Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn (Đề 1)
Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn (Đề 1) do VnDoc ra đề, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 12 trong quá trình ôn thi đại học luyện thêm đề thi thử môn Ngữ văn có đáp án.
Đề thi thử THPT Quốc Gia môn Ngữ Văn có đáp án
Đề thi thử THPT Quốc Gia 2024 môn Ngữ Văn do Đội ngũ giáo viên VnDoc biên soạn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:
- Phần Đọc hiểu văn bản gồm 4 câu hỏi được chọn lọc bám sát chương trình học, theo đúng 4 cấp độ Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng thấp - Vận dụng cao.
- Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội 200 chữ và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn đại học năm nay.
Ngoài ra, để thi THPT Quốc gia đạt kết quả tốt hơn, luyện đề đọc hiểu môn Ngữ văn mời thầy cô và các em tham khảo: Tuyển tập 101 đề đọc hiểu có đáp án cũng do giáo viên VnDoc tổng hợp, tinh chỉnh.
Bản quyền đề thi thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép nhằm mục đích thương mại.
1. Đề thi thử THPT Quốc Gia môn Ngữ Văn
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong cuộc xây dựng cho mình một hình ảnh cá nhân. Chúng ta đã trở nên kỳ quặc mà không hề biết. Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ô tô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng tắm lên bàn – chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại (…)
Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn. Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp. Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta bị xáo trộn, bứt rứt, và ghen tị với cuộc sống của người khác như một người đói khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi. Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái news feed để hòng tìm một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một người xa lạ, để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.
(Trích Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang, tr.76 - 77, NXB Hội Nhà văn, 2016)
Câu 1 (0,5đ): Đoạn trích trên bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống tinh thần hay vật chất?
Câu 2 (0,5đ): Theo tác giả, chiếc smartphone đem đến cho con người những lợi ích và tồn tại gì?
Câu 3 (1đ): Tại sao tác giả cho rằng, những trải nghiệm trên mạng xã hội sẽ “ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay hay một tác phẩm nghệ thuật lớn”?
Câu 4 (1đ): Qua những cảnh báo trong đoạn trích, anh/chị rút ra bài học gì?
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận (200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề giao tiếp thời công nghệ.
Câu 2 (5đ): Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân.
2. Đáp án đề thi thử THPT Quốc Gia môn Ngữ văn
2.1. Đáp án phần Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (0,5đ): Đoạn trích bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống tinh thần của con người.
Câu 2 (0,5đ):
Chiếc smartphone đem đến cho con người những lợi ích và tồn tại:
- Lợi ích: thoải mái chia sẻ cuộc sống cá nhân.
- Tồn tại:
- Càng kết nối, càng online thì con người càng cô đơn hơn.
- Sự tương tác hời hợt và vội vã trên mạng xã hội làm con người thấy trống vắng, không tìm được cảm giác quan tâm thật sự.
- Sự hạn chế trong giao tiếp vì thời gian dành cho cuộc sống ảo quá nhiều.
- Sự so sánh, đố kị khi nhìn ngắm cuộc sống trên mạng xã hội dẫn đến cảm giác bứt rứt, xáo trộn, ghen tị với cuộc sống của người khác.
⟹ Cuộc sống ảo trên mạng xã hội chi phối làm cho con người dường như tê liệt trong cuộc sống thực tế. Con người chạy trốn bản thân mình, sống cuộc sống trong đám đông hỗn loạn trên mạng xã hội.
Câu 3 (1đ):
Tác giả cho rằng, những trải nghiệm trên mạng xã hội sẽ “ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay hay một tác phẩm nghệ thuật lớn”, vì:
- Khi đúng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, con người được tiếp nhận, thẩm thấu những cái hay, cái đẹp của tự nhiên và nghệ thuật. Chính điều đó giúp cho tâm hồn con người được thanh lọc, cảm thấy thảnh thơi, thêm yêu cái đẹp và yêu cuộc sống.
- Những trải nghiệm trên mạng xã hội không cho ta những cảm giác trên mà chỉ đem đến cho ta sự bứt rứt, xáo trộn, ghen tị với cuộc sống của người khác, làm ta trở nên nhỏ nhen, thấy mình bất hạnh, thiếu thốn. Trong một thế giới ảo hỗn độn ấy, con người không tìm thấy sự sẻ chia, quan tâm thật sự mà chỉ là sự tương tác hời hợt giữa những người xa lạ. Chính vì vậy, càng đi sâu vào cuộc sống ảo, con người càng cảm thấy thiếu thốn, trống trải, cô đơn mà không bao giờ có được cảm giác “đầy đặn” như khi đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn.
Câu 4 (1đ):
Qua những cảnh báo trong đoạn trích, cần rút ra những bài học sau:
- Đừng tự mình chạy trốn bản thân, đừng rơi vào thế giới hỗn độn của mạng xã hội. Bởi lẽ, càng kết nối, càng online, càng đắm chìm trong thế giới ảo thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn.
- Bình tâm hơn giữa đời thực: quan tâm đến những mối quan hệ thực tế, đến gia đình, người thân; cùng nhau trò chuyện, tâm sự nhiều hơn thay vì thời gian căm tức, đố kị, ghen ghét… với những thứ xa lạ ở thế giới ảo.
⟹ Đã tới lúc chúng ta cần tách ra khỏi đám đông, khước từ sự chuyên chế của nó. Người ta chỉ có thể lắng nghe tiếng nói bên trong mình nếu bỏ được ra ngoài sự ồn ào xung quanh.
