tế này đã dẫn đến hậu quả suy dinh dưỡng và phát triển không tốt. Từ những thực trạng đáng báo động trên, nhà nước cần có nhiều chính sách hơn nữa để quan tâm đến trẻ em vùng thôn đồng thời cũng cần đến sự chung tay của những con người chúng ta để thế hệ trẻ vùng nông thôn có nhiều điều kiện phát triển hơn nữa góp phần giúp đất nước này ngày càng tốt đẹp hơn.

Bài mẫu 4 - Quan tâm chăm sóc trẻ em

Tương lai của mỗi dân tộc và của toàn nhân loại phụ thuộc vào sự chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ; phụ thuộc vào sức khoẻ, trí tuệ, năng lực... của thế hệ trẻ. Trong "Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường", Bác Hồ viết: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu". Trẻ em là người sẽ quyết định tương lai, vị thế của mỗi dân tộc trên trường quốc tế. Qua vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em, chúng ta có thể nhận ra được trình độ văn minh và phần nào bản chất của một xã hội. Vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang được cộng đồng quốc tế quan tâm thích đáng: Năm 1989, Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em ra đời đã ghi nhận các quyền cơ bản của trẻ em như các nhóm quyền sống còn, nhóm quyền bảo vệ, nhóm quyên phát triển và nhóm quyền tham gia. Công ước này thể hiện sự tôn trọng và quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với trẻ em, là điều kiện cần thiết để trẻ em được phát triển đầy đủ trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và thông cảm. Năm 1990, Tuyên bố thế giới... đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể và toàn diện nhằm bảo vệ và chăm sóc trẻ em cùng với một bản kế hoạch hành động khá chi tiết trên từng mặt cơ bản. Tuyên bố này một lần nữa thể hiện sự quan tâm thích đáng của cộng đồng quốc tế đối với các quyền lợi và tương lai của trẻ em. Vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việt Nam lả nước thứ hai trên thế giới kí và phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em. Sau Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định Chương trình hành động vì sự sổng còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em Việt Nam từ năm 1991 đến 2000, đặt thành một bộ phận của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trên cơ sở đường lối, chiến lược phát triển đó, chính quyền địa phương các cấp đã vạch kế hoạch, hành động cụ thể nhằm đảm bảo các quyền lợi của trẻ em như các chính sách hỗ trợ kinh tế đối với trẻ em nghèo để các em có thể đến trường, quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, trường học, thiết bị dạy học... để nâng cao chất lượng giáo dục, kêu gọi các tổ chức xã hội và nhân dân đóng góp xây đựng trường lớp, giúp đỡ trẻ em khuyết tật, đóng góp quỹ vì người nghèo, vì trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam, khuyến khích mở các lớp học tình thương, các trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật, lang thang không nơi nương tựa…

Bài mẫu 5 - Quan tâm chăm sóc trẻ em

Chăm sóc bảo vệ trẻ em là một trong những vấn đề cấp bách. Chăm sóc trẻ em được tiến hành trên cả 2 mặt: Vật chất và tinh thần. Gia đình với khả năng cao nhất của mình cung cấp cho trẻ em những điều kiện tốt nhất để phát triển về thể chất. Trong điều kiện hiện nay, kinh tế gia đình về cơ bản đã được nâng lên với mức ổn định, vì vậy các bậc cha mẹ cần dành cho trẻ không chỉ về điều kiện vật chất mà cần chú trọng chăm sóc về mặt trí tuệ. Trẻ em không phân biệt trai hay gái được tạo điều kiện học tập phát triển theo khả năng của mình. Để tạo môi trường chăm sóc thuận lợi, cha mẹ cần tạo một bầu không khí yêu thương, đoàn kết, gắn bó quan tâm giữa các thành viên gia đình, cho dù cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng khi có trẻ em trong gia đình thì các thành viên phải cố gắng bỏ qua những mâu thuẫn, xích mích để cho trẻ em luôn luôn có cảm tưởng rằng ngôi nhà của mình chính là tổ ấm. Với những trẻ em có thiên hướng xuất hiện một số năng khiếu, cha mẹ phải biết phát hiện, khuyến khích tạo mọi điều kiện để ươm mầm tài năng. Việc chăm sóc phát triển trí tuệ cho trẻ em có quan hệ chặt chẽ với việc giáo dục, xã hội hoá trẻ em. Quan điểm giáo dục hiện nay coi gia đình là một trong ba môi trường giáo dục trẻ em quan trọng. Gia đình là trường học đầu tiên và suốt đời của mỗi con người. Bởi gia đình có trách nhiệm thực hiện chức năng giáo dục thông qua 3 giai đoạn phát triển của trẻ em: từ 1-3 tuổi, từ 3-6 tuổi và từ 6-18 tuổi. Cả ba giai đoạn trên, trẻ em được giáo dục, dạy dỗ của gia đình lớn lên chịu ảnh hưởng các chuẩn mực trong gia đình và dần dần tiếp cận các chuẩn mực ngoài xã hội.

---------------------------

Ngoài tài liệu trên, mời các bạn tham khảo thêm Ngữ văn lớp 9, Văn mẫu, Soạn văn 9 để học tốt Văn 9 hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
60
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Văn 9 Sách mới

    Xem thêm