II. Làm văn (7đ)
Câu 1 (2đ):
2.2. Dàn ý nghị luận xã hội 200 chữ về vấn đề giao tiếp thời công nghệ
1. Mở bài
Cuộc sống tiện ích hơn với những thiết bị hiện đại và đó là bắt nguồn của những giao tiếp thời công nghệ.
2. Thân bài
a. Thực trạng
- Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh: mọi người cùng uống cà phê nhưng không ai nói chuyện với ai, chỉ chú tâm vào lướt điện thoại.
- Ngay cả quan hệ công việc, tình yêu hay gia đình cũng nói chuyện trên mạng.
- Đa số các vụ bạo lực học đường hiện nay đều có liên quan đến vấn đề giao tiếp trên mạng xã hội.
b. Nguyên nhân
- Một số bạn còn quá lệ thuộc vào công nghệ, chưa biết kiểm soát bản thân hoặc muốn thể hiện bản thân mình.
- Nhiều bạn cho rằng việc giao tiếp trên thiết bị công nghệ và mạng xã hội sẽ tiện hơn, nói chuyện được với nhiều người hơn.
c. Hậu quả
- Giao tiếp bằng cách trò chuyện trực diện ngày càng bị chối bỏ.
- Các mối quan hệ bị rạn nứt hoặc mất đi: Quan hệ thân thiết giữa những người trong gia đình, bạn bè, xã hội ngày càng “nhạt” đi, khó thấu hiểu và cảm thông lẫn nhau.
d. Biện pháp
- Chúng ta hãy cùng thực hiện qua khẩu hiệu: “Hãy tắt máy tính, ra ngoài và gặp ai đó”, hay “Hãy đối mặt với vấn đề của bạn, đừng mang nó lên Facebook”.
- Bản thân mỗi người cần biết kiểm soát việc sử dụng công nghệ của bản thân.
3. Kết bài
Hãy biết làm chủ cuộc sống của mình một cách thông minh nhất.
Câu 2 (5đ):
2.3. Dàn ý phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong Vợ nhặt
1. Mở bài
Trong truyện ngắn Vợ nhặt, không chỉ anh Tràng hay cô thị được nhà văn Kim Lân miêu tả khiến bạn đọc cảm mến mà nhân vật bà cụ Tứ cũng để lại trong lòng độc giả nhiều cảm xúc.
2. Thân bài
a. Sự ngạc nhiên của cụ khi anh Tràng dẫn vợ về
- Khi làm về, thấy một người phụ nữ ngồi trong nhà mà còn thưa u.
- Bà cụ vẫn không tin vào những gì con trai mình nói “Kìa nhà tôi nó chào u...”, “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ”.
- Bà vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
→ Bà cụ ngạc nhiên vì con mình xấu xí, nghèo mà vẫn có vợ trong thời khó khăn.
b. Tâm trạng vừa mừng vừa tủi của cụ
- Khi biết rằng con bà “nhặt” được vợ, bà nghĩ đến chồng, đến con gái trở nên buồn.
- Vui vì con đã an bề gia thất, buồn phận làm mẹ mà không cưới nổi vợ cho con.
- Cái tủi, cái buồn của người mẹ bị dồn vào cảnh nghèo cùng quẫn.
- Bà không biết lấy gì để cúng tổ tiên, để trình làng con đã có vợ.
- Bà khóc vì mừng con có vợ, khóc vì thương con dâu không biết làm sao vượt qua nổi khó khăn này.
→ Bà cụ xót thương cho con dâu vì lấy con trai mình đúng lúc đói nghèo nhất, buồn tủi cho nhà mình.
c. Nỗi lo của bà cụ Tứ
- Bà lo cho con trai, con dâu, cái gia đình nhỏ của mình không biết phải qua những ngày khó khăn như thế nào.
- Bà khuyên con, khuyên dâu thương nhau, vượt qua khó khăn.
- Cố gắng lạc quan, vui vẻ để các con sống tích cực hơn.
→ Nỗi lo, niềm thương của người mẹ từng trải, hiểu đời có tấm lòng sâu thẳm đối với con của mình.
d. Niềm tin vào tương lai, vào cuộc sống của bà cụ Tứ
- Bà suy nghĩ vui trong những điều tốt đẹp tương lai “Rồi ra may mà ông giời cho khá…”
- Vui trong công việc sửa sang vườn tược, nhà cửa.
- Vui trong bữa cơm đạm bạc đầu tiên có con dâu.
→ Bà vẫn luôn tạo một không khí ấm cúng cho bữa ăn để con đâu đỡ tủi.
3. Kết bài
Kim Lân đã để lại trong lòng người đọc những dư âm khó phai về hình ảnh bà cụ Tứ nghèo đó nhưng vẫn ánh lên tình yêu thương đáng ngưỡng mộ. Bà cũng là hiện thân của những gì cao đẹp nhất của một con người, một nhân cách.
Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:
- 15 đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn có đáp án
- 20 đề đọc hiểu thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn
- Tổng hợp 150 đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
- Phân tích truyện Vợ nhặt
Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: 2k2 quyết tâm đỗ đại học và Tài liệu học tập lớp 12.
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn (Đề 1). Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Giải bài tập Lịch Sử 12, Giải bài tập Địa Lí 12, Trắc nghiệm Toán 12, Giải bài tập Tiếng Anh lớp 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.
Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